Tuyển sinh khối C vào ngành CNTT: Sẽ yêu cầu trường giải trình nếu thấy bất thường
Báo ngày 21.3 có đăng thông tin năm 2018 một số trường ĐH xét tuyển các ngành kỹ thuật, công nghệ bằng khối C.
ảnh minh họa
Trao đổi với báo ngày 22.3, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.
Bà Phụng cho biết theo luật thì các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh nhưng quy chế tuyển sinh cũng quy định các trường được “sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi toán, ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”.
Như vậy, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào. Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Quy trình xác định tổ hợp cho các ngành thường do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu… Và nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.
Video đang HOT
Theo bà Phụng, nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn. Bà Phụng cảnh báo: “Quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút. Bộ GD-ĐT sẽ theo dõi sát tình hình, nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, sẽ yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực để kiểm tra, thanh tra… nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung”.
Được biết, để giảm thiểu tình trạng trên, trong hoạt động tập huấn thi tuyển sinh tới đây tại Đà Nẵng (24.3), Bộ GD-ĐT sẽ trao đổi trực tiếp vấn đề này với các trường.
Theo TNO
Tuyển sinh ĐH CĐ năm 2018: Văn, sử, địa... lên ngôi
Không còn là khối ngành "đìu hiu" ít cơ hội và khó chọn trường, chọn ngành như các năm trước, mùa tuyển sinh năm nay, học sinh khối C có rất nhiều cơ hội xét tuyển vào các khối ngành kỹ thuật, tài chính, kế toán, ngân hàng... thậm chí là y học.
Thêm nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển tổ hợp môn văn, sử, địa (ảnh minh họa: IT)
Thay vì chỉ xét tuyển các khối A; A1 truyền thống cho các khối ngành kỹ thuật, kinh tế cần sử dụng khả năng tính toán, năm nay, trong phương án tuyển sinh của trường ĐH Nam Cần Thơ sử dụng thêm khối C (văn, sử, địa) xét tuyển các ngành này.
Cụ thể, những ngành xét tuyển thêm khối C của trường này là: kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, bất động sản.
Không những thế, trường này còn xét tuyển bằng học bạ các môn công nghệ, tin học trong tổ hợp môn cho các ngành: kỹ thuật hình ảnh y học, kế toán, kiến trúc, dược học...
Tương tự, trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng sử dụng tổ hợp môn văn, sử, địa và văn, sử, giáo dục công dân cho các ngành: công nghệ chế tạo máy công nghệ xây dựng, kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ điện- điện tử, kỹ thuật ô tô... Đặc biệt, riêng ngành công nghệ thông tin, trường này sử dụng đồng thời hai tổ hợp môn văn, sử, địa và văn, địa, giáo dục công dân. Tương tự, các ngành liên quan đến sức khỏe của trường này năm nay cũng "ưu tiên" xét tuyển khối C như: xét nghiệm y học sử dụng hai tổ hợp môn: văn, sinh, sử và toán, văn, tiếng Anh.
Trường ĐH Công nghệ Đông Á cũng tuyển sinh 5 tổ hợp môn trong đó tổ hợp văn, sử, địa cũng lần đầu tiên có mặt trong các ngành: kế toán, tài chính, ngân hàng
ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) cũng lần đầu sử dụng tổ hợp môn này cho các ngành: nuôi trồng thủy sản, quản lý thủy sản, lâm học, phát triển nông thôn....
Tương tự, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tổ hợp này được tuyển sinh cho các ngành kinh tế như kinh doanh quốc tế, marketing và các ngành quản trị, truyền thông đa phương tiện, kể cả ngành tiếng Anh; ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng tuyển tổ hợp trên cho các ngành kế toán, tài chính ngân hàng và nhóm ngành quản trị. Tổ hợp văn, sử, địa cũng được Trường ĐH Phan Châu Trinh tuyển cho ngành ngôn ngữ Anh,...
Việc các trường mở rộng tuyển sinh các môn đặc thù xã hội cho các ngành, chuyên ngành thuộc nhóm khoa học tự nhiên là một tín hiệu vui cho nhiều thí sinh năm nay. Em Nguyễn Thu Trang - học sinh trường THPT Vân Nội (Đông Anh - Hà Nội) cho biết, mặc dù học tốt khối C và theo đuổi khối thi này từ năm lớp 10, tuy nhiên, đến thời điểm này em vẫn chưa quyết định được mình sẽ thi vào ngành nào.
"Khối C rất ít lựa chọn vào trường tốt, hoặc những ngành, trường tốt thì thường lấy điểm khối này rất cao so với các khối thi khác. Cơ hội việc làm sau khi ra trường ở những ngành truyền thống xét tuyển khối C cũng không cao vì nhu cầu thị trường ít. Chính vì vậy, năm nay, nhiều trường mở rộng khối thi này, kể cả các ngành, chuyên ngành liên quan đến kinh tế, quản trị, kỹ thuật, y học... là một cơ hội tốt cho các bạn theo khối C" - Trang nói.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục lại lo lắng, nếu lựa chọn các ngành học không thuộc sở trường và cá tính của mình thì hậu quả sau này rất khó lường.
Cô Trần Thu Hồng - giáo viên văn tại TP.Hải Dương phân tích: "Kinh nghiệm cho thấy, những học sinh theo khối A, D (học tốt các môn: toán, lý, hóa, ngoại ngữ...) thường có tư duy logic tốt hơn và có thể học tốt được cả các môn văn, sử, địa. Nhưng những học sinh học tốt văn, sử, địa lại ít em có được khả năng nhạy bén, phân tích logic và làm việc tốt được với các con số. Chính vì vậy, nếu chọn ngành học và công việc sau này không phù hợp với cả năng và sở trường của mình các em sẽ dễ chán nản, bỏ việc".
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng thí sinh cần thận trọng khi lựa chọn các ngành học khác biệt với tổ hợp môn sở trường của mình. Theo ông Đức, nếu lựa chọn tổ hợp xét tuyển không phù hợp với năng lực, học sinh sẽ phải theo học rất vất vả sau khi vào trường, có thể các em sẽ phải chuyển ngành, lưu ban... điều này không chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc của bản thân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở đào tạo.
Theo Dân Việt
Kì thi THPT Quốc gia 2018: Chọn ngành vì niềm vui chứ không phải áp lực Trao đổi với thí sinh trong ngày hội tư vấn tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho hay: "Từ mùa tuyển sinh năm 2017, các thí sinh đã được đăng ký nguyện vọng không giới hạn. Tuy nhiên, theo tôi các em nên tìm hiểu xem ngành học đó mình có yêu thích...