Tuyển sinh đại học năm 2021: Nhiều lo lắng quanh việc thí sinh được thay đổi nguyện vọng 3 lần
Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, mỗi thí sinh sẽ được thay đổi nguyện vọng xét tuyển trực tiếp tối đa là 3 lần. Quy định mới tạo điều kiện cho các thí sinh, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về phương thức mới này.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 sẽ có nhiều điểm mới. Ảnh minh họa: Q.Anh
Nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học
Liên quan đến công tác tuyển sinh, đại diện Bộ GD&ĐT thông tin, kỳ tuyển sinh năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, giữ ổn định về quy chế, về phương thức tổ chức, phối hợp giữa các đơn vị, giữa các trường với Sở, với Bộ. Đồng thời, chủ động có những phương án ứng phó với sự thay đổi, tiếp tục ứng dụng công nghệ để giảm thiểu những sai sót, tạo thuận lợi cho các trường và thí sinh. Đồng thời, phát hiện chỉ ra những sai sót, bất cập của công tác tuyển sinh năm 2020 và các năm trước để cải tiến và có những thuận lợi hơn cho thí sinh.
Về những điểm mới của tuyển sinh năm 2021, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có 5 điểm mới chính trong dự thảo Quy chế tuyển sinh. Trước tiên là việc thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, giáo dục mầm non bằng một trong hai hình thức, bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện).
Tiếp đến, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định bằng phương thức trực tuyến (năm 2020 điều chỉnh nguyện vọng 1 lần). Thay đổi này có lợi cho thí sinh và phù hợp với thực tiễn; giúp thí sinh suy nghĩ kỹ khi lựa chọn trường học, ngành học; các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được các thí sinh phù hợp.
Quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực. Theo đó, thí sinh sẽ sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học. Năm nay, sẽ thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT cũng đang quan tâm, bàn thảo về phương án giảm lệ phí xét tuyển và cần đề xuất một mức chung, Bộ có thể hỗ trợ. Thống nhất hợp tác, đồng thuận trong cơ chế phối hợp, trong việc chia sẻ kinh phí tuyển sinh các trường. Theo đó, các trường chuẩn bị đề án tuyển sinh và phương án tư vấn cho thí sinh tốt hơn, đảm bảo sự nhất quán, chuẩn xác trong các thông tin công bố tới các bên khác nhau, tránh những sai sót gây thiệt hại cho thí sinh.
Video đang HOT
Nhiều lựa chọn khiến thí sinh thêm “rối”?
Trước dự kiến mỗi thí sinh được thay đổi nguyện vọng tối đa 3 lần, đại diện nhiều trường đại học cũng đồng tình với phương án này, bởi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh. Như vậy, thay vì chỉ được 1 lần thay đổi, kỳ tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh được đổi nguyện vọng 3 lần. Tránh được lựa chọn sai và đăng ký xét tuyển phù hợp hơn với các nguyện vọng, nhất là sau khi các trường công bố ngưỡng điểm xét tuyển.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về việc này. Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến 2 lần để các trường đại học, cao đẳng sớm thực hiện công tác xét tuyển. Bởi thực hiện thay đổi nguyện vọng tới 3 lần là quá dài, các trường rất mất thời gian để thí sinh chốt nguyện vọng. GS.TS Nguyễn Đình Thức đề xuất, chỉ nên điều chỉnh 2 lần.
Từ thực tiễn công tác tuyển sinh, TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính: “Trường hợp nếu thí sinh đăng ký trực tiếp được điều chỉnh nguyện vọng tới 3 lần, các Sở GD&ĐT sẽ phải bố trí nhiều người hỗ trợ, sẽ rất vất vả… Tuyển sinh của học viện vừa qua cũng cho thấy một thực tế, có nhiều thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng rồi thay đổi liên tục cũng khiến gia đình mâu thuẫn. Có những học sinh đăng ký nguyện vọng rồi, sau đó điều chỉnh lại nhưng không thông báo cho bố mẹ. Có những thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng đến nỗi chỉ còn nhớ những nguyện vọng ban đầu. Do đó, nếu điều chỉnh nhiều lần, thí sinh càng bối rối, phân tâm”.
Giải thích thêm về các đợt thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học, cao đẳng tiếp tục phát huy ưu điểm, tập trung vào về công khai minh bạch tư vấn cho thí sinh và làm tốt công tác kiểm tra, đặc biệt tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, xét tuyển công bằng, khách quan, đúng quy chế. Về thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, thời gian điều chỉnh có thể trong khoảng 5 ngày hoặc một tuần. Trong khoảng thời gian này, thí sinh có thể điều chỉnh 1 hoặc 3 lần, không ảnh hưởng đến tiến độ tuyển sinh của các trường”.
Theo Báo cáo tổng kết tuyển sinh năm 2020 của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cả nước có 900.066 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 643.271 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học và cao đẳng sư phạm, chiếm 71,47% số thí sinh đăng ký dự thi. Đáng chú ý, có 467.791 thí sinh trúng tuyển, nhập học tất cả các ngành chiếm 86,41% tổng chỉ tiêu, tăng 8,71% so với năm 2019. Cũng trong năm 2020, có 35.936 thí sinh trúng tuyển, nhập học các ngành đào tạo giáo viên, chiếm 61,58% tổng chỉ tiêu, cao hơn năm 2019.
Đào tạo đặt hàng: Tránh lãng phí
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH- CĐ) sư phạm năm 2021 (gọi tắt là dự thảo) đó là việc đăng ký đào tạo theo đơn đặt hàng.
Quy định này nhằm mục tiêu giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Ảnh minh họa.
Đặt hàng để đảm bảo đầu ra
Theo Điều 15 của dự thảo, tuyển sinh theo đặt hàng do các chủ thể (UBND tỉnh, các tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước) đặt hàng và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thực hiện theo hợp đồng giữa các bên liên quan, không trái với quy định pháp luật. Văn bản giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc thỏa thuận giữa các bên và các thông tin liên quan phải được đưa vào thành phụ lục của Đề án tuyển sinh.
Về điểm đầu vào, Bộ GDĐT quy định điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng, không thấp hơn điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo.
Trường hợp UBND cấp tỉnh đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm cấp THPT tại địa phương; cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo, theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định của chương trình/ngành tuyển sinh.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh đặt hàng phải chịu trách nhiệm giải trình về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.
Hiện nay việc tuyển sinh do Nhà nước, các đơn vị sử dụng ngân sách đặt hàng đào tạo thực hiện theo Nghị định số 32/2019 ngày 10/4/2019 về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Đào tạo theo đặt hàng là chủ trương đúng của Chính phủ về giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao cho 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ - là 3 vùng khó khăn nhất cả nước, vì thế cần có cơ chế để phát triển nhân lực cho các khu vực này.
Trên thực tế, việc đặt hàng đào tạo hiện nay đã được triển khai tại một số tỉnh thành. Đơn cử như Thanh Hóa là địa phương tiên phong của cả nước đưa ra đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH ngành sư phạm theo diện "đặt hàng" và có đầu ra cho sinh viên.
Thí sinh phải có điểm thi đầu vào đại học từ 24 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển đại học (không tính điểm nhân hệ số (nếu có) của từng môn thi), trong đó: không có môn nào dưới 5,0 điểm và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8,0 điểm trở lên hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT. ĐH Hồng Đức là đơn vị được tỉnh này "đặt hàng" tuyển sinh các ngành sư phạm Toán, Lý, Sử và Văn.
Thí sinh giỏi chưa mặn mà
Tuy nhiên, qua quá trình tuyển sinh từ năm 2018 đến nay, có thể thấy chương trình này vẫn chưa thu hút được nhiều thí sinh. Nguyên nhân đã được nhà trường phân tích từ phía người học là số điểm yêu cầu cao, không nhiều em đạt được trong khi đạt được mức điểm 24 này, các em có nhiều lựa chọn khác, ngành sư phạm nói chung không còn hấp dẫn thí sinh...Như vậy, dù nhận được nhiều đãi ngộ trong quá trình học cũng như đầu ra nhưng không phải thí sinh giỏi nào cũng mặn mà.
Từ câu chuyện này, có thể thấy việc ra đời các chính sách đào tạo đặt hàng sẽ chỉ phát huy tác dụng nếu đúng và trúng cả về phía người học và cơ quan, tổ chức đặt hàng.
Theo phân tích của các chuyên gia, lĩnh vực giáo dục (từ giáo dục phổ thông đến giáo dục ĐH) là một trong 7 lĩnh vực được sử dụng ngân sách để đặt hàng thực hiện nhưng từ câu chuyện của Thanh Hóa có thể thấy, để thu hút người giỏi vào sư phạm, dù có miễn học phí và đầu ra đảm bảo thì có lẽ, câu chuyện vẫn còn nằm ở chế độ lương thưởng, quyền lợi... sau khi tham gia công tác chứ không chỉ là câu chuyện đào tạo. Tương tự đối với các lĩnh vực khác, mức lương nhà nước với nhiều sinh viên giỏi không đủ hấp dẫn nên vẫn có những sinh viên không mặn mà lựa chọn.
TS Lê Đông Phương- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng trước đây Nhà nước có chính sách cử tuyển dành cho đối tượng là thí sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương. Nhưng tuyển sinh ào ạt, đào tạo xong không bố trí việc làm khiến cho chính sách này không phát huy được tác dụng như mong muốn ban đầu. Dần dần, số lượng học sinh, sinh viên cử tuyển theo đặt hàng của các địa phương giảm dần. Với việc đặt hàng, sẽ giải quyết được vấn đề nguồn cán bộ có đủ năng lực để học tập và tốt nghiệp để phục vụ các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bởi nguồn tuyển có chất lượng theo đánh giá của nhà trường và xã hội, không phải tuyển sinh theo kiểu "ưu tiên", gửi gắm...
Chất lượng đã được khẳng định. Vấn đề còn lại nằm ở chỗ bố trí việc làm sau khi ra trường. Quy định cụ thể "Chủ tịch UBND cấp tỉnh đặt hàng phải chịu trách nhiệm giải trình về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo" được nhiều người ủng hộ, kỳ vọng chính sách đặt hàng đào tạo sẽ thực sự phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng cần phải minh bạch thông tin ngay từ khi đặt hàng, cụ thể về ngành nghề, vị trí việc làm, lương, chế độ đãi ngộ... sau khi sinh viên ra trường, tránh tình trạng ở thời kỳ này, lãnh đạo địa phương quyết một kiểu, đến nhiệm kỳ sau, lãnh đạo khác lên lại đưa ra chính sách một kiểu khác khiến người học khó an tâm, chuyên tâm.
Muốn vậy, bài toán cung - cầu nhân lực phải được tính toán hợp lý và dự báo đủ dài, tránh tình trạng hôm nay thiếu nhưng sau 4, 5 năm nữa lại thừa người thì sinh viên tốt nghiệp xong, biết đi đâu về đâu? Bởi khi đã ký cam kết đào tạo đặt hàng, người học phải có nghĩa vụ trở về quê hương công tác theo sự phân công của đơn vị đặt hàng trong một khoảng thời gian nhất định, nếu không phải hoàn trả lại tiền học phí và các chi phí liên quan, thậm chí là nộp phạt thêm theo quy định.
Việc gắn trách nhiệm giải trình và bố trí việc làm cho địa phương cử người đi học được cho là giải pháp "tận tay", đúng và sát tình hình thực tiễn nhất hiện nay để không lãng phí nguồn ngân sách và nhân lực có trình độ cho các địa phương còn khó khan.
Đề nghị giảm điểm chuẩn với thí sinh 3 khu vực, số lần thay đổi nguyện vọng Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non 2021 có nhiều điểm mới về số lần thay đổi nguyện vọng, điểm chuẩn đang được các trường đại học quan tâm. Theo dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2021 của Bộ...