Tuổi nghỉ hưu nhà giáo: Đã hết thời ‘thầy già con hát trẻ’?
Có nên tăng tuổi hưu cho nhà giáo? Nhiều ý kiến cho rằng nên tăng vì gừng càng già càng cay, song cũng không ít ý kiến khẳng định đã hết thời ‘thầy già con hát trẻ’.
Đa số giáo viên bậc mầm non và tiểu học là nữ, Học sinh lớp 1/4 trường tiểu học Bàu Sen, Q.5, TP.HCM trong giờ học tiếng việt – Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo nhiều ý kiến phân tích, nhà giáo, nhất là bậc mầm non và tiểu học, đa phần là phụ nữ. Ở tuổi 50, 60, họ thay đổi tâm sinh lý rất nhiều, cơ thể đã mất sức rất nhiều do vừa hoạt động xã hội vừa phục vụ gia đình, sinh đẻ… Họ cần được nghỉ ngơi, do đó không nên tăng tuổi hưu cho họ cũng như phụ nữ nói chung.
“Bà xã tôi đang dạy cấp 2 môn tiếng Anh, nghe nói tăng tuổi về hưu thì bả kêu than như những gì bài viết Xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo đã nêu. Khi con người không đảm bảo sức khỏe thì không thể nào dạy tốt được, cũng như cầu thủ giỏi nhưng không có sức khỏe thì cũng thành dở thôi”, bạn đọc Ho Truong chia sẻ.
“Theo tôi, chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu cho các bác sĩ. Còn các ngành khác giữ nguyên như hiện nay. Tôi vừa về nghỉ hưu đúng tuổi 60, nhưng từ khi 56, 57 tuổi đã thấy uể oải. Cần để lớp trẻ tiếp cận thì xã hội mới khỏe”, bạn đọc Trịnh Hà nêu.
Từ một góc độ khác, bạn đọc Nguyễn Thị Phương viết: “Các con và cháu tôi lứa tuổi học cấp 2 và 3 hơn chục đứa, chúng nó nói chán các thầy cô lớn tuổi tới tận cổ vì ít cập nhật kiến thức mới, từ tin học tới ngoại ngữ hoặc ứng dụng những điều mới mẻ vào bài học. Chưa kể cách tiếp cận ứng xử với chúng thường thô bạo hơn các thầy cô trẻ bởi tâm lý mình nhiều kinh nghiệm, có ’số má’ kiểu Các em chưa đáng tuổi con tôi.
Bây giờ không phải là thời ‘thầy già con hát trẻ’ mà thầy trẻ, con hát trẻ. Bạn tôi là giáo viên thuộc dạng nổi tiếng ở trường chuyên mà còn cay đắng bảo: Lũ trẻ con thấy thầy cô lớn tuổi là chúng nó chán”.
“Không chỉ vấn đề sức khỏe, sức ỳ… Tôi đã từng chứng kiến cảnh cả lớp, hàng chục đứa trẻ chỉ 6, 7 tuổi đầu ngồi lặng lẽ, ngơ ngác, sợ sệt, buồn tủi nhìn cô giáo của mình chì chiết, đay nghiến về một tội mà các em không hề phạm. Đơn giản chỉ vì cô mệt mỏi với tuổi tác, trầm cảm vì vị trí công việc, cuộc sống không như ý mà cứ phải kéo lê…
Nghề giáo là một nghề đặc thù, xin đừng đánh đồng với những nghề khác trong xã hội. Hãy cho các con đến trường với tâm thế chờ đợi một ngày vui”, bạn đọc Yên Vũ thêm.
Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại: “Thầy già con hát trẻ, tùy từng bộ môn, nhất là khoa học xã hội và nhân văn, người nhiều tuổi vẫn dạy tốt hơn” (bạn đọc Hoàng Long); “Gừng càng già càng cay, có rất nhiều giáo viên vì yêu trẻ yêu nghề đã dạy rất có tâm, hơn hẳn một số giáo viên trẻ… Thế hệ 7X, 8X, đa số học giáo viên lớn tuổi bị đòn nhiều nhưng đa số đều thành đạt, vì đằng sau những trận đòn là những bài học, những tình cảm yêu thương gửi gắm để chúng ta làm hành trang vào đời” (bạn đọc Huynh Nga)…
Cũng có ý kiến đề nghị nên cho phép thầy cô gia hạn thời gian nghỉ hưu, khi đó ai còn sức và tâm huyết với nghề sẽ có thể tiếp tục còn ai muốn về hưu với con cháu thì về.
Video đang HOT
“Có rất nhiều nhà giáo về hưu nhưng trong lòng vẫn còn nhiều tâm huyết. Đừng nói 50, 60 tuổi, tôi có một thầy giáo dạy kinh tế vĩ mô năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn dạy rất hay, cuốn hút, có sức thuyết phục hơn nhiều so với những thầy giáo trẻ chỉ biết kiến thức trong sách vở”, bạn đọc My My dẫn chứng.
Theo tuoitre
Các em lớp 1 chia tay cô giáo mà bịn rịn chẳng kém anh chị lớp 12
Không có hoa, không có quà, không những tấm ảnh kỉ yếu 'xịn xò', lễ chia tay lớp 1 lại tình cảm và đáng yêu như thế này, ai làm nhà giáo cũng muốn có.
Khi tiếng ve rền rĩ trong những tán phượng đỏ thắm ấy là lúc mùa hè đã chính thức gửi lời chào. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với một mùa chia tay đã đến.
Khác với anh chị lớp 12, với những cô cậu học trò vừa mới hết lớp 1, mùa hè là những tháng ngày rong chơi, không phải đối mặt với bài tập, sách vở. Trước khi đến với những điều hấp dẫn ấy, các bé học sinh cùng cô giáo của mình cũng có những giây phút chia tay đáng nhớ.
Rõng rã hơn 20 năm theo nghề giáo cũng chừng ấy 20 mùa chia tay
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 1E, trường tiểu học Hoàng An (xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang), cô Hoàng Quỳnh Dư vui vẻ đăng tải khoảnh khắc chia tay quấn quýt của cô và trò.
Buổi lễ chia tay nhỏ của cô trò lớp 1E.
Bắt đầu sự nghiệp làm nghề giáo từ năm 1996 nhưng nhận làm công tác chủ nhiệm và chuyên chỉ dạy các bé lớp 1 mới từ 5 năm trở lại đây, cô Dư bận rộn hơn và hầu như không có giây phút nào nghỉ ngơi: 'Mẹ mình là giáo viên chủ nhiệm, lại là người vốn làm việc có kế hoạch nên lúc nào cũng bận bịu với giáo án. Mình còn trêu mẹ bảo dạy lớp 1 mà vất vả hơn cả giáo sư đại học' - bạn Nguyễn Thuỳ Trang, con gái cô Dư kể.
Mỗi lần như vậy cô Dư chỉ nhỏ nhẹ: 'Trẻ con lớp 1 ở nông thôn có được cho đi học thêm học nếm bao giờ đâu, lớp 1 phải dạy cho biết chữ chứ không lên lớp 2 thì biết cái gì'.
Hơn 20 năm là giáo viên giỏi cấp huyện, bên ngoài cô Quỳnh Dư tâm lí, vui vẻ hay trò chuyện thế nhưng khi bước lên bục giảng cô nghiêm khắc nhưng sự nghiêm nghị ấy là muốn giúp học sinh 'chữ phải biết viết, toán phải biết làm'. Cũng bởi sự 'tham' ấy, nhiều phụ huynh muốn gửi gắm con mình vào lớp cô: 'Học sinh lớp mẹ mình có nhiều bé nghịch, tiếp thu chậm, có đứa nhỏ còn đúp lại, mẹ mình nhận hết và kiên trì rèn giũa'.
Nét chữ nghuệch ngoạc viết lời yêu thương
Cũng giống như mùa hè của những năm trước, một năm qua, cô trò cùng học, cùng tham gia hoạt động ngoại khoá nên quyến luyến là cảm xúc dễ hiểu lúc chia tay này. Sắp nhỏ nhanh nhẹn đứng xum lại quanh cô, nở nụ cười tươi hết cỡ để cô chụp tấm hình kỉ niệm.
Các bạn học trò nhỏ còn tự tay làm quà tặng cô giáo mình bằng cách gửi lá thư tay. Học sinh của cô viết tâm thư trên giấy vở ô ly, có em viết sai chính tả, có em còn viết sai cả tên cô nhưng đây chắc chắn là món quà đặc biệt nhất, đáng yêu nhất trong sự nghiệp của người thầy: 'Ở mấy trường làng học sinh cũng quý cô hơn. Học sinh mẹ mình có khi ra trường lên cấp 2 rồi vẫn nhớ cô, núp ở nhà để xe tặng cho con cào cào lá dứa. Con bé viết thiệp trái tim trang trí này vừa viết còn khóc nhoè cả chữ'...
Một lá thư được xếp hình trái tim.
Lỗi chính tả này có đáng yêu không cô?
Viết thư còn làm cả phòng bì đựng.
'Con yêu cô vì cô đã giậy chúng con trưởng thành' - thư của câu bé chuẩn bị lên lớp 2.
Yêu cô vì cô dạy Tiếng Việt và còn dạy cả Toán.
Không yêu cô vì sao vậy các bạn nhỏ?
Sau mùa hè, các bé sẽ lớn hơn, sẽ học lớp mới, cô cũng chào đón một lứa trò khác, những món quà này sẽ mãi nằm ở đó, trong trái tim cô, trong kí ức non nớt nhưng tươi đẹp của lũ trò nhỏ.
Cô và trò cùng chụp hình Trung thu.
Ngoại khoá tưới rau, tăng gia sản xuất.
Theo baodatviet
Hà Nội: Dự kiến tăng học phí bậc mầm non, trung học phổ thông khu vực thành thị Năm học 2019-2020, Hà Nội dự kiến sẽ tăng học phí ở bậc mầm non, THPT. Theo đó, học sinh thuộc các cấp học trên địa bàn thành thị đóng 220.000 đồng/tháng/học sinh. Học sinh Hà Nội Vừa qua, Sở GD&ĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính thành phố Hà Nội đã có tờ trình UBND thành phố Hà...