Từ vụ đại náo sân bay bàn về chuyện dạy con
Trên các kênh thông tin, khi bàn về clip nữ đại úy công an Lê Thị Hiền lăng mạ nhân viên hàng không, nhiều ý kiến lên tiếng về trường hợp đứa bé con của bà đại úy, cháu là nạn nhân của chính mẹ mình.
Những yêu ghét luận bàn rồi cũng qua đi, nhưng điều còn lại chính là tâm lý của đứa bé. Đây mới là điều đáng sợ nhất.
Đứa bé đã “ghi hình” toàn bộ lời nói, hành vi, tiếng chửi tục của mẹ mình. Những điều đó đi vào tâm trí của đứa bé, khó có thể phai mờ.
Và cũng đau đớn cho con người, có muốn phai mờ cũng không được, khi internet là người “thủ kho” trung thành nhất, những thông tin về người mẹ không hiền của cháu còn mãi đấy.
Người mẹ mình là hình ảnh của bạo lực, của tiếng chửi, thì tâm hồn bé sẽ bị tổn thương. Đứa bé cần những điều yêu thương, vị tha, cần những lời nói văn hóa, những ứng xử văn minh, nhưng mẹ cháu đã cung cấp cho cháu những thứ ngược lại với giá trị đó. Vậy thì cháu sẽ trưởng thành như thế nào nếu không là sự méo mó về nhân cách.
Tương tự, gần đây trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh người chồng đánh vợ như đánh kẻ thù khi vợ đang bế một đứa con nhỏ trên tay, ác độc và vô tâm hơn là trước sự chứng kiến của một đứa con trai lớn ngồi gần đấy.
Cả hai trường hợp nêu trên cần đặt ở góc nhìn giáo dục cho con cái chúng ta, các cháu sẽ học được gì từ cha mẹ.
Về vụ nữ đại úy công an có hành vi côn đồ, thạc sĩ Nguyễn Quốc Túy – cán bộ Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Lâm Đồng – nêu ý kiến: “Mình rất thích góc nhìn này của Báo Lao Động: Hậu quả giáo dục đứa bé từ hành vi người mẹ. Một đứa bé hư hỏng ở trường lập tức thầy cô bị xã hội kết tội, họ quên rằng hạnh kiểm đứa bé chịu ảnh hưởng rất lớn từ bố mẹ, gia đình. Đây là sự bất công đối với nhà trường”.
Đúng vậy, cha mẹ giao con cái cho nhà trường, cho thầy cô, cho đoàn thể, con cái hư thì đổ hết lỗi cho nhà trường và xã hội, cho giáo dục.
Nhưng không hoàn toàn như vậy, nền tảng của giáo dục một con người chính là gia đình, là cha mẹ. Cha mẹ là người thầy đầu tiên, là người thầy thường trực, là tất cả những gì hình thành nên nhân cách của một đứa trẻ.
Một ông bố đánh vợ trước mặt con, chở con đi học thì lạng lách, vi phạm luật giao thông. Va quệt thì chửi tục, thượng cẳng tay hạ cẳng chân, thì không thầy cô giáo nào cứu được đứa bé con của ông bố côn đồ đấy.
Hãy dưỡng nuôi con cái chúng ta bằng những bài học về tình yêu thương tha nhân.
Lê Thanh Phong
Theo Báo Lao động
3 KHÔNG khi khen ngợi trẻ và những cách khen con tốt hơn vạn lần câu kinh điển "Con giỏi quá"
Khen ngợi trẻ đúng lúc sẽ mang đến hiệu quả tốt, thế nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách khen và nên khen trong trường hợp nào.
Video đang HOT
Hiện nay, nhiều phụ huynh hiểu rằng khen ngợi đúng lúc sẽ mang đến hiệu quả tốt cho trẻ, thế nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách khen và khen trong trường hợp nào là hợp lý. Một số cha mẹ có lối khen rất cứng nhắc, chẳng hạn: "Con rất giỏi!". Điều này không mang đến ảnh hưởng tích cực nào đối với trẻ. Sau đây là một số nguyên tắc các bậc cha mẹ cần nhớ khi khen con.
1. KHÔNG khen phẩm chất của con, nên khen bản chất sự việc
"Con ngoan quá" là những lời khen ngợi kinh điển của bố mẹ dành cho trẻ. Đây là lời khen có phần sáo rỗng, bởi trẻ không biết phải tiến bộ theo hướng nào và nó tạo áp lực không cần thiết đối với trẻ.
Cha mẹ cần miêu tả hành vi vào trước lời khen sẽ mang đến hiệu quả tốt. Chẳng hạn: "Con tắm sạch sẽ rồi, bây giờ con có thể lên giường ngủ, đúng là con ngoan của mẹ". Phương pháp khen này giúp trẻ hiểu rõ bố mẹ đang tán dương trẻ ở phương diện nào.
2. KHÔNG khen khái quát, nên khen hành vi cụ thể
"Con thật giỏi" sẽ khiến trẻ cảm thấy lúng túng và không biết chính xác điều mà trẻ phải cố gắng. Khi trẻ cầm chổi quét nhà, thay vì khen "Con thật giỏi", cha mẹ có thể nói: "Cảm ơn con vì giúp mẹ quét nhà, mẹ cảm thấy rất vui". Một lời khen rõ ràng và cụ thể sẽ giúp trẻ hiểu điều mà trẻ cần làm trong tương lai.
3. KHÔNG khen thông minh, nên khen ngợi nỗ lực
" Con thật thông minh" là lời khen nhiều bậc cha mẹ dành cho con. Cứ mỗi khi trẻ có tiến bộ liền được bố mẹ định nghĩa là thông minh. Kểt quả sẽ khiến trẻ cảm thấy thông minh là điều quan trọng nhất. Trẻ sẽ trở nên tự phụ chứ không phải là tự tin, đồng thời trẻ ngại thử thách bản thân. Thực tế, những đứa trẻ được khen là thông minh rất sợ phạm sai lầm trước mặt cha mẹ, bởi trẻ sợ cha mẹ phán xét hành động không thông minh của trẻ.
Ngược lại, khi cha mẹ khen "Con rất nỗ lực" sẽ mang đến hiệu ứng tốt cho trẻ. Lời khen này giúp trẻ hướng sự tập trung và cố gắng vào một vấn đề nhất định. Trẻ sẽ tin tưởng chỉ cần nỗ lực sẽ gặt hái được trái ngọt, bởi thế trẻ sẽ chấp nhận thử thách.
Những cách khen ngợi cụ thể tùy theo hoàn cảnh mà cha mẹ cần nhớ:
1. Khen ngợi ý chí
Chẳng hạn: "Việc này rất khó nhưng con đã không bỏ cuộc".
Thời điểm trẻ gặp khó khăn, cha mẹ đừng nên nghĩ cách giải quyết vấn đề giúp trẻ, mà cần nghĩ làm thế nào để trẻ tiếp tục nỗ lực nghĩ cách giải quyết vấn đề.
2. Khen ngợi nỗ lực
Chẳng hạn: "Con đã rất nỗ lực".
Lời khen này là sự khẳng định cho nỗ lực của trẻ. Sau này khi trẻ trưởng thành, cho dù trẻ gặt hái nhiều thành công hay gặp vô số thất bại, cha mẹ đừng quên hãy khẳng định nỗ lực của trẻ. Bởi điều này sẽ giúp trẻ hiểu sự nỗ lực của mình là xứng đáng.
3. Khen ngợi thái độ
Chẳng hạn: "Thái độ làm việc của con rất tốt".
Một số trẻ rất nóng vội và thiếu kiên nhẫn khi thực hiện một số việc cha mẹ giao. Đây là lúc cha mẹ cần nhắc nhở và khen ngợi thái độ của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ nhận thức và làm việc nghiêm túc hơn.
4. Khen ngợi chi tiết nhỏ
Chẳng hạn: "Con có tiến bộ đấy".
Cha mẹ cần chú ý một số chi tiết nhỏ trong hành trình phát triển của trẻ. Khi cha mẹ dùng những việc nhỏ để khen con, trẻ sẽ cảm nhận sự quan tâm của cha mẹ.
5. Khen ngợi sự sáng tạo
Chẳng hạn: "Cách làm của con rất thú vị".
Nhận thức được khả năng sáng tạo của bản thân có tác động rất lớn đối với trẻ. Lời khen của cha mẹ sẽ là động lực giúp trẻ duy trì sự sáng tạo, từ đó bộc lộ thêm những năng lực tiềm ẩn.
6. Khen ngợi tinh thần hợp tác
Chẳng hạn: "Con và những người bạn hợp tác rất tốt".
Cha mẹ không chỉ giúp trẻ học cách tự lập, mà cần phải giúp trẻ nhận ra hợp tác với người khác cũng là điều rất quan trọng. Bởi sau này khi trẻ trưởng thành, hợp tác với người khác sẽ giúp tương lai của trẻ phát triển suôn sẻ hơn.
7. Khen ngợi khả năng lãnh đạo
Chẳng hạn: "Con phụ trách việc này rất tốt".
Muốn trẻ có tương lai xán lạn, cha mẹ cần bồi dưỡng khả năng lãnh đạo. Đồng thời hướng trẻ học hỏi thêm kiến thức, dám chịu trách nhiệm thông qua việc khen ngợi trẻ.
8. Khen ngợi dũng cảm
Chẳng hạn: "Con rất dũng cảm".
Một số trẻ có bản tính nhút nhát nên cần cha mẹ khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự dũng cảm. Cha mẹ có thể khen trẻ ở một số phương diện, từ đó trẻ sẽ trở nên mạnh dạn hơn.
9. Khen ngợi lòng tin
Chẳng hạn: "Con là một đứa trẻ đáng tin cậy".
Thành thật và đáng tin là phẩm chất đáng quý của con người. Khen ngợi trẻ đáng tin cậy sẽ giúp trẻ phát huy đức tính cao đẹp, đến đâu cũng được mọi người yêu quý.
10. Khen ngợi sự khiêm tốn
Chẳng hạn: "Con thật đáng khen khi tôn trọng ý kiến của mọi người".
Lời khen đúng lúc của cha mẹ sẽ giúp trẻ tránh trở nên kiêu căng, ngạo mạn. Cha mẹ cần sử dụng lời khen thật khéo để hướng trẻ phát huy đức tính khiêm tốn, nhã nhặn trước mọi người.
11. Khen ngợi sự lựa chọn
Chẳng hạn: "Con có lựa chọn đúng đắn khiến bố mẹ cảm thấy rất vui".
Khen ngợi con biết lựa chọn là cách hướng trẻ phát triển trong tương lai. Bởi sau này khi trẻ khôn lớn, trẻ sẽ đối mặt nhiều vấn đề và cần đưa ra lựa chọn đúng đắn, phù hợp.
12. Khen ngợi tính cẩn thận
Chẳng hạn: "Con có thể nhớ điều này, chứng tỏ con rất cẩn thận và tỉ mỉ".
Nhiều trẻ thực hiện công việc cha mẹ giao theo cách qua loa và sơ sài. Cha mẹ có thể dùng lời khen để hướng trẻ chú ý và cẩn thận đối với một số việc quan trọng.
Nguồn: Enjoy
Theo afamily
Những câu nói cấm kỵ khi con bị bắt nạt Cha mẹ không bao giờ nói "Lờ đi", "cứng rắn lên", hay "con nên tự giải quyết" khi trẻ bị bắt nạt, theo Huffpost. 1. "Lờ nó đi là được" Câu nói này khiến con cảm thấy bị bỏ rơi và cô lập, không có ai để nương tựa. Nếu chỉ cần quay mặt đi là có thể ngăn chặn được kẻ bắt...