“Túi tiền” quốc gia đang thâm hụt vì đâu?
8 tháng đầu năm 2016, ngân sách nhà nước bội chi 111,5 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động thu ngân sách gặp nhiều khó khăn vì biến động giá cả thế giới, thời tiết bất thường…
Hụt thu ngân sách vì đâu?
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2016 mới chỉ ước đạt 603,7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 59,5% dự toán năm.
Trong khi đó, nhìn lại 8 tháng đầu năm 2015 cho thấy, thu ngân sách đạt 67,7%, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy kết quả 8 tháng đầu năm thu ngân sách năm 2016 vẫn còn thấp hơn so với năm 2015.
(Đơn vị: Nghìn tỷ đồng)
Trả lời câu hỏi phóng viên về những khó khăn dẫn đến việc hụt thu ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết việc thu ngân sách trong 8 tháng đầu năm 2016 gặp nhiều khó khăn chủ yếu là do các nguyên nhân khách quan.
Cụ thể, tiến độ thu nội địa năm nay so với 2 năm liền kề (2014, 2015) cùng kỳ thấp hơn. Trong cơ cấu thu nội địa, riêng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, chỉ đạt 126,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,2% dự toán năm.
Video đang HOT
Điều này được lý giải do hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, than, khoáng sản và thủy điện gặp khó khăn.
Bà Mai lý giải, do giá dầu giảm nên hoạt động khai thác dầu khí cũng giảm. Cụ thể, thu từ dầu thô mới đạt 49,7% so với dự toán và giảm 43% so với cùng kỳ. Sản lượng dầu thô thì bằng 74% so với kế hoạch năm nay nhưng giá lại bị giảm 18,7 USD/thùng so với dự toán dẫn đến tình trạng hụt thu (Giá dự toán là 60 USD/thùng nhưng thực tế chỉ đạt 41,3 USD/ thùng).
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, không chỉ khai thác dầu, các doanh nghiệp thủy điện cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết bất thường và hạn hán nghiêm trọng.
“Do doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị tác động bởi giá trên thế giới giảm sâu nên khó khăn trong thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại sau thuế cũng khó khăn trong 8 tháng đầu năm”, bà Mai cho hay.
Không chỉ khoản thu nội địa, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Thu cân đối từ xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng do lộ trình cắt giảm thuế trong quá trình hội nhập. Cùng với đó, kim ngạch một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách cũng thấp so với cùng kỳ năm trước.
Bội chi ngân sách lớn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2016 ước tính đạt 715,2 nghìn tỷ đồng, bằng 56,2% dự toán năm. Như vậy, 8 tháng đầu năm 2016, bội chi ngân sách là 111,5 nghìn tỷ đồng.
Nhìn vào cơ cấu chi ngân sách 8 tháng đầu năm có thể thấy, khoản chi thường xuyên (trong đó một phần là chi cho bộ máy, quản lý hành chính) hiện còn quá cao.
Như vậy để thấy, thâm hụt ngân sách trong những tháng đầu năm 2016 không chỉ do việc thu gặp khó khăn mà chủ yếu do chúng ta chi tiêu quá nhiều. Chi cho đầu tư phát triển còn chiếm tỷ lệ thấp.
Đề cập đến vấn đề sử dụng tài sản công mới đây tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Nhiều người dân nói chúng ta sử dụng còn lãng phí. Vậy giải pháp nào để quản lý tài sản công tốt nhất?”.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phải có những giải pháp mạnh mẽ mang tính cách mạng để người dân thấy rằng Chính phủ sử dụng tài sản công hiệu quả nhất vì đây là mồ hôi, công sức, tiền thuế của người dân. Chính phủ khẳng định, tới đây sẽ có những chỉ thị, văn bản quy định siết chặt việc dùng tài sản công.
Đứng trước những khó khăn về tình hình thâm hụt ngân sách, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện tất cả giải pháp để hoàn thành dự toán thu năm 2016, trọng tâm là đôn đốc, thu nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát kê khai thuế, tăng cường chống thất thu, chuyển giá…
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình và nghĩa vụ trả nợ công của Chính phủ, tình hình giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 để có phương án điều chỉnh kế hoạch phát hành phù hợp.
Theo Bizlive
Bội chi ngân sách: Đừng chủ quan!
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2016 ước tính đạt 346.200 tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 284.200 tỷ đồng, bằng 36,2%; thu từ dầu thô 13.900 tỷ đồng, bằng 25,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 47.800 tỷ đồng, bằng 27,8%.
Trong khi đó, tổng chi đạt 412.600 tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm. Ngân sách chỉ có thể dành 64.300 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, trong khi chi cho kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính hết 293.400 tỷ đồng. Do nợ công tăng cao khiến nghĩa vụ trả nợ cũng đè nặng. Ngân sách đã phải chi tới 55.000 tỷ đồng để trả nợ và viện trợ.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã bị bội chi ngân sách 66.400 tỷ đồng. Đây là mức bội chi tương đối lớn trong bối cảnh các thuế quan được cắt giảm, thu ngân sách ngày càng khó khăn. Bội chi ngân sách tất yếu sẽ góp phần dẫn đến nợ công tăng cao lên.
Có thể nói, việc dành quá nhiều tiền ngân sách để trả nợ sẽ tạo ra một rủi ro lớn cho việc đầu tư, hạn chế nguồn tiền đầu tư phát triển kinh tế. Nếu nghĩa vụ trả nợ nhiều sẽ gây rủi ro cho những khoản chi tạo ra năng suất lao động, giảm chi vào giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là cần ổn định chi tiêu thường xuyên, có phương án thu chi ngân sách hợp lý.
Còn nhớ theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%. Như vậy, nợ công của Việt Nam sẽ chạm trần mức khả năng trả nợ của Chính phủ là 65%.
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2016 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định Việt Nam không chỉ là nước có mức thâm hụt ngân sách lớn, mà tỷ lệ nợ công/GDP cũng thuộc diện cao nhất trong khu vực ASEAN. CIEM dẫn lại số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), năm 2015, thâm hụt ngân sách của Việt Nam là 6,9% GDP, trong khi của Thái Lan là 1,2% GDP, Indonesia 2,3% GDP, Philippines 0,12% GDP và Campuchia 2% GDP.
Cụ thể theo dự báo của IMF, đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước ASEAN và là nước duy nhất có nợ công/GDP tiếp tục tăng đến gần 68% GDP năm 2020.
Trong khi đó, từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã dự báo thu ngân sách năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do giá dầu thô vẫn chưa hồi phục, tham gia các FTA nên cắt giảm nhiều loại thuế. Dự báo, năm 2016, tổng thu ngân sách đạt hơn một triệu tỷ đồng, tổng chi là 1,27 triệu tỷ đồng, bội chi 254.000 tỷ đồng (4,95% GDP).
Nguyên nhân thật dễ hiểu, khi mà trong những năm gần đây, tỉ lệ nợ công, đặc biệt là nợ chính phủ trên GDP đang tăng nhanh, chi phí trả nợ ngày càng cao; thu khó khăn, trong khi tốc độ chi tăng nhanh làm cho cân đối NSNN hết sức căng thẳng và bị động, đang đe dọa đến khả năng trả nợ hằng năm của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn vay có những biểu hiện lãng phí, tiêu cực và kém hiệu quả.
Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, mục tiêu đưa bội chi dưới 5% GDP của Quốc hội đặt ra sẽ khó hoàn thành. Do đó, Chính phủ cần mạnh tay cắt giảm chi thường xuyên và giảm bộ máy hành chính. Sở dĩ phải nói "đừng đùa" với bội chi, là bởi lẽ, theo tài liệu được công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, chi thường xuyên tăng lên và không có khả năng cải thiện vì nguồn thu từ dầu thô và doanh nghiệp đều giảm.
Đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Hãy nhìn thẳng vào thực tế: Số liệu thâm hụt ngân sách năm 2015 ước tính chiếm 6,34% GDP. Con số này cao hơn mục tiêu 5% GDP mà Quốc hội đưa ra trước đó. Đáng chú ý, tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm, phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo của nền kinh tế thời gian qua.
Theo_Giáo dục thời đại
Nợ công, bội chi NSNN giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm dần Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về việc giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với nội dung: "Trong nhiệm kỳ 2016-2020, chúng ta có...