Tuyển sinh lớp10: Phụ huynh nháo nhào tìm phương án dự phòng
Nhiều phụ huynh chia sẻ, đang nháo nhào tìm hiểu trường dân lập làm phương án dự phòng, nếu con trượt lớp 10 trường công ở Hà Nội.
Chỉ còn ít ngày nữa, gần 80.000 học sinh tốt nghiệp THCS bước vào kỳ thi lên lớp 10. Hầu hết các trường học đã đóng cửa nghỉ hè, riêng học sinh lớp 9 vẫn miệt mài đèn sách ôn tập.
Chị Vân Dung (có con học ở Trường THCS Cát Linh, Hà Nội) tâm sự: “Cô giáo dặn các con thời điểm này phải đi ngủ trước 22h, ăn uống đủ chất để chuẩn bị thi cử, nhưng càng gần ngày thi, cả con và bố mẹ đều thấy căng thẳng hơn. Ngoài thời gian ôn luyện ở các trung tâm, con không hề rời bàn học”.
Chị Dung cho hay, con gái học khá, thuộc top đầu lớp, nhưng vì đăng ký thi vào THPT Chu Văn An (với tỷ lệ chọi năm nay 1/5) nên gia đình xác định tinh thần cho con là rất khó để nếu có trượt cũng đỡ hụt hẫng.
“Tuy nhiên, con rất quyết tâm thi đỗ trường này nên ôn luyện căng thẳng lắm. Ngoài kiến thức sách giáo khoa, cô giáo ở trung tâm ôn luyện cho con làm rất nhiều bài tập đến đêm khuya cũng không hết”, chị Dung nói.
Thí sinh chuẩn bị trước giờ vào làm bài thi lên lớp 10 Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) năm 2014.
Một học sinh Trường THCS Marie Curie, Hà Nội, chia sẻ, khoảng 2 tháng nay, lịch học thêm của em kín mít từ sáng đến đêm muộn. Trong khi đó, bố mẹ vất vả với hành trình đưa đón con đi học thêm và mất số tiền không nhỏ cho việc ôn luyện các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Anh Quang Trung (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), phụ huynh học sinh lớp 9, nói rằng, học phí một buổi khoảng 2 giờ ôn luyện môn Toán, Ngoại ngữ với các thầy cô giáo có tiếng không dưới 1 triệu đồng.
“Những tháng cận kề kỳ thi, gia đình bỏ ra gần 20 triệu/tháng đầu tư cho con học, lịch học dày đặc con rất mệt mỏi, bố mẹ xót lắm nhưng không học lại lo trượt”, anh Trung nói.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, cho hay, nếu thi tuyển lớp 5 lên lớp 6, học sinh trong trường được ưu ái thông cấp thì học sinh lớp 9 lên lớp 10 phải theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội là thi tuyển và xét tuyển. Trước khi nghỉ hè, trường đã tổ chức thi thử hai môn Toán, Văn, học sinh của trường đạt số điểm khá cao.
“Tuy nhiên, cũng có thể vì lượng thí sinh đăng ký vào trường quá cao, tỷ lệ ‘chọi’ lớn nên học sinh có nhiều áp lực, dẫn đến đi ôn luyện ở các trung tâm bên ngoài”, ông Khang nói.
Hoang mang lựa chọn trường tư
Theo quy định của Sở GD&ĐT, mỗi học sinh được đăng ký hai nguyện vọng trong cùng khu vực. Tuy nhiên, với lượng thí sinh tăng vọt năm nay, nhiều phụ huynh không yên tâm với hai nguyện vọng nên quáng quàng đi tìm hiểu các trường dân lập.
Chị Bích Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) nói: “Rất nhiều trường THPT dân lập phát tờ rơi, gọi điện mời chào, quảng cáo, nhưng không biết lấy căn cứ nào để tìm hiểu chất lượng các trường”.
Theo chị Phương, các trường đều quảng cáo, đào tạo có trọng tâm, cam đoan thi đỗ đại học tỷ lệ lớn, tiếp cận phương pháp đào tạo tiên tiến, học tăng tiết… Thậm chí, có trường còn cam đoan cho học sinh tiếp cận chương trình lớp 12 ngay khi còn học lớp 11.
Trên mạng, phụ huynh học sinh còn lập diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm tìm trường dân lập cho con nếu con trượt suất học ở trường công. Theo chia sẻ của các phụ huynh, những trường THPT dân lập thuộc nhóm có truyền thống quản lý tốt, giáo viên được tuyển chọn, đào tạo được nhiều học sinh giỏi, giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước phải kể đến: Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành, Lomonoxop…
Video đang HOT
Mức học phí của những trường này dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do lượng thí sinh đăng ký khá cao, chỉ tiêu tuyển sinh ít nên học sinh không dễ đỗ. Ví dụ, THPT Marie Curie năm nay chỉ tuyển sinh 260 học sinh lớp 10, trong khi thí sinh đăng ký hơn 1.000 em.
Theo một chuyên gia giáo dục, Hà Nội có hơn 70 trường THPT dân lập, ngoài một số trường chất lượng cao, số còn lại lâu nay vẫn “khát” học sinh. Năm nay, ngoài quan tâm về học phí, phụ huynh có thể lựa chọn trường tốt cho con em mình vào học dựa trên kết quả đào tạo của những năm trước theo các tiêu chí như: tỷ lệ học sinh đỗ đại học, tỷ lệ đạt học sinh giỏi các cấp, học sinh giành được học bổng du học…
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 là gần 80.000, tăng 10.000 so với năm trước.
Các trường được điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển nhưng với tỷ lệ rất nhỏ.
Dự kiến, hơn 50.000 học sinh trúng tuyển vào trường công lớp 10. Như vậy, gần 30.000 thí sinh khác phải lựa chọn trường dân lập.
Gần 78 nghìn thí sinh TP HCM dự thi lớp 10
Ngày 5/6, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ có 77.726 thí sinh dự thi, tăng hơn 9.000 em so với năm 2014.
Trong đó, 70.471 thí sinh thi vào lớp 10 THPT thường và 7.255 em dự thi vào lớp 10 chuyên.
TP HCM có 135 hội đồng coi thi với 3.315 phòng thi, trong đó có 11 hội đồng thi chuyên với 335 phòng thi.
Kỳ thi năm nay sẽ diễn ra vào hai ngày 11 và 12/6.
Theo Nguyễn Dũng/Báo Tiền Phong
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Quy chế thi mới sẽ chống học lệch
Hai quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ vừa ban hành là một bước ngoặt quan trọng của ngành giáo dục. Vậy, 2 quy chế này mang lại gì cho thí sinh và phụ huynh? mang lại gì cho việc đổi mới dạy và học? mang lại gì cho đổi mới giáo dục đại học? ... PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Thay đổi cách dạy và học
Thưa Thứ trưởng, 2 quy chế thi vừa ban hành đã được nhiều ý kiến tán thành cho đây là một bước đổi mới đầy tiến bộ của ngành giáo dục, trước mắt đã đơn giản hóa được khâu tuyển sinh, giảm tải cho thí sinh nhưng cũng có ý kiến của trường đại học cho rằng quy chế ban hành vào cuối tháng 2 mà thí sinh đầu tháng 4 đã phải đăng ký dự thi, hơi cập rập, ý kiến của Thứ trưởng thế nào?
Rõ ràng kỳ thi THPT quốc gia sẽ giúp giảm áp lực thi cử rất nhiều. Thay vì tổ chức 4 kỳ thi (1 kỳ thi THPT, 2 kỳ thi đại học và 1 kỳ thi cao đẳng) như trước đây rất nặng nề và tốn kém, nay chỉ còn 1 kỳ thi duy nhất với 2 mục đích.
Do có sự thay đổi lớn về tổ chức kỳ thi nên Bộ GD ĐT đã xây dựng đề án kỳ thi THPT quốc gia để đưa ra tham khảo ý kiến xã hội từ rất sớm. Nay trên cơ sở đề án này, Bộ đã ban hành qui chế kỳ thi THPT quốc gia và qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Những điểm mới của kỳ thi đã được thảo luận kỹ càng trong suốt nhiều tháng qua. Các em thí sinh ít nhiều cũng đã có đủ các thông tin cần biết.
Qui chế là văn bản qui phạm về tổ chức kỳ thi, không ảnh hưởng gì nhiều đến cách học cũng như sự chuẩn bị từ trước của thí sinh. Do đó thời gian còn hơn một tháng để các em nghiên cứu thực hiện việc đăng ký dự thi không phải là cập rập. Kế hoạch học tập, chuẩn bị cho kỳ thi của các em không có gì thay đổi nên không có gì phải băn khoăn, lo lắng cả.
Vậy, 2 quy chế này sẽ tác động như thế nào tới sự thay đổi đào tạo giáo dục đại học và việc dạy - học giáo dục phổ thông?
Qui chế được điều chỉnh theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên những thay đổi lớn ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của thí sinh cần được thực hiện từng bước, trải qua các giai đoạn thí điểm trước khi áp dụng đại trà.
Tự chủ của các trường được phát huy tối đa thông qua các đề án tuyển sinh riêng, xác định các tổ hợp xét tuyển vào các ngành... Từ những qui định này, các trường đã đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển mới phù hợp hơn với các ngành đang đào tạo. Qua đó, các trường sẽ mạnh dạn đổi mới chương trình, phù hợp với xu thế phát triển đại học hiện nay.
Đối với việc dạy và học ở bậc phổ thông, cách xác định tổ hợp xét tuyển mới giúp thí sinh đầu tư học tập toàn diện hơn, giảm bớt học lệch. Các trường tuyển sinh các ngành khoa học tự nhiên cũng yêu cầu thí sinh có kiến thức về xã hội và ngược lại.
Mặt khác đề thi cũng sẽ tiếp tục được đổi mới theo những kinh nghiệm đã đạt được trong những năm gần đây trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đó là đề thi kiểu mở, chú trọng vận dụng kiến thức đã học được vào thực tiễn cuộc sống, không bắt buộc học thuộc lòng một cách máy móc... Về lâu dài đề thi sẽ hướng theo mục tiêu kiểm tra năng lực của thí sinh. Tuy nhiên điều này cần được tiến hành theo lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa.
Bộ rất hoan nghênh Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong thực hiện bài thi kiểm tra năng lực thí sinh ngay từ năm nay. Đây sẽ là kinh nghiệm tốt để nhân rộng trong tương lai.
Tóm lại đổi mới thi cử nằm trong chiến lược tổng thể đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nó có tác động tích cực trong thay đổi cách dạy, cách học và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở cả bậc phổ thông lẫn bậc đại học.
Tăng tính cạnh tranh thu hút sinh viên giữa các trường
Liệu sự ra đời của các quy chế có tốt hơn cho giáo dục đại học, để các trường có thời gian tập trung vào khâu yếu là đào tạo? Thứ trưởng kỳ vọng gì vào sự thay đổi thi này trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay?
Qui chế tuyển sinh mới không ràng buộc tất cả các trường phải tuân thủ theo cùng một phương thức tuyển sinh như kỳ thi "ba chung" trước đây. Điều này tạo điều kiện cho các trường đa dạng hóa nội dung chương trình đào tạo.
Luật Giáo dục đại học đã giao cho các trường tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, không bắt buộc phải theo chương trình khung như trước đây. Cùng một ngành đào tạo nhưng không nhất thiết các môn học của trường này phải giống trường kia. Do đó tùy thuộc yêu cầu chương trình đào tạo mà nhà trường xác định yêu cầu đầu vào phù hợp. Qui chế tuyển sinh mới giao cho các nhà trường được tự chủ xác định yêu cầu đầu vào.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD ĐT chỉ cung cấp dữ liệu và xác định ngưỡng chất lượng đầu vào tối thiểu để các trường thực hiện việc tuyển sinh. Đổi mới tuyển sinh, tự chủ xây dựng chương trình đào tạo cùng với các qui định phân tầng, xếp hạng các trường đại học sắp tới sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong thu hút những sinh viên giỏi giữa các trường từ đó làm thay đổi căn bản chất lượng đào tạo đại học.
Đề thi sẽ được điều chỉnh từ từ
Kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích, vậy đề thi năm nay ra như thế nào thưa thứ trưởng?
Về lâu dài đề thi sẽ theo hướng kiểm tra năng lực của thí sinh phù hợp với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học. Sự thay đổi đột ngột về đề thi và nội dung thi có thể gây hoang mang lo lắng cho thí sinh vì các em đã định hướng việc học từ trước. Vì vậy trong những năm trước mắt đề thi sẽ được điều chỉnh từ từ.
Những kinh nghiệm tốt trong công tác đề thi những năm gần đây sẽ tiếp tục được phát huy. Vì kỳ thi THPT quốc gia có 2 mục đích rõ ràng nên đề thi sẽ có phần cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và phần nâng cao để phân loại thí sinh phục vụ cho công tác xét tuyển ĐH, CĐ. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu chương trình lớp 12. Tất cả thí sinh dù thi ở cụm thi liên tỉnh hay cụm thi địa phương đều thi chung cùng một đề thi.
Thí sinh có nhiều lựa chọn vào các trường đại học
Thí sinh có thể đăng ký tới 12 nguyện vọng bổ sung
Về việc đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ chia làm nhiều đợt, nhiều thí sinh còn rất mù mờ về cách thức này cũng như nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung, thứ trưởng có thể giải thích rõ?
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh và cũng không gây quá nhiều thí sinh ảo cho các trường, qui chế qui định trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường.
Trong thời gian xét tuyển nguyện vọng này, theo dõi thống kê tình hình nộp hồ sơ xét tuyển nhà trường công bố, nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, thí sinh có quyền rút hồ sơ nộp sang trường khác.
Sau đợt xét nguyện vọng I, nếu không trúng tuyển thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng kí xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường. Nghĩa là khi đăng ký nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tối đa vào ba trường khác nhau ở mỗi đợt xét tuyển.
Trước đây, ở kỳ thi "ba chung", thí sinh có thể đăng ký dự thi tối đa 2 khối thi ở 2 đợt thi khác nhau, mỗi khối vào 1 ngành của 1 trường. Nếu không trúng tuyển, các em phải tham gia xét tuyển các đợt bổ sung. Nay ở đợt đầu tiên tuy đăng ký xét tuyển vào một trường nhưng các em có 4 nguyện vọng khác nhau với các tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Còn trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung các em có thể đăng ký đến 12 nguyện vọng vào các ngành khác nhau. Điều này tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào các trường mà các em yêu thích. Kinh nghiệm cho thấy, sau đợt xét tuyển thứ nhất, các trường đã tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu. Những đợt tuyển tiếp theo tuy số ảo sẽ nhiều nhưng số lượng chỉ tiêu còn lại không lớn nên không gây khó khăn nhiều cho các nhà trường.
Qui chế kỳ thi THPT quốc gia qui định điểm liệt của từng môn để xét tốt nghiệp THPT . Vậy, điểm sàn theo khối thi theo qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ được xác định như thế nào thưa thứ trưởng ?
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ qui định sau khi có kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GD ĐT sẽ phân tích xác định ngưỡng chất lượng đầu vào phù hợp để dựa vào đó các trường lên phương án xét tuyển.
Ngưỡng chất lượng đầu vào là ngưỡng tối thiểu mà các trường không được phép tuyển thí sinh có kết quả thi thấp hơn. Đối với kỳ thi "ba chung" do số khối thi rất ít nên Bộ qui định điểm sàn cho từng khối. Đối với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới do tổ hợp các môn xét tuyển rất đa dạng cách xác định ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ khó có thể xác định cho từng tổ hợp xét tuyển mà có thể, ví dụ xác định một ngưỡng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển dựa vào thống kê kết quả điểm sàn của gần 10 năm thực hiện kỳ thi "ba chung".
Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh ( thực hiện)
Theo Dantri
Giúp bạn giảm căng thẳng trước khi vào phòng thi Ban hãy đọc những lời khuyên này để có thể giảm bớt căng thẳng và lo lắng trước khi vào phòng thi. Bạn thường xuyên hồi hộp, lo lắng trước phòng thi? Ai cũng có sự căng thẳng, lo lắng nhất định trước khi bước vào phòng thi. Một sự lo lắng, căng thẳng nhỏ có thể giúp cải thiện công việc của...