Tuyển chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK chương trình phổ thông mới. Mọi việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi về tiến độ triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình cho biết, chương trình đang trong giai đoạn thẩm định. Hiện nay, một số đơn vị xuất bản đã tổ chức nghiên cứu các dự thảo chương trình môn học, đồng thời tiến hành nghiên cứu mô hình SGK của nước ngoài và biên soạn thử một số bản thảo.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Thưa GS, được biết các Hội đồng quốc gia thẩm định các chương trình môn học đang tiến hành thẩm định chương trình. Vậy, bao giờ Chương trình GDPT mới sẽ được ban hành?
Đầu tháng 5/2018, Bộ GDĐT đã thành lập các hội đồng quốc gia thẩm định các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Sau 15 ngày thành viên Hội đồng nghiên cứu dự thảo chương trình, cuối tháng này, Hội đồng bắt đầu họp phiên thứ nhất trong thời gian 05 ngày.
Căn cứ kết quả thẩm định, đối với các dự thảo phải sửa chữa, Ban Phát triển chương trình môn học sẽ chỉnh sửa dự thảo chương trình và gửi lại Hội đồng để thẩm định lần 2. Sau khi Hội đồng kết thúc công việc, Hội đồng quốc gia thẩm định Chương trình GDPT tổng thể sẽ họp lại, xem xét một lần nữa dự thảo CT GDPT tổng thể.
Bộ trưởng sẽ ký thông tư ban hành toàn bộ Chương trình GDPT khi Chương trình GDPT tổng thể và tất cả các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được nhất trí thông qua.
Như vậy, có thể nói thời điểm ban hành chương trình GDPT mới chỉ còn phụ thuộc vào kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định các chương trình môn học và tiến độ chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học dựa trên kết quả thẩm định.
Thời điểm triển khai chương trình mới đang đến gần nhưng công việc còn khá nhiều. Liệu có kịp triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 bắt đầu từ năm học 2019-2020 như quyết tâm của Bộ GDĐT không?
Video đang HOT
Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới quy định: “Thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.”.
Bộ GDĐT đang nỗ lực để có thể bắt đầu thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới ở lớp 1 trên cả nước từ năm học 2019-2020.
Hai công việc chính cần phải thực hiện sau khi chương trình được ban hành là tổ chức viết SGK và tập huấn giáo viên về chương trình, sách giáo khoa mới.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang chỉ đạo các địa phương rà soát, tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GDPT. Các công việc này sẽ được thực hiện tuần tự theo từng cấp học, lớp học như lộ trình được đề ra trong Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Cho đến nay việc biên soạn SGK đã được thực hiện như thế nào?
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 33 quy định tiêu chuẩn SGK; quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Nghị quyết số 88 khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT. Tôi được biết nhiều tổ chức, cá nhân đang sẵn sàng tham gia công việc này.
Một số đơn vị đã tiến hành nghiên cứu mô hình SGK của nước ngoài và biên soạn thử một số bản thảo. Những sự chuẩn bị, tập dượt đó nhằm sau khi chương trình mới được thông qua có thể bắt tay vào việc ngay. Sau khi chương trình mới được ban hành, Bộ GDĐT sẽ còn phải tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK để có được những bộ SGK thật tốt.
Để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Nghị quyết số 88 của Quốc hội giao “Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”. Thực hiện Nghị quyết, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK này. Mọi việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Các nhiệm vụ về tập huấn giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất để đáp ứng chương trình GDPT mới đã được thực hiện như thế nào, thưa GS?
Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông dạy chương trình, sách giáo khoa mới. Trước mắt là tập huấn, bồi dưỡng về chương trình.
Ban Phát triển Chương trình GDPT chịu trách nhiệm biên soạn tài liệu tập hướng dẫn dạy học theo chương trình mới và sẽ tham gia làm báo cáo viên các khoá tập huấn, bồi dưỡng này.
Bộ cũng sẽ mời một số chuyên gia đến thuyết trình về các chủ đề quan trọng như phát triển bền vững, bình đẳng giới, giáo dục tài chính,… Tập huấn sẽ được thực hiện theo hai cả hình thức trực tiếp và trực tuyến (qua mạng Internet).
Về tăng cường cơ sở vật chất, từ 2 năm nay, Cục Cơ sở vật chất của Bộ đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch. Cục Cơ sở vật chất cũng đang phối hợp với các tác giả chương trình môn học rà soát danh mục thiết bị dạy học tối thiểu để sửa đổi, bổ sung danh mục này.
Tinh thần là nỗ lực cải thiện điều kiện học tập và làm việc của thầy và trò, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nhưng phù hợp với thực tế.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Thu Minh
Theo Dân trí
Giáo viên lo lắng trước đổi mới
Dù muốn hay không, phải thừa nhận rất nhiều giáo viên (GV) đang lo lắng trước chương trình phổ thông mới sẽ áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2019 - 2020.
ảnh minh họa
Không phải GV ngại đổi mới cũng chẳng phải do chương trình mới không hay mà vì các thầy cô, những người sẽ trực tiếp lăn xả vào công cuộc đổi mới này, hơn ai hết nhìn thấy thực tế không lạc quan như những người đang thiết kế chương trình đề cập.
Tôi gặp không ít GV ở độ tuổi trên dưới 40 đang dạy ở các trường nổi tiếng của TP.HCM, thậm chí có người còn tham gia dạy học sinh đội tuyển thành phố. Nói như thế để thấy đây là thành phần ưu tú, giảng dạy ở một trong những môi trường tiên tiến nhất nước. Thế nhưng các GV này, khi được hỏi, đều tỏ ra không mấy lạc quan trước chương trình mới sẽ diễn ra. Theo các GV, có 2 điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thành công khi thực hiện chương trình mới là chất lượng đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất. Nhưng cả 2 nhân tố này đều đang có vấn đề, kể cả ở những thành phố lớn.
Chỉ lấy một trường hợp làm dẫn chứng. Hầu hết các GV hiện nay đều chưa hiểu rõ thế nào là tích hợp nhưng chương trình mới lại tập trung vào vấn đề này. Trong một hội nghị cuối tuần vừa qua tại Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng sẽ bồi dưỡng cấp tín chỉ cho GV để có thể dạy tích hợp. Nhưng với nhiều GV đây chỉ là để giải quyết tình huống, khó có thể thay đổi về chất. Sự thay đổi mạnh mẽ phải đến từ các trường ĐH, CĐ sư phạm đầu ngành thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có sự chuyển biến đáng kể trong chương trình đào tạo, tuyển sinh ở các trường sư phạm. Trong khi đó, thời gian để bắt đầu chương trình mới không còn bao lâu nữa.
Còn nhìn về chất lượng của đội ngũ tương lai, những người chủ đạo thực hiện chương trình mới, nỗi lo này càng rõ. Chưa biết năm 2018 có được như mong muốn của Bộ GD-ĐT là học sinh học ngành sư phạm phải là người ưu tú nhất và điểm tuyển sinh sư phạm phải nằm trong tốp đầu. Còn thực tế vài năm gần đây, đặc biệt năm vừa qua, nhìn chung đầu vào của khối ngành này rất đáng lo. Liệu chất lượng đội ngũ như thế có đáp ứng được yêu cầu mới? Đây chính là câu hỏi mà chúng tôi nghe rất nhiều GV đặt ra khi nói về chương trình phổ thông mới.
Cơ sở vật chất không đáp ứng kịp với thực tế là nỗi lo ở tất cả các địa phương. Với chương trình hiện tại, đây đã là một thách thức huống hồ khi thực hiện chương trình mới với việc học tích hợp, học theo nhóm, chương trình hoạt động trải nghiệm... Bao lâu nay vẫn không giải quyết được tình trạng sĩ số vượt gấp nhiều lần quy định, đặc biệt ở các tỉnh thành lớn. Bước vào chương trình mới với yêu cầu sĩ số học sinh thấp, học 2 buổi/ngày..., lãnh đạo nhiều địa phương phải thừa nhận không biết làm thế nào để thực hiện được.
Phải đổi mới. Đó là điều bắt buộc, không thể chần chờ. Thế nhưng Bộ GD-ĐT cũng như những người có trách nhiệm thiết kế chương trình mới phải lắng nghe những tiếng nói thật sự từ phía GV để có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Đừng khăng khăng phải làm bằng mọi cách như đã định để phải sửa lại trong quá trình thực hiện rồi cho rằng vì mục tiêu đề ra quá lớn như "vết xe" bao nhiêu dự án, đề án khác của Bộ GD-ĐT.
Mà thay đổi lần này là rất lớn, vượt khỏi cách truyền thống lâu nay của giáo dục VN, ảnh hưởng đến cả một thế hệ nên cần phải cẩn trọng nhiều hơn, chuẩn bị chu đáo hơn.
Theo TNO
Chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020 Bộ GD-ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020. Đại diện Bộ GD-ĐT thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai áp dụng từ năm học 2019-2020....