Tỷ lệ học sinh có vấn đề tâm lý ngày càng gia tăng
Theo chuyên gia, trong môi trường học đường, học sinh mắc phải muôn vàn vấn đề tâm lý khiến việc tư vấn tâm lý cần phải được tiếp cận từ những bước đầu.
Học sinh tư vấn tâm lý tại một trường THPT ở TP.HCM – PHẠM HỮU
Nhạy cảm nhất là độ tuổi vị thành niên
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Triều Tiên, Trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết đa phần trẻ em Việt Nam đều đang ở độ tuổi đến trường, trong đó, từ 0 – 6 tuổi, từ 7 – 12 tuổi và 13 – 18 tuổi sẽ có những vấn đề tâm lý khác nhau. Nhạy cảm nhất về tâm lý là độ tuổi vị thành niên.
Đây là lứa tuổi đặc biệt bởi thời điểm này học sinh (HS) có nhiều thay đổi về thể chất, tâm lý cũng như quan hệ xã hội, gia đình. Đồng thời, trong môi trường học đường cũng là một tác nhân làm trẻ thay đổi suy nghĩ và ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất.
Trong trường học hiện nay có quá nhiều sự thay đổi khi HS chuyển cấp. Ở tiểu học, HS được nâng niu, cưng chiều nhưng lên cấp THCS, HS phải đối mặt với môi trường có sự cạnh tranh, ganh đua về điểm số, các kỳ kiểm tra, kỳ thi liên tục. HS bị áp lực đột ngột về kết cấu chương trình cô đặc, cách xếp loại, chấm điểm. Chính vì những chuyển biến như vậy khiến trẻ dễ bị sốc trong môi trường học đường. Chưa kể bản thân HS cũng đang gặp khó khăn về tâm lý ở lứa tuổi này.
Ghi nhận thực tế tại khoa tâm lý tâm thần trẻ em, trung bình khoảng 500 – 700 bệnh nhân trẻ em đến khám trong một tuần về tâm lý tâm thần. Tỷ lệ bệnh nhân là trẻ vị thành niên chiếm số lượng lớn.
Bị tâm lý vì học tập hay các mối quan hệ ?
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Triều Tiên, hiện nay nhiều người còn nhầm lẫn HS bị tâm lý vì quá tải trong học tập. “Điều đó chỉ phản ánh một phần, cái chính HS đang quá tải về các mối quan hệ với giáo viên (GV), bạn bè và những đối tượng tương đồng khác”, bác sĩ Tiên nhấn mạnh.
Mối đe dọa từ internet hay những trào lưu và những hội nhóm xấu trên không gian mạng khiến HS bị tẩy chay chỉ vì không theo kịp xu hướng với bạn bè. Một thực tế đau lòng khác là những HS càng học giỏi càng có vấn đề tâm lý nhiều hơn. Đối tượng này dễ bị tổn thương bởi áp lực mình phải luôn giỏi trong mắt nhiều người.
Cha mẹ thường mang con học giỏi làm “trang sức” cho mình mà không quan tâm đến suy nghĩ của con. Chỉ cần không thích ứng với những thay đổi nhỏ về điểm số, sợ người khác thất vọng về mình dẫn đến nguy cơ HS có tư tưởng tự tử rất cao.
Video đang HOT
Ngoài ra, giới tính cũng là vấn đề chi phối tâm lý HS. Đa phần nữ sinh dễ bị tác động tâm sinh lý nhiều hơn nam. Tuy vậy, HS nam cũng vướng phải tâm lý do nhiều vấn đề từ bạn học như: bị nhận xét hình thể, lo lắng về sự thu hút khác giới, cạnh tranh thành tích… Những vấn đề này dần dần dồn nén khiến HS bị áp lực tâm lý kéo dài.
Không thể để tình trạng giáo viên kiêm nhiệm
Theo quan sát của bác sĩ Tiên, hiện trạng ngành giáo dục chưa thực sự quan tâm vị trí việc làm cho đội ngũ chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp. Hiện nay tư vấn tâm lý trong trường học là những GV kiêm nhiệm, không đủ chuyên môn để xử lý mâu thuẫn tâm lý cho HS, không biết nơi gửi HS đến khám khi có vấn đề. HS tìm đến với thầy cô nhưng GV rất thờ ơ. Một số thầy cô không biết phải xử lý như thế nào với nhiều trường hợp khó. Hiện nhiều GV vẫn còn tư duy thụ động, ngồi chờ HS tư vấn.
Muốn làm tốt tâm lý học đường trước nhất cần chuyên gia tâm lý đúng chuyên ngành. Trường học phải là nơi giải quyết và ngăn chặn chiều hướng tâm lý xấu của HS từ sớm. Nếu không phát hiện và can thiệp sớm vấn đề tâm lý, nhiều khả năng tương lai của HS sẽ rẽ sang hướng hoàn toàn tiêu cực.
Chữa khi đã quá muộn
Bác sĩ Tiên cho biết xã hội hiện nay còn nhiều định kiến nặng nề về tâm lý tâm thần. Có trường hợp phụ huynh đưa con đến bệnh viện là bước đi cuối cùng vì con đã trải qua nhiều biến cố lớn. Thật sự, bước đi này đã quá muộn và chỉ để giải quyết hậu quả đã xảy ra. “Tôi còn nhớ có một phụ huynh dẫn người con thứ 2 của mình đến khám vì đứa con đầu đã tự tử vì áp lực tâm lý. Đứa trẻ đầu đó là niềm tự hào của gia đình, có thành tích học giỏi, năng động và rực rỡ trong mắt mọi người. Nhưng gia đình không nhận thấy được con có vấn đề tâm lý gì. Đến một ngày, công an gọi điện cho phụ huynh đến nhận xác con mới biết được con mình tự tử vì vấn đề mâu thuẫn tâm lý. Đó là một điều đáng tiếc khi phụ huynh không quan tâm tư vấn tâm lý trẻ ngay từ đầu”, bác sĩ Tiên nói.
Giáo viên cần tìm đến các em để tư vấn
Ngày 18.12.2017, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 31 về việc hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho HS. Đây là tín hiệu vui, giúp cho các HS an tâm, có nơi để “giãi bày tâm sự” với người làm công tác tư vấn tâm lý học đường.
Tuy nhiên thực tế hiện nay công tác tư vấn học đường vẫn còn là hình thức, nhiều trường không có phòng tư vấn, rồi thầy cô làm công tác tư vấn cũng chỉ là GV kiêm nhiệm, không có chuyên môn nên chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn của HS phong phú đa dạng.
Để công tác tư vấn tâm lý học đường hiệu quả cần có những giải pháp sau.
Các trường cần thành lập phòng tư vấn và có chuyên gia tư vấn tâm lý học đường chuyên trách (bắt buộc).
Song song việc tư vấn, cần có kế hoạch giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn bằng việc kêu gọi các nhà hảo tâm đỡ đầu cho từng em. Về mặt tinh thần, hằng tuần mời những em có hoàn cảnh khó khăn trong học tập, tình cảm… đến để động viên, hỏi thăm và phối hợp với các đoàn thể có giải pháp thiết thực giúp các em. Tư vấn cũng kết hợp tốt với chính quyền địa phương, các đoàn thể ban ngành động viên gia đình giúp sức học sinh nghèo, khó khăn.
Phương châm là chủ động tìm đến các em để tư vấn, đừng để các em phải tìm đến tư vấn.
Hy vọng, với việc trường học có chuyên gia tư vấn học đường cùng những việc làm cụ thể, thiết thực, thường xuyên “mưa dầm thấm lâu” giúp HS có nơi để chia sẻ riêng tư tạo nên môi trường thân thiện. Đừng để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nguyễn Văn Lực
Giáo dục giới tính theo phương thức cấm đoán không còn phù hợp
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay chương trình giáo dục vẫn còn lỗ hổng lớn về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, dẫn đến nhiều học sinh thiếu hiểu biết về vấn đề này, để lại những hậu quả đáng tiếc.
Mới đây, vụ một nữ sinh lớp 7 tự sinh con trong nhà vệ sinh khiến dư luận không khỏi giật mình. Điều đáng nói, chỉ khi nữ sinh này sinh xong, gia đình và nhà trường mới hay biết sự việc. Câu chuyện được coi như một hồi chuông cảnh báo với không ít phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên.
Từ câu chuyện này cũng đặt ra những băn khoăn rằng phải chăng, công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn hiện nay tại các cấp học còn quá nhiều lỗ hổng, và phải chăng, khoảng cách giữa các thế hệ thầy cô, cha mẹ và học sinh đang dần xa cách, để lại những sự việc không mong muốn.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chia sẻ với phóng viên VOV về vấn đề này.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đang rất hạn chế.
PV: Từ những trường hợp trẻ dưới tuổi vị thành niên phải làm cha, mẹ bất đắc dĩ xảy ra trong thời gian qua, phải chăng công tác giáo dục về giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản trong nhà trường hiện nay vẫn còn những lỗ hổng, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh: Thực trạng giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đang rất hạn chế. Tính đến thời điểm này vẫn chưa có môn học này trong chương trình giáo dục của các cấp bậc đào tạo. Những kiến thức này mới chỉ bắt đầu được lồng ghép vào một số môn học ở các bậc đào tạo, như môn Khoa học của bậc Tiểu học, môn sinh học của bậc Trung học cơ sở hay một số buổi sinh hoạt ngoại khóa của bậc Trung học phổ thông...Tuy nhiên, mức độ lồng ghép những kiến thức này vẫn còn rất hạn chế, chưa được đầy đủ, toàn diện và mang tính hệ thống.
Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy nhiều thầy cô vẫn e ngại và không muốn lồng ghép giảng dạy, chia sẻ về những kiến thức liên quan đến giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản. Khi tôi học lớp 8, môn Sinh học có bài về cơ thể người nói đến cấu tạo của bộ phận sinh dục và các hiện tượng kinh nguyệt của nữ giới, xuất tinh của nam giới, cô giáo đã ngại không giảng mà cho chúng tôi về nhà tự đọc và nghiên cứu.
Khi tôi học đại học ngành Luật có những bài giảng về tội phạm xâm hại tình dục nói đến các hành vi hiếp dâm, giao cấu... bản thân nhiều thầy cô đại học cũng ngại giảng hay nói sâu về những tội này, sinh viên thì thẹn thùng và ngại nghe những kiến thức này. Hoặc, trong một chủ đề nào đó được thảo luận công khai nơi công cộng, nếu đề cập đến các vấn đề này thì thường mọi người sẽ lảng tránh, không dám chia sẻ thật sự các suy nghĩ quan điểm của mình, thậm chí có người còn gạt đi không muốn đề cập đến vì xấu hổ hoặc cho rằng không tốt. Nếu ai đó mà hưởng ứng, hoặc hào hứng nghe hoặc nói về những chủ đề này đặc biệt nữ giới thì ngay lập tức sẽ bị những người xung quanh bàn tán.
Sở dĩ có những hiện tượng này là bởi người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc những quan niệm và văn hóa của một nền phong kiến lâu đời.
Đáng buồn là trong những năm gần đây Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ nạo hút, phá thai ở tuổi vị thành niên và truy cập vào các các website sex; các tội phạm xâm hại tình dục cũng gia tăng, thiên biến vạn hóa về thủ đoạn phạm tội, phong phú, đa dạng, phức tạp về chủ thể phạm tội cũng như nạn nhân bị xâm hại... Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn trên là những lỗ hổng trong việc giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản.
PV: Thực tế nhiều bậc phụ huynh vẫn dùng cách ngăn cấm, thay vì dạy con hiểu đúng, đủ về giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản. Nhịp sống công nghiệp nhanh cũng đang khiến nhiều bậc phụ huynh ít có thời gian quan tâm đến con cái hơn. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh: Thực tế cho thấy, do sự hổng khuyết về những kiến thức này trong các cấp bậc đào tạo từ trước nên không phải chỉ các con bị hạn chế về kiến thức giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản mà chính các bậc phụ huynh cũng bị hạn chế những kiến thức này nên việc giáo dục giới tính và các kiến thức liên quan cho con còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhiều gia đình bị cuốn vào cuộc sống công nghiệp, bố mẹ mải mê kiếm tiền cả ngày, hầu hết các gia đình chỉ sinh hoạt chung với nhau vào buổi tối hoặc cuối tuần. Ngoài ra, còn nhiều bậc phụ huynh mắc bệnh thành tích nên chỉ chăm chú vào việc bồi dưỡng kiến thức cho con, ban ngày con đi học, tối đến lại tiếp tục đi học thêm, dẫn đến việc cha mẹ và con cái không gần gũi, gắn kết, cũng có thời gian chia sẻ, tâm sự. Thậm chí nhiều phụ huynh vô tâm tới mức không nhận diện được việc con cái thay đổi về tâm lí, sinh lí, và cơ thể. Nên vụ việc nữ sinh lớp 7 chỉ đến khi sinh con, gia đình mới biết không còn là chuyện hiếm hoi.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, giáo dục theo phương thức cấm đoán không còn phù hợp với sự vận động và phát triển của xã hội ngày nay. Việc người lớn cấm đoán sẽ càng khiến trẻ tò mò và kích thích trẻ lao vào tự tìm hiểu những việc bị cấm đoán. Đặc biệt, đối với những trẻ đang ở lứa tuổi dậy thì, bắt đầu có sự thay đổi và chưa ổn định về cả sinh lí, tâm lí. Trẻ sẽ xuất hiện các cảm nhận về giới tình và giới rõ nét, thậm chí hình thành những cảm xúc khác giới như thích, yêu... Nếu thấy trẻ thích hoặc yêu nhau, gần gũi, thân thiết nhau mà phụ huynh cấm đoán, sẽ dẫn đến những phản ứng ngược, trẻ sẽ hình thành tâm lý và các biện pháp phòng ngừa đối với với bố mẹ, thầy cô. Thậm chí trẻ sẽ có xu hướng nói dối, khiến bố mẹ khó nhận diện tình trạng thực tế để có những phân tích, chia sẻ và định hướng với con kịp thời, đúng đắn.
PV: Vậy theo bà, cần có những thay đổi ra sao trong chính gia đình và nhà trường để nâng cao nhận thức về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn với học sinh hiện nay?
TS Nguyễn Thị Ngọc Linh: Tôi cho rằng, các bậc phụ huynh nên thay đổi quan điểm giáo dục, không nên cấm đoán. Hiện nay, độ tuổi dậy thì ở cả trẻ em nam và nữ đều sớm hơn rất nhiều so với trước đây, đặc biệt là các bé gái. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần trang bị cho con phù hợp theo từng lứa tuổi các kiến thức rất bài bản, đầy đủ về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn.
Nếu có thể, tôi đề xuất nên đưa những kiến thức này thành môn học trong nhà trường hoặc được lồng ghép đầy đủ, hệ thống và bài bản hơn trong các chương trình giáo dục hiện nay. Thậm chí, ngay từ bậc mầm non, tiểu học, đã cần dạy cho trẻ để nhận diện một cách rất rõ ràng về giới tính. Ở mỗi độ tuổi, cấp học, nên có những cách lồng ghép phù hợp khác nhau. Điều này vô cùng quan trọng, bởi không cha mẹ nào có thể nắm tay đi theo con cả ngày, cấm các con không được yêu đương, quan hệ tình dục. Chỉ khi có những hiểu biết đầy đủ về giới tính, tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản, các em sẽ hình thành nhận thức đúng đắn và cư xử đúng đắn, ngay cả khi bước vào những mối quan hệ tình cảm sâu đậm.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần chia sẻ, phân tích cho trẻ biết rằng, ở mỗi giai đoạn phát triển, đâu là nhiệm vụ chính của trẻ. Ví dụ, con có thể yêu, có thể có cảm xúc khác giới, khi mẹ bằng tuổi con cũng vậy, nhưng ở giai đoạn này, điều gì mới là quan trọng nhất. Nếu con thi trượt, học lại, thậm chí phải bỏ học thì sau này tương lai con ra sao? Phụ huynh có thể yêu cầu con tự viết ra những điểm lợi, hại của 2 trường hợp, đồng thời phân tích thiệt hơn để trẻ hiểu đúng và có hành vi xử sự đúng đắn. Nếu con tiếp tục muốn phát triển mối quan hệ, thì cha mẹ hãy hướng dẫn, chia sẻ và phân tích cho con để con biết điểm dừng, giới hạn.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn cho các con, đòi hỏi nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ. Để có thể chia sẻ, định hướng và dạy con hiệu quả, trước hết, bản thân mỗi ông bố, bà mẹ cũng cần tự trang bị kiến thức cho mình về vấn đề này. Ngoài việc giảng dạy chính thức hay lồng ghép vào các môn học, các trường cũng có thể tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tư vấn tâm lí... hay các buổi ngoại khóa để học sinh, sinh viên có cơ hội tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ và trang bị những kiến thức này đầy đủ, toàn diện hơn. Điều này, góp phần giúp xã hội, nhà trường và gia đình phát triển bền vững và loại bỏ, hạn chế được những rủi ro liên quan đến lĩnh vực này.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Học sinh TP Hà Tĩnh tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên Hội thi "Tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên" đã giúp hơn 250 học sinh THPT ở TP Hà Tĩnh nâng cao nhận thức trong tình bạn, tình yêu, hôn nhân... Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Tĩnh phối hợp với Thành đoàn Hà Tĩnh, Phòng Y tế TP Hà Tĩnh vừa tổ chức hội thi "Tìm...