Tuyển sinh lớp 10: Những tiêu chí chọn trường không thể bỏ qua
Nhiều phụ huynh Hà Nội băn khoăn, lo lắng khi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021 liên quan đến khu vực tuyển sinh. Kinh nghiệm của cha mẹ và chuyên gia GD sẽ giúp bạn chọn được trường phù hợp cho con.
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Bất ngờ và băn khoăn với nguyện vọng tuyển sinh
Thay đổi liên quan đến nguyện vọng đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 mới được UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Trong đó, quy định học sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 theo hộ khẩu thường trú, phân theo khu vực tuyển sinh khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn.
Ở những mùa tuyển sinh trước, Hà Nội quy định để làm căn cứ cho việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển, toàn thành phố được phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh hoặc phụ huynh có hộ khẩu thường trú ở khu vực tuyển sinh nào, được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đó.
Tuy nhiên, năm nay, kế hoạch tuyển sinh vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 19/2 quy định mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập thay vì 2 nguyện vọng như trước. Tuy nhiên, quy định nêu rõ nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Thành phố vẫn phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh nhưng học sinh không được đổi khu vực tuyển sinh.
Quy định này khiến nhiều phụ huynh, học sinh bất ngờ và băn khoăn vì nếu căn cứ theo các khu vực tuyển sinh thì không phải khu vực nào cũng có các trường THPT công lập chất lượng tương đương nhau. Nếu quy định bắt buộc phải đăng ký 2 nguyện vọng trong khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú thì cơ hội lựa chọn trường THPT công lập theo nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 sẽ giảm đi.
Những tiêu chí chọn trường cần lưu ý
Với kinh nghiệm chọn trường cho ba con (sinh 3) vào lớp 10 năm học vừa qua, cô Hứa Thu Huyền (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) cho biết: Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, tôi luôn an tâm về chất lượng giáo dục đại trà. Do vậy, đối với các con của mình, tôi hướng các cháu tập trung học tập tốt nhất ở bất kỳ môi trường nào. Việc chọn trường để chuyển cấp, ưu tiên đầu tiên của chúng tôi luôn là gần nhà để thuận tiện việc đi lại.
Video đang HOT
“Các con tôi đều có học lực khá tốt, có đủ khả năng để đăng ký xét tuyển vào các trường gọi là có “danh tiếng” nhưng các cháu đều vui vẻ, phát triển tốt ở một trường THPT gần nhất với nơi ở của gia đình, với cự li chưa đầy 1km. Và tôi chưa khi nào không hài lòng với những gì các con học được ở “trường làng”, thậm chí còn tự tin vì với đủ thứ tiết kiệm mà các con không hề thua kém học sinh bất cứ đâu.”, cô Hứa Thu Huyền chia sẻ.
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Trước những băn khoăn của nhiều phụ huynh về đăng ký nguyện vọng theo khu vực tuyển sinh, NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam khẳng định, đây là những trăn trở rất thực tế và phải nhìn nhận để cùng với Sở GD-ĐT Hà Nội tháo gỡ. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay phụ huynh đang chỉ chăm chăm tìm trường, chọn trường nhưng cơ bản phụ huynh cần phải lưu ý nhìn nhận và đánh giá năng lực, sở trường của con mình cũng như hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Theo đó, ngoài việc Sở GD-ĐT Hà Nội cần tiếp thu các ý kiến nhưng ngược lại, trong vai trò là khoa học nghiên cứu, tôi kiến nghị các phụ huynh cần suy nghĩ lại để làm sao tác động đúng với năng lực từng học sinh. Đây là điều quan trọng nhất. Trường nào giúp cho con em mình phát triển được, tạo ra sự thuận lợi cho các em, tạo ra sự tự tin để các em phấn đấu và chưa chắc các trường bình thường lại không tạo cho các em sự tự tin để chứng tỏ năng lực bản thân.
“Làm thế nào để có quan điểm đúng nhất về việc học hiện nay. Đó là học để phát triển bản thân mà không phải vì bằng cấp, vì điểm số hay vì trường nọ trường kia. Theo đó, phụ huynh sẽ bớt đi được nhiều phương án để cùng với con em mình lựa chọn trường đúng và phù hợp”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Chị Bùi Thị Hoà, sinh năm 1982 (Gia Lâm, Hà Nội) kể, thời của chị, phụ huynh không ai phải nghĩ đến chọn trường cấp 3 cho con, trường công lập là lựa chọn duy nhất. Cả huyện quê chị chỉ có một trường cấp 3 duy nhất, huyện nào rộng mới có hai trường và phân tuyến theo cụm xã. Tuy nhiên, nhiều bạn bè của chị cùng bao nhiêu thế hệ học sinh đều rất thành đạt.
Dù xu thế phụ huynh ngày nay có nhiều thay đổi song, con gái chị Hoà năm nay chuẩn bị vào lớp 10 nhưng chị không quá băn khoăn về vấn đề đăng ký nguyện vọng. Bởi chị nghĩ, khu vực tuyển sinh nào cũng có trường tốt phù hợp với con mình. Tiêu chí trường gần nhà cũng là ưu tiên đầu tiên chị Hoà đề nghị con cân nhắc bởi đi lại xa sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con trong cả quãng thời gian học tập dài, con sẽ được tự lập không phải ai đưa đón. Bên cạnh đó, chị để con tự đăng ký nguyện vọng dựa vào sức học của con mình, không đăng ký theo bạn bè vì ngôi trường đó phù hợp với bạn chứ chưa chắc phù hợp với mình.
Đồng tình với quan điểm của chị Hoà, T Nguyễn Tùng Lâm cho rằng hiện tại nhiều phụ huynh đang bị tâm lý đua vào các trường được cho là tốp theo tâm lý đám đông. Vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên hữu ích, các phụ huynh đừng nên mê tín chọn trường mà hãy chọn thầy, đồng thời phải căn cứ vào năng lực của con em mình, hoàn cảnh gia đình mình.
Dù học ở trường nào thì vai trò của chính học sinh và của gia đình vẫn là yếu tố quyết định. Không hiếm học sinh trường bình thường đạt thành tích cao trong các cuộc thi, học ở trường top đầu cũng không chắc chắn là ra đời sẽ thành công hơn, đặc biệt khi hoàn cảnh kinh tế của gia đình rủi ro gãy gánh giữa đường. Thay vì chọn trường top đầu cho con, hãy chọn một môi trường mà gia đình có thể đi cùng nhà trường trong việc giúp con phát triển nhân cách hài hoà và những tiềm năng sẵn có.
Giải bài toán nơi tuyển sinh không hết, chỗ không đủ chỉ tiêu
Trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 của Hà Nội, học sinh có 3 nguyện vọng dự tuyển, trong đó nguyện vọng 1, 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú.
Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi vào lớp 10 năm 2020.
Điều này khiến một số phụ huynh học sinh lo lắng bởi thực tế có tình trạng học sinh đăng ký hộ khẩu ở một quận nhưng lại cư trú ở quận khác...
Học sinh được đăng ký nguyện vọng ở nơi cư trú thực tế
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, quy định học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, quy hoạch mạng lưới trường học của thành phố. Quy định đồng thời giảm bớt áp lực, tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Quy định này được xây dựng trên khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước.
Cụ thể, trên địa bàn thành phố có hiện tượng học sinh đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng cư trú tại nơi khác. Tuy nhiên, số lượng học sinh xin đổi khu vực tuyển sinh ở những năm học trước không nhiều. Thêm nữa, toàn thành phố được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Trong mỗi khu vực gồm trường có điểm chuẩn cao, thấp khác nhau để học sinh lựa chọn theo nguyện vọng và khả năng học tập của mình.
Ông Đại cho biết: Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện đăng ký nguyện vọng dự tuyển nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất, đồng thời không gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, di chuyển. Trong các trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, gia đình làm đơn, có xác nhận của địa phương, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế.
Về nguyện vọng dự tuyển, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 2 của trường cao hơn 1 điểm so với nguyện vọng 1, điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 3 của trường cao hơn 2 điểm so với nguyện vọng 1).
Trường hợp học sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào (học sinh sẽ trúng tuyển nếu có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Trường hợp học sinh đăng ký 2 nguyện vọng thì cả 2 có thể thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định hoặc nguyện vọng thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (học sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng thứ hai nếu không trúng tuyển nguyện vọng thứ nhất và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 1 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Khi hạ điểm chuẩn, sở GD&ĐT cho phép các trường nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Cũng theo ông Đại, năm học 2021 - 2022, học sinh không được đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký. Do vậy, các em cần lưu ý tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng phù hợp với năng lực của bản thân.
Tạo sự công bằng trong tuyển sinh
Thầy Đặng Việt Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) nhận định, quy định về hộ khẩu thường trú để hài hoà về sĩ số học sinh các khu vực. Bên cạnh đó, việc cho phép học sinh đăng kí 1 hoặc 2 nguyện vọng thì với nguyện vọng 2 không nhất thiết cùng khu vực giúp các em có nhiều lựa chọn. Với phương án thêm nguyện vọng 3, học sinh có nhiều cơ hội tìm được trường phù hợp, tránh việc có em điểm cao nhưng vẫn không đỗ vào các trường công lập trong những năm gần đây. Với việc điểm chuẩn các nguyện vọng lệch nhau 1 điểm cũng phù hợp. Khi hạ điểm, trường vẫn nhận cả nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 là công bằng với học sinh.
Cũng như vậy, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) phân tích: Phân chia khu vực tuyển sinh ngoài việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất về địa giới hành chính, giúp học sinh không phải di chuyển quá xa để đi học còn sắp xếp có các trường ở các nhóm khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở nhiều mức độ. Căn cứ vào điều kiện cụ thể về vị trí địa lý và năng lực học tập, học sinh có thể lựa chọn để đăng ký nguyện vọng dự tuyển phù hợp.
Với học sinh có hộ khẩu không đúng khu vực tuyển sinh mong muốn, hàng năm, sở đều có hướng dẫn đổi khu vực tuyển sinh bằng đơn, tạo điều kiện cho các em học tập.
Theo thầy Cường, năm nay mỗi thí sinh có thêm nguyện vọng 3 vào một trường ở khu vực tuyển sinh khác khu vực đã đăng ký nguyện vọng 1, 2. Điều này rất hợp lý, thí sinh có thêm cơ hội và những em không đỗ ở khu vực có tỉ lệ chọi cao vẫn có trường công lập để học. Bên cạnh đó, các trường ở khu vực ven nội thành có cơ hội tuyển được nhiều học sinh có chất lượng.
Trường THCS Nguyễn Du (huyện Sóc Sơn) năm học này có 308 học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10. Cô Phạm Thị Bích Diện - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Hằng năm, trường có khoảng 80% học sinh đỗ vào lớp 10 các trường công lập trong khu vực tuyển sinh. Điểm mới tuyển sinh năm nay với việc thêm nguyện vọng dự tuyển và điểm chuẩn giữa các nguyện vọng giảm xuống còn 1 điểm so với 1,5 điểm như các năm trước, tạo điều kiện cho học sinh, đặc biệt thí sinh ở vùng kinh tế còn khó khăn được học ở trường công lập.
Theo thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm), khu vực tuyển sinh nào cũng có trường ở nhóm khác nhau nên học sinh có thể đăng ký nguyện vọng theo năng lực và điều kiện của mình. Đăng ký tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú còn góp phần giải quyết bài toán nơi tuyển sinh thừa, nơi tuyển sinh không đủ chỉ tiêu; đồng thời dần thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các khu vực tuyển sinh.
Trong khi nhiều trường ở nội đô tuyển sinh với tỷ lệ "chọi" khá cao, áp lực tuyển sinh lớn thì nhiều trường THPT ở ngoại thành, vùng khó khăn tuyển không đủ chỉ tiêu. Việc đăng ký nguyện vọng theo hộ khẩu và mở rộng thêm nguyện vọng 3 ở khu vực tuyển sinh bất kỳ không chỉ tạo thêm cơ hội học trường công lập cho cho thí sinh mà còn giảm áp lực cho một số khu vực nội thành. - Thầy Nguyễn Đức Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thượng (huyện Ba Vì)
Tranh cãi quy định tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Hiểu nhầm? Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, sự thay đổi này giúp thuận lợi hơn trong việc quản lý, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của học sinh. Quản lý tốt hơn Điểm mới của mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 của Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của phụ huynh, dư luận xã hội là việc đăng ký...