Từ vụ HS phải kiểm điểm trước toàn trường: Kỷ luật thế nào để giáo dục
Vụ việc học sinh lớp 8 tại TP HCM bị hạ hạnh kiểm, đình chỉ học, đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc đang gây tranh cãi.
Dư luận đang xôn xao về video quay cảnh nam sinh lớp 8 đọc bản kiểm điểm trước toàn trường về hành vi xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS. Việc Q đọc kiểm điểm được quay clip, đăng lên fanpage của trường. Sau đó video được chia sẻ lên nhiều diễn đàn, gây ra hai luồng ý kiến trái chiều về cách xử lý của nhà trường. Nhiều người cho rằng, trường xử nghiêm để răn đe. Trong khi đó, số khác nhận xét hình thức xử lý này chưa hợp lý.
Hình phạt bắt học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường và quay clip đăng lên mạng xã hội gây tranh cãi. (Ảnh: KT)
Bày tỏ quan điểm về sự việc này, TS Nguyễn Thanh Sơn (Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) cho rằng, cần xử lý học sinh dùng ngôn từ, hình ảnh thóa mạ người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, bắt học sinh đọc bản kiểm điểm công khai là không đúng và không mang tính giáo dục cao.
“Nhiệm vụ của nhà trường không phải đi giải quyết những việc như thế. Đã dùng kỷ luật nhà trường không đúng với yêu cầu. Câu chuyện em thích hay không thích hay phê phán ban nhạc nào đó là tư cách cá nhân. Nếu có, chỉ hướng dẫn em đó, ví dụ như em không nên dùng từ ngữ thóa mạ, xâm phạm đến danh dự của 1 ban nhạc. Hướng dẫn em đó mới là đúng. Ví dụ gọi lên nói chuyện với tư cách cá nhân, như thầy khuyên em thế này thế kia”, thầy Sơn nói.
Cụ thể em N.H.M.Q đã lập trang anti, đăng hình ảnh, bài viết có nội dung thô tục, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS. Theo đại diện nhà trường, việc kỷ luật em Q không phải vì nhóm nhạc BTS nổi tiếng mà kỷ luật em để răn đe, giáo dục và bảo vệ em. Hình thức kỷ luật em Q là phải đọc bản kiểm điểm xin lỗi người xúc phạm trước toàn trường, bị đình chỉ học 4 ngày, sẽ bị xếp loại hạnh kiểm cao nhất là trung bình và thấp nhất là yếu trong học kỳ I của năm học này…
PGS TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, việc nam sinh bị bắt đọc bản kiểm điểm trước toàn trường sẽ làm tổn thương tâm lý của em. Chưa kể, sự việc bi quay clip, đăng lên mạng xã hội cũng là bêu xấu trước cộng đồng mạng. Theo PGS TS Trần Thành Nam, có nhiều bài học được rút ra từ câu chuyện này.
Video đang HOT
“Bài học thứ nhất là phạt như thế nào để mang tính giáo dục, liên quan đến hành vi mà mình muốn giáo dục lỗi sai đứa trẻ. Thứ 2 là phạt phải rất tôn trọng học sinh thì để học sinh sẽ không có hành vi chống đối, giấu diếm những lỗi trong lần tiếp theo. Thứ 3 là quan điểm của chúng ta cần thay đổi, cách thức để giảm hành vi sai, tốt nhất là tăng những hành vi tốt lên, bằng cách là chúng ta khen ngợi, tuyên dương, hướng sự chú ý của cả lớp vào hành vi tốt của bạn ấy. Hình phạt nhẹ nhàng thì học sinh nhận ra giá trị giáo dục và theo giá trị đó tốt hơn”, ông Nam nhấn mạnh.
Kỷ luật học sinh thế nào để vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn luôn là băn khoăn, trăn trở của những người làm nghề giáo. Là người gắn bó với ngôi trường đặc biệt gồm những học sinh cá tính và chưa ngoan – THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng trong gần 30 năm qua, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, bất cứ ngôi trường nào cũng cần có kỷ luật, nhưng hình thức kỷ luật làm sao phải mang tính giáo dục đối với học sinh: “Trước hết trường nào cũng phải có kỷ luật. Chỉ có kỷ luật mới có chất lượng. Nhưng nhà trường là giáo dục, do đó quá trình làm sao phải phù hợp với lứa tuổi, tâm lý từng cấp học. Cái quan trọng là nhà trường phải dẫn dắt học trò để thực hiện mục tiêu giáo dục của mình. Không phải chỉ đưa ra những nguyên tắc, nội quy là xong, mà phải kết hợp dạy giá trị sống và kỹ năng sống để học sinh có thể tự điều chỉnh. Thứ 2 nữa là các nội quy, nguyên tắc được thảo luận rất kỹ chứ không phải là anh làm sai là tôi đuổi anh, anh làm sai là tôi mắng anh. Đó không phải là giáo dục”, thầy Lâm cho biết.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, trong trường hợp học sinh có hành vi ứng xử không đúng trên mạng, trường cần mời gia đình, học sinh lên nói chuyện, phân tích đúng sai để em hiểu, tự gỡ bài đăng. Việc vi phạm xảy ra trên mạng xã hội thì em đăng lời xin lỗi lên mạng, thay vì đứng đọc trước toàn thể học sinh. Qua câu chuyện này, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho rằng, các trường cần đưa cách ứng xử, giao tiếp trên mạng xã hội vào chương trình giáo dục. Các trường cần phải xây dựng, tuyên truyền và tổ chức những hoạt động để giúp cho học sinh, sinh viên của mình nhìn nhận và xây dựng được giá trị sống tốt. Vấn đề tiếp đến là các trường phải rèn cho các em kỹ năng mềm, đặc biệt là những vấn đề về kỹ năng tư duy, phản biện. Các em có tìm hiểu thông tin, đánh giá thông tin và nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau trước khi thực hiện việc nêu ra ý kiến cá nhân./.
Nhiệm vụ giáo dục học sinh chưa bao giờ là công việc dễ dàng đối với thầy cô trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão ngày nay. Học sinh có lỗi thì phải bị xử lý nhưng lựa chọn hình thức kỷ luật ra sao để vừa có tính răn đe, nhưng cũng đầy nhân văn và mang tính giáo dục cao. Nhà trường và gia đình cần quan tâm đến học sinh nhiều hơn nữa. Trao cho các em những kỹ năng cần thiết để ứng xử văn minh trên các trang mạng xã hội, nhất là Facebook./.
Lê Thu
Theo VOV
Đại học không thể "học đại"
Đậu vào một trường đại học (ĐH), nhất là những trường ĐH lớn, đã khó, nhưng để thành công sau 4 năm học lại càng khó hơn. Thống kê sơ bộ của ngành giáo dục - đào tạo cho thấy, mỗi năm có đến 10% tân sinh viên nhập học bị đuổi học. Vì vậy, các tân sinh viên cần phải nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại, thử thách lẫn những cám dỗ, để hoàn thành chương trình ĐH.
Nhập học rồi bị đuổi học
Mở đầu buổi gặp gỡ hơn 5.000 tân sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cảnh báo: "Nhiều em quan niệm vào ĐH là học đại cho xong, có bằng rồi đi tìm việc. Trên thực tế, bước chân vào ĐH là bạn trở thành thuyền trưởng trên con thuyền tương lai của chính mình. Do đó, các em phải biết đích đến và lộ trình, có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng trong 4 năm".
Thực tế, mỗi năm vẫn có nhiều sinh viên nhập học của trường bị đuổi học và đa phần đều không có kế hoạch học tập, không tìm thấy đam mê. Do đó, muốn đi đến thành công trong quãng đời ĐH, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhắn nhủ không thể thiếu niềm đam mê, hãy học vì tương lai của chính mình và kỳ vọng, niềm tin của gia đình.
Sinh viên đại học trong ngày tốt nghiệp
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, chia sẻ bên cạnh niềm vui bước vào "đời sinh viên" thì có cả gánh nặng cho bản thân và gia đình. Nhiều phụ huynh đã phải làm đơn xin được chậm đóng học phí vì chưa chuẩn bị đủ, vì phải lo chi phí ăn, ở... Do đó, nếu không có tính tự lập cao, không biết tính toán, sinh viên sẽ bị "gánh nặng" ấy đeo bám ngay từ khi nhập học và rất dễ quỵ ngã do đuối sức.
Ghi nhận từ nhiều trường ĐH cho thấy, hàng trăm, hàng ngàn sinh viên ở các trường đã bị đình chỉ, đuổi học với rất nhiều lý do. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học từ năm 2012-2015. Trung bình mỗi năm học, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM có hơn 2.000 sinh viên bị cảnh cáo và buộc thôi học, trong đó có hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học (gồm hơn 100 sinh viên hệ ĐH, còn lại là sinh viên cao đẳng). Trường ĐH Ngân hàng TPHCM mỗi năm cũng có gần 400 sinh viên bị buộc thôi học; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM buộc thôi học gần 300 sinh viên/năm; Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ học tập 194 sinh viên...
Mới đây nhất, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM đã quyết định ngừng học 1 năm với 117 sinh viên hệ cao đẳng do xếp loại rèn luyện kém. Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM thông báo hơn 900 sinh viên bị trường đánh giá 0 điểm rèn luyện, xếp loại kém, trong đó gần 700 sinh viên đang theo học, số còn lại là sinh viên bảo lưu, thôi học hoặc bị đình chỉ.
Không lơ là, chủ quan
Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho biết tân sinh viên cần lưu ý về việc đăng ký học phần các môn học. Ở học kỳ đầu tiên, theo quy chế đào tạo tín chỉ, các trường sẽ áp các môn học trong học kỳ này, sinh viên theo đúng lịch thực hiện. Việc đăng ký học phần ở học kỳ đầu tiên rất quan trọng, nhưng nhiều tân sinh viên chưa ý thức được vấn đề này, vì vậy dẫn đến hay sai sót do không quan tâm.
"Một vấn đề mà tân sinh viên thường bị mắc phải là trong thời gian đăng ký học phần tín chỉ, sinh viên hay đăng ký theo nhóm bạn. Khi có học phần nào trễ sẽ dẫn đến bỏ, rồi quên, đến khi gần cuối khóa mà các học phần đầu khóa vẫn chưa học. Do đó, tân sinh viên nếu lơ là không đăng ký học một học kỳ nào đó coi như mất đứt 1/2 năm", Th.S Hứa Minh Tuấn nhấn mạnh.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, học ĐH chủ yếu là tự học thông qua nhiều hình thức. Các em phải tìm hiểu và thích nghi với cách dạy và học mới của nhà trường như: Blended, Teamwork, learning by making - học theo dự án. Sáng tạo và khởi nghiệp ngay trong thời gian học ĐH cũng có thể giúp các em vươn lên làm những người chủ. Kỹ năng mềm cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công của sinh viên trong tương lai, được hình thành trong quá trình học trên lớp, học ngoài giờ và thông qua phong trào đoàn, hội, câu lạc bộ. Ngoại ngữ phải được xác định là chìa khóa thành công cho các em.
Theo đại diện nhiều trường ĐH, làm thêm để trang trải cuộc sống, học tập cũng thật sự cần thiết. Tuy nhiên, tân sinh viên phải cân đối giữa việc học và làm thêm. Trước khi có ý định làm thêm cần đến trung tâm quan hệ doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ sinh viên để được hỗ trợ.
Ngoài vấn đề học, việc tham gia các hoạt động cộng đồng cũng là điều sinh viên cần phải có, nếu không sinh viên cũng không thể đủ điều kiện tốt nghiệp. Điểm rèn luyện của sinh viên được tính dựa trên 5 tiêu chí: ý thức tham gia học tập; sự chấp hành quy chế, nội quy, quy định nhà trường; ý thức tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng; tham gia các hoạt động đoàn thể trong trường.
Đừng xem thường nợ môn
Th.S Hứa Minh Tuấn cho biết, nhiều tân sinh viên sẽ nghe câu "không thi lại, học lại, chưa phải là sinh viên", "phi thi lại bất thành đại học", nhưng hãy coi chừng. Nhiều em lơ là, tự nghỉ học, không đăng ký... dẫn đến nợ môn và hậu quả là ám ảnh với trả nợ, rồi trở thành nợ khó trả. Do đó, nhiều em phải ra trường muộn vì chưa đủ điều kiện tốt nghiệp.
THANH HÙNG
Theo SGGP
Tuyển sinh ĐH năm 2019: Loại thí sinh vì số lượng đăng ký ít? Nhiều người cho rằng cần mạnh tay đóng cửa các trường ĐH yếu kém, kiểm soát chặt chỉ tiêu tuyển sinh để nâng chất lượng đào tạo. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2019 cơ bản hoàn tất. Đây được xem là năm có nhiều đổi mới trong tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy nhiên, nhiều sự cố vẫn...