Tuyển sinh ĐH, CĐ 2020: Hướng tới chuẩn chất lượng đầu ra
Đảm bảo chất lượng đầu vào của một số ngành, tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo là những điểm mới trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh.
Xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của một số ngành, có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học… là những điểm mới đáng lưu ý trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020 mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đến hết ngày 21/2/2020.
Siết chất lượng ngành y và giáo viên bằng điểm sàn
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, về cơ bản, quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã được công bố với thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non 2020 có sửa đổi một số nội dung đáng chú ý, như: Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khoẻ; đặc biệt là quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
(Ảnh minh họa)
Điểm mới nữa là, Bộ GD-ĐT chỉ quy định về tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Như vậy, chính thức từ năm 2020, ngành học mầm non dừng tuyển sinh hệ trung cấp. Việc này để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, Luật quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non là Cao đẳng sư phạm, giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở là cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.
So với quy chế trước đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ hai, chương trình tiên tiến, theo đặt hàng và liên thông. Theo đó, người dự tuyển đào tạo cấp bằng đại học thứ hai là người đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên. Riêng các ngành khối sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề chỉ tuyển sinh đào tạo cấp văn bằng thứ hai đối với người có văn bằng thứ nhất thuộc khối ngành sức khỏe hoặc khối ngành tự nhiên.
Với các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe, trong trường hợp sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia (THPTQG) và kết quả học tập Trung học phổ thông hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển với điểm thi THPTQG… ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPTQG, điểm kết quả học tập phải tương đương với các ngưỡng theo quy định như sau: Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập Trung học phổ thông trình độ đại học với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.
Video đang HOT
Liên quan đến ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của một số khối ngành, PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Có một số ý kiến cho rằng, khối sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao chú trọng đến năng khiếu của người học hơn vấn đề học vấn. Vì thế, nếu quy định “điểm sàn” và các điều kiện quá cao sẽ khó để có thể tuyển được người có năng khiếu tốt. Vì vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung này để có quyết định hợp lý nhất.
“Mục đích chúng ta hướng tới là, dù đào tạo chính quy hay tại chức đều có chất lượng chuẩn đầu ra như nhau…”- PGS Nguyễn Phong Điền.
Hướng tới chuẩn chất lượng đầu ra
Một điểm đáng chú ý nữa đó là, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay đã phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh trên cơ sở các quy định của Quy chế tuyển sinh. Trên tinh thần ấy, các trường phải công khai trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, trong đề án sẽ cung cấp tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đối với các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, cần đề cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh, chất lượng của kỳ thi. Tránh tình trạng hợp thức hóa đầu vào bằng cách tổ chức một kỳ thi lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng.
Các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPTQG để sơ tuyển, xét tuyển, xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội là các bài thi. Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPTQG, dự thảo yêu cầu sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Hiện chỉ tiêu xét tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi này vẫn chiếm tỉ lệ lớn, từ 40% đến 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Về đảm bảo mặt bằng chất lượng tuyển sinh, PGS Nguyễn Phong Điền phân tích: Dự thảo này có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2… Việc này nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng tuyển sinh trong cùng trình độ; đồng thời, dễ tra cứu, áp dụng pháp luật. Đây là điểm mới và quan trọng của dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay. Trước đây, quy chế tuyển sinh chỉ áp dụng cho loại hình đào tạo chính quy. Vì thế việc tích hợp như trên là hợp lý, bởi theo kế hoạch, tháng 3 tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Thông tư liên quan đến nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học. Theo đó, trên văn bằng sẽ không ghi loại hình đào tạo mà chỉ bổ sung ghi vào phần phụ lục. Hơn nữa, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sẽ không phân biệt loại hình đào tạo./.
Theo VOV
Sẽ xử lý nghiêm trường tuyển vượt chỉ tiêu
Theo Bộ GD&ĐT, các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của trường.
Nếu trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe; các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường.
Với các trường Bộ GD&ĐT không xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, việc xác định ngưỡng này đối với tổ hợp xét tuyển khi sử dụng kết quả ba bài/môn thi, hai bài/môn thi, một môn thi của kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với các điều kiện khác để xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên và các ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề cần bảo đảm:
Thứ nhất, với tổ hợp xét tuyển sử dụng kết quả ba bài/môn thi: Tổng điểm ba bài/môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) theo thang điểm 10. Với tổ hợp xét tuyển sử dụng kết quả hai bài/môn thi: Tổng điểm hai bài/môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) nhân 2/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân), tối thiểu bằng ngưỡng ba bài trên môn thi nhân 2/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân). Nếu sử dụng kết quả một môn thi: Điểm môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) nhân 1/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân), tối thiểu bằng ngưỡng 3 bài/môn thi nhân 1/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân).
Các trường tuyển vượt chỉ tiêu năm 2019 sẽ bị xử lý tùy mức độ. Ảnh: Khánh Huy
Các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của trường. Nếu trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 25 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Những trường tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.
Các trường công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo việc công bố thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có), cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu và đúng thời gian quy định.
Mới đây, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTr về việc thanh tra công tác tuyển sinh ĐH năm 2019. Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT thành lập sẽ tiến hành thanh tra bắt đầu từ ngày 1-8-2019.
Theo đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thanh tra 4 trường ĐH gồm: trường ĐH Nội vụ Hà Nội; trường ĐH Lâm nghiệp; trường ĐH Hùng Vương TP HCM và trường ĐH Bạc Liêu.
Nội dung thanh tra tập trung vào việc xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh của trường; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; việc tổ chức tuyển sinh. Thời gian thanh tra kéo dài 30 ngày kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra.
Trước đó, nhiều trường ĐH, phân hiệu trường ĐH trên cả nước công bố mức điểm sàn xét tuyển đầu vào năm học 2019 thấp, có những trường ĐH lấy mức điểm sàn thấp dưới 14 điểm.
Theo thông báo của trường ĐH Lâm nghiệp, điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐH chính quy năm 2019 của trường này ngoài ngành Công nghệ vật liệu, Công nghệ sau thu hoạch: 18,0 điểm và ngành Chăn nuôi 17,0 điểm thì các ngành còn lại lấy từ 13,0 điểm... trường ĐH Nội vụ Hà Nội công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ của trường dao động 13,0 đến 17,0 điểm. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP HCM và Quảng Nam, với hầu hết các ngành mức điểm 12,0; 12,5; 13,0 điểm và hai ngành Lưu trữ học và Luật có tổ hợp xét tuyển lấy từ 14,0 điểm.
Còn trường ĐH Bạc Liêu, hầu hết các ngành bậc ĐH năm nay có điểm sàn xét tuyển 13,0 điểm riêng hai ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật có điểm sàn chỉ 12,0 điểm.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng: Đối với số ít trường xác định điểm sàn thấp, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Bộ GD&ĐT sẽ định hướng, giám sát thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng khi xác định điểm trúng tuyển, trong quá trình đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, bà Phụng cũng nhấn mạnh: Các trường ĐH cố tình vi phạm các quy định chung về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, cấm tự chủ tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo, bị xử phạt hành chính; Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, viên chức, bị phạt hành chính, hình sự... tùy theo mức độ vi phạm.
T.Fan
Theo PLXH
Tuyển sinh đại học năm 2020: Giữ ổn định và minh bạch thông tin Chiều ngày 13/2, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học (ĐH) hệ chính quy, trình độ cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non hệ chính quy. Kỳ thi đại học luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Điểm lại những điểm tích cực...