Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Thêm ngành mới, đổi cách xét tuyển
Kỳ tuyển sinh 2016, hầu hết các trường ĐH đều xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi vẽ cách xét tuyển và ngành tuyển.
Theo thông tin từ các trường ĐH, hiện nhiều trường đã hoàn tất phương án tuyển sinh cũng như chỉ tiêu dự kiến năm 2016. Tuy vậy, các trường còn chờ đến khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi và xét tuyển năm nay mới công bố chính thức.
So với năm 2015, nhiều ngành mới ở các trường được mở, cách xét tuyển cũng dự kiến có thay đổi so với năm trước, chẳng hạn bỏ bớt tổ hợp xét tuyển, xác định điểm chuẩn riêng cho ngành thay vì một điểm chuẩn chung, bỏ nhân đôi hệ số môn chính…
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi do ĐH Sư phạm TP HCM chủ trì. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Thêm nhiều ngành mới
Ông Lê Hoàng Nghiêm – Trưởng phòng đào tạo ĐH Tài nguyên và môi trường TP HCM – cho biết, trường đang chờ quy chế của bộ để xây dựng chỉ tiêu cũng như phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, trường sẽ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 để xét tuyển. Trường dự kiến mở sáu ngành mới gồm: Kỹ thuật tài nguyên nước, quản lý tài nguyên biển và hải đảo, hệ thống thông tin, kỹ thuật chế biến khoáng sản, biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững, quản lý tài nguyên môi trường.
Còn ông Nguyễn Hữu Lượng – Phó hiệu trưởng ĐH Sài Gòn – cho hay, thông tư mới về xác định chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT tính giảng viên theo ngành nên dự kiến tổng chỉ tiêu của trường sẽ không thay đổi, nhưng chỉ tiêu một số ngành của trường sẽ tăng lên trong khi chỉ tiêu không ít ngành giảm so với năm 2015.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng phòng đào tạo ĐH Công nghiệp TP HCM – cho biết, trường đang chờ Bộ GD&ĐT có quyết định để xây dựng chỉ tiêu chính thức.
Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh vẫn dựa vào kỳ thi THPT quốc gia 2016. Điểm mới trong công tác tuyển sinh của trường là nhiều chuyên ngành trước đây sẽ được tách thành ngành độc lập trong kỳ tuyển sinh năm nay như kinh doanh quốc tế, marketing, chế tạo máy…
Ngoài ra, trường cũng mở mới các ngành luật kinh tế, luật quốc tế, xây dựng công trình giao thông.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM – cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2016 sẽ giảm so với năm trước. Trong đó, bậc ĐH tuyển 2.500 chỉ tiêu và CĐ 500 chỉ tiêu. Trường có tuyển sáu ngành mới bậc ĐH.
ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng dự kiến tuyển sinh các ngành mới gồm công nghệ vật liệu, kỹ thuật y sinh, khai thác vận tải, ngôn ngữ Anh.
Với những trường có quy mô đào tạo vượt 15.000 sinh viên, đại diện một số trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Nông lâm TP HCM, ĐH Kinh tế TP HCM… cho biết, chỉ tiêu năm 2016 dự kiến vẫn giữ như năm 2015.
Chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường ĐH khác như Ngân hàng TP HCM, Luật TP HCM, ĐHQG TP HCM… dự kiến không có nhiều thay đổi so với năm trước.
Thay đổi cách xét tuyển
Một điểm đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh năm nay là việc nhiều trường thay đổi cách xét tuyển so với năm 2015. Thạc sĩ Lê Văn Hiển – Phó phòng đào tạo ĐH Luật TP HCM – cho biết, cách xét tuyển năm 2016 của trường sẽ có thêm phần kiểm tra năng lực.
Theo đó, tổng chỉ tiêu vào trường là 2.500. ĐH Tài chính – marketing sẽ phân chỉ tiêu theo ngành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển.
Điểm mới năm nay là trường sẽ lấy điểm chuẩn theo ngành, thay vì lấy một điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành như trước đây. Bên cạnh đó, trường sẽ không xét tuyển tổ hợp Toán – Ngữ văn – Vật Lý như năm 2015. Trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016.
ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) dự kiến lần đầu tiên tuyển sinh tổ hợp Toán – Hóa – Sinh cho hai nhóm ngành Hóa – Thực phẩm – Công nghệ sinh học và nhóm ngành môi trường.
Còn ông Trương Tiến Sĩ – Phó phòng đào tạo ĐH Ngân hàng TP HCM – cho hay, trường dự kiến bỏ việc nhân hệ số môn Toán trong kỳ tuyển sinh 2016.
TS Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH ĐHQG TP HCM – cho biết: Cách xét tuyển năm 2016 vào các trường thành viên sẽ có nhiều thay đổi so với năm trước. Theo đó, việc xét tuyển được thực hiện trực tuyến, chỉ có một đầu mối nhận hồ sơ (ĐHQG TP HCM sẽ có bộ phận tiếp nhận hồ sơ, thay vì mỗi trường tự nhận hồ sơ của trường mình như trước đây) và sẽ xét tuyển liên thông trong toàn hệ thống các trường thành viên.
Thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng trong toàn hệ thống các trường thành viên và được xét tuyển lần lượt theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, thí sinh đăng ký ngành công nghệ thông tin vào nhiều trường khác nhau của ĐHQG TP HCM sẽ được xét tuyển lần lượt, trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giữ ổn định như năm trước và dự kiến có một số ngành mới.
Tại ĐH Kinh tế TP HCM, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương – Phó phòng đào tạo – cho hay, năm 2016, trường sẽ thay đổi cách xác định điểm chuẩn cũng như chỉ tiêu một số ngành.
Trong đó, năm 2015, chỉ mỗi ngành ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn riêng thì năm 2016 sẽ có thêm các ngành hệ thống thông tin (với các chuyên ngành toán tài chính, thống kê kinh doanh và tin học quản lý), kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị có chỉ tiêu riêng cùng điểm chuẩn riêng, môn toán hệ số 2. Các ngành còn lại vẫn xác định một điểm chuẩn chung.
Trong đó, các ngành và chuyên ngành toán tài chính, thống kê kinh doanh, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị chỉ thu học phí bằng 50% học phí của trường.
“Đây là những ngành, chuyên ngành mà xã hội có nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên trong những năm qua, số lượng sinh viên có nguyện vọng học các ngành này không nhiều. Việc xác định chỉ tiêu riêng, điểm chuẩn riêng và chỉ thu 50% học phí nhằm thu hút người học” – ông Đương cho biết.
Giảm chỉ tiêu sư phạm
Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết, chỉ tiêu dự kiến của trường sẽ tăng so với năm 2015 do năm nay trường mở một số ngành mới như ngôn ngữ Hàn Quốc, tâm lý học giáo dục và công tác xã hội.
Bên cạnh đó, trước tình trạng thừa giáo viên, trường cũng sẽ giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm khoảng 10% và tăng chỉ tiêu các ngành ngoài sư phạm. Trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Theo Minh Giảng/Tuổi Trẻ
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016
Quy chế chính thức về kỳ thi THPT quốc gia vẫn chưa được Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) công bố, nhưng nhiều địa phương đã có kế hoạch cũng như triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi này.
Phù hợp với thực tế hơn
Nhiều địa phương đề xuất tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sớm hơn so với năm 2015, cụ thể là diễn ra trong ba ngày 13, 14, 15/6 (năm 2015 thi vào đầu tháng 7).
Theo Bộ GD- ĐT, việc tổ chức thi sớm hơn (ngay sau khi kết thúc năm học) sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh, đồng thời thời gian nhập học, khai trường cũng sớm hơn, không ảnh hưởng đến chương trình học và thời điểm ra trường của sinh viên.
Nhiều địa phương đã tổ chức kỳ khảo sát, đánh giá năng lực học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Ảnh: Quý Trung.
Kỳ thi năm 2016 sẽ tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015, nhưng có một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp, hỗ trợ của các trường ĐH; thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện; các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh. Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.
Để khắc phục những yếu điểm do phần mềm công nghệ thông tin, năm 2016 Bộ GD- ĐT sẽ bổ sung, nâng cấp để hoàn thiện hệ thống phần mềm trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi, nhất là ở các khâu đăng ký dự tuyển, đăng ký xét tuyển, sẵn sàng đáp ứng cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và những năm tiếp theo.
"Sau khi hoàn thành việc chấm thi và lên điểm, các cụm thi cập nhật dữ liệu điểm thi vào hệ thống quản lý thi của Bộ GD- ĐT. Thay vì chỉ có 6 cửa thông qua 1 cổng công bố kết quả duy nhất như năm 2015, thì năm 2016 Bộ sẽ tăng thêm các cổng công bố kết quả thi để tạo thuận lợi cho thí sinh, khắc phục tình trạng nghẽn mạng như vừa qua"- đại diện lãnh đạo Bộ cho biết.
Khảo sát chất lượng ôn tập
Thời điểm này, mặc dù quy chế của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chưa chính thức ban hành nhưng nhiều địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đáp ứng với những yêu cầu đổi mơi thi cử.
Theo lãnh đạo Sở GD - ĐT Sơn La, tỉnh vẫn sẽ bám sát những nội dung định hướng đổi mới của Bộ GD- ĐT để đưa ra kế hoạch ôn tập. Bên cạnh đó, tổ chức lớp ôn tập phù hợp đối tượng, nguyện vọng và năng lực của HS (theo các khối thi ĐH, CĐ truyền thống và tổ hợp các môn thi theo đề án riêng của các trường ĐH, CĐ).
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Vĩnh Phúc: "Chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức hai đợt khảo sát chất lượng ôn tập thi THPT quốc gia, lần 1 vào ngày 15 - 17/1/2016 và lần 2 vào ngày19 - 21/3/2016".
Việc tổ chức khảo sát cho học sinh cũng diễn ra trước tết âm lịch. "Để việc học tập, kiểm tra được liền mạch, Sở cũng chỉ đạo các trường thực hiện việc kiểm tra, khảo sát đánh giá chất lượng của học sinh", bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD - ĐT Thanh Hóa cho biết. Được biết, đợt khảo sát này sẽ phải đảm bảo nghiêm túc, đánh giá đúng chất lượng học sinh, công khai kết quả đến học sinh, phụ huynh học sinh, Hội đồng giáo dục nhà trường. Sau mỗi lần khảo sát đều phải tổ chức phân tích, đánh giá kết quả đến từng học sinh (kết quả chung và kết quả tổ hợp các môn theo nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ), từng môn, từng lớp; đánh giá công tác quản lý, công tác giảng dạy của từng giáo viên, đánh giá về nội dung chương trình và kịp thời điều chỉnh các nội dung nếu cần.
Theo baotintuc.vn
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Các trường cao đẳng vẫn mòn mỏi chờ thí sinh VOV.VN -Hiện vẫn còn rất nhiều chỉ tiêu cho bậc cao đẳng, thậm chí, nhiều trường mới tuyển được vài chục hồ sơ. Kỳ tuyển sinh năm nay có khá nhiều thay đổi, nên việc hoàn thành chỉ tiêu đối với bậc cao đẳng đang khiến nhiều cơ sở giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh đứng ngồi không yên. Kết thúc...