Tục tắm tiên để trừ tà ma ở bản Khộp
Hàng trăm năm nay người bản Khộp (xã Ngọc Lâu, Lạc Sơn, Hòa Bình) vẫn coi cái giếng đó như vật báu. Mặc cho thời tiết khô hạn thì nước ở đó vẫn đầy ăm ắp, đáy giếng phun ra 2 tia nước với 2 màu sắc khác nhau. Cho đến nay tục tắm tiên tại giếng này là một nét văn hóa cực kỳ độc đáo. Với người Mường ở đây tắm tiên tại giếng mục đích là để trừ tà ma.
Ly kỳ nước giếng bản Khộp hai màu
Con đường trải nhựa vắng tanh chạy vắt qua 2 quả núi, đổ chừng dăm khúc cua khá dốc chúng tôi mới tới được bản Khộp. Cách thị trấn không quá xa nhưng cuộc sống ở bản người Mường này khá thanh bình, nguyên sơ. Lũ trẻ con nhốn nháo, chỉ trỏ rồi xì xào với nhau bằng tiếng của người Mường khi thấy người lạ.
Biết chúng tôi tìm hiểu về giếng thần, anh Bùi Văn Quyết trưởng bản Khộp tự hào: “Bản Khộp chúng tôi chẳng có thứ gì quý giá ngoài chiếc giếng này. Từ ngày có con người ở đây thì đã có giếng rồi. Dù thời tiết khô hạn thế nào thì giếng này không bao giờ cạn. Mùa đông nước giếng rất ấm áp, ngược lại mùa hè thì vô cùng mát”.
Cụ Beo kể lại những chuyện ly kỳ xung quanh giếng thần.
Từ thị trấn chúng tôi đã được người ta quảng cáo rằng: Nếu giữa trưa có nắng sẽ nhìn thấy 2 tia nước với hai màu khác nhau hoàn toàn phun lên từ đáy. Chúng tôi vội vã đến bản Khộp vào giữa trưa những mong được chiêm ngưỡng giếng có hai màu nước kỳ lạ chưa từng có này.
Mặc dù biết trước nhưng ai trong chúng tôi cũng đều vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến một hình ảnh đẹp hiếm gặp. Đứng trên thành giếng quan sát thật kỹ, dưới đáy giếng hai tia nước có hai màu đang phun ra mạnh mẽ. Một tia màu trắng tinh, một màu hồng nhạt. Hai tia nước này bắn lên từ một khe nhỏ của khúc gỗ dưới đáy giếng.
Anh Quyết vui vẻ nói: “Anh chị là may mắn lắm mới có thể nhìn thấy hai tia nước này đó. Chỉ khi trời thật đẹp, trong xanh và có nắng thì hai tia nước này mới phun ra như thế. Chúng tôi cũng không hiểu có phải vì phản xạ với ánh nắng mặt trời hay không nhưng trong bản ai cũng cho rằng đó là nước thần phun ra”.
Theo hướng dẫn của trưởng bản muốn tìm hiểu gốc tích của giếng thần này chỉ còn cách duy nhất là tìm những cụ cao niên trong bản. Bởi, chẳng có sách vở nào ghi chép lại cả. Chúng tôi may mắn được gặp cụ Bùi văn Beo – 92 tuổi nhưng cụ còn rất minh mẫn. Cụ là người được nghe và chứng kiến nhiều sự tích ly kỳ nhất xung quanh giếng thần này.
Mới đây giếng Khộp được xây xung quanh nhằm thuận lợi cho việc sinh hoạt của người dân.
Cụ kể: “Tôi cũng chẳng biết giếng có từ khi nào. Có ăn nước giếng, chứng kiến bao biến đổi mới thấy giếng này thiêng lắm. Mọi người có đổ bỏ bất cứ thứ gì xuống cũng không thể làm nước giếng bẩn được. Thế nhưng kiểu gì cũng bị báo oán đấy”. Đã có nhiều người ở đây không tin vào sự linh thiêng của giếng nên đã đổ chất thải xuống, chỉ vài ngày sau ốm thập tử nhất sinh.
Không thầy mo, thầy lang nào chữa nổi. Có lần một cậu thanh niên mới lớn đứng cạnh giếng chửi thề thế là bị méo mồm và nằm liệt ngay. Chữa chạy tứ phương đều không được sau có người ta mách là làm lễ xin thần giếng và múc nước giếng uống mới khỏi.
Video đang HOT
Tục tắm tiên của cả làng bên giếng thần
Điều đặc biệt ở giếng thần này là từ già tới trẻ, nam hay nữ đều tắm tiên ngay bên miệng giếng. Anh Quyết cười bình thản: “Đó là truyền thống của bản chúng tôi rồi. Nam nữ, già trẻ lớn bé đều tắm tiên ở đây mà chẳng ai ngại ngùng gì cả. Cứ khoảng 11h trưa và 5h chiều là mọi người kéo nhau ra tắm. Người bản Khộp tắm trần chung với nhau mà không bao giờ mảy may một ý nghĩ xấu nào cả. Thấy các cụ nói là tắm ở giếng thần này sẽ gột rửa được những tội lỗi trần tục. Hơn nữa con gái ở bản Khộp đều rất trắng trẻo là vì tắm nước giếng thần này”.
Theo những vị cao niên hiểu biết trong bản thì tục tắm tiên ở giếng thần có liên quan đến lời đồn ma quái hàng trăm năm nay. Cụ Bùi Văn Chinh chia sẻ: “Ông cụ nhà tôi kể lại. Thời kỳ còn hoang sơ con ma rừng hay bắt người mang về hang trên núi. Con ma rừng đã giết hại rất nhiều người trong vùng mà bất lực không có cách nào chế ngự được. Rồi một vị pháp sư danh tiếng xứ Mường Bi từ ông Mã đạp nước cưỡi mây dùng bùa phép yểm được con ma này. Vị pháp sư này căn dặn dân bản Khộp phải thường xuyên tắm nước giếng thần thì con ma mới không dám bắt. Thế là từ đó giếng Khộp (giếng thần) có tục tắm tiên nổi tiếng khắp các miền”.
Chiều xuống, Bùi Thị Ré và mấy người con gái cùng bản đang té nước tắm cho nhau. Không biết việc nhìn thấy người lạ lạc vào nơi tắm tiên có làm cho các cô các chị ngại hay không. Chỉ biết họ vẫn say sưa đắm mình vào dòng nước mát. Đợi lúc Ré đã trang phục chỉnh tề, chúng tôi mới dám tiến gần và hỏi: “Cứ tắm tiên thế này, cả nam lẫn nữ mà các chị không ngại sao?”. Ré hồn nhiên trả lời: “Có gì mà ngại chứ. Bọn mình tắm thế này từ bé rồi. Lớn lên vẫn tắm, có làm sao đâu?”.
Sang phía bên phải là tồng ngồng đám trai làng, già có trẻ có… Họ đi tắm như đi hội. Cười đùa, chọc ghẹo nhau. Một chàng trai cao to, béo trắng nổi bật trong đám đông ấy cũng trả lời rất thản nhiên khi tôi hỏi, không ngại với đám con gái kia sao thì anh ta trả lời: “Không ngại đâu. Ở đây già trẻ lớn bé ai cũng tắm thế nên quen rồi”. “Thế không cảm thấy thinh thích khi nhìn thấy đàn bà con gái tắm à?”. “Không đâu, trông cũng giống như đàn ông tắm cả thôi”… Có lẽ vì thế chăng mà từ trước đến nay những người dân nơi đây coi việc tắm tiên như một nét văn hóa cần được lưu truyền. Và tuyệt nhiên chưa từng xảy ra chuyện gì ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của những người dân xứ Mường này.
Khúc gỗ chấn long mạch nơi đáy giếng
Đi tìm nguyên nhân của giếng nước thần không bao giờ cạn chúng tôi đã tìm được lời giải thích đầy huyền bí của nhiều vị cao niên. Theo các vị cao niên này thì dưới đáy giếng Khộp có 1 khúc gỗ kỳ lạ, nó được coi là khúc gỗ c
hấn long mạch của giếng. Cụ Bùi Văn Beo kể: “Dưới đáy giếng thần có 1 khúc gỗ rất kỳ lạ. Mặc dù bị ngâm dưới đáy giếng hàng nghìn năm nhưng chẳng bị mục ruỗng mà cứng như thép”.
Giếng Khộp (giếng thần) có tục tắm tiên nổi tiếng khắp các miền
Chuyện kể rằng, khúc gỗ nằm nơi đáy giếng Khộp là cành 1 loại cây có tên Nhội. Truyền thuyết kể rằng gốc cây Nhội rất lớn nằm ở cánh đồng Nà Cả trên xóm Điện xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình) cách bản Khộp không xa về phía Tây Bắc. Cây Nhội này lớn đến mức, tán lá của nó có thể che kín khắp 3 xã của huyện Lạc Sơn. Ngày đó có hai anh em ruột, một người ở bản Khộp, người kia ở xóm Điện. Người em ở bản Khộp làm ăn khấm khá có tiếng trong vùng. Thấy thế người anh ghen tức bèn chặt cây Nhội đi. Cành cây đổ trúng nhà em và tạo thành cái giếng. Khúc gỗ dưới đó là phần còn lại của cây Nhội bị chặt.
Tuy vậy, người dân ở đây lại có cách lý giải khác về sự tồn tại của khúc cây Nhội dưới đáy giếng. Cụ Bùi Văn Chính kể: “Tôi có nghe từ lâu rồi rằng, đó là một lời nguyền liên quan đến việc giữ rừng của người Mường xưa kia”. Câu chuyện của cụ Chính được nhiều người dân ở đây tin hơn cả. Cụ kể, đây là vật yểm của thầy pháp sư sau khi đánh nhau với ma rừng. Đó là một phần cây gậy thần mà vị pháp sư đã dùng để đánh đuổi ma rừng, cứu người bản Khộp. Khúc Nhội nằm ở đáy giếng nhằm khơi long mạch cho người bản Khộp. Chính nhờ khúc gỗ đó mà nước hàng ngày cứ phun lên, người dân tắm nước này sẽ tránh được tà ma.
Anh Bùi Văn Quyết trưởng bản Khộp chỉ tay nơi khúc gỗ dưới đáy giếng chia sẻ: “Không có loại gỗ nào ngâm nghìn năm trong nước mà không bị mục ruỗng. Đây lại là loại gỗ không phải quý nhưng lại tồn tại được như vậy thì thật kỳ lạ. Có lần bản chúng tôi mang khúc gỗ này lên định làm củi nhưng rìu, búa chém vào cũng chẳng hề hấn gì”.
Để chứng minh cho sự linh thiêng của khúc gỗ Nhội anh Quyết kể: Cách đây khoảng hơn chục năm, UNICEF cho tiền xã Ngọc Lâu xây dựng hệ thống nước sạch. Giếng nước thần cũng là 1 điểm cần nạo vét. Cán bộ địa phương chỉ đạo vớt khúc gỗ nằm dưới đáy giếng lên để dễ dàng cho việc nạo vét bùn.
Lúc đó hàng chục trai bản được huy động dùng dây thừng, đòn để vớt khúc gỗ Nhội lên. Mặc dù nước không sâu, cây gỗ không quá lớn nhưng phải mất cả ngày đám thanh niên mới đưa được khúc gỗ đó lên bờ. Sáng hôm sau, cả bản Khộp hoảng loạn, ai nấy đều hoang mang vì giếng không còn một giọt nước. Không những vậy khu vực ao chuôm quanh vùng cũng khô cạn, đất đai quanh giếng cũng nứt nẻ khác thường.
Ông Chinh tiếp lời: “Quả đúng là thế, hôm đó cảm giác ở bản Khộp này sắp có biến. Trẻ con khóc không tài nào dỗ được. Bà con kéo nhau ùn ùn ra giếng nhìn thất thần. Cảm nhận được điều chẳng lành, các vị cao tuổi bàn nhau cho thanh niên trai tráng thả lại khúc gỗ xuống đáy giếng. Trước sự chứng kiến của dân làng, nước từ đâu lại phun lên mạnh mẽ. Mọi vật lại trở về bình thường”.
Những câu chuyện thần bí xảy ra xung quanh giếng Khộp khiến chúng tôi nửa tin nửa ngờ. Để giải mã cho những bí ẩn đó cần có những nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy vậy việc tin vào giếng thần, tin vào khúc gỗ chấn long mạch của người bản Khộp lại như một nét văn hóa tâm linh của người dân xứ Mường.
Ông Bùi Văn Chấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu:
Giếng thần Ngọc Lâu là kho báu quý giá của người Mường bản Khộp. Những câu chuyện ly kỳ, thần thánh hóa đã có từ xa xưa. Nó như những câu chuyện truyền thuyết mà đời này kể cho đời khác nghe. Với người bản Khộp, giếng thần là nguồn sống của các loài người nên họ luôn có ý thức bảo vệ, không ai có thể xâm phạm đến khu giếng này nếu có ý đồ xấu.
Việc nước giếng không bao giờ cạn và rất ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè là chuyện hoàn toàn có thật. Còn nguyên nhân nước giếng đầy là do khúc gỗ Nhội đúng hay không thì còn phải chờ các nhà khoa học tìm hiểu.
Anh Bùi Văn Quyết, trưởng thôn bản Khộp chia sẻ:
“Bản thân là người trẻ tuổi nhưng cũng từng nghe rất nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh giếng Khộp này. Quả đúng bà con trong bản từ xưa tới nay ai ai cũng ra đây tắm tiên. Mặc dù hiện nay nhà nước cũng đã xây hệ thống nước hút từ giếng về từng nhà nhưng bà con bản Khộp vẫn chưa bỏ được tục tắm tiên ở giếng này. Chúng tôi hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ sớm tìm lời giải thích cho những bí ẩn đùn nước 2 màu từ khúc gỗ dưới đáy giếng.
Theo 24h
Trùng tu xong giếng cổ, gái làng "ế" có chồng
"Làng gái ế" ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã thở phào sau khi chiếc giếng cổ rêu phong đổ nát được tu bổ vì người làng tin rằng đã cứu được lớp gái làng khỏi họa ế chồng. Cả làng đã bảo nhau góp tiền xây tường bao rào sắt, trồng cây lát gạch trong khuôn viên giếng. Quả là khốn khổ chỉ vì lời phán của một "thầy" địa lý vô danh.
Giếng vỡ, gái cũng tồn kho
Nằm ngay cổng làng Trung Thịnh, chiếc giếng cổ đã gần trăm tuổi "trơ gan cùng tuế nguyệt". Ngày xưa, giếng là nơi tụ họp của dân làng, cứ sáng sớm và chiều tối mọi người lại nườm nượp rủ nhau đi lấy nước giếng về dùng, giếng làng trở thành "trung tâm văn hóa" của cả làng. Cụ Lê Tiến Lào, năm nay hơn 80 tuổi, một cao niên trong làng cho biết: "Giếng này đã có từ lâu đời, là biểu tượng về lao động và trí tuệ của các bậc tiền bối. Trước đây, có rất nhiều người ở các làng lân cận cũng đến lấy nước nhưng nước trong giếng không bao giờ cạn. Nguồn nước rất trong mát, đặc biệt dùng nước này nấu chè xanh thì thơm và ngon hơn lấy nước ở bất kỳ nơi nào. Người ở xa cũng nhất định phải sang gánh nước ở đây về nấu nướng, đàn bà con gái ai cũng muốn lấy nước giếng về tắm gội để có làn da hồng hào và mái tóc bóng mượt."
Theo lời các cao niên kể lại thì ngoài giếng này, còn có hai cái giếng khác ở làng bên cũng được đào cùng một thời gian, nhưng giếng làng Trung Kính được đào đầu tiên và có nước trong nhất, ngon nhất. Theo thời gian, giếng làng ngày càng thưa bóng người qua lại do mỗi gia đình đều lần lượt đào giếng riêng để dùng cho tiện lợi.
Giếng cổ làng Trung Thịnh
Xung quanh, cỏ mọc um tùm che khuất cả thành giếng rêu phong đổ nát, ngoài ở nơi khác tới đôi khi không thể phát hiện đằng sau lớp cỏ dại là chiếc giếng một thời được "sủng ái". Từ ngày giếng bị "thất sủng", người làng cho rằng cuộc sống của mình thường xuyên gặp bất trắc. Họ đều là những người dân chịu khó làm ăn nhưng không hiểu sao vẫn bị cái đói cái nghèo đeo bám từ năm này qua năm khác.
Cùng với sự bủa vây của cái nghèo là hàng loạt tai ương đổ xuống. Trai tráng trong làng liên tục bị nạn: Người thì ngã lầu, người thì ngã trên cây xuống, người thì xe tông... Điều đáng nói là những thanh niên bị "sao quả tạ chiếu mạng" này đều rất tuấn tú tài giỏi. Gái làng không đến nỗi bị hạn mất mạng nhưng lại "ế sưng ế xỉa", nhiêu cô xinh đẹp nết na vô cùng nhưng không sao lấy nổi một tấm chồng.
Tình trạng trai thì yểu mạng, gái thì vô duyên kéo dài mãi cho đến khi xuất hiện một "ông thầy" địa lý kỳ lạ. Theo cụ Lào, cách đây khoảng 5 năm, một ông lão tự xưng là "thầy" địa lý từ nới khác ghé qua làng. Tình cờ đi ngang giếng cổ, ông lão đứng lặng nhìn trân trân vào thành giếng lấp ló đằng sau lớp cỏ dại um tùm, buông lời phán: "Giếng này nằm ở vị trí "long mạch" rất linh thiêng. Nếu nó không được khôi phục mà bị vùi lấp đi thế này thì cả làng sẽ gặp nhiều điều xui xẻo, thanh niên trong làng sẽ dần bị tàn lụi". Phán xong, ông lão kỳ lạ lắc đầu bỏ đi. Không ai biết "ông thầy" địa lý này tên gì và từ đâu đến, những bậc cao niên như cụ Lào chỉ nhớ đó là một ông cụ râu tóc bạc phơ, vẻ mặt rất hiền hậu. Người dân lúc mới nghe xong đều xôn xao nhưng không quan tâm vì cho rằng đó chỉ là lời nói bâng quơ của ông lão qua đường gàn dở.
Năm tháng trôi qua, nhưng sự đen đủi vẫn liên tiếp xảy ra, người dân dù cặm cui cày cấy đêm ngày cũng không "ngóc đầu lên được". "Hết thuốc chữa", lúc đó mọi người mới nhớ tới lời phán của ông lão bí ẩn.
Giếng xong, gái ế có chồng
Cụ Lào chia sẻ: "Tôi nguyên là cán bộ xã, vì vậy nhưng chuyện mê tín từ trước đến nay không hề tin. Tuy nhiên, trước sự hoang mang lo lắng của người dân và đặc biệt là nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên, ai cũng phải suy nghĩ". Và kế hoạch khôi phục giếng cổ được bắt đầu theo nguyện vọng của dân làng.
Tiền khôi phục giếng hoàn toàn do người dân đóng góp, không ai bảo ai, mỗi người góp một ít tùy theo khả năng. Làng Trung Thịnh nghèo khó, nhiều nhà con đói ăn nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động được hơn 30 triệu đồng để "tân trang" chiếc giếng. Bà con kể lại sau khi ấn định ngày khởi công thì suốt mấy ngày ròng rã trời mưa tất to, bầu trời xám xịt không le lói một tia nắng. Cả làng nhốn nháo lo sợ ngày đẹp khởi công bị trì hoãn, thậm chí còn có tin đồn việc tu sửa giếng đã "động đến thần linh" khiến "các ngài" nổi giận đổ mưa. Nhưng đúng ngày khởi công đã định, trời bỗng tạnh ráo, bầu trời trong xanh lạ thường, cả làng hớn hở lập đàn "khấn thần linh" rồi bắt tay vào công cuộc khôi phục giếng cổ trăm tuổi.
Sau gần 3 năm kì công tu sửa, đến đầu năm 2012, đã có hẳn một "lãnh địa" riêng dành cho chiếc giếng. Khuôn viên giếng cổ nằm cạnh cổng làng Trung Thịnh, rộng đến vài chục mét vuông, cổng hoành tráng, bốn phía xây tường bao rào sắt chắc chắn để ngăn không cho trâu bò, gà vịt vào làm ô uế "nơi linh thiêng". Thành giếng không còn bong tróc rêu mốc mà được tu sửa mịn màng, xung quanh không có lấy một cọng cỏ dại. Người dân còn lát gạch đỏ vòng quanh miệng giếng khiến nền giếng trở nên ấm áp tươi mới, đồng thời trồng cây cối xanh tốt để tô điểm màu xanh.
Nhiều làng quê Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều giếng cổ
Thật trùng hợp là từ khi giếng làng được lên kế hoạch khởi công cho đến khi hoàn thành, nhóm gái ế của làng đều lần lượt được "thanh lý". Tính đến thời điểm hiện tại, cả làng nhỏ có đế gần 10 người quá lứa đã lấy được chồng. Có những chị U40, U50 tưởng đã chấp nhận đời cô đơn cho đến già thì tự nhiên đều có người tìm đến "xin chết", cả làng cứ tưng bừng tiễn hết cô dâu này đến cô dâu khác về nhà chồng trước sự thắc mắc của những người làng xung quanh. Thậm chí có mấy cô gái trẻ chưa lấy chồng còn lén ra giếng để cầu duyên mong tìm được "đức lang quân như ý".
Số lượng thanh niên trai tráng cũng được "bảo toàn", không còn nơm nớp sợ chết trẻ như trước. Mùa màng liên tiếp bội thu, nhà nhà đều no ấm. Một người dân trong làng tâm sự: "Lúc đầu khi nghe tin đồn về câu phán của ông lão lạ mặt tui không tin, nhưng sau khi tu sửa giếng người làng đều gặp nhiều may mắn hơn. Có lẽ cái giếng này đúng là "giếng thần" nằm ở vị trí "long mạch" ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của làng như lời ông thầy kia "nói". Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Hải, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nam Sơn cho rằng chuyện giếng cổ ở làng Trung Thịnh được gọi là "giếng thần" hoàn toàn không có căn cứ. "Chẳng qua đó chỉ là những đồn đại không hề có cơ sở khoa học nào cả. Còn những sự việc trùng hợp gần đây liên quan đến giếng, đó chỉ là điều tình cờ, ngẫu nhiên xảy ra", ông Hải nói.
Theo 24h
Lạ lẫm tục bú vú kết nghĩa Xã Đắk-Rơ-Wa (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là địa bàn cư trú lâu đời của tộc người Xơ-đăng, Jrai và Bana. Trong những ngày lưu lại vùng đất xa xôi cách trở này để tìm hiểu những hủ tục có từ ngàn xưa, chúng tôi biết đến hủ tục rùng rợn - chôn sống con theo mẹ mà người vùng cao...