Tuyển sinh đầu cấp: Các trường muốn tổ chức khảo sát
Nhiều trường có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 đông muốn tổ chức bài thi khảo sát kiểm tra năng lực để xét tuyển ngay khi Bộ GD&ĐT bỏ “lệnh” cấm thi lớp 6.
ảnh minh họa
Bộ GD&ĐT vừa cho phép các trường THCS có thể tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6 nếu có số học sinh (HS) đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Có bài kiểm tra để tạo sự công bằng
Từ khi Bộ GD&ĐT quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức, tại TP.HCM, duy nhất trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, với đặc thù là trường chuyên, được tổ chức tuyển sinh bằng bài kiểm tra đánh giá năng lực. Cụ thể, đó là bài khảo sát bằng tiếng Anh vào lớp 6 dành cho HS toàn thành phố.
Tuy nhiên, nhiều địa bàn quận, huyện khác cũng có không ít trường chất lượng đào tạo ngang ngửa nhưng vẫn phải tuyển sinh theo địa bàn phân tuyến. Điều này gây khó khăn cho các trường khi hàng năm số HS giỏi ở lớp 5 quá nhiều, dù phải dùng đến các tiêu chí phụ nhưng tuyển chọn được HS thực sự có chất lượng vào trường vẫn rất gay go.
Tại quận 7, THCS Nguyễn Hữu Thọ là trường khiến khá nhiều phụ huynh mong muốn nhưng hàng năm phải dành số chỉ tiêu lớn để tuyển sinh đúng tuyến, số ngoài tuyến mỗi năm một giảm do áp lực HS tăng.
Ông Đặng Nguyễn Thịnh, hiệu trưởng nhà trường, cho hay những năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 là 50-50 (50% trong tuyến, 50% ngoài tuyến). Thế nhưng, trước áp lực HS tăng mạnh, từ năm học 2017-2018, số HS ngoài tuyến được vào trường này chỉ còn lại 3% (tương đương 77 em).
Lãnh đạo nhiều trường THCS cho rằng tuyển sinh theo phân tuyến là chủ trương nhân văn của ngành GD&ĐT TP nhưng nếu được phép thì những trường điểm ở các quận, huyện vẫn muốn được tuyển sinh bằng bài khảo sát đánh giá năng lực. Làm như vậy sẽ dễ dàng và công bằng với tất cả HS.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Thành Văn, trưởng phòng GD&ĐT quận 10, cho biết đang chờ hướng dẫn của sở để có phương án tuyển sinh chính thức. Tuy nhiên, ông Văn thừa nhận nếu có quy định xét tuyển kèm với bài kiểm tra đánh giá năng lực HS thì quá tốt cho các trường.
Theo ông Văn, hàng năm, việc tuyển sinh vào trường THCS Nguyễn Văn Tố thực sự rất khó khăn vì số HS giỏi quá nhiều. Những em đạt tổng hai môn Toán và Tiếng Việt 20 điểm rất lớn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết sau khi họp ban chỉ đạo thi và tuyển sinh đầu cấp sở có thông tin chính thức và hướng dẫn cụ thể các trường.
Vượt rào tổ chức khảo sát sớm
Năm học 2018-2019, TP Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 105.000 HS vào nhà trẻ, 452.000 HS lớp mẫu giáo, 145.000 HS vào lớp 1 và 109.300 HS vào lớp 6. Mặc dù tới thời điểm hiện tại Sở GD&ĐT TP Hà Nội chưa ban hành Quy chế tuyển sinh năm học 2018-2019, nhiều trường ngoài công lập đã thông báo tuyển sinh sớm.
Trường Quốc tế Gateway (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết tuyển sinh từ ngày 7/1 đến 31/7. HS vào lớp 1 sẽ phải tham gia đánh giá đầu vào với 3 nội dung là ngôn ngữ tiếng Việt, ngôn ngữ tiếng Anh và tư duy logic. Đến nay, trường Quốc tế Gateway đã tổ chức phỏng vấn đợt đầu tiên, lịch phỏng vấn đợt 2 là ngày 7/4.
Trường Phổ thông liên cấp Olympia (phường Trung Văn, quận Cầu Giấy) cũng bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/2. HS trúng tuyển lớp 1 phải có kết quả “đạt” ở phần khảo sát năng lực và phỏng vấn.
Tương tự, HS muốn vào học tại trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội (quận Thanh Xuân) cũng phải trải qua kiểm tra về kỹ năng tư duy, giao tiếp, vận động, tiếng Anh vào ngày 22/4.
Trường Phổ thông quốc tế Newton (quận Bắc Từ Liêm), trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) hay Tiểu học và THCS Thăng Long Xa La (quận Hà Đông) cũng đều tuyển sinh dựa trên kết quả phỏng vấn khảo sát, đánh giá năng lực….
Ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết sở này đã trình UBND TP Hà Nội kế hoạch, phương thức tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2018-2019 của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có văn bản đồng ý nên sở GD&ĐT chưa triển khai nội dung trên.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị phụ trách xác minh ngay thông tin hàng loạt trường phát hành hồ sơ, tuyển sinh trước quy định, thực hiện khảo sát năng lực với lớp 1, lớp 6 khi chưa được phép”, ông Đại nói.
Theo Zing
Tuyển sinh lớp 6: Trường điểm muốn thi khảo sát năng lực
Nhiều trường THCS tại TP HCM mong muốn được tuyển sinh lớp 6 bằng bài kiểm tra năng lực như Trường chuyên Trần Đại Nghĩa
Học sinh thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Dù chủ trương không phát triển thêm trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS nhưng trước áp lực học sinh (HS) giỏi ở bậc tiểu học quá lớn, nhiều trường THCS "điểm" tại TP HCM muốn có một phương thức tuyển sinh mới, thay vì xét các yếu tố ưu tiên như mọi năm.
Học sinh quá nhiều, chỉ tiêu quá ít
Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức, tại TP HCM, chỉ duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - với đặc thù trường chuyên - được tổ chức tuyển sinh bằng bài kiểm tra đánh giá năng lực, cụ thể là bài khảo sát bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, một số quận - huyện vẫn có những trường "điểm" khiến nhiều phụ huynh và HS ước ao.
Chẳng hạn, quận 1 có Trường THCS Nguyễn Du và Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 7 có Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 10 có Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 4 có Trường THCS Vân Đồn... Đặc thù của những trường này trong tuyển sinh hằng năm là ngoài việc bảo đảm HS đúng tuyến có chỗ học thì sẽ dành một số chỉ tiêu cho HS ngoài tuyến với điều kiện đáp ứng những tiêu chí do hội đồng tuyển sinh của quận - huyện đó quy định.
Thế nhưng, việc tuyển sinh số ngoài tuyến này luôn là bài toán khó với các trường hằng năm, lý do là số HS đủ điều kiện quá nhiều mà chỉ tiêu lại ít. Tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, những năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 là 50-50 (50% trong tuyến, 50% ngoài tuyến). Thế nhưng, trước áp lực HS tăng mạnh, từ năm học 2017-2018, số HS ngoài tuyến được vào trường này chỉ còn lại 3% (tương đương 77 em).
Theo hiệu trưởng một trường THCS, hầu như HS tiểu học nào cũng đạt 20 điểm 2 môn toán và tiếng Việt, buộc các trường phải xét thêm tiêu chí phụ nhưng rất nhiều em cũng đáp ứng được. Vì thế, để chọn được HS thật sự chất lượng vào trường rất khó nếu không có một bài kiểm tra ngắn gọn, công bằng và đánh giá hết được kiến thức, kỹ năng của các em.
Công bằng với học sinh
Ông Đặng Nguyễn Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, cho biết 3% HS ngoài tuyến của năm học trước là do các trường tiểu học tự đề xuất, sau đó hội đồng tuyển sinh của quận quyết định. Dù hình thức, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm như thế nào là chủ trương của ngành nhưng trường vẫn muốn được tuyển sinh bằng bài khảo sát đánh giá năng lực. Làm như vậy sẽ dễ dàng và công bằng với tất cả HS.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng rất khó làm được điều này vì TP HCM gặp áp lực lớn nhất là dân nhập cư. "Phải có những trường THCS lân cận để tiếp nhận HS trong địa bàn không đủ điều kiện vào trường "điểm". Trong khi đó, trường lớp hiện nay rõ ràng không theo kịp tốc độ tăng dân số, nếu thi tuyển để chọn HS chất lượng cho trường mình mà dồn áp lực sang các trường khác là không ổn" - ông Thịnh băn khoăn.
Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THCS tại quận 10 cho rằng trong thực tế, trường "điểm" nào cũng muốn tổ chức thi tuyển hoặc thực hiện bài khảo sát để chọn ra những HS ưu tú. Bởi lẽ, các trường này còn gánh thêm nhiệm vụ đào tạo nguồn HS giỏi cho TP HCM, dù TP không chủ trương phát triển thêm trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS.
Như thế, kế hoạch tuyển sinh của nhiều trường buộc phải phá vỡ vì áp lực HS tăng dần qua các năm. Ông Đặng Nguyễn Thịnh cho biết theo thông tin từ lãnh đạo quận 7, năm học tới, áp lực tuyển sinh lớp 1, lớp 6 tiếp tục căng thẳng. Dự kiến năm học 2018-2019, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ chỉ tuyển được khoảng 430 HS vào lớp 6, còn chính thức thế nào phải chờ lãnh đạo quận phê duyệt.
Hướng đến tự chủ tài chính
Theo hiệu trưởng một trường THCS, giải pháp xin tự chủ tài chính đang được nhiều trường hướng đến cũng là cách giảm áp lực tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Khi tiến hành tự chủ tài chính sẽ có những điều kiện đi kèm. Chẳng hạn, dù đúng địa bàn tuyển sinh nhưng nếu phụ huynh chấp nhận mức học phí mới thì con họ mới được vào học.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm học tới, Trường THCS Nguyễn Du sẽ thực hiện tự chủ tài chính, đồng nghĩa với kế hoạch tuyển sinh sẽ thay đổi.
Theo NLĐ
Ngồi nhà nhấp chuột xin cho con học lớp một Từ ngày 15/6, phụ huynh tại Đà Nẵng muốn đăng ký nhập học cho con vào lớp một và lớp 6 chỉ cần ngồi nhà nhấp chuột, không phải chen lấn nữa. Chiều 13/6, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết sở đã gửi văn bản đến các phòng giáo dục trên địa bàn về việc triển khai phần mềm tuyển sinh trực...