Tuổi 20 địu chữ, gùi nhạc lên non
Cô Lương Thị Hoà và thầy Vi Mộng Hoàng đã gắn tuổi 20 với rừng sâu núi thẳm dạy chữ và lời ca tiếng hát cho học sinh dân tộc thiểu số. Họ tâm niệm “các em không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng được chọn thực hiện ước mơ của mình”.
Thầy giáo Vi Mộng Hoàng. Ảnh: NVCC
Ngược về nơi gian khó
Cô Lương Thị Hòa (SN 1986) lớn lên ở thành phố. Năm 2007 nhận quyết định tuyển dụng lên dạy Trường THCS Yên Hòa (huyện Đà Bắc, Hòa Bình), cô đã phải hình dung vùng đất khó khăn cách trở không đường nhựa, không điện lưới… Cô được cán bộ Phòng Giáo dục chỉ dẫn: “Cháu đi xe khách đến ngã Ênh rồi đi tiếp 20km lên trường, nếu không muốn đi bộ thì đợi đi nhờ xe chở ngô. À không, cháu ở thành phố…”.
Cuối cùng, cô Hòa chọn theo hướng “à không” là xuống thuyền lênh đênh gần nửa ngày sông nước và “chỉ phải đi bộ” 8km đường rừng. Cô Hòa kể: “Rời thuyền nhìn bốn phía rừng núi, tôi quay lại nhìn bác chủ thuyền. Như hiểu ý, bác chủ thuyền bảo cứ đi tầm 500m có nhà dân ở thì hỏi đường, nếu không hỏi được ai thì cứ đi thẳng đến nơi đông đúc dân là đến trường Yên Hòa”. Suốt chặng đường hơn hai cây số cuốc bộ trước khi đi nhờ được xe máy, chị đã chỉ chực khóc “muốn gào lên gọi mẹ”.
Cô giáo Lương Thị Hòa. Ảnh: Xuân Tùng
Thầy Vi Mộng Hoàng (SN 1991) sinh ra trên mảnh đất nghèo huyện Hòa An Cao Bằng. Tốt nghiệp loại giỏi khoa Sư phạm Âm nhạc – CĐ Văn hóa Nghệ Thuật Việt Bắc Thái Nguyên, thầy Hoàng chọn nơi khó khăn hơn để thực hiện ước mơ làm giáo viên. Điểm trường anh dạy cách nhà hơn 50km, cách trung tâm huyện Hà Quảng hơn 20km thuộc vùng Lục Khu giáp biên giới Trung Quốc. “Đường núi rất khó đi, có đoạn phải dắt xe đi bộ. Có đoạn biển báo Vành đai biên giới với nhiều đường rẽ, gặp được một người dân hỏi đường thì tiếng Kinh không biết nói, tiếng dân tộc cũng không hiểu do ngôn ngữ hai vùng khác nhau”, thầy Hoàng kể.
Ngôi trường đầu tiên của cô Hòa thầy Hoàng đều khác xa những gì có thể hình dung. Trường không cổng, chỉ có dãy nhà cấp 4 lớp ngói cũ kỹ, dãy nhà đan nứa. Để có nước sinh hoạt phải hứng nước mưa, phải xách từng xô nước dưới mó về lọc phèn để nấu ăn… Nếu cô Hòa “buồn vui lẫn lộn” thì thầy Hoàng đã chợt nghĩ “có nên ở lại đây để làm” và phó mặc “mai lên lớp buổi đầu tiên xem sao rồi sẽ quyết định”.
Thầy giáo Vi Mộng Hoàng chia sẻ: “Hằng ngày đến trường đến lớp, trò chuyện với các em rất vui. Các em không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng các em được chọn thực hiện ước mơ của mình. Thầy cô giáo là người giúp các em thực hiện ước mơ đó”. Ảnh: NVCC
Động lực giúp hai giáo viên trẻ vượt qua khó khăn chính là tình cảm của học sinh dân tộc thiểu số. Thầy Hoàng chia sẻ: “Những nhành hoa dại buổi học đầu tiên, cành hoa cải ngày 20/11, bài văn tả thầy đã làm tôi cảm động. Cảm ơn các em đã níu tôi ở lại”.
Cô Hòa bộc bạch: “Những món quà đơn sơ đậm ân tình của trẻ vùng cao theo tôi cho đến bây giờ”. Cô kể về quả na của cô học trò Uyên trường Yên Hòa, đã vượt đường xa mang đến tặng cô giáo trong ngày chia tay. “Con bé òa khóc không không muốn cô giáo đi, tôi cũng ngẹn lòng.
Có người bảo… hâm
Đến nay, cô Hòa và thầy Hoàng đã luân chuyển đến nhiều trường ở các vùng đặc biệt khó khăn. Dù có cơ hội đến công tác nơi thuận lợi hơn, nhưng cả hai đều từ chối. Cô Hòa chia sẻ: “Có nhiều người bảo tôi hâm, gắn đời mình với xứ khỉ ho cò gáy…Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ thế vì bao đồng nghiệp cũng xa gia đình lên trên núi sống; và hơn hết tình yêu của trẻ luôn là món quà vô giá”. Cô kể về quả na được cô bé Uyên vượt đường xa đến tặng ngày cô trò chia tay; về nụ cười tít mắt của cậu bé “bị bùn ngập mất dép” được cô giáo mua cho đôi dép tổ ong mới thay thế.
Cô Lương Thị Hòa hướng dẫn các em học sinh của trường biểu diễn trong chương trình tuyên dương Chia sẻ cùng thầy cô tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Tùng
Cô Hòa hiện giảng dạy ở Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn thuộc vùng khó, có nhiều chi điểm lẻ nhất huyện Đà Bắc. Học sinh chủ yếu là người dân tộc Mường, Dao, Tày. Cô được phân công làm công tác Tổng phụ trách, cứ hai ba ngày lại đến chi lẻ dạy một lần. Không chỉ dạy chữ, lời ca điệu múa, cô Hòa còn tích cực liên hệ vận động các tổ chức thiện nguyện góp phần cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho học trò. Riêng năm học 2018-2019, cô đã vận động xây được nhà vệ sinh cho học sinh chi Bai; 50 chiếc xe đạp cho chương trình ” cùng em đến trường”.
Thầy Hoàng đến nay vẫn giữ thói quen sau giờ học lại theo chân học trò Trường Tiểu học Nặm Nhũng (huyện Hà Quảng) về nhà vừa rèn luyện sức khỏe vừa tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh; tìm hiểu văn hóa, học tiếng dân tộc…
Thầy Hoàng cho biết: “Là giáo viên âm nhạc và tổng phụ trách Đội, tôi đã mạnh dạn đưa các bài dân ca địa phương vào trong giảng dạy, cùng với những bài múa dân gian để giáo dục các em yêu thích dân ca địa phương”. Thầy Hoàng đã sáng tác nhiều bài hát lấy cảm hứng từ phong cảnh rừng núi, tình cảm của người dân vùng cao, từ học sinh.
Trong đó, có “Bài ca Trường Tiểu học Nặm Nhũng” được chọn là bài ca truyền thống của trường; bài hát “Tình ca bản Mông” được giải nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi của Bộ văn hóa thể thao và du lịch tổ chức.
“Hằng ngày đến trường đến lớp, trò chuyện với các em rất vui. Các em không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng các em được chọn thực hiện ước mơ của mình. Thầy cô giáo là người giúp các em thực hiện ước mơ đó”, Thầy giáo Vi Mộng Hoàng nói.
Cô Lương Thị Hoà và thầy Vi Mộng Hoàng là hai trong số 63 giáo viên vùng dân tộc thiểu số được tuyên dương trong Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Thầy giáo Vi Mộng Hoàng (thứ hai từ phải sang) và cô giáo Lương Thị Hòa (thứ 6 từ phải sang) vinh dự nhận kỷ niệm chương, bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2019. Ảnh: Xuân Tùng.
Theo Tiền phong
Tâm sự của cô giáo "bỗng dưng nổi tiếng" ở điểm trường Tăk Pổ lưng chừng núi
Vậy là đã tròn 5 năm cô giáo Trà Thị Thu nhận mang con chữ đến học trò ở vùng cao. Trong 5 năm đó, dù trải qua biết bao nhiêu vất vả, khó khăn không thể tả hết nhưng cô giáo trẻ ấy vẫn từng ngày chăm sóc cho các em nhỏ đồng bào Ca-dong, vẫn gieo con chữ đến cho các em với một tình yêu vô tận...
Còn nhớ đầu năm học 2019-2020 này, cô giáo trẻ Trà Thị Thu tại điểm trường Tăk Pổ (thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập và trường mẫu giáo Phong Lan, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) gây "bão mạng" với buổi lễ khai giảng đơn sơ nhưng vô cùng ấm cúng, giản dị tại điểm trường của mình.
Những hình ảnh từ buổi lễ khai giảng nơi "thâm sơn cùng cốc" này được cô chia sẻ lên trang cá nhân và được chia sẻ rất nhiều. Cô trở nên "nổi tiếng" với những hình ảnh mộc mạc nhưng đầy ắp tình cảm của cô dành cho học trò tại điểm trường Tăk Pổ.
Lễ khai giảng năm học 2019-2020 đơn sơ nhưng đầy ấm áp và ý nghĩa tại điểm trường Tăk Pổ
Nói về quyết định lên vùng núi cao Nam Trà My công tác, cô Thu chia sẻ: "Đến nhận công tác trong tâm trạng háo hức của một cô giáo trẻ, một người con trong gia đình khó khăn lần đầu đi làm để thỏa mãn đam mê dạy học và giúp đỡ gia đình đầy khó khăn của mình. Tuy nhiên, khác với sự hình dung của một tân sinh viên sư phạm ra trường bởi nơi tôi đến dạy thời điểm đó đầy khó khăn và gian khổ".
Có thể thấy tại buổi lễ khai giảng nơi vùng núi cao này được cô chuẩn bị tươm tất dù bàn ghế không đủ cho học sinh ngồi
Năm đầu khi vừa ra trường, cô dạy hợp đồng với trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập và trường mẫu giáo Phong Lan, nơi cô nhận dạy là điểm trường mẫu giáo Tăk Pổ.
Đường đến điểm trường vô cùng gian khó vì phải đi bộ leo dốc gần 3 giờ đồng hồ trong thời tiết khắc nghiệt. Gọi là ngôi trường nhưng thật ra là một ngôi nhà nhỏ ẩm thấp với 40 em học trò lem luốc, không có những thứ cơ bản nhất như tivi, sóng điện thoại và điện.
Cô giáo Thu và các em học sinh chụp ảnh tại nơi đẹp nhất ở gần điểm trường, đó là đồi cỏ may.
Khó khăn càng thêm khó khăn với cô giáo trẻ vì các em học sinh ở đây vốn Tiếng Việt ít ỏi. Cô nói phần cô, học trò nói phần học trò. Tối đến những giọt nước mắt đã rơi vì nỗi sợ, nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà khôn nguôi.
Dạy học ở một nơi khó khăn ngoài sự tưởng tượng của bản thân, lúc ấy cô cứ tưởng rằng không thể vượt qua và đã có lần muốn bỏ việc dạy học mà bản thân đã yêu thích từ thuở bé. May mắn, cô được thầy cô đi trước, lãnh đạo nhà trường động viên.
Cô giáo trẻ Trà Thị Thu chăm chỉ đưa con chữ đến các em người Ca-dong ở huyện Nam Trà My
Cô Thu tâm sự: "Điều giữ chân và khơi dậy niềm đam mê dạy học của tôi tại nơi đầy gian khó này chính là tiếng ê a đọc bài của những em nhỏ vùng cao rất ngoan hiền, chúng ngây thơ, hồn nhiên và trong sáng đến lạ".
Và mỗi ngày cứ trôi qua trong ánh mắt ngây thơ của học trò và sự đùm bọc của bà con thôn bản, niềm vui ngày một lớn dần trong cô niềm đam mê, cũng vì thế mà lớn dần đến nỗi cứ nghĩ mình là một phần của vùng đất núi cao hùng vĩ này. Cứ như thế năm học đầu tiên đã trôi qua trong êm đềm và hân hoan.
Phút giây thư giãn của cô trò tại điểm trường
Tháng 1/2015, cô được kí hợp đồng dạy tiểu học và chuyển qua điểm trường Tu Gia cũng thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập và trường mẫu giáo Phong Lan. Điểm trường mới này cũng phải lội bộ hàng giờ đường rừng núi, dốc cao mới đến được. Cô dạy học và ăn ở tại điểm trường này.
Đến năm học 2015-2016, 2016-2017 cô lại chuyển đến dạy điểm Răng Dí cũng thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập và trường mẫu giáo Phong Lan.
Năm học 2017-2018, cô Thu lại tiếp tục đam mê của mình với một điểm dạy mới khó khăn hơn. Đó là điểm trường Mô Rỗi, cũng lội bộ hàng giờ mới đến được điểm trường. Tuy nhiên năm học này lại cho cô một dấu mốc mới trong con đường dạy học.
Tại đây, cô được tiếp xúc với các anh chị tình nguyện viên làm trường, thấy được việc làm đầy ý nghĩa của các anh chị, cô cùng tham gia với câu lạc bộ kết nối yêu thương huyện Nam Trà My và cứ thế, những chuyến tình nguyện vào các ngày nghỉ cùng các tình nguyện viên, bản thân cô lại có thêm một niềm đam mê mới.
Từ đây, cô học hỏi cách làm rồi bản thân vận động, kêu gọi những thứ mà học sinh và bà con dân bản còn thiếu tại nơi dạy học. Rồi đến chương trình bữa ăn dinh dưỡng, bầu sữa yêu thương cho học trò.
Tại điểm trường thôn nơi cô dạy học, bản thân cô và một giáo viên mẫu giáo đã nuôi dưỡng 10 em nhỏ từ 3-7 tuổi, ở cách xa trường 2 giờ đồng hồ đi bộ, các cháu ở lại học cả tuần. Hằng ngày cô chăm sóc các em từng giấc ngủ đến việc học. "Đôi khi cứ nghĩ mình là một người mẹ của các em dù chưa lập gia đình", cô Thu bày tỏ.
Có những lúc vào ban đêm, các em khóc vì nhớ ba mẹ, cô phải ân cần, ôm ấp vào lòng để các em dễ ngủ, cứ nghĩ là không thể vượt qua, vì chăm sóc 10 đứa trẻ cả năm học giống như những đứa em, đứa con thật sự rất khó đối với một giáo viên trẻ như cô; nhưng rồi cô đã làm tốt điều đó và mỗi năm đối với cô như một bài học, một kỉ niệm, một hạnh phúc mới.
Cô được Chủ tịch huyện Nam Trà My tặng giấy khen vì những đóng góp với ngành giáo dục địa phương ngay trong năm học 2019-2020 này
Năm học 2019-2020, cô Thu được quay lại giảng dạy ngay điểm trường Tăk Pổ nơi cô bắt đầu với những học trò lớp Mẫu giáo 5 tuổi của cô ngày xưa giờ đã là học sinh lớp 5. Cô Thu cho đây là điều thật tuyệt vời.
Ở tuổi 26, cô giáo trẻ Trà Thị Thu chuyển qua 4 điểm trường ở huyện vùng cao Nam Trà My trong khoảng thời gian 5 năm. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Nhà ở huyện Thăng Bình, mỗi tháng cô lại một thân một mình đi xe máy cả trăm cây số về thăm nhà đôi lần. Có khi vài tháng mới được về nhà vì mưa bão, đường sá sạt lở.
Mà ở lại một mình nơi núi cao thì buồn không thể tả, nhất là trong những ngày mưa gió, đường lầy lội, nước lũ chảy xiết. Cô bảo cuộc sống như thế quen rồi. Ở vùng núi cao lạnh lẽo, cô đơn và buồn lắm.
Mỗi lần về quê là một mình một xe, cô đi cả trăm cây số mới đến nhà
Mỗi dịp cuối tuần, nhiều khi cô muốn xuống điểm trường chính để ở lại với đồng nghiệp trò chuyện cho đỡ buồn nhưng gặp mưa bão thì đành chịu, đường sá lại cách trở, đi bộ vài tiếng mới đến nơi. Học trò thì về hết nên cô đành chờ đến sáng thứ 2 gặp lại "các con" của mình mới đỡ buồn. Đường dây để cô kết nối với thế giới bên ngoài là chiếc điện thoại. Cũng may, điểm trường này có sóng 3G...
Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng cô cũng cảm ơn gia đình, đồng nghiệp, những người bạn và cô cũng cảm ơn bản thân mình đã luôn mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách, khó khăn, đã luôn tạo niềm tin cho bản thân, luôn khoan dung và thật hạnh phúc...
"Tình yêu thương, thử thách, khó khăn còn rất nhiều phía trước, nhưng tôi luôn giữ vững tâm - niềm vui - yêu thương - chia sẻ - nhân ái - lòng khoan dung", cô giáo trẻ ở tuổi 26 chia sẻ.
Theo Dân Trí
Xúc động với tâm sự nghẹn lòng của những giáo viên cắm bản Hai con đều học nội trú xa nhà, cô Hải bảo, nhiều lúc nhìn học sinh lại chạnh lòng nhớ con. "Đồng nghiệp cứ trêu: Con mình không chăm, đi chăm con thiên hạ..." Cô Nguyễn Vân Nhi, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M'Đrăk, tỉnh Đăk Lăk) và các...