Tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản
Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab), thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có thông báo về việc tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan đợt 1/2020.
Theo đó, Chương trình tuyển chọn 100 người trên phạm vi toàn quốc (70 người ngành sản xuất chế tạo và 30 người ngành xây dựng). Ứng viên được lựa chọn ngành thực tập về sản xuất chế tạo hoặc xây dựng theo nguyện vọng cá nhân ngay từ khi nộp Hồ sơ đăng ký dự tuyển và không được phép thay đổi ngành nghề khi đã trúng tuyển.
Thực tập sinh Việt Nam làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản được hưởng quyền lợi hấp dẫn. Ảnh minh họa
Điều kiện đăng ký dự tuyển là nam giới trong độ tuổi 20 – 30, tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài, có đạo đức, ý thức kỷ luật tốt, không có tiền án, chưa từng tham gia các chương trình đào tạo thực tập sinh của Nhật Bản, chưa từng cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài.
Về quyền lợi khi tham gia chương trình, Colab cho biết, ứng viên sẽ được hưởng mức lương theo hợp đồng sau khi đã khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm và tiền nhà ở trong khoảng từ 18 đến 20 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm tiền làm thêm ngoài giờ). Cùng đó, ứng viên được nhận các khoản hỗ trợ từ Tổ chức IM Japan gồm tiền học phí, tiền ký túc xá khóa đào tạo chính thức (4 tháng) trước phái cử và tiền vé máy bay.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng thời hạn, thực tập sinh sẽ được Tổ chức IM Japan hỗ trợ từ 600.000 Yên đến 1.000.000 Yên (tương đương từ 120 triệu đồng đến 200 triệu đồng) tùy vào số năm thực tập để khởi nghiệp; được nhận khoản tiền bảo hiểm hưu trí (khoảng 80 triệu đồng sau 3 năm thực tập).
Video đang HOT
Trung tâm Lao động ngoài nước và Tổ chức IM Japan sẽ hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành chương trình về nước.
Chi phí tham gia chương trình gồm có: Chi phí làm hộ chiếu, lệ phí visa, chi phí khám sức khỏe, học phí và tiền ký túc xá trong thời gian tham dự khóa đào tạo dự bị (2- 3 tháng), ôn tập tiếng Nhật 01 tháng trước khi xuất cảnh, tiền ăn trong thời gian đào tạo tại Việt Nam. Tổng chi phí để tham dự chương trình dự kiến trong khoảng từ 18 – 25 triệu đồng/8 tháng. Ngoài các khoản chi phí nêu trên, người lao động khi tham gia Chương trình này không phải nộp bất kỳ khoản chi phí nào khác.
Về cách thức nộp hồ sơ, Trung tâm lao động ngoài nước hướng dẫn, Người lao động tự tải toàn bộ mẫu hồ sơ trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước ww.colab.gov.vn , hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn và nộp về Trung tâm Lao động ngoài nước tại địa chỉ: Số 1 Trịnh Hoài Đức, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội, nộp trực tiếp hoặc gửi bảo đảm chuyển phát nhanh qua bưu điện. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 31/3. Thời gian tổ chức thi tuyển dự kiến tháng 2, 3 và 4/2020. (Kế hoạch thi tuyển sẽ được tổ chức theo thứ tự thời gian người lao động nộp hồ sơ).
Trung tâm Lao động ngoài nước lưu ý, Trung tâm là cơ quan duy nhất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao phối hợp với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản tổ chức thi tuyển. Để đề phòng các trường hợp lừa đảo, thu tiền ngoài quy định người lao động tuyệt đối: Không nhờ người khác nộp hộ hồ sơ đăng ký dự tuyển, không nộp hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới; không tham gia các lớp học ôn tập, tạo nguồn, không ký kết các hợp đồng tư vấn về chương trình có thu phí.
Ngọc Tú
Theo laodongthudo
Đẩy mạnh trao đổi sinh viên giữa các trường thành viên SEAMEO
Ngày 17/10, tại Đà Nẵng, đã diễn ra lễ khai mạc chương trình Hội nghị SEAMEO lần thứ 6 với chủ đề Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN.
Có 160 đại biểu đến từ 64 tổ chức giáo dục đăng ký tham gia. Đây là Hội nghị đầu tiên của SEAMEO diễn ra tại Việt Nam do Ban Thư ký SEAMEO phối hợp với trường ĐH Duy Tân tổ chức.
Ban Thư ký SEAMEO chụp ảnh lưu niệm với đại diện nơi đăng cai tổ chức Hội nghị.
Hội nghị SEAMEO lần thứ 6 tập trung việc chia sẻ thông tin về hoạt động trao đổi sinh viên giữa các trường thành viên SEAMEO, đánh giá việc thực hiện LOA (thư thỏa thuận) của đợt trao đổi sinh viên lần thứ 4, góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục, khoa học và văn hóa giữa các trường trong khu vực Đông Nam Á và các đối tác của SEAMEO.
Trước đó, Hội nghị SEAMEO lần thứ 5 vào ngày 26 - 27/3/2019 tại Ipoh, Malaysia đã thông qua Chương trình trao đổi sinh viên (SEA-TVET) lần thứ 4. Có 126 tổ chức từ 5 quốc gia thành viên tham gia gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đã đồng ý ký Thư thỏa thuận (LOA) của đợt trao đổi sinh viên TVET lần thứ 4 vào tháng 10/2019.
Các chủ đề thảo luận của SEAMEO 6 lần này bao gồm: Trao đổi Sinh viên lần thứ 4 SEA-TVET: Các phương pháp hay, Bài học Kinh nghiệm và Định hướng Phát triển"; "Ngành công nghiệp 4.0 và AI trong TVET: Đầu vào cho kế hoạch hành động của mạng lưới SEA-TVET 2020-2023". Ngoài ra, Hội nghị SEMEO lần này còn có Hội thảo về Kế hoạch Hành động của Mạng lưới SEA-TVET giai đoạn 2020-2023 cũng như các thỏa thuận Hành động của Ban thư ký.
Mục tiêu của SEA-TVET gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, kiến thức và kỹ năng kỹ thuật của sinh viên TVET; Tăng cường sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, quan điểm khu vực và giao tiếp tiếng Anh của sinh viên; Cung cấp cơ hội việc làm cho sinh viên; Tạo mối quan hệ đối tác bền vững giữa các trường đại học /cao đẳng bách khoa và TVET ở Đông Nam Á.
Các chuyên ngành trao đổi sinh viên gồm có Cơ điện tử, Điện tử, Điện, Ngành công nghiệp điện tử; Cơ khí; Tin học / Khoa học máy tính; Quản trị du lịch và khách sạn; Nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khoa học động vật, thủy sản; Trồng rừng; Công nghệ nông nghiệp / Kinh doanh nông nghiệp; Công nghệ thực phẩm; Quản trị Kinh doanh; Kế toán tài chính; Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Khoa học sức khỏe / Điều dưỡng / Sức khỏe cộng đồng.
Hội nghị SEAMEO lần thứ 6 diễn ra từ ngày 16/10 - 18/10/2019.
Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) là một tổ chức quốc tế và liên chính phủ được thành lập vào ngày 30 tháng 11 năm 1965 để thúc đẩy hợp tác khu vực về giáo dục, khoa học và văn hóa 11 quốc gia thành viên của SEAMEO gồm: Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam.
SEAMEO có 8 quốc gia thành viên liên kết gồm: Úc, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh; và 5 thành viên liên kết gồm: Hội đồng quốc tế về giáo dục mở và từ xa (ICDE), Đại học Tsukuba, Hội đồng Anh, Hiệp hội giáo dục quốc tế Trung Quốc (CEAIE) và Trung tâm giáo dục quốc tế châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (APCEIU). Cơ quan quản lý của tổ chức này là Hội đồng SEAMEO, gồm 11 Bộ trưởng Giáo dục của các nước thành viên SEAMEO. Ban thư ký SEAMEO có trụ sở chính tại Bangkok,Thái Lan, là cơ quan điều hành của Hội đồng.
Hà Nguyên
Theo giaoducthoidai
Sinh viên xuất sắc, tiêu biểu sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Tiếp sức tài năng Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ Tiếp sức tài năng An Giang tại cuộc họp mặt thực tập sinh sau đại học ở Israel và hỗ trợ sinh viên đại học. Trao hỗ trợ chi phí học tập cho 4 sinh viên đại học Tại buổi họp mặt, sau khi nghe các thực...