Tuyển sinh trường quân đội: Mỗi thí sinh làm hai bộ hồ sơ
Một bộ hồ sơ đăng ký sơ tuyển do Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành và một bộ hồ sơ đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT phát hành.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ – Tổng tham mưu trưởng, Trưởng ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng – vừa ký công văn hướng dẫn đăng ký sơ tuyển vào đại học, cao đẳng quân sự năm 2016.
Nữ chiếm tối đa 10%
Đối tượng tuyển sinh quân sự là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 6 tháng trở lên (tính đến tháng 4 năm tuyển sinh); quân nhân chuyên nghiệp; công nhân viên quốc phòng phục vụ quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm tuyển sinh).
Đối tượng này, nếu có nguyện vọng đăng ký dự tuyển, các đơn vị tổ chức sơ tuyển, lập hồ sơ sơ tuyển và nộp cho các trường theo đúng quy trình, nhưng phải bảo đảm đủ quân số cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Đối tượng tiếp theo là nam thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ), nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân.
Bộ Quốc phòng tuyển 10% chỉ tiêu nữ cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y, Quan hệ quốc tế về quốc phòng và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự.
Bộ tuyển tối đa 10% chỉ tiêu cho các ngành: Kỹ sư quân sự ngành Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
Ảnh minh họa: VTC.
Các trường quân đội tuyển sinh theo vùng
Cụ thể, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Trị trở ra; Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển thí sinh từ tỉnh Thừa Thiên – Huế trở vào; Thí sinh các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế tùy theo nguyện vọng, được đăng ký dự tuyển vào một trong hai trường Sĩ quan Lục quân 1 và Sĩ quan Lục quân 2.
Trường hợp thí sinh đang cư trú tại các tỉnh phía Bắc nhưng đã chuyển hộ khẩu thường trú về các tỉnh phía Nam, có bố mẹ đẻ (bố mẹ nuôi theo đúng quy định của pháp luật về nuôi con nuôi) có hộ khẩu thường trú và đang cư trú tại các tỉnh phía Bắc, bản thân thí sinh học và thi tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) tại các trường thuộc các tỉnh phía Bắc (cả thanh niên ngoài quân đội và quân nhân đang tại ngũ) không được đăng ký xét tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Tuy nhiên, thí sinh thuộc đối tượng này được đăng ký xét tuyển vào các trường còn lại, hưởng điểm chuẩn cho thí sinh thuộc các tỉnh phía Bắc.
Các trường còn lại tuyển thí sinh trên phạm vi cả nước.
Video đang HOT
Mỗi thí sinh làm hai bộ hồ sơ
Mỗi thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường quân đội phải làm 2 loại hồ sơ riêng biệt. Một bộ hồ sơ đăng ký sơ tuyển do Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành, một bộ hồ sơ đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT phát hành.
Mẫu biểu hồ sơ sơ tuyển do Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành, thống nhất như năm 2015.
Thí sinh là thanh niên ngoài quân đội đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện, quận, thị xã, thành phố (gọi chung là Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện); thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương.
Thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ đăng ký sơ tuyển và trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển theo đúng thời gian quy định tại Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện (đối với thanh niên ngoài quân đội) hoặc tại Ban tuyển sinh quân sự cấp trung đoàn (đối với quân nhân đang tại ngũ).
Do mỗi trường có các tiêu chuẩn khác nhau, nhất là về tiêu chuẩn sức khỏe, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong quân đội, thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (đợt 1) vào một trường quân đội và chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (đợt 1) ngay từ khi sơ tuyển.
Khi nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển tuyển sinh quân sự, ngoài bộ hồ sơ sơ tuyển, thí sinh tốt nghiệp từ năm 2015 về trước phải nộp thêm bản photocopy học bạ THPT có công chứng hợp lệ.
Thí sinh tốt nghiệp năm 2016 nộp thêm bản photocopy học bạ THPT có công chứng hợp lệ hoặc bản sao trích lục học bạ có đủ phần kết quả học tập của 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12) có xác nhận của Ban giám hiệu nhà trường đang học, ký tên đóng dấu.
Đối tượng ưu tiên
Thí sinh thuộc diện ưu tiên nộp một giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ. Đối tượng là con thương binh, con bệnh binh, con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh” phải có bản photocopy có công chứng Giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh…
Khi đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển tuyển sinh quân sự, thí sinh phải mang theo giấy chứng minh thư nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân), sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác để cán bộ thu hồ sơ đối chiếu.
Thời gian sơ tuyển từ ngày 10/3 đến trước ngày 10/5.
Điều kiện sức khỏe, hình thể
Các trường quân sự tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt sức khỏe loại 2 ở các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, vòng ngực.
Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không – Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng – Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa, tuyển thí sinh nam cao từ 1,65m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên.
Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không – Không quân và Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự, thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải đạt tiêu chuẩn loại 1 (cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên).
Các trường được tuyển những thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị không quá 3 đi-ốp; kiểm tra thị lực qua kính đạt mắt phải 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên.
Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường được lấy đến sức khỏe loại 2 về thể lực (cả nam và nữ) nhưng thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62 m trở lên.
Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thi vào trường Sĩ quan Chính trị được lấy chiều cao từ 1,6 m trở lên (các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định). Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung.
Tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không – Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện xét tuyển vào đào tạo phi công quân sự.
Theo Zing
Tuyển sinh bằng thư giới thiệu, bài luận: Thử nghiệm táo bạo
"Đại học Quốc gia TP HCM xét tuyển thẳng học sinh từ 82 trường chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu, bài luận cá nhân là thử nghiệm được mong chờ", tác giả Nguyễn Hải viết.
Vài năm gần đây, cứ trước và sau Tết nguyên đán, chính sách và phương án triển khai tuyển sinh đại học lại là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học, cũng như công chúng. Những động thái gần đây của Bộ GD&ĐT, cũng như các cơ sở giáo dục đại học, cho thấy, phương án tuyển sinh năm nay không có nhiều khác biệt so với năm trước.
Tuy nhiên, mới đây, Đại học Quốc gia TP HCM đưa ra chính sách tuyển thẳng học sinh từ 82 trường chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu và bài luận cá nhân.
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Bước đi táo bạo
Những năm gần đây, việc tuyển thẳng học sinh trường chuyên, năng khiếu không phải chính sách mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc dựa trên thông tin từ thư giới thiệu và bài luận cá nhân để đánh giá các ứng viên là bước đi táo bạo, đáng khuyến khích của Đại học Quốc gia TP HCM trong năm 2016.
Trên thế giới, hình thức tuyển sinh này đã có lịch sử hàng trăm năm. Hiện nay, đa số trường đại học tốt ở Hoa Kỳ, Singapore đều yêu cầu thí sinh nộp thư giới thiệu, cũng như bài luận cá nhân.
Thực tế, một số cơ sở giáo dục đại học đã nghiên cứu phương án này nhưng chưa có trường nào coi đây là công cụ chính để tuyển chọn ứng viên. Trong bối cảnh tuyển sinh ở Việt Nam, rủi ro của phương án này là giả tạo hồ sơ (fakeability), cũng như tính chủ quan (subjectivity) của đánh giá.
Ngược lại, nếu ứng viên trung thực và các cơ sở có giải pháp hiệu quả để giảm thiểu được tính chủ quan trong công tác xét tuyển, phương án này làm tăng tính giáo dục, cũng như hiệu quả tuyển chọn trong tuyển sinh.
Việc giới hạn tuyển sinh bằng thư giới thiệu, viết luận đối với các trường chuyên, năng khiếu cũng có thể làm giảm rủi ro về khả năng giả tạo hồ sơ, bởi áp lực đỗ đại học đối với những học sinh này không nặng nề như học sinh không chuyên.
Tuy nhiên, do việc viết thư giới thiệu và bài luận cá nhân còn mới với nhiều học sinh, cũng như thầy cô giáo, nên sự không đồng đều về nội dung, cấu trúc, cũng như chất lượng thư giới thiệu, bài luận giữa các trường, học sinh ở khu vực khác nhau có thể là yếu tố ảnh hưởng lớn tới tính khách quan và hiệu quả của hình thức tuyển sinh này.
Chuẩn bị cho quá trình tuyển sinh toàn diện
Việc có một đại học uy tín triển khai phương án tuyển sinh mới trên diện đối tượng giới hạn là tín hiệu đáng mừng cho giáo dục đại học ở Việt Nam. Điều này cho thấy các cơ sở này đã và đang chủ động sử dụng quyền tự chủ trong tuyển sinh như được quy định trong Luật Giáo dục Đại học năm 2012.
Tuy vậy, để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong quá trình này, các cơ sở giáo dục đại học, cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, cần xây dựng những thành tố của phương án tuyển sinh tổng thể dựa trên đánh giá toàn diện sự sẵn sàng vào học đại học (college readiness) của thí sinh.
Trong phương án này, thông tin từ thư giới thiệu, các bài luận cá nhân là hai trong nhiều nguồn thông tin phục vụ tuyển sinh khác. Các thông tin khác bao gồm: kết quả học tập, thành tích rèn luyện, hoạt động ở bậc học phổ thông, điểm các bài thi tuyển sinh (nếu có), kinh nghiệm làm việc trước khi ứng tuyển, thông tin nhân khẩu học...
Đặt chính sách tuyển thẳng học sinh chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu và bài luận cá nhân trong bối cảnh đổi mới tuyển sinh đại học ở Việt Nam đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể thấy đây là một tín hiệu tích cực cho giáo dục đại học Việt Nam.
Do đối tượng áp dụng hạn chế, phương án này được dự báo sẽ không chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu triển khai trên diện rộng với đông đảo học sinh, khả năng giả mạo hồ sơ, cũng như tính chủ quan cao trong các đánh giá có thể là những hạn chế căn bản của phương án này.
Trong những năm tới, toàn bộ hệ thống giáo dục đại học cần xây dựng những thành tố, cũng như công cụ của một phương thức tuyển sinh đánh giá toàn diện thí sinh. Làm được như vậy, chúng ta có thể hy vọng bài toán đổi mới tuyển sinh sẽ được giải quyết một cách căn bản và bền vững.
Năm 2016, ĐH Quốc gia TP HCM dành 10% xét tuyển thẳng thí sinh vào các trường thành viên. Điều kiện học sinh phải thuộc 82 trường THPT chuyên và năng khiếu, ứng viên phải có bài luận và thư giới thiệu của giáo viên; là học sinh giỏi; có hạnh kiểm tốt.
Trao đổi với Zing.vn, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, đây là hướng đi không xa lạ với quốc tế nhưng không thích hợp với Việt Nam. Bởi, tỷ lệ gian lận thi cử ở Việt Nam lớn; tiêu cực có thể xảy ra nhiều cách như: Nhờ người viết bài luận, thư giới thiệu tùy thuộc cảm tình của giáo viên...
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc Gia TP HCM cho biết, bất cứ hình thức tuyển sinh nào được đưa ra đều có thể tồn tại hình thức "lạm dụng". Nhưng ĐH Quốc gia TP HCM vẫn có niềm tin vào thầy cô và học sinh.
TS Quốc Chính nhấn mạnh, để được chọn vào trường, sẽ có nhiều cách thức chọn lựa, trong đó học sinh đạt học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt trong 3 năm liền, bài viết luận và thư giới thiệu của thầy cô không phải tất cả.
Mỗi trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP HCM sẽ có hội đồng xem xét bài luận và thư giới thiệu. Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc Gia TP HCM cho biết, năm 2015, trường đã tuyển thẳng theo hình thức bài viết luận và thư giới thiệu với 5 trường THPT năng khiếu, đã tuyển chọn được những thí sinh tốt.
Năm nay, trường đã mở rộng tuyển chọn ở 82 trường. Sắp tới, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ công bố phương án cụ thể, hiện tại thông tin ban đầu mới mang tính tổng quát.
Theo Zing
Học viện Ngoại giao công bố phương án tuyển sinh Học viện Ngoại giao Việt Nam vừa công bố thông tin tuyển sinh hệ đại học chính quy 2016 với tổng chỉ tiêu 450. Trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia của các thí sinh dự thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì để xét tuyển. Các môn nhân hệ số 1, riêng ngành Ngôn...