Tuyên bố bất ngờ của Thủ tướng Đức về khả năng Ukraine gia nhập NATO
Nhà lãnh đạo Đức nhận định Ukraine gia nhập NATO trong bối cảnh xung đột hiện tại là điều bất khả thi, thay vào đó phương Tây nên cung cấp thêm vũ khí cho Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự cuộc họp tại Quốc hội Đức ngày 22/6. Ảnh: AFP
Theo đài RT, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/6 tiếp tục lên tiếng bác bỏ thẳng thừng việc cho phép Ukraine sớm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất chấp việc Kiev liên tục thúc giục liên minh quân sự phương Tây đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này.
Trong cuộc họp với Quốc hội Đức ở Berlin ngày 22/6, Thủ tướng Scholz nói rằng liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đang có dấu hiệu chia rẽ khi thảo luận về tốc độ gia nhập khối của Ukraine, trong đó Anh có quan điểm trái ngược số đông khi muốn hối thúc quá trình này.
“Chúng ta cần có một cái nhìn tỉnh táo về tình hình hiện tại,” ông Scholz cho biết, đồng thời nói thêm rằng chính các quan chức Ukraine cũng thừa nhận “việc gia nhập NATO là điều không thể” chừng nào cuộc xung đột với Nga vẫn còn tiếp diễn.
Thủ tướng Đức bày tỏ mong muốn khối phương Tây nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ khác cho Kiev và thảo luận kỹ hơn ở hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7 tới tại thủ đô của Litva. Ông nhấn mạnh: “Tôi đề nghị chúng ta tập trung và ưu tiên thảo luận về vấn đề này tại hội nghị ở Vilnius, cụ thể là về tăng cường sức mạnh chiến đấu của Ukraine”.
Theo Thủ tướng Scholz, mục tiêu của Đức là hỗ trợ quân sự bền vững cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí hiện đại của phương Tây. Ông lưu ý thêm rằng các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và G7 có thể cung cấp “các đảm bảo an ninh” cho Ukraine trong trường hợp Kiev không trở thành thành viên đầy đủ của NATO.
Quan điểm chính thức của NATO về tư cách thành viên của Ukraine vẫn không thay đổi kể từ năm 2008, khi tổ chức này tuyên bố rằng Ukraine “sẽ trở thành thành viên của khối trong tương lai”. Tuy nhiên, chừng nào xung đột với Nga còn tiếp diễn, viễn cảnh này sẽ khó có thể xảy ra, bởi Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với việc cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ trở thành xung đột giữa Moscow và NATO.
Video đang HOT
Trong khi đó, Nghị viện Châu Âu (EP) lại muốn các nhà lãnh đạo NATO sử dụng hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Vilnius để đưa ra lời mời gia nhập liên minh cho Ukraine.
Vương quốc Anh ủng hộ những lời kêu gọi này của EP, với việc Ngoại trưởng James Cleverly ngày 22/6 tuyên bố rằng London “sẽ rất ủng hộ” việc NATO xúc tiến việc gia nhập khối của Ukraine.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly phát biểu tại hội nghị Tái thiết Ukraine ở London, ngày 22/6. Ảnh: AP
“Ukraine đã thể hiện cam kết cải cách quân sự cần thiết để trở thành thành viên NATO thông qua các hành động của họ trên chiến trường. Tôi nghĩ rằng tất cả các đồng minh NATO đều nhận ra điều đó,” Ngoại trưởng Cleverly nói thêm, song không bình luận về việc liệu NATO có nên đợi xung đột với Nga được giải quyết trước hay không.
Hiện tại, Mỹ vẫn phản đối bất kỳ việc đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine vào NATO. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ không tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Ukraine gia nhập NATO. Kiev sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như bất kỳ thành viên nào khác trong khối.
Bình luận của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh có một số thông tin về kế hoạch đơn giản hóa thủ tục cho Kiev do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất.
Một số hãng truyền thông Mỹ đưa tin ông Biden đã nghĩ đến một kế hoạch khác cho Ukraine. Ví dụ, tờ New York Times đưa tin chính quyền Mỹ không muốn chấp thuận cho Ukraine tư cách thành viên NATO đầy đủ, thay vào đó Washinton thúc đẩy “mô hình Israel”, nghĩa là cam kết có thời hạn duy trì cung cấp vũ khí phương Tây cho một quốc gia nhất định..
Trong khi đó, Hungary thậm chí còn đưa ra sự phản đối mạnh mẽ hơn về việc NATO kết nạp Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần cáo buộc lãnh đạo NATO đang “kiếm cớ” để tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối mặt cuộc điều tra mới xung quanh bê bối gian lận thuế
Nhà lãnh đạo Đức sẽ đối mặt với một cuộc điều tra của Quốc hội sau lễ Phục sinh, và hậu quả chính trị của nó có thể rất nghiêm trọng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thể là đối tượng điều tra của Quốc hội về vụ bê bối gian lận thuế. Ảnh: AFP/Getty Images
Theo tờ Politico, phe đối lập trung hữu của Đức đang muốn gây sức ép lên Thủ tướng Olaf Scholz bằng cách khởi động một cuộc điều tra của Quốc hội xung quanh nghi vấn vai trò của ông tới vụ bê bối trốn thuế lớn.
Vụ án - bắt nguồn từ hơn 5 năm trước khi ông Scholz vẫn còn là thị trưởng thành phố Hamburg - có liên quan đến cái gọi là vụ "Cum Ex" có quy mô lớn hơn, khi nhà nước bị lừa hơn 30 tỷ euro vì một số ngân hàng, công ty hoặc cá nhân yêu cầu chính quyền hoàn thuế cho những chi phí bị cho là không hề tồn tại.
Vụ bê bối trên đã bao trùm chiến dịch tranh cử của vị chính trị gia Đảng Dân chủ Xã hội vào năm 2021 nhưng cuối cùng nó gây ít tác động vì khi đó khả năng ông Scholz có liên quan vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, lúc này vụ việc đang nóng trở lại sau khi những chi tiết mới xuất hiện.
Nghị viện bang Hamburg đã có kế hoạch triệu tập ông Scholz trong mùa xuân này tới một ủy ban điều tra về vụ bê bối. Và giờ đây, khối CDU/CSU trung hữu còn muốn thiết lập một cuộc điều tra ở cấp quốc gia tại Bundestag (Quốc hội Đức)
"Chúng tôi sẽ yêu cầu một ủy ban điều tra của Quốc hội về vụ thuế Scholz-Warburg ở Bundestag trong tuần Quốc hội họp đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh", ông Mathias Middelberg, Phó chủ tịch nhóm nghị sĩ của CDU, cho biết ngày 4/4.
Đáp lại, người phát ngôn của Chính phủ Đức nói rằng "về nguyên tắc", Berlin không bình luận về các quyết định được công bố bởi các thành viên Bundestag "không tôn trọng cơ quan hiến pháp".
Nhóm CDU/CSU hiện có đủ số phiếu trong Quốc hội để có thể thành lập ủy ban điều tra. Đảng Cánh tả của Đức cũng cho biết họ sẽ ủng hộ yêu cầu này.
Các ủy ban điều tra của Quốc hội có thể triệu tập các nhân chứng và chuyên gia cũng như yêu cầu tiếp cận các tài liệu. Mặc dù những phát hiện của họ sẽ được tóm tắt trong một báo cáo không ràng buộc trách nhiệm, nhưng những hậu quả chính trị của nó với ông Scholz, trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp tới, có thể rất đáng kể.
Trong một bức thư gửi nhóm nghị sĩ CDU/CSU mà Politico xem được, Chủ tịch hai đảng này là Friedrich Merz và Alexander Dobrindt nói rằng vụ việc nên được điều tra do tầm quan trọng "đáng kể" của nó đối với nền chính trị quốc gia Đức.
Ông Scholz đã trở thành mục tiêu của các đảng đối lập vì có mối liên hệ với một ngân hàng tại Hamburg liên quan đến âm mưu trốn thuế. Cụ thể, trong thời gian làm thị trưởng, ông đã gặp riêng ba lần với một trong những chủ sở hữu của ngân hàng MM.Warburg & Co., lúc đó đã bị cơ quan thuế Hamburg điều tra. Các quan chức bang khi đó đang tìm cách đòi lại từ MM.Warburg & Co. số tiền 47 triệu euro mà họ tin là tiền thu bất chính liên quan đến vụ lừa đảo.
Trong thời gian làm thị trưởng thành phố Hamburg, ông Scholz đã gặp một trong các chủ sở hữu MMWarburg & Co., ngân hàng có liên quan đến âm mưu trốn thuế. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, cuối cùng, cơ quan quản lý tài chính bang Hamburg đã để thời hiệu đối với yêu cầu thanh toán số tiền hết hạn. Và nhiều năm sau, sau khi chi tiết về các cuộc gặp của ông Scholz với chủ ngân hàng xuất hiện, các nhà phê bình bắt đầu đặt câu hỏi liệu thành viên hàng đầu Đảng Dân chủ Xã hội này có thể đã can thiệp có lợi cho ngân hàng hay không.
Mặc dù Thủ tướng Scholz liên tục phủ nhận việc can thiệp, nhưng ông cũng không đưa ra câu trả lời nào về nội dung đã được thảo luận trong các cuộc gặp riêng với chủ ngân hàng bị điều tra. Thay vào đó, ông Scholz nhiều lần tuyên bố trong suốt hai năm rưỡi qua rằng ông không thể nhớ nội dung của các cuộc trao đổi.
Lời tuyên bố đó hiện đang bị đặt dấu hỏi khi xuất hiện các chi tiết trong phiên điều trần kín của ủy ban Bundestag với ông Scholz vào tháng 7/2020, trong đó ông dường như dễ dàng nhớ được chi tiết về các cuộc gặp của mình với chủ ngân hàng. Những người chỉ trích cho rằng ông Scholz chỉ bắt đầu tuyên bố không nhớ gì về các cuộc gặp này khi nguy cơ bùng nổ chính trị trở nên rõ ràng.
Thủ tướng Scholz và các đồng minh của ông đã nhiều lần lên tiếng phản bác, cho rằng những lời chỉ trích như vậy là có động cơ chính trị và nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra trước đây không tìm thấy hành vi sai trái nào. Ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng cuối cùng, ngân hàng đã hoàn trả 47 triệu euro, dù chỉ sau khi có lệnh của tòa án. Văn phòng Công tố viên Hamburg cho biết vào tháng 3 rằng họ không thấy bất kỳ nghi ngờ ban đầu nào đối với thủ tướng trong vụ việc.
Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn cản phe đối lập lên kế hoạch đào sâu hơn. "Thủ tướng muốn thấy một ranh giới được vạch ra ngăn làm rõ vấn đề thuế này. Nhưng nhiệm vụ của Quốc hội là kiểm soát chính phủ, xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là với rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời", nhà lập pháp đảng CDU Matthias Hauer cho biết.
NATO sẽ không trao tư cách thành viên cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới Ngày 19/6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg xác nhận khối liên minh sẽ không trao tư cách thành viên cho Ukraine trong Hội nghị thượng đỉnh Vilnius (Litva) vào giữa tháng 7 tới. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức ngày 19/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN Trao đổi...