Tướng Nga: Máy bay quân sự Ukraine “bay rất gần” MH17
Cuộc tranh cãi ai là người đứng sau thảm kịch MH17 bị bắn rơi khiến 298 người thiệt mạng giữa Nga – Ukraine vẫn chưa có hồi kết khi mới đây, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố chính chiến đấu cơ Ukraine đã áp sát chiếc máy bay MH17 của Malaysia.
Trong cuộc họp báo khẩn cấp đêm 21/7, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không hề cung cấp cho phe ly khai ở miền Đông Ukraine hệ thống tên lửa SA-11 Buk (NATO gọi là “Gadfly”) hay bất cứ vũ khí nào khác.
Cùng với đó, Trung tướng Igor Makushev của Không quân Nga quả quyết: “Hệ thống kiểm soát phòng không không gian Nga phát hiện một máy bay của không quân Ukraine, có thể là SU-25, bay về hướng máy bay Malaysia. Khoảng cách giữa chiếc SU-25 và chiếc Boeing là khoảng 3-5 km”.
Buổi họp báo khẩn cấp đêm 21/7 của Bộ Quốc phòng Nga
Một trung tướng khác tên Andrei Kartopolov trưng bằng chứng là những hình ảnh, số liệu, để nói về một chiếc Su-25 bay chỉ cách chiếc MH17 từ 3 đến 5 km. Ông nói chiếc MH17 đang bay đúng tuyến bay về hướng Bắc, và chiếc Su-25 đã được ghi nhận bay sát chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17.
“Chiếc MH17 bay lệch khỏi hướng bay đến phía bắc… độ lệch tối đa là 14 km”, tướng Kartopolov nói thêm rằng chiếc Su-25 cũng lấy độ cao. Ông nhắc rằng chiếc chiến đấu cơ này có thể nhanh chóng đạt đến cao độ 10.000 m trong chớp mắt. Đó là cao độ mà chiếc MH17 bị bắn rơi bằng tên lửa.
Ông Kartopolov khẳng định việc Ukraine tuyên bố không hề có chiếc máy bay quân sự nào hoạt động gần vùng hiện trường là “láo”, và nói chiếc Su-25 thường được trang bị tên lửa không đối không R-60 vốn có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách từ 5 đến 12 km.
“Hà cớ gì một máy bay quân sự lại bay ở cùng độ cao, cùng tuyến bay, cùng thời gian với một chiếc máy bay dân sự? Chúng tôi chờ nhận một câu trả lời cho câu hỏi này”.
Ông cũng cho biết Bộ Quốc phòng Nga phát hiện một hoạt động bất thường từ các trạm radar thường được dùng để điều hành hệ thống tên lửa vào ngày xảy ra thảm kịch: “Từ thứ Năm, ngày 17/7, tần suất hoạt động của các trạm radar Ukraine tăng đến mức tối đa”.
Video đang HOT
Hình ảnh tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy 1 chiếc SU-25 bay gần MH17
Ông dẫn các dữ liệu, nói có 7 trạm radar hoạt động gần vùng hiện trường vào ngày 15/7, rồi 8 trạm hoạt động ngày 16/7 và 9 trạm hoạt động trong ngày xảy ra vụ MH17 bị bắn rơi. Qua ngày 18/7 chỉ có 4 trạm hoạt động và chỉ còn 2 trạm hoạt động ngày 19/7.
Các nhà báo được xem các đồ họa và băng video cho thấy 3 chiếc máy bay dân sự bay cùng thời gian với chiếc MH17, gồm một chuyến từ Đan Mạch đi Singapore.
Tướng Kartopolov cũng thách thức Mỹ trưng ra được bất cứ hình ảnh vệ tinh nào chứng minh quân ly khai phóng tên lửa.
“Một vệ tinh Mỹ có mặt trong không phận Ukraine vào thời điểm xảy ra vụ việc, nên chính quyền Mỹ hãy cung cấp các hình ảnh ấy cho cộng đồng thế giới tiện việc điều tra”.
Tướng Kartopolov nói Ukraine có tên lửa phòng không BUK cách Lugansk (gần vùng do phe ly khai kiểm soát) khoảng 8 km về phía Tây Bắc, và các hình ảnh cho thấy nó xuất hiện ở đó vào ngày 14/7, nhưng không còn vào ngày 17/7.
Ông Kartopolov cũng nhấn mạnh Nga không hề cung cấp tên lửa Buk hoặc bất kỳ vũ khí nào khác cho quân ly khai.
Chiến đấu cơ Su-25
Trước những phát biểu của quân đội Nga, một nguồn tin an ninh Ukraine cho Reuters biết Kiev tin chắc quân ly khai đã nhận một hệ thống tên lửa BUK-M1 (SA-11) từ Nga và có thể kèm cả tổ điều khiển người Nga.
Trong bài phát biểu từ Nhà Trắng ngày 21-7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin “chịu trách nhiệm trực tiếp” trong việc thúc ép phe ly khai Ukraine hợp tác với các nhà điều tra quốc tế.
“Nga có ảnh hưởng đặc biệt đối với phe ly khai Ukraine, không ai phủ nhận được điều đó. Nga huấn luyện họ, cung cấp vũ khí, những thủ lĩnh quan trọng của phe ly khai là người Nga. Do đó, Nga và ông Putin có trách nhiệm trực tiếp phải hối thúc họ hợp tác điều tra” – ông Obama nhấn mạnh.
Theo_Thể Thao Việt Nam
Malaysia Airlines và những thách thức mới đang chờ đợi
Việc một hãng hàng không có tới hai thảm kịch hàng không trong một thời gian ngắn đang đặt ra những thách thức mới với Malaysia Airlines.
Việc chiếc Boeing 777 thứ 2 gặp nạn chỉ trong vòng có 131 ngày đang khiến hãng hàng không Malaysia Airlines một lần nữa phải lao đao trong hoàn cảnh hãng này vẫn đang cố gắng lấy lại lòng tin của hành khách và khắc phục tình hình tài chính đang rất khó khăn sau sự mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370.
Máy bay Malaysia (ảnh: CNN)
Theo hãng tin Interfax, chiếc MH17 bay từ Amsterdam đến Kuala Lampur có khả năng bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine, gần biên giới với Nga. Trước đó, Malaysia Airlines đã xác nhận việc mất liên lạc với chiếc máy bay này trên không phận của Ukraine.
Thảm họa hàng không lần này đã khiến các chuyến bay của hãng hàng không của Malaysia có nguy cơ xảy ra tai nạn chết người lớn hơn bất kỳ hãng nào trong năm nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ted Gavin, Giám đốc điều hành của Gavin/Solmonese đây cũng là một dịp để hãng lấy lại được hình ảnh, cho thấy họ hoàn toàn có thể giải quyết được những vấn đề xung quanh vụ tai nạn.
Vài tuần sau vụ mất tích của chiếc MH370, một số gia đình các nạn nhân đã chỉ trích gay gắt Malaysia Airlines và các nhà chức trách Malaysia bởi cách xử lý thiếu trách nhiệm của họ. Trong những tháng sau đó, họ bày tỏ sự mất lòng tin thực sự đối với hãng hàng không và Chính phủ Malaysia.
"Cách xử lý của Malaysia Airlines ảnh hưởng rất nhiều tới lòng tin của khách hàng," ông Gavin chia sẻ. "Ngay sau khi xảy ra tai nạn, hãng hàng không cần phải chia sẻ mọi thông tin và dữ liệu mà họ có, bao gồm cả lý do tại sao máy bay bay trên một khu vực đang xảy ra xung đột," ông nói tiếp. "Thành thực mà nói, đây là cơ hội để họ có thể sửa chữa những sai lầm và thể hiện một thái độ hoàn toàn khác kể từ vụ MH370."
Các quan chức hàng không của Malaysia được cho là đã không đưa ra những cảnh báo hãng hàng không nước này hạn chế bay vào khu vực xảy ra xung đột. Vào tháng 4 vừa qua, Cục hàng không Liên bang Mỹ đã ra lệnh cấm bay vào không phận khu vực Crimea, Biển Đen và Biển Azov nhằm tránh nguy cơ nhận những hướng dẫn kiểm soát không lưu của cả hai nước và nhận dạng sai máy bay.
Máy bay Boeing 777 từng được hãng Boeing tự hào với thành tích an toàn hàng không và là một trong những chiếc máy bay hiện đại nhất thế giới. Nhưng Malaysia Airlines đã xóa bỏ hoàn toàn danh tiếng đó.
"Đây là một năm tồi tệ với ngành hàng không thương mại", ông Gavin nói. "Nhưng việc một hãng hàng không xảy ra hai thảm kịch với cùng một loại máy bay trong khoảng thời gian ngắn như vậy là điều chưa từng có trong lịch sự ngành hàng không hiện đại."
Với hai thảm kịch hàng không vừa qua, hãng hàng không của Malaysia có nguy cơ đối mặt với những vụ kiện tụng với số tiền đền bù thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD. Các nhà phân tích cho rằng Chính phủ Malaysia sẽ phải dành một khoản cứu trợ cho Malaysia Airlines để giúp hãng thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.
Malaysia Airlines vẫn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không mới trong khu vực. Những chiến lược kinh doanh của họ như giảm giá để bán vé nhiều hơn, giảm số lượng các chuyến bay đường dài không giúp Malaysia Airlines tránh khỏi khoản lỗ lên tới 1,3 tỷ USD trong thời gian qua.
Trong tương lai, hãng hàng không này sẽ phải đối mặt với tình hình tài chính vô cùng ảm đảm nếu không lấy lại được lòng tin của hành khách. Malaysia Airlines cũng đang cần sự hỗ trợ của Chính phủ nước này hơn bao giờ hết./.
Theo_VOV
Thảm họa MH17 được điềm báo trước khi cất cánh? Bức ảnh đầy ám ảnh về chiếc Boeing mang số hiệu MH17 đã được đăng tải lên mạng xã hội Facebook bởi một hành khách người Hà Lan vài phút trước khi anh lên chuyến bay định mệnh. MH17 cất cánh từ sân bay Schiphol của Amsterdam vào giữa trưa ngày 17/7. Vài giờ sau đó, máy bay bị bắn rơi ở vùng...