Tuyển sinh 2022: Đổi mới nhưng không thể “sốc”
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học (ĐH) năm học 2021-2022.
Liên kết tổ chức thi đánh giá năng năng lực
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học này của giáo dục ĐH là tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi, tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập.
Yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra cho các cơ sở đào tạo là tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng. Đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công khai, minh bạch theo quy định. Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.
PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mong muốn các trường hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung của bộ là đúng nhưng có lẽ chỉ thực hiện được trong tương lai, khi đã có đủ thời gian chuẩn bị, chứ không thể thực hiện được ngay trong năm 2022.
“Thời điểm này, mọi phương án tuyển sinh đều phải bảo đảm quyền lợi thí sinh, không thể tách rời được. Thí sinh thuận lợi thì các trường mới thuận lợi” – PGS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh. Chuyên gia này cũng nói thêm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tại các địa phương rất khó khăn, phải có sự chuẩn bị cả về kỹ thuật, tài chính, nếu tổ chức không khéo sẽ bị… lỗ, mà lỗ thì không còn ai dám làm. Chính vì thế, trong mùa tuyển sinh tới, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục phương thức tuyển sinh như năm 2021, tức là cả tuyển thẳng, cả tổ chức thi đánh giá năng lực, đồng thời dành chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.
PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhận định những năm tới, chắc chắn các trường sẽ ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn. Tuy nhiên, việc có giảm chỉ tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hay không vẫn là điều cần phải tính toán. “Mọi sự thay đổi phải có lộ trình, không gây sốc cho thí sinh và xã hội. Chúng tôi sẽ đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp để bảo đảm hài hòa xu hướng này” – ông Triệu nêu ý kiến.
Thí sinh TP HCM dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Cần kỳ thi tốt nghiệp THPT tin cậy
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng – ĐHQG TP HCM, cho rằng thực hiện tự chủ ĐH, các trường biết phải sử dụng phương thức tuyển sinh nào phù hợp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng hơn nhiều so với kỳ thi đánh giá năng lực do các ĐHQG tổ chức vì đây là kỳ thi chung cho tất cả thí sinh. Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là để xét tốt nghiệp mà còn qua đó để đánh giá việc dạy và học ở trường phổ thông; kỳ thi này có thể không đánh giá được yêu cầu chuyên biệt nhưng đánh giá được chuẩn đầu ra.
Video đang HOT
Kỳ thi đánh giá do các ĐHQG, các trường tổ chức chỉ là sự bổ sung cho những ngành chuyên biệt nên hiện nay 70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào ĐH theo phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ông Chính cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ cần công bố là các trường có quyền tự chủ và kỳ thi tốt nghiệp THPT là thước đo tốt thì các trường ĐH có thể tin dùng… Khi đó các trường tự hiểu rõ ngành nào cần thước đo chuyên biệt.
PGS-TS Phạm Hiếu Liêm, Phó trưởng Phòng Điều hành Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT có những ưu điểm riêng biệt nên được nhiều trường ĐH sử dụng để xét tuyển. Trước tiên, đây là kỳ thi chung (chung đề, chung đợt) cho tất cả thí sinh nên đây là thước đo chung. Tiếp theo, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không ai có thể can thiệp được nên tránh được những tiêu cực. “Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được duy trì tổ chức tốt, đề thi phân loại tốt hơn để các trường ĐH có thể sử dụng” – ông Liêm đề nghị.
Đa dạng hóa, tăng sự lựa chọn
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), cho rằng các trường ĐH cần đa dạng các phương thức xét tuyển. Thể hiện rõ nhất là trong các năm qua, ĐHQG TP HCM nói chung và Trường ĐH Bách khoa nói riêng đã có các phương thức tuyển sinh khác để gia tăng lựa chọn cho thí sinh. Việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh sẽ tuyển chọn được đa dạng người học, giúp trường chọn đúng người để đào tạo; đào tạo người để làm đúng việc.
PGS-TS Bùi Đức Triệu cũng cho rằng việc đa đạng hóa phương thức tuyển sinh hoàn toàn phù hợp với xu hướng tuyển sinh trong vài năm trở lại đây của các trường. Trên thực tế, những năm qua các trường tốp đầu sử dụng nhiều phương thức tuyển để lựa chọn những thí sinh phù hợp nhất.
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH: Riêng hay chung?
Thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới. Nhiều chuyên gia khẳng định phải tách rời hai hoạt động này, trong khi cũng không ít người có ý kiến ngược lại.
Một phòng thi tại điểm thi THPT Việt Yên (Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp - Ảnh: VĨNH HÀ
Trong khi đó, các cơ sở đào tạo đều đã dự liệu hướng đi riêng cho mình.
Để các trường tự chủ tuyển sinh
TS Lâm Thành Hiển - hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cho rằng đã đến lúc bỏ việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH vì mục đích của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Việc thực hiện kỳ thi "2 trong 1" luôn gây ra nhiều khó khăn cho người ra đề và thí sinh, luôn có nhiều sự cố xảy ra do đề thi không đảm bảo tính phân loại thí sinh.
Năm nay Trường ĐH Lạc Hồng chỉ sử dụng 30 - 50% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. "Cần thay đổi cách tuyển sinh, tăng tự chủ cho các trường để các trường có thể chủ động xét tuyển toàn diện hơn để đảm bảo các trường tuyển chọn người học phù hợp với mục tiêu đào tạo và sứ mạng của trường, và học sinh chọn được đúng ngành nghề và ngôi trường mà mình yêu thích.
Theo đó, các trường ĐH có quyền sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét học bạ kết hợp phỏng vấn hay bài viết về niềm mong ước của học sinh; sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của trường tự tổ chức hay của các trung tâm khảo thí quốc gia" - ông Hiển nói.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng nhìn lại 5 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích và 2 năm thi tốt nghiệp nhưng vẫn sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH cho thấy cách làm này cần thay đổi.
Vì không thể ra đề thi thỏa mãn được yêu cầu xét tốt nghiệp, đánh giá năng lực chung ở bậc phổ thông và xét tuyển ĐH. Nhưng nếu vẫn duy trì thì nhiều cơ sở đào tạo vẫn lệ thuộc vào kỳ thi này, không mạnh mẽ thực hiện tự chủ.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, năm 2021 nhiều cơ sở đào tạo lớn cũng chỉ còn dành rất ít chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp. Xu thế tập hợp theo nhóm xét tuyển, sử dụng kết quả từ phương thức tuyển sinh chung cũng là hướng khả thi trong các năm tới.
"Trường ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng bài thi đánh giá tư duy vì xét thấy cần phải có sự sàng lọc cao hơn so với việc xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả thu nhận rất tốt. Mục tiêu của chúng tôi là gọn nhẹ, không vất vả vì thời gian chỉ thi trong một ngày.
Ngoài ra, phải hạn chế dạy thêm, học thêm. Tuy nội dung câu hỏi trong đề nằm trong chương trình phổ thông nhưng sẽ tập trung kiểm tra năng lực chứ không kiểm tra kiến thức đơn thuần" - ông Điền nói.
Ông Điền cũng khẳng định Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng chủ trì tổ chức kỳ thi cho khoảng 20 trường khác tham gia.
"Không có gì quá khó để xử lý. Chúng tôi có ngân hàng câu hỏi thi, phương thức thi thì có thể làm trên máy hoặc trên giấy ở các điểm khác nhau, quy trình đảm bảo tính bảo mật, khách quan. Cách thức thi này cũng sẽ tác động ngược lại hoạt động dạy học ở phổ thông theo hướng phát triển năng lực, gắn với giải quyết các vấn đề cuộc sống".
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết ông hoàn toàn đồng ý phương án không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH.
"Hiện nay các phương thức khác đã nhiều, các trường đều đã chủ động trong việc tuyển sinh. Ngoài ra, các đánh giá độc lập như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và Hà Nội đang đáp ứng được kỳ vọng các trường.
Kết quả học tập của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM của các thí sinh trúng tuyển từ phương thức đánh giá năng lực nhỉnh hơn các thí sinh trúng tuyển phương thức xét điểm thi THPT đã minh chứng cho điều này" - ông Thắng nói.
Học sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Lo cho học sinh vùng khó khăn
Chia sẻ quan điểm khi phân tích kết quả tuyển sinh năm 2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng lúc này việc có một kỳ thi tập trung như thi tốt nghiệp THPT sẽ rất tốt. Vì nếu tổ chức kỳ thi riêng, không phải địa phương nào cũng có thể tham gia trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Quan điểm này cũng là điều khiến một số nhà quản lý trường ĐH băn khoăn. PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: "Đó là điều duy nhất tôi thấy băn khoăn. Vì nếu năm tới Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh với bài thi đánh giá tư duy thì chắc chắn nhiều thí sinh ở vùng khó khăn sẽ không thể tham dự được, điều đó có nghĩa các em này sẽ không có cơ hội vào học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng là một trong những người cho rằng cần giữ quan điểm kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH là phương án tiết kiệm và công bằng nhất vì đa số học sinh THPT ở vùng khó khăn không thể ra các thành phố lớn để thi năng lực hoặc tham dự các kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức.
Trong trường hợp không tổ chức thi, các trường ĐH sẽ tăng chỉ tiêu xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực hoặc tổ chức thi tuyển sinh riêng.
Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho rằng cần có kỳ thi chung cho thí sinh cả nước mới đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
"Do năm nay tuyển sinh trong điều kiện dịch COVID-19 nên trường chúng tôi mới dành đến 30% chỉ tiêu phương thức xét học bạ, chứ thật ra chúng tôi không tin tưởng điểm học bạ... Cần có trung tâm khảo thí quốc gia xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn mực để tổ chức kỳ thi chung để các trường sử dụng kết quả tuyển sinh" - ông Hùng kiến nghị.
Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp - phó chủ tịch hội đồng khoa học Trường ĐH Luật TP.HCM, với tuyển sinh ĐH, cách tốt nhất vẫn là tổ chức thi tuyển theo từng ban chuyên A, B, C cho từng lĩnh vực đào tạo phù hợp khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn tổ chức theo hướng cho học sinh được chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, nhưng cả quá trình học các em phải học rất nhiều môn, rất nặng nề. "Vì vậy, tôi ủng hộ phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT và chỉ tổ chức kỳ thi ĐH theo các khối thi A, B, C, D..." - ông Hợp nói.
Chưa đổi mới vì nhiều lý do
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, sở dĩ lâu nay các trường ĐH chưa mạnh dạn đổi mới tuyển sinh mặc dù luật đã cho phép liên quan đến lý do: 1. Bài toán kinh tế, việc xét tuyển theo kết quả thi THPT ít tốn kém và hiệu quả. 2. Số thí sinh đông nên gần như không thể áp dụng các hình thức tuyển sinh khác như phỏng vấn, kiểm tra tư duy logic... 3. Nếu xét tuyển bằng thành tích năng khiếu văn nghệ, thể thao thì chỉ có một số ngành nghề phù hợp và dễ sinh ra tiêu cực.
"Theo tôi rất khó để áp dụng cách thức tuyển sinh ở các nước tiên tiến cho Việt Nam. Lý do liên quan đến cách dạy và học ở THPT chủ yếu là dạy kiến thức. Đối với các ngành kỹ thuật công nghệ, vào ĐH 2 năm đầu các môn cơ bản là sự tiếp nối kiến thức học ở phổ thông. Ngành y dược mà mất căn bản về hóa, sinh thì làm sao học nổi?" - ông Dũng nhấn mạnh.
Tìm hướng khác cho thí sinh vùng khó khăn
TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên tổ tư vấn của Chính phủ về đổi mới giáo dục - đào tạo, cho rằng việc lo ngại thiệt thòi cho thí sinh ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn là chính đáng. Tuy nhiên, không thể vì điều đó mà cứ mãi duy trì cách tổ chức thi, tuyển sinh bộc lộ nhiều điểm bất cập. "Tôi cho rằng với thí sinh vùng khó khăn hãy tính đến giải pháp khác, chẳng hạn cơ chế "đặt hàng" đào tạo theo địa chỉ riêng cho các địa phương đang cần nhân lực" - ông Lâm nói.
Đổi mới thi và tuyển sinh đại học: Thay đổi mang tầm chiến lược Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc đổi mới phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ là việc lớn, mang tầm quốc gia. Tuy nhiên những phương án đổi mới vừa qua vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi để phù hợp với tổng thể cải cách giáo dục, chương trình sách giáo khoa. Báo SGGP...