Tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Áp dụng nhân hệ số 2 môn Văn, Toán có còn phù hợp?
Năm học 2021 – 2022, một số địa phương trong đó có Hà Nội tiếp tục áp dụng nhân hệ số 2 môn Ngữ văn và Toán kỳ thi vào lớp 10.
Nhiều ý kiến cho rằng cách làm này thể hiện sự phân biệt giữa các môn, chưa phù hợp với đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh.
Áp dụng hệ số, nơi giữ, nơi dự kiến bỏ
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất UBND TP điều chỉnh ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ sẽ cùng tính điểm hệ số 1 tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2021 – 2022. Lý do là bởi môn Ngoại ngữ cùng môn Văn, Toán là một trong 3 môn để xếp loại học sinh. Thay đổi này cho thấy môn Ngoại ngữ dần có vị trí quan trọng trong việc phân loại, đánh giá học sinh.
Bên cạnh đó, thời lượng học môn Ngoại ngữ ở các trường THPT được phân bổ bằng hai môn Toán và Ngữ văn (105 tiết/năm). Cũng theo đề xuất này, dự kiến môn thi Ngoại ngữ được nâng thời gian thi từ 60 phút lên 90 phút và tăng câu hỏi để phù hợp với thời lượng.
Trước dự kiến của Sở GD&ĐT TPHCM, theo ghi nhận, đã có nhiều ý kiến đồng tình của phụ huynh, nhà trường về việc bỏ hệ số đối với các môn thi vào lớp 10, nhằm nâng cao vai trò của môn Ngoại ngữ, môn học cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
“Việc thay đổi hệ số tính điểm sẽ thay đổi được cách nhìn nhận của cả giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh về môn Ngoại ngữ. Việc duy trì hệ số Ngữ văn, Toán từ trước đến nay khiến học sinh, giáo viên nghĩ rằng hai môn này là quan trọng nên tập trung học, ôn tập, còn Ngoại ngữ chỉ ôn tập qua loa, cần vài điểm có thể đỗ trường tốp đầu rồi”, một Hiệu trưởng Trường THPT tại TPHCM cho biết.
Tuy nhiên, trong khi TPHCM đang xem xét để 3 môn thi vào 10 có thể bình đẳng với nhau, một số nơi vẫn duy trì quy định môn Toán, Ngữ văn có hệ số 2, các môn thi còn lại chỉ có hệ số 1. Tiêu biểu như tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội đã vừa thông báo chọn môn Lịch sử là môn thi thứ 4 kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Cụ thể, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2021 – 2022 được tổ chức vào các ngày 29 và 30/5/2021 với 4 bài thi bắt buộc như sau: Bài thi, tổ chức 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Tuyển sinh lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2021 – 2022 tại Hà Nội tiếp tục áp dụng nhân hệ số 2 với Ngữ văn và Toán. Ảnh minh họa: Q.A
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi vào lớp 10 gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS.
Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ tư chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm của môn Toán, Ngữ văn (hệ số 2) và điểm Ngoại ngữ, Lịch sử (cộng thêm điểm ưu tiên, nếu có). Quy định nhân hệ số môn Toán và Ngữ văn đã được Hà Nội áp dụng từ nhiều năm nay.
Cần đánh giá bình đẳng giữa các môn học
Là người nhiều năm tham gia công tác tuyển sinh lớp 10, thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (nay cán bộ Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết, các địa phương tùy theo điều kiện để đưa ra phương thức tuyển sinh lớp 10 phù hợp với tình hình thực tế điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội.
Việc TPHCM đề xuất đưa các môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ có cùng hệ số và bình đẳng trong tuyển sinh cũng rất phù hợp theo đánh giá của Thông tư 26 mà Bộ GD&ĐT và hướng tới đánh giá học sinh theo năng lực thì các địa phương cũng cần điều chỉnh lại công tác tuyển sinh, tránh phân biệt giữa các môn học.
Cũng theo thầy Nguyễn Quốc Bình, đối với các tỉnh, thành đang áp dụng nhân hệ số cho hai môn Văn, Toán nếu được áp dụng theo Thông tư 26 sẽ phù hợp hơn. Cụ thể, cách thi và tuyển sinh theo “truyền thống” sẽ không thực hiện theo đúng định hướng đổi mới phương pháp, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Năm tới, các địa phương có thể thay đổi cách thi và tuyển sinh theo đánh giá năng lực sẽ phù hợp (có thể sử dụng bài thi tổ hợp môn chẳng hạn), để các môn học sinh phải học, không còn suy nghĩ môn chính, môn phụ. Chứ hiện nay vẫn nói rằng giáo dục toàn diện, song cách thi vẫn coi trọng một số môn.
Trên thực tế, không chỉ riêng thầy Bình mà nhiều giáo viên tại Hà Nội cũng chỉ ra một thực trạng học sinh chỉ đổ dồn vào các môn thi, trong đó trọng tâm chỉ học môn Toán, Ngữ văn bởi hai môn học này được nhân hệ số. Nhiều giáo viên trung học ở Hà Nội cũng cảm thấy bất ngờ bởi hàng năm, môn Ngoại ngữ (đa số học sinh thi môn Tiếng Anh) trong kỳ thi vào 10 tại Hà Nội điểm thi ở mức thấp đến khó tin, là môn thi có phổ điểm thấp nhất trong các môn thi.
Video đang HOT
Nhiều giáo viên chỉ ra rằng, sự quan tâm của học sinh đối với môn này là chưa thực sự, chỉ những học sinh dự thi trường chuyên, trường tốp đầu mới chú trọng học, còn lại chỉ học với vai trò môn thi phụ.
“Bộ môn Ngoại ngữ, ở vùng ngoại thành Hà Nội cũng khá rộng lớn, điều kiện ở chưa thực sự đảm bảo nên có sự chênh lệch việc học Ngoại ngữ giữa học sinh trung tâm và ngoại thành. Điểm thi vào 10 của học sinh nội thành rất cao, trong khi ngoại thành lại thấp.
Năm nay, môn Ngoại ngữ và Lịch sử ở kỳ thi vào 10 chỉ có 3 cấp độ, không yêu cầu cao như môn Toán, Ngữ văn, vì thế điểm thi hai môn hệ số 1 này cũng dự báo điểm sẽ cao. Tuy nhiên, tôi hy vọng, ở kỳ tuyển sinh sau, Hà Nội sẽ thay đổi lại cách tính điểm hệ số, để các môn thực sự được bình đẳng và học sinh học đều và tốt các môn”, thầy Nguyễn Quốc Bình đề xuất.
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các trường THPT ngoài công lập yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 – 2022. Trong đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông báo 5 trường chưa đủ điều kiện tuyển sinh năm học tới.
Cụ thể, Trường THPT Đặng Thai Mai – Sóc Sơn xin dừng tuyển sinh năm học 2021 – 2022. THPT Đại Việt và THPT Global không có hồ sơ xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10; Trường THPT Phú Bình chưa được cấp phép hoạt động và Trường THPT Nguyễn Văn Huyên chưa được cấp phép chuyển địa điểm hoạt động.
Giải đáp băn khoăn về đánh giá xếp loại học sinh theo Thông tư 26
Hiện nay, việc đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được thực hiện theo Thông tư 26/2020.
Hiện nay các cơ sở giáo dục phổ thông đang diễn ra kỳ kiểm tra cuối kỳ I việc đánh giá xếp loại học sinh được thực hiện về học lực và hạnh kiểm sau khi hoàn tất việc chấm, công bố kết quả kiểm tra cuối kỳ I.
Tuy nhiên, việc đánh giá học sinh đã được thực hiện theo thông tư mới có nhiều thay đổi. Trong bài viết này, chúng tôi xin được nêu ra một số điểm mới về đánh giá, xếp loại học sinh từ trung học cơ sở, trung học phổ thông cho các đồng nghiệp cùng tham khảo.
Hiện nay, việc đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được thực hiện theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dưới đây là các điểm mới cơ bản.
Kết hợp bằng cho điểm và nhận xét ở tất cả các môn học trừ các môn năng khiếu
Theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT trước đây các môn năng khiếu (Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật) thì chỉ đánh giá bằng nhận xét Đạt hay chưa đạt; môn Giáo dục Công dân kết hợp điểm số và nhận xét; các môn còn lại đánh giá bằng điểm số.
Hiện nay tại Thông tư 26 mới này kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại trừ 3 môn năng khiếu.
Điều đó có nghĩa đối với 3 môn năng khiếu Âm nhạc, Thể dục, Mĩ thuật thì chỉ đánh giá bằng đạt hoặc chưa đạt, tất cả các môn còn lại Toán, Lý, Giáo dục Công dân, Sinh,... kết hợp cho điểm và nhận xét.
Việc đánh giá kết hợp các môn trên không phải ghi đạt, chưa đạt hay giỏi, khá mà phải đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Việc đánh giá kèm nhận xét sẽ giúp giáo viên theo sát học sinh hơn, nhận biết được sự thay đổi, tiến bộ của học sinh tuy nhiên sẽ khó khăn cho giáo viên dạy hàng trăm giáo viên sẽ khó khăn trong việc tìm lời nhận xét học sinh.
(Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn)
Không còn kiểm tra 1 tiết
Điểm mới cần chú ý thứ hai là không còn kiểm tra 1 tiết chỉ còn kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ). Thông tư 26 quy định số điểm kiểm tra, đánh giá và cách cho điểm như sau:
Số cột điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên (ĐĐGtx):
Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học (1 tiết/tuần trở xuống): 2 ĐĐGtx;
Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học (từ 1,5 đến 2 tiết/tuần): 3 ĐĐGtx;
Môn học có từ trên 70 tiết/năm học (Từ 2,5 tiết/tuần trở lên): 4 ĐĐGtx.
Việc cho điểm kiểm tra thường xuyên cũng linh hoạt hơn so với quy định trước đây, không nhất thiết phải kiểm tra miệng, 15 phút mà linh hoạt bằng các hình thức trả bài, thực hành, vấn đáp, thuyết trình, thực tế,....
Về kiểm tra, đánh giá định kì:
Trong mỗi học kì, một môn học có 01 (một) điểm đánh giá giữa kỳ và 01 (một) điểm đánh giá cuối kỳ ở tất cả các môn học;
Như vậy đã bỏ đi quy định kiểm tra 1 tiết so với quy định trước đây.
Thời gian kiểm tra gian kỳ, cuối kỳ do bộ môn đề xuất và hiệu trưởng quyết định.
Như vậy, so với quy định tại Thông tư 58/2011, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá học sinh theo Thông tư 26/2020 đã giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.
Sửa đổi tiêu chuẩn xếp loại học lực học sinh
Theo thông tư 26 mới thì sẽ có thêm môn Ngoại ngữ tham gia vào đánh giá chọn học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu cụ thể điểm mới như sau:
Sửa đổi, bổ sung " Điều 13 . Tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học
1. Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn , Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
2. Loại khá, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn , Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
3. Loại trung bình, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Điểm trung bình các môn học từ 5,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn , Ngoại ngữ từ 5,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 5,0 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 3,5;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
4. Loại yếu: Điểm trung bình các môn học từ 3,5 trở lên, không có môn học nào điểm trung bình dưới 2,0.
5. Loại kém: Các trường hợp còn lại. "
Như vậy, việc đưa thêm môn Ngoại ngữ vào tiêu chuẩn, điều kiện xếp loại sẽ có thêm nhiều học sinh được xếp loại giỏi, hạn chế học sinh xếp loại yếu.
Ví dụ học sinh A trước đây điểm trung bình là 8,5 trong đó các môn Toán 7,5; Văn 7,5; Anh văn 8,0 thì trước đây chỉ xếp loại khá thì quy định mới này đã được xếp loại giỏi
Ví dục khác học sinh B điểm trung bình 6,0 trong đó các môn Toán 4,5; Văn 4,5; Anh văn 5,0 thì trước đây chỉ xếp loại yếu phải thi lại thì quy định mới này đã được xếp loại trung bình.
Mở rộng đối tượng học sinh được điều chỉnh xếp loại do khống chế
Theo quy định mới, nếu điểm trung bình học kỳ (ĐTB hk ) hoặc điểm trung bình cả năm (ĐTB cn ) đạt mức của từng loại quy định tại các Khoản 1, 2 điều này nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" thấp hơn mức quy định cho loại đó nên học lực bị xếp thấp xuống thì được điều chỉnh như sau:
Trường hợp 1: Nếu ĐTB hk hoặc ĐTB cn đạt mức loại G nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" mà phải xuống loại Tb thì được điều chỉnh xếp loại K.
Ví dụ một học sinh có điểm trung bình là 8,0 đạt tiêu chuẩn giỏi nhưng có duy nhất một môn Ngoại ngữ có điểm trung bình 4,5 chỉ xếp loại trung bình thì được điều chỉnh xếp loại khá
Trường hợp 2: Nếu ĐTB hk hoặc ĐTB cn đạt mức loại G nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" mà phải xuống loại Y thìa được điều chỉnh xếp loại Tb.
Ví dụ một học sinh có điểm trung bình là 8,0 đạt tiêu chuẩn giỏi nhưng có duy nhất một môn Ngoại ngữ có điểm trung bình 3,4 chỉ xếp loại yếu thì được điều chỉnh xếp loại trung bình.
Trường hợp 3: Nếu ĐTB hk hoặc ĐTB cn đạt mức loại K nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" mà phải xuống loại Y thì được điều chỉnh xếp loại Tb.
Ví dụ một học sinh có điểm trung bình là 7,0 đạt tiêu chuẩn khá nhưng có duy nhất một môn Ngoại ngữ có điểm trung bình 3,4 chỉ xếp loại yếu thì được điều chỉnh xếp loại trung bình
Trường hợp 4: Nếu ĐTB hk hoặc ĐTB cn đạt mức loại K nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" mà phải xuống loại Kém thì được điều chỉnh xếp loại Y.
Ví dụ một học sinh có điểm trung bình là 7,0 đạt tiêu chuẩn khá nhưng có duy nhất một môn Ngoại ngữ có điểm trung bình 1,9 chỉ xếp loại kém (lưu ban) thì được điều chỉnh xếp loại yếu được thi lại.
Trên đây là một số điểm mới của việc đánh giá xếp loại học sinh trung học hiện nay.
Giáo viên chật vật đánh giá học sinh Từ cuối năm 2020 đến nay, cô Huyền, chủ nhiệm một lớp 12 ở Vĩnh Long, liên tục nhận được câu hỏi "mặt mũi em này thế nào" từ giáo viên bộ môn. Thông tư 26/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT...