Tuần sóng gió của thị trường tiền mã hóa
Trong tuần qua, thị trường tiền mã hóa đón nhận nhiều tin tức tiêu cực, làm giá Bitcoin chao đảo.
Thị trường tiền mã hóa bước vào một quý 4 đầy biến động. Cuộc khủng hoảng của công ty Evergrande, những quy định pháp lý mới nhắm tới kiểm soát hoặc xóa bỏ thị trường tiền mã hóa tại nhiều nước khiến giá Bitcoin giảm mạnh.
Từ mức 47.000 USD hồi đầu tuần, có lúc giá Bitcoin hạ xuống sát mốc 40.000 USD. Sáng 26/9, giá mỗi Bitcoin vào khoảng 42.000 USD, theo Coinmarketcap .
Trung Quốc và Evergrande khiến toàn thị trường sợ hãi
“Bom nợ” Evergrande không liên quan trực tiếp đến thị trường tiền mã hóa. Tuy nhên, theo Business Insider , vì thị trường tiền mã hóa biến động rất mạnh, một ảnh hưởng nhỏ từ thị trường tài chính toàn cầu cũng có thể đẩy giá những đồng tiền mã hóa như Bitcoin (BTC) tăng giảm thất thường.
Số tiền nợ lên tới 300 tỷ USD của Evergrande, và nguy cơ sụp đổ của công ty này khiến thị trường tài chính toàn cầu sợ hãi.
Vì vậy, các chuyên gia không quá ngạc nhiên khi việc gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc đứng trên bờ vực phá sản đã làm nhà đầu tư tiền mã hóa hoảng loạn. Từ đó, nhà đầu tư nhanh chóng thanh lý tài sản của mình để bảo toàn quỹ vốn, dẫn đến giá tiền mã hóa giảm mạnh. Cụ thể, vào sáng đầu tuần ngày 20/9, giá Bitcoin đã giảm từ 47.200 USD về chỉ còn 45.200 USD.
“Bom nợ” Evergrande làm ảnh hưởng đến cả thị trường toàn cầu chứ không chỉ riêng Bitcoin. Trong khi đó, sáng 24/9, một tin tức xấu từ Trung Quốc lại trực tiếp làm thị trường tiền mã hóa khủng hoảng.
Theo Reuters , 10 cơ quan trực thuộc chính quyền Trung Quốc, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương (PBoC) và các đơn vị quản lý tài chính, chứng khoán, ngoại hối đã cam kết hợp tác với nhau nhằm loại bỏ các hoạt động tiền mã hóa “bất hợp pháp” ở nước này.
Trên thực tế, đây là một động thái không mới, vì luật ở Trung Quốc từ lâu đã không hề thân thiện với Bitcoin. Tuy nhiên, lệnh đàn áp lần này được công bố rất chi tiết, khiến cộng đồng hoang mang vì chính quyền Trung Quốc dường như có động thái “gắt gao hơn”.
Video đang HOT
Chính phủ Trung Quốc lần này đưa ra động thái mạnh tay hơn để kiểm soát thị trường coin, bao gồm cả quy định về “thuần phong mỹ tục”.
Theo Wu Blockchain, một chuyên gia Trung Quốc nổi tiếng trong thị trường tiền mã hóa, lệnh tăng cường đàn áp lần này của quốc gia tỷ dân có 5 điểm khác biệt so với các thông báo lần trước. Lệnh trực tiếp quy định hoạt động đào coin cần loại bỏ, với 10 cơ quan chính phủ cam kết, bao gồm cả Bộ Công an Trung Quốc.
Thông báo từ chính phủ Trung Quốc nêu cụ thể tên của các đồng tiền mã hóa bị cấm là Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) và Tether (USDT). Thông báo cũng nêu rõ “việc cung cấp hoạt động sàn giao dịch không hợp pháp cho công dân Trung Quốc là hoạt động tài chính bất hợp pháp. Pháp nhân liên quan đến những hoạt động này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Cuối cùng, theo quy định mới thì các hoạt động đầu tư vào tiền mã hóa có thể bị xem là “vi phạm trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục”.
Khó khăn pháp lý trên toàn cầu
Không riêng Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới tuần này cũng có các tuyên bố tiêu cực đối với Bitcoin. Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post vào ngày 21/9, Chủ tịch SEC Gary Gensler tuyên bố đang tìm cách kiểm soát thị trường tiền mã hóa theo khuôn khổ pháp luật.
“Tôi không nghĩ thị trường tiền mã hóa có thể tồn tại lâu dài mà không có khung pháp lý chung”, ông Gensler bày tỏ nhận định của mình.
Đây là tuyên bố mới nhất của ông Gary Gensler, người được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) dưới thời Tổng thống Joe Biden. Trước đó, nguồn tin từ Bloomberg cho hay giới chức Mỹ đang tiến hành một cuộc điều tra vào stablecoin, những đồng tiền ổn định đóng vai trò như đồng USD điện tử trong thị trường tiền mã hóa.
Đồng tiền ổn định (stablecoin) là đối tượng bị SEC nhắm tới, bởi đe dọa tới vị thế của đồng USD.
Các động thái gắt gao này không chỉ càn quét thị trường Mỹ mà còn gây ra cơn bão trên toàn cầu. Ảnh hưởng rõ nhất là Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu nước Mỹ, đã phải từ bỏ kế hoạch ra mắt sản phẩm mới của mình.
“Khi nghiên cứu kỹ càng về quy định pháp lý, Coinbase buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là tạm ngừng chương trình cho vay USDC. Chúng tôi cũng đã ngừng cho phép khách hàng đăng ký trước chương trình này và đang chuyển sang các hoạt động khác”, Coinbase tuyên bố trên trang web chính thức của mình.
Trong lúc Coinbase đang phải đối mặt với áp lực từ pháp lý Mỹ, thì Binance, một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới, cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự ở thị trường Australia.
Cụ thể vào sáng ngày 21/9, Binance ra thông báo chính thức sẽ ngừng cung cấp một số dịch vụ tại Australia nhằm mục đích tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý của quốc gia này. Theo đó, người dùng Binance tại Australia sẽ không thể tiếp tục giao dịch hợp đồng tương lai, quyền chọn và dùng đòn bẩy tài chính.
Đến ngày 23/9, Binance Australia tiếp tục tuyên bố người dùng mới phải hoàn tất KYC hay quá trình định danh khách hàng mới có thể sử dụng các dịch vụ của sàn.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Erdogan tuyên bố nước này đang “trong một cuộc chiến với Bitcoin”.
“Chúng ta phải tiếp tục con đường với đồng tiền vốn có của mình, đó là bản sắc cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan tuyên bố trong một cuộc gặp gỡ với các đại biểu thanh niên đến từ 81 tỉnh của nước này.
Trước đó vào tháng 4, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm các hoạt động thanh toán bằng Bitcoin hay những đồng tiền mã hóa khác.
Lý do giá Bitcoin tụt dốc
Biến động từ lĩnh vực bất động sản Trung Quốc dẫn đến làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư. Điều này khiến giá trị nhiều đồng tiền số sụt giảm.
Ngày 20/9, giá Bitcoin giảm mạnh sau làn sóng bán tháo của nhà đầu tư. Thị trường tiền số bị ảnh hưởng bởi biến động lớn trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Theo CoinDesk , đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đang được giao dịch ở mức 43.489 USD, giảm 8,6% so với ngày 17/9.
Bitcoin giảm giá kéo theo sự sụt giảm giá trị của nhiều đồng tiền số khác. Ether giảm 10% so với cùng kỳ, trong khi Dogecoin giảm 11%. Bên cạnh đó, việc bán tháo còn lan rộng đến các cổ phiếu có liên quan đến tiền mã hóa, như cổ phiếu của công ty điều hành sàn tiền số Coinbase giảm 3,5% giá trị.
Sự kiện tập đoàn bất động sản Evergrande đứng trước nguy cơ vỡ nợ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính.
Sự sụt giảm của các đồng tiền mã hóa xảy ra đồng thời với xu hướng thoái trào của các thị trường đầu tư truyền thống. WSJ cho biết điểm số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 1,7% do lo ngại chính phủ Trung Quốc sẽ không can thiệp vào sự kiện tập đoàn bất động sản Evergrande vỡ nợ.
Trang WSJ cho rằng khủng hoảng nợ của Evergrande có thể ảnh hưởng đến toàn ngành bất động sản. Một số nhà đầu tư lo ngại thất bại của tập đoàn này sẽ lan rộng khắp Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích cho biết việc bán tháo tiền số là một phần của sự chuyển dịch toàn cầu khỏi các loại hình đầu tư nhiều rủi ro, hướng dòng tiền đến những nơi trú ẩn an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho biết sự kiện Evergrande có thể ảnh hưởng đến Tether (mã hiệu USDT), đồng coin đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tiền kỹ thuật số.
Theo Block , một dịch vụ nghiên cứu về tiền số, Tether là loại "stablecoin" gắn với USD, có khoảng 71 tỷ đồng USDT đang lưu hành. Đồng tiền số này thường được nhà đầu tư dùng để cất giữ giá trị hoặc chuyển dịch tài sản giữa các sàn giao dịch.
Công ty chủ quản của đồng Tether được cho là đang nắm giữ nhiều thương phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tether Holding, công ty đứng sau đồng USDT cho biết khoảng một nửa tài sản của họ được giữ dưới dạng thương phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi. Nhiều nhà quan sát thị trường nghi ngờ rằng Tether đang nắm giữ nhiều thương phiếu của các công ty Trung Quốc.
Tuần trước, Tether Holding cho biết họ không giữ nợ hay cổ phiếu của Evergrande. Ngoài ra, đồng tiền này vẫn giữ được giá trị ở mức 1 USD/USDT giữa làn sóng bán tháo. Điều này chứng tỏ Tether vẫn được thị trường tin tưởng.
Tuy nhiên, Trưởng bộ phận phân tích thị trường của Genesis Trading, Noelle Acheson cho rằng Tether vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu tình hình kinh tế Trung Quốc xấu đi.
"Nếu Evergrande phá sản, nó có thể sẽ gây ra nhiều đợt sụp đổ khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến một số thương phiếu mà Tether Holding đang nắm giữ. Đây là tin xấu với sự ổn định của thị trường và lòng tin từ nhà đầu tư", bà Noelle Acheson cho biết.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý gồm Cục Dự trữ Liên bang, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã tăng cường sự chú ý vào stablecoin trong thời gian gần đây. Một số quan chức lo ngại rằng những đồng stablecoin không đủ minh bạch về các khoản nắm giữ và có thể đe dọa đến sự ổn định của thị trường tài chính.
Loại coin tăng giá hơn 95 triệu lần trong 1 ngày Giá của đồng tiền mã hóa X2P đã có mức tăng trưởng mạnh, lên đến hơn 95 triệu lần trong 1 ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là đợt thay đổi mã hợp đồng và giảm nguồn cung của dự án này. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap , giá của token Xenon Pay (X2P) đã có mức tăng trưởng mạnh từ 0,000000001775 USD và...