Từ vụ việc nữ sinh lớp 7 tự sinh con, cảnh báo lỗ hổng trong giáo dục giới tính
Mới đây, sự việc một học sinh lớp 7 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sinh con trong phòng tắm của gia đình, tự cắt dây rốn gây xôn xao dư luận, không ít phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên hoang mang lo lắng.
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, suốt một thời gian dài chương trình giáo dục của nhà trường quá coi nhẹ giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản cũng như các kỹ năng sống khác cho học sinh, mà chỉ chăm chăm vào nhồi nhét kiến thức, thi đua lấy thành tích.
Mới đây, sự việc một học sinh lớp 7 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sinh con trong phòng tắm của gia đình, tự cắt dây rốn gây xôn xao dư luận, không ít phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên hoang mang lo lắng.
Câu chuyện này cũng đặt ra những câu hỏi, phải chăng việc định hướng, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản và giới tính cho học sinh hiện nay còn nhiều lỗ hổng? Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, thành viên liên đoàn giáo dục độc lập Australia đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, thành viên liên đoàn giáo dục độc lập Australia. (Ảnh: NVCC)
PV : Từ vụ nữ sinh lớp 7 tự sinh con, nhiều băn khoăn cho rằng công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh hiện nay còn nhiều lỗ hổng? Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền: Việc nữ sinh lớp 7 mang thai như báo chí đưa tin không còn hy hữu mà thực tế đang ở mức báo động đối với xã hội hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, do trẻ sớm tiếp xúc quá nhiều với phim ảnh đồi trụy, một số ý kiến khác nhận định nguyên nhân do thiếu sự quan tâm, giám sát gia đình.
Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, nguyên nhân quan trọng nhất đã tồn tại suốt một thời gian dài là trong chương trình giáo dục của nhà trường quá coi nhẹ giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản cũng như các kỹ năng sống khác cho học sinh, thay vào đó chỉ chăm chăm vào nhồi nhét kiến thức, thi đua lấy thành tích.
Video đang HOT
Trong khi đó, vấn đề này được các quốc gia phát triển hết sức quan tâm và coi là một chính sách ở tầm quốc gia. Tại Mỹ, ngay những thập niên 60 của thế kỷ 20 chương trình giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ cấp THCS và từ cuối những thập niên 80 và đầu những năm 90, chính phủ Mỹ đã triển khai nhiều chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản trên khắp đất nước từ bậc THCS cho đến giáo dục đại học.
Họ đã dành một quỹ riêng cho các bang để triển khai các chương trình này và xem như một phần quan trọng như giáo dục các môn chính khóa và là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực tương lai.
PV : Thực tế hiện nay nhiều bậc phụ huynh, thậm chí cả giáo viên còn e ngại khi giáo dục về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản. Nhiều người chọn cách ngăn cấm để tránh “vẽ đường cho hươu chạy”, ông nghĩ sao về cách dạy con như vậy?
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền: Ở góc độ văn hóa, Việt Nam cũng như các quốc gia Châu Á khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Nho giáo. Nho giáo xem những gì liên quan đến tình dục là xấu xa, thấp hèn và bẩn thỉu. Vì tư tưởng đó mà người Việt nói riêng và hầu hết những người Châu Á nói chung đều cảm thấy rất xấu hổ và e thẹn khi nói đến chủ đề đó. Cũng bởi vậy, nhiều phụ huynh đã tự tạo ra một khoảng cách vô hình với con cái khiến trẻ thiếu đi một nơi tin cậy nhất để được chia sẻ và giải đáp những thắc mắc về vấn đề đang gặp phải.
Các phụ huynh quên rằng, ngay khi học sinh bước vào lớp 6 các bé gái đã bắt đầu có những thay đổi về mặt sinh lý và thể chất trong khi các em nam diễn ra chậm hơn một vài năm so với nữ.
Ở những giai đoạn này, trẻ bắt đầu tỏ ra lo lắng và tò mò về những thay đổi cơ thể của mình. Nếu không được sự giáo dục và định hướng đúng đắn trẻ có thể rơi vào những hành vi tiêu cực và việc quan hệ tình dục là điều khó tránh khỏi.
Do đó, thay vì lảng tránh, các phụ huynh nên chủ động dành thời gian để chia sẻ một cách cởi mở về những kinh nghiệm và hiểu biết của mình liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hậu quả của quan hệ tình dục sớm, cũng như các vấn đề liên quan đến những thay đổi sinh lý và thể chất của các em ở độ tuổi này nhằm sớm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
PV : Thưa ông, tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển, việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh được triển khai ra sao? Theo ông, Việt Nam cần có những thay đổi gì để nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề giới tính, tình dục, sinh sản?
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền: Tại Australia, vì chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây nên vấn đề giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản được dạy ngay từ cấp tiểu học. Trẻ em, đặc biệt là bé gái ý thức rất rõ về quyền bất khả xâm phạm thân thể của mình. Việc muốn bế hay hôn những bé dưới tuổi vị thành niên cần phải được sự đồng ý của trẻ hoặc bố mẹ hay người giám hộ. Việc động chạm đến cơ thể người khác mà không được phép được luật pháp xem đó có thể là một hành vi quấy rối tình dục và bị xử phạt nặng.
Ngay cả ngôn ngữ nếu dùng những lời lẽ khiếm nhã và mang tính gợi dục cũng được quy vào tội quấy rối tình dục. Cho nên, cá nhân tôi sống ở Australia một thời gian dài nhưng những chuyện học sinh mang thai ở lớp 7 và lớp 8 chưa bao giờ nghe thấy.
Ngay cả ở đại học, vấn đề giáo dục về sức khoẻ sinh sản và quan hệ tình dục cũng rất được nhà trường quan tâm. Trường có riêng một bộ phận tư vấn cho sinh viên về vấn đề này và có đường dây nóng hỗ trợ để có thể can thiệp sớm những vấn đề xảy ra liên quan đến sức khỏe sinh sản hay quấy rối tình dục.
Rào cản lớn nhất trong vấn đề giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản đối với những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Nho giáo là không chú trọng đến vấn đề giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản. Để giải quyết vấn đề này, một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp hiệu quả để khắc phục.
Đơn cử như Hong Kong đã tìm ra một giải pháp sử dụng game trò chơi có tên gọi “Making Smart Choices” (Chọn lựa thông minh) dành cho các học sinh tuổi vị thành niên nhằm giúp các em có thể tự trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn và có thái độ tích cực về giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản.
Việt Nam có thế mạnh về công nghệ số vì vậy cá nhân tôi cho rằng, nếu Chính phủ cũng như nghành giáo dục có chính sách cụ thể về vấn đề này thì việc trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh và các giáo viên cũng như xã hội là điều hoàn toàn có thể thực hiện thành công.
PV : Xin cảm ơn ông!/.
Giáo dục giới tính ở nơi có tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai thấp
Nhờ được giáo dục giới tính từ sớm, một số quốc gia như Na Uy, Hà Lan có tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai thấp nhất thế giới.
Ở Indonesia, giáo dục giới tính được xem là các hoạt động ngoại khóa, không bắt buộc. Trong đó, một trường trung học ở Semarang, Jakarta lồng ghép bài học vào các trò chơi. Rutgers, tổ chức phi chính phủ của Hà Lan chuyên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đã mở các lớp giáo dục giới tính tại 38 trường ở quốc gia này. Khóa học dành cho trẻ em từ 12 đến 14 tuổi, nhằm bàn luận về các vấn đề tình dục, giới tính và cảm xúc. Ảnh: The Guardian.
Tại Vương quốc Anh, giáo dục giới tính là chương trình học bắt buộc dành cho học sinh 11 tuổi trở lên. Theo hướng dẫn mới của chính phủ, học sinh tiểu học được dạy về các mối quan hệ lành mạnh. Học sinh trung học được học thêm về vấn nạn bóc lột tình dục, bạo lực gia đình, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tác động của việc xem phim không lành mạnh. Ngoài ra, các vấn đề về kinh nguyệt, rối loạn ăn uống, ma túy và sức khỏe tâm lý cũng nằm trong chương trình học. Ảnh: The Guardian.
Giáo dục giới tính ở Na Uy là chương trình bắt buộc và được áp dụng cho toàn bộ cơ sở giáo dục trong nước. Học sinh được tiếp cận với các bài giảng giáo dục giới tính từ năm lớp 1. Chương trình học sẽ kéo dài đến năm 16 tuổi. Qua đó, Na Uy lọt top những quốc gia có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên thấp nhất thế giới. Ảnh: Nordic Council of Ministers.
Ở thành phố Kampala, Uganda, chương trình giáo dục giới tính được lồng ghép vào môn bóng đá cho học sinh tiểu học. Tiết học được tổ chức mỗi tuần, học sinh nhỏ tuổi được chia thành các nhóm có cả nam và nữ, học sinh lớp lớn hơn được tách riêng theo giới tính để chia sẻ các vấn đề khó nói. Tuy nhiên, hoạt động này vấp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh. Họ cho rằng đá bóng sẽ khiến các nữ sinh trở nên nam tính hơn. Ảnh: The Guardian.
Học sinh Hà Lan được tiếp cận với giáo dục giới tính từ mẫu giáo qua các bài giảng về những chú gấu. Thông thường, chương trình học bắt đầu từ tuần lễ mùa xuân hàng năm. Bà Elsbeth Reitzema, thành viên của tổ chức Rutgers, cho biết chương trình giáo dục giới tính được Chính phủ Hà Lan tài trợ và khởi xướng từ năm 2005, nhằm giúp trẻ có cái nhìn khách quan hơn về các vấn đề nhạy cảm. "Nghiên cứu cho thấy, khi trẻ em hiểu các mối quan hệ và giới tính từ sớm, các em sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn", bà Reitzema nhấn mạnh. Ảnh: The Guardian.
Giáo dục giới tính là chương trình học bắt buộc ở New Zealand và được áp dụng từ năm 1999. Chương trình được bắt đầu từ lớp 1, cho phép học sinh tìm hiểu về về tình bạn, gia đình và sự tôn trọng lẫn nhau. Đến lớp 10, hầu hết học sinh được dạy về sức khỏe sinh sản và tình dục, trong đó có vấn đề quan hệ tình dục an toàn và biện pháp tránh thai. Theo New Zealand Herald, hiện trường học các cấp trên cả nước đang áp dụng những bài giảng phù hợp với độ tuổi và tâm lý học sinh. Ảnh: Pinterest.
Giáo dục giới tính không còn chuyện mang bao cao su đeo lên chuôi cuốc Giáo dục giới tính hiện nay là đi sâu vào thực tế, chia sẻ thẳng thắn các vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục, tình yêu chứ không còn chuyện mang chiếc cuốc để đeo bao cao su lên chuôi hướng dẫn học sinh... Những ngày qua, dư luận xôn xao về sự việc nữ sinh lớp 8 tại Thanh Hóa...