Tuyển sinh đại học 2022: Đổi mới nhưng có lộ trình, không nóng vội
Trong phương án tuyển sinh năm 2022, Bộ GDĐT đã khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn.
Trước chủ trương này, bên cạnh việc ủng hộ cũng không ít ý kiến cho rằng, các trường không nên quá vội vàng trong tổ chức thi riêng mà cần có lộ trình và sự kiểm soát của Bộ GDĐT.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Điểm tốt nghiệp THPT sẽ làm căn cứ xét tuyển đại học. Ảnh: Huyên Nguyễn
Đề thi không phân hoá mạnh, khó tuyển người tài
Theo ông Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng, Bộ GDĐT thống nhất phương án thi tốt nghiệp THPT 2022 tương tự như năm 2021 là hợp lý trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. Nếu kỳ thi có nhiều thay đổi thì sẽ vất vả cho thầy trò, gây tâm lý lo lắng cho học sinh, phụ huynh.
Về tuyển sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT với vai trò là đánh giá kết quả giáo dục phổ thông và xét tốt nghiệp cho học sinh. Những năm gần đây, Bộ GDĐT đã điều chỉnh giảm mức độ khó của đề thi để đảm bảo mục tiêu đó.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng nhận định, các phương án tuyển sinh của năm 2021 vẫn phát huy được tác dụng trong năm 2022 như xét học bạ, dùng chứng chỉ ngoại ngữ, tuyển thẳng, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của đại học quốc gia…
“Để tập trung và ít tốn kém thì các trường thường sử dụng chung kết quả của nhau. Đặc biệt, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của mình cũng có thể cung cấp kết quả cho hàng trăm trường đại học khác sử dụng. Nếu các trung tâm khảo thí đi vào hoạt động thì đây sẽ là giải pháp ổn định và lâu dài cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng” – ông Tùng nhận định.
Video đang HOT
PGS-TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cũng bày tỏ sự ủng hộ phương án của Bộ GDĐT, bởi nó thích ứng với bối cảnh mới và đảm bảo lộ trình đổi mới đã và đang diễn ra.
Chưa nên vội vàng
Mặc dù ủng hộ quan điểm, chủ trương trên của Bộ GDĐT nhưng thạc sĩ Đinh Đức Hiền – Giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng: Hiện nay theo Luật Giáo dục mới, các trường đại học sẽ tự chủ trong vấn đề tuyển sinh. Những năm vừa qua rất nhiều phương thức tuyển sinh đã được sử dụng, các trường khác nhau có các phương thức tuyển sinh khác nhau, điều này tạo điều kiện cho học sinh vào các trường đại học. Tuy nhiên, nó cũng sẽ gây ra tình trạng lạm dụng nếu không có sự kiểm soát, đồng thời học sinh và phụ huynh rất dễ bị rối loạn thông tin tuyển sinh, phương hướng ôn tập.
Hơn nữa điều kiện kinh tế xã hội, học tập, mặt bằng chung về giáo dục còn đang chênh lệch ở nhiều nơi nên thiết nghĩ trong tình hình hiện nay việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm thi THPT vẫn là lựa chọn tối ưu nhất, đảm bảo hơn sự công bằng trong giáo dục. Đặc biệt là những trường cạnh tranh cao, chỉ tiêu ít, điểm chuẩn cao thì sự chênh lệch điểm rất nhỏ thôi cũng đã quyết định việc đỗ hay trượt.
Ở những trường này nếu phương thức tuyển sinh riêng khi xét hồ sơ có chỉ tiêu quá lớn sẽ càng tác động mạnh mẽ đến điểm chuẩn với phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên do Luật Giáo dục mới nên bộ chỉ khuyến cáo, việc quyết định vẫn nằm ở các trường đại học.
Ông Hiển cho rằng, trong năm 2022, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn nên được ưu tiên sử dụng. “Theo tôi, chỉ khi hình thành các trung tâm khảo thí lớn, uy tín, ổn định, có sự liên kết của các trường đại học thì lúc đó chỉ tiêu từ kết quả thi THPT sẽ không còn chiếm tỉ lệ lớn nữa” – ông Hiển bày tỏ và kiến nghị, đề thi năm 2022 cần có sự phân hóa tốt hơn nữa, đặc biệt trong khoảng điểm 8 đến 10 điểm và bắt buộc đồng đều ở các môn để công bằng giữa các khối thi và cho chính học sinh.
Đồng quan điểm một lãnh đạo trường đại học phía Nam lo ngại, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến hiện tượng “trăm hoa đua nở”, tỉ lệ ảo cao dẫn đến nhiễu loạn trong tuyển sinh. Vị này cho rằng, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới năm học 2022 – 2023 như hiện nay thì bất cứ thay đổi nào, đặc biệt là thêm tiêu chí để xét tuyển đại học đều có thể gây nhiễu loạn cho phụ huynh, học sinh.
Cần thông báo sớm
Để không xảy ra tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học như năm vừa qua, ông Trần Mạnh Tùng cho rằng, Bộ GDĐT cần thông tin rộng rãi về vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù tuyển sinh là việc của các trường đại học nhưng trong giai đoạn hiện nay, Bộ GDĐT nên tăng cường vai trò quản lý, điều phối, ban hành chính sách, đưa thêm quy định, tiêu chí với một số ngành đặc thù… Các trường đại học, cao đẳng nên chủ động xây dựng phương án tuyển sinh và công bố sớm để học sinh thuận lợi trong việc học và ôn thi. Cùng với đó, Bộ GDĐT cần hỗ trợ để 2 đại học quốc gia chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi đánh giá năng lực, khuyến khích các đại học, cao đẳng sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
Đặc biệt, cần thông tin sớm và đầy đủ để học sinh nắm được thông tin, quy chế, có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình, tránh những quyết định đáng tiếc như chỉ đăng ký đúng 1 nguyện vọng.
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá trong năm
Trong năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 7-8 đợt trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng. Đợt thi sớm nhất có thể diễn ra từ tháng 2, sau đó rải rác đến tháng 8.2022. H.NGUYỄN
6 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2022
Đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ đại học, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của mỗi nhà trường, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,... là những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong năm học 2021 - 2022.
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thực hiện những nhiệm vụ cụ thể trong năm học 2021 - 2022.
Theo đó, trong năm học này, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như xây dựng các kịch bản, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, các trường cũng cần có giải pháp để đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người học, cán bộ, giảng viên.
Đối với hệ thống giáo dục đại học và sư phạm, cần tập trung nguồn lực đầu tư góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực , nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ sở có ngành đào tạo giáo cần viên tích cực, chủ động làm việc với UBND triển khai hiệu quả Nghị định số 71 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và Nghị định số 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Về việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học , các cơ sở giáo dục đào tạo cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ để thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng trường, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường; giải phóng tính năng động, khả năng sáng tạo và sự đóng góp của mỗi giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong quản trị và vận hành cơ sở giáo dục đại học; tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch thông tin để các bên liên quan và xã hội giám sát.
Bên cạnh đó, các trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo , trong đó tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các trường cũng cần chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi; tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.
Cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định.
Về việc đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục , các trường cần tổ chức triển khai có hiệu quả đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn 2019-2030; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; chú trọng việc cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo sau đánh giá; kết quả kiểm định chất lượng là cơ sở để cơ sở đào tạo đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng liên tục đối với các chương trình đào tạo.
Các cơ sở cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo sau đại học, thúc đẩy các công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín; đẩy mạnh đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm theo lĩnh vực ưu tiên.
Các cơ sở đào tạo tập trung rà soát vấn đề liêm chính học thuật, đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng và minh bạch theo thông lệ quốc tế; xây dựng công cụ để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hành vi đạo văn, gian lận trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên; tăng cường thu hút đầu tư, tài trợ của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học uy tín của nước ngoài; thu hút chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài hợp tác và làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở đào tạo , làm trụ cột cho chuyển đổi số quốc gia và hỗ trợ hệ thống giáo dục phổ thông thực hiện chuyển đổi số; nhanh chóng triển khai, nâng cao hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học; tăng cường hợp tác, cùng xây dựng và chia sẻ sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số và hệ thống quản trị, quản lý nhà trường.
Các cơ sở cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục đại học, khai thác hiệu quả các ưu điểm trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức giảng dạy và học tập; khuyến khích, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hoá của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đào tạo trực tuyến,...
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cũng cần tăng cường truyền thông, tư vấn ngành nghề, đặc biệt các ngành có nhu cầu nguồn nhân lực cao nhưng không tạo sức hút với người học để các thí sinh và phụ huynh nắm bắt được.
Khuyến khích trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng: Thí sinh vừa mừng vừa lo Thông tin về phương án tổ chức tuyển sinh đại học năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khuyến khích các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng để phân loại đối tượng tuyển chọn tốt hơn. Bên cạnh niềm vui về sự công bằng trong tuyển sinh, nhiều học sinh và phụ huynh cũng bày tỏ nỗi lo về...