Tuyển sinh trực tuyến: Hạn chế tối đa tiêu cực
Từ ngày 16.6.2016, phụ huynh học sinh có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử http://tsdaucap.hanoi.gov.vn để đăng ký tuyển sinh (TS) trực tuyến các lớp đầu cấp năm học mới 2016 – 2017. Đó là một trong những nội dung được lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 14.6.
Năm học 2016-2017, lần đầu tiên ngành giáo dục Hà Nội triển khai phần mềm TS trực tuyến tại các trường mầm non, tiểu học và THCS để TS đầu cấp. Theo ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, phần mềm tuyển sinh trực tuyến của Hà Nội đã được chạy thử nghiệm nhiều lần và lần gần nhất là vào ngày 12.6.
Tuyển sinh trực tuyến sẽ góp phần giảm tiêu cực.
Qua lần thử nghiệm gần nhất, đã có 100% các phòng GDĐT tham gia, số lượng hồ sơ đăng ký thành công là hơn 24.000 hồ sơ. Đường truyền đã thông suốt, không có tình trạng nghẽn mạng với số lượng đăng ký lớn. Trong đó, 87% các trường chạy thử nghiệm báo cáo phần mềm tuyển sinh trực tuyến ổn định.
Còn lại, tỉ lệ 13% chưa ổn định là rơi vào các trường thuộc khối mầm non tư thục, nơi có điều kiện cơ sở vật chất còn gặp khó khăn, đường truyền chưa đảm bảo. Về vấn đề này, Sở đã rà soát cũng như chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã có phương án hỗ trợ, điều chỉnh đối với những điểm chưa ổn định, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện TS trực tuyến chính thức từ ngày 16.6.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi đã nắm được vấn đề này và sẽ khắc phục trước khi chính thức triển khai vào ngày 16. 6″.
Cũng theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, việc sử dụng phần mềm TS trực tuyến không làm phát sinh kinh phí vì sử dụng đường truyền Internet thông dụng. Đối tượng được hưởng lợi của phương thức TS này là phụ huynh học sinh, giúp khắc phục tình trạng xếp hàng, mất thời gian đi lại nhiều lần để đăng ký cho con đi học.
Thậm chí, phụ huynh đi công tác xa, vẫn có thể đăng ký cho con, không phải đến tận trường… Giải đáp băn khoăn về sự chính xác, minh bạch trong TS trực tuyến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Văn Đại khẳng định: Đây là cách thức tạo ra sự minh bạch, công khai và chính xác trong TS cũng như hạn chế tiêu cực chạy trường trái tuyến, Bởi trong thời gian TS, Sở GDĐT, Phòng GDĐT có thể theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình triển khai TS của từng nhà trường, thậm chí tới từng hồ sơ của HS. Những nhầm lẫn về tuyến TS, không trùng khớp về dữ liệu… sẽ được phát hiện kịp thời.
Cũng theo Sở GDĐT, năm nay là năm thứ 2 Hà Nội thực hiện quy định của Bộ GDĐT về việc TS vào lớp 6 theo hình thức xét tuyển mà không áp dụng một trường hợp ngoại lệ nào. Đối với những trường có số lượng HS đăng ký xét tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu được giao, thì có thể sử dụng các tiêu chí phụ (là thành tích của HS khi tham gia một số hoạt động giáo dục, các cuộc thi…) theo quy định cụ thể của Sở GDĐT đối với từng năm học.
Trước câu hỏi của báo chí về việc hình thức xét tuyển liệu có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của những HS lớp 6 vừa qua (đối tượng HS lần đầu tiên thực hiện quy định về xét tuyển – PV), bà Phạm Thị Như Hoa, – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy nhận định: Thi tuyển hay xét tuyển chỉ là cách thức để TS đầu vào, còn chất lượng và sự tiến bộ của HS là cả một quá trình phấn đấu của cô, trò và sự quan tâm, hỗ trợ của phụ huynh.
Với kết quả của lứa HS lớp 6 vừa qua, cả nhà trường và phụ huynh đều yên tâm, tin tưởng với cách thức xét tuyển. Bởi sau một năm học, 100% số HS lớp 6 được đánh giá hạnh kiểm tốt; tỉ lệ HS xếp loại học lực giỏi đạt hơn 95%. Tuy nhiên, bà Hoa cho biết, việc chọn học sinh theo cách xét tuyển khiến nhà trường không được chủ động đánh giá; phụ thuộc hoàn toàn vào các tiêu chí phụ và cách đánh giá của bậc tiểu học.
Theo LĐTĐ