Từ vụ học sinh đuối nước trong KDL Đại Nam: Lo gặp nạn khi đi ngoại khóa
Trước những tai nạn liên quan đến hoạt động ngoại khóa, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trong khi trách nhiệm các bên liên quan vẫn chưa được làm rõ
Liên quan vụ việc 1 học sinh (HS)lớp 4 Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP HCM) rớt xuống vùng biển nhân tạo ở khu du lịch (KDL) Đại Nam (tỉnh Bình Dương) rồi tử vong hôm 14-1, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 15-1, ông Dương Vân Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 8, cho biết lãnh đạo nhà trường đã báo cáo cho phòng. Trường cũng túc trực liên tục với gia đình HS gặp nạn để xử lý.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Dương Vân Dân, kế hoạch sinh hoạt ngoại khóa đã được Trường Tiểu học Âu Dương Lân thực hiện đầu năm học và liên hệ các đối tác để tổ chức. Trong đợt ngoại khóa lần này có các đơn vị phối hợp tổ chức như công ty du lịch lữ hành và Công ty Đại Nam.
“Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường bằng văn bản, hằng năm có nhắc lại về việc bảo đảm an toàn cho HS khi sinh hoạt ngoại khóa, đặc biệt là những nơi có nước. Để xảy ra sự việc thương tâm này, tôi rất đau lòng” – ông Dương Vân Dân bày tỏ.
Ông Dương Vân Dân cho rằng mỗi chuyến sinh hoạt ngoại khóa ngoài sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm còn có thêm lực lượng hỗ trợ, giám sát và cả phụ huynh (PH) HS. “Dù là sự cố đáng tiếc nhưng cũng là trách nhiệm của người lớn. Trước mắt chúng tôi lo hậu sự và chung tay phụ gia đình rồi sẽ có phương án xử lý sau. Từ thời điểm xảy ra sự cố đến nay, luôn có một đại diện ban giám hiệu và giáo viên đồng hành cùng gia đình để hỗ trợ, chia sẻ” – ông Dương Vân Dân nói.
Theo cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Dương Lân, hiện chưa thể quy trách nhiệm cho ai vì đang chờ cơ quan chức năng kết luận. Đợt ngoại khóa này nằm trong kế hoạch hằng năm của trường. PHHS tự nguyện đăng ký cho con tham gia và đóng phí 280.000 đồng/em. Sau sự cố đau lòng này, trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Về việc có tiếp tục tổ chức ngoại khóa cho HS trong thời gian tới hay không, ông Dương Vân Dân nhìn nhận đối với Trường Tiểu học Âu Dương Lân, để tiếp tục tổ chức trong thời gian tới là rất khó. Tuy nhiên, không vì một trường hợp hy hữu mà chỉ đạo tất cả các trường phải ngưng tổ chức ngoại khóa cho HS.
Tiết học ngoại khóa nhằm mục đích chính là phát triển cho HS nên vẫn phải thực hiện nhưng cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các trường khi tổ chức cho HS đi ngoại khóa cần phải chú ý an toàn hơn nữa, hạn chế đến những nơi ao, hồ, sông, suối…
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết hướng xử lý vụ việc tiếp theo đang được ban lãnh đạo sở cân nhắc. Trước hết, Sở GD-ĐT sẽ ban hành văn bản tăng cường chỉ đạo hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Khu Du lịch Đại Nam với nơi vui chơi dành cho trẻ em (ảnh minh họa) Ảnh: KDL ĐẠI NAM
Phụ huynh lo lắng
Cũng trong ngày 14-1, tại KDL Đảo Ngọc Xanh ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, có một nhóm người chơi tàu lượn siêu tốc. Trong quá trình vận hành, toa tàu lượn siêu tốc bị trượt khỏi đường ray khiến nhiều người rơi xuống đất, trong đó có 2 HS bị thương, 1 HS tử vong.
Tất cả các em đều sinh năm 2004, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, gặp nạn khi đi dã ngoại do trường tổ chức. Hiện công an huyện phối hợp với lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ tai nạn. UBND huyện Thanh Thủy cũng đã chỉ đạo Công ty CP Ao Vua (chủ đầu tư) tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh.
Video đang HOT
Trước những tai nạn liên tiếp liên quan đến hoạt động ngoại khóa, nhiều PHHS đã bày tỏ lo ngại. Anh Đào Lê – có 2 con học tiểu học ở quận Phú Nhuận, TP HCM – cho biết đã thành “thông lệ”, cứ trong buổi họp với phụ huynh đầu năm học mới, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các lớp tiểu học đều đưa ra chương trình ngoại khóa trong năm. Theo đó, có trường lập kế hoạch 3 buổi ngoại khóa, có trường 2 hay 1 với cam kết từ GVCN là việc học ngoại khóa hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc.
Thế nhưng, thực tế cứ vào các ngày nhà trường tổ chức cho HS đi học ngoại khóa thì PH lại nhận được thông báo từ GVCN: “Nếu anh (chị) không cho con tham gia buổi học ngoại khóa thì đến rước bé về lúc 10 giờ, vì nhà trường không tổ chức ăn trưa cũng như dạy vào buổi chiều cho các bé”. Điều này đồng nghĩa với việc sinh hoạt của không ít PH không cho con đi ngoại khóa bị đảo lộn do phải sắp xếp thời gian, công việc đưa đón, phục vụ trẻ ăn ngủ khi ở nhà.
Vì vậy, dù có khá nhiều PH không muốn con em tham gia ngoại khóa (đa phần là ở các công viên nước như Đầm Sen, Suối Tiên, KDL Đại Nam…) do sợ nguy hiểm, thất lạc nhưng vì không thể sắp xếp được công việc nên phải đăng ký cho con đi mà lòng lo lắng, bất an. “Dẫu biết việc học ngoại khóa nhằm giúp trẻ năng động hơn, đoàn kết hơn, sáng tạo hơn nhưng để cùng lúc đưa hàng trăm bé đi cùng thì đòi hỏi phải có lực lượng người lớn hùng hậu đi kèm, còn cứ 1 người quản 40-50 trẻ xem ra khó tránh khỏi những điều bất trắc” – anh Đào Lê góp ý.
Chị Thu Thủy – có con học lớp 7 tại quận Gò Vấp, TP HCM – cho rằng dù PH được quyền lựa chọn cho con tham gia sinh hoạt ngoại khóa hay không thì phần lớn đều bị “ép tự nguyện”. HS sợ khi không đăng ký đi ngoại khóa sẽ bị đánh giá hạnh kiểm hoặc điểm hoạt động thấp; còn PH đồng ý cho con tham gia, nếu xảy ra sự cố thì không biết ai sẽ chịu trách nhiệm.
“Tôi rất ủng hộ việc tổ chức ngoại khóa để trẻ có cơ hội tiếp xúc thực tế, học được nhiều kỹ năng. Vấn đề là nhà trường có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ không hay được vạ thì má đã sưng?” – chị Thủy băn khoăn.
Đại diện KDL Đại Nam nói gì?
Ngày 15-1, trả lời Báo Người Lao Động, đại diện KDL Đại Nam cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc. Hiện KDL đang làm việc với các cơ quan liên quan và gia đình để hỗ trợ, lo ma chay cho HS gặp nạn.
Về nguyên nhân dẫn đến tai nạn cũng như trách nhiệm của KDL Đại Nam, vị đại diện này cho biết đang chờ kết quả từ cơ quan điều tra.
Theo ghi nhận, trong ngày 15-1, rất đông HS vẫn đến KDL này vui chơi, giải trí.
T.Đồng
Liên tiếp 2 vụ học sinh đi dã ngoại tử vong, làm sao để đừng lặp lại?
Dù có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia dã ngoại nhưng vẫn có học sinh bị tử nạn khi trường tổ chức các hoạt động này.
Liên tiếp học sinh bị tử nạn
Liên tiếp trong ngày 13 - 14/1 năm 2021, hai học sinh ở các địa phương khác nhau đã tử nạn khi tham gia các hoạt động dã ngoại do nhà trường tổ chức.
Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 13/1, Trường Âu Dương Lân, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh của trường đi ngoại khóa ở tại Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương).
Thời gian đi từ sáng tới chiều, với mức phí đóng hơn 200 nghìn đồng/em. Một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra khiến một em học sinh khối 4 của trường tử vong. (1)
Ngày 14/1, tại Phú Thọ, một tai nạn thương tâm đã xảy ra tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy).
Trong quá trình chạy, toa tàu lượn siêu tốc bị trượt khỏi đường ray khiến ít nhất 3 người ngồi trên toa rơi xuống đất. Hậu quả làm 1 người tử vong, 2 người nhập viện.
Xác minh ban đầu cho thấy, những người gặp nạn là học sinh của trường Trung học phổ thông Đông Anh.
Sự việc xảy ra khi 3 học sinh này đang tham gia hoạt động dã ngoại do nhà trường tổ chức. (2)
Tàu lượn siêu tốc tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, nơi xảy ra vụ việc. (Nguồn: Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh)
Trao đổi với Tạp chí Giáo dục Việt Nam, một vị lãnh đạo của trường Trung học phổ thông Đông Anh xác nhận học sinh tử vong là học sinh của trường. Hiện nhà trường đang cùng với gia đình, chính quyền địa phương lo hậu sự cho học sinh xấu số.
Cũng theo thông tin từ phía nhà trường, 2 em học sinh bị thương còn lại không nguy hiểm đến tính mạng. Chuyến đi này theo chương trình của nhà trường đã được Sở cấp phép.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên khu du lịch Đảo Ngọc Xanh xảy ra sự cố.
Trước đó, vào tháng 4/2014, trò chơi thảm bay của khu du lịch Đảo Ngọc Xanh cũng bất ngờ rơi xuống đất trong lúc 12 học sinh Trung học cơ sở đang chơi.
Khi đó đang có 12 học sinh ngồi trên chiếc đu quay. Chiếc đu quay từ trên cao hạ xuống sát mặt đất rồi tiếp tục định bay vút lên thì gặp sự cố vỡ tuyô thủy lực nên chỉ lên cao được khoảng 2m thì bị rơi tự do xuống mặt đất ở khu vực trò chơi này. Vụ việc khiến 6 học sinh bị thương.
Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh được xây dựng trên bãi nổi La Phù - nằm giữa sông Đà, phần lớn thuộc địa phận các xã của huyện Thanh Thủy và một phần thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội).
Khu du lịch này do Công ty cổ phần Ao Vua xây dựng và quản lý. Khu du lịch có nhiều trò chơi mạo hiểm như tháp xoay khí nén, tàu điện siêu tốc, thảm bay hai chiều, vũ trụ bay...
Theo một người dân sống gần khu vực Đảo Ngọc Xanh cho biết, đây là địa điểm học sinh ở Hà Nội thường xuyên đến để tổ chức dã ngoại.
Ngày 15/1, cơ sở vui chơi giải trí này đã bị ngừng hoạt động.
Phương án đảm bảo an toàn vẫn chỉ trên giấy?
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, hoạt động ngoại khóa mang lại nhiều lợi ích cho các em, một trong số đó là xả stress, mang lại sự thoải mái.
Hoạt động ngoại khóa rất đa dạng để các em học sinh, phụ huynh, nhà trường tham gia lựa chọn. Mỗi hoạt động mang lại những lợi ích khác nhau, song đều có điểm chung là rèn luyện một số kỹ năng như năng động, nhanh nhẹn, sáng tạo và nâng cao thể lực...
Tuy nhiên, việc lựa chọn các hoạt động ngoại khóa như thế nào để đảm bảo vừa an toàn, vừa bổ ích cần có sự chỉ đạo quan tâm sát sao hơn của các cấp các ngành trong giáo dục.
Những vụ việc học sinh tử vong khi đi ngoại khóa đều đã gây đau đớn tột cùng cho người ở lại.
Trường Tiểu học Âu Dương Lân. Ảnh: VD
Ngày 8/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành giáo dục, trong đó có nêu rõ cần: "...chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình đưa đón, tham quan, dã ngoại..."
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã có thông tư Số: 38/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 hướng dẫn hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Mỗi năm học, các Sở, ban ngành đều có công văn cho yêu cầu các trường các đối tác đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia các hoạt động dã ngoại đảm bảo an toàn.
Các thông tư, chỉ thị, văn bản đều yêu cầu đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia dã ngoại.
Các Sở đều có có một bộ phận rà soát lại đề án của trường, phê duyệt rồi cấp phép thì nhà trường mới được tổ chức hoạt động dã ngoại. Thế nhưng, cứ lơ là một chút là xảy ra những tai nạn thương tâm.
Rõ ràng, đã đến lúc cần tính toán cân nhắc các hoạt động ngoại khóa thiết thực, phù hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh tránh lặp lại những câu chuyện đau lòng như trên.
Tài liệu tham khảo:
(1) https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-lop-4-gap-nan-khi-di-ngoai-khoa-o-khu-du-lich-dai-nam-da-khong-qua-khoi-post214921.gd
(2) https://vovlive.vn/su-co-tau-luon-lam-3-hoc-sinh-thuong-vong-dinh-chi-hoat-dong-khu-dao-ngoc-xanh-54332.html
Ảnh: Nhiều điểm trường xuất hiện băng giá, thầy trò quây quần đốt lửa sưởi ấm Điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều điểm trường miền núi còn khó khăn, vì thế trong những ngày rét đậm thầy trò một số nơi phải đối lửa sưởi ấm để học bài. Băng giá xuất hiện tại nhiều điểm trường thuộc tỉnh Lai Châu khiến học sinh đi học và giáo viên đi dạy rất vất vả. (Ảnh: GVCC) Tại...