Tư vấn tuyển sinh 2019: Ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính khác nhau như thế nào?
Em năm nay học lớp 12, em dự định thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cho em hỏi, ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính khác nhau như thế nào? Ra trường làm việc ở đâu? Cơ hội việc làm ra sao? (vuminhtam@gmail.com)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Ngành Khoa học máy tính:
Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Khoa học máy tính, có kiến thức cốt lõi ngành; có khả năng vận dụng kiến thức chuyên sâu của một trong các định hướng của ngành: Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo để phân tích thiết kế, giải quyết vấn đề và đánh giá các giải pháp tiềm năng, có năng lực xây dựng và quản trị các hệ thống thông minh.
Sinh viên được trang bị các kiến thức khoa học cơ bản và các kiến thức cốt lõi về ngành Khoa học máy tính bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu, quản lý dự án…
Bên cạnh đó, người học được trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu như:
Định hướng kỹ nghệ phần mềm: các phương pháp, quy trình, kỹ thuật và công cụ trong việc phát triển phần mềm, quản lý các dự án phần mềm.
Định hướng hệ thống thông tin: các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin và phát hiện tri thức nhằm thiết kế, phát triển, vận hành, bảo trì và đánh giá các hệ thống thông tin.
Định hướng Khoa học dữ liệu: các kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn nhằm cung cấp giải pháp tiềm năng dựa trên dữ liệu đối với các ứng dụng phức tạp trong thực tế.
Định hướng trí tuệ nhân tạo (TTNT): các phương pháp mô hình toán học cho các lớp bài toán trong TTNT. Hiểu biết về công nghệ tri thức, về trí tuệ tính toán; sử dụng thành thạo các công cụ, nền tảng trong phát triển các ứng dụng TTNT
Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp:
Lập trình viên/kiểm thử viên, tư vấn, giám sát chất lượng, quản trị dự án, trưởng nhóm phát triển
Video đang HOT
Nhân viên kỹ thuật phòng Công nghệ thông tin của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước.
Kỹ sư phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ CNTT-TT; Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kỹ thuật…Kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị CSDL, các HTTT cho các doanh nghiệp, tổ chức
Kỹ sư hệ thống thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) các doanh nghiệp, tổ chức; Kỹ sư dữ liệu tại các công ty phân tích, xử lý, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu; phân tích dữ liệu cung cấp giải pháp cho các bài toán phức tạp dựa trên dữ liệu lớn.
Kỹ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển các phần mềm điểu khiển robot, xe tự lái, giám sát giao thông…; phụ trách nghiên cứu, phát triển và vận hành các phần mềm tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá…
Ngành Kỹ thuật máy tính
Ngành Kỹ thuật máy tính được xây dựng với mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kỹ thuật máy tính. Người học được đào tạo kiến thức cơ bản về toán, lý, điện tử số, thuật toán, cơ sở dữ liệu, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, kết hợp với kiến thức chuyên ngành về hạ tầng, các cơ chế kết nối, điều khiển, vận hành, an toàn thông tin của hệ thống máy tính và mạng truyền thông dữ liệu.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật máy tính có đủ năng lực phát hiện và giải quyết bài toán xây dựng, triển khai phần cứng và phần mềm của các hệ thống tính toán ở các quy mô khác nhau.
Sinh viên được trang bị các kiến thức: Nắm vững các kiến thức Toán và khoa học cơ bản, toán cho công nghệ thông tin để áp dụng vào giải quyết các bài toán kỹ thuật.
Khả năng áp dụng các kiến thức cơ sở cốt lõi ngành bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phát triển phần mềm, an toàn an ninh thông tin, xử lý mã hoá thông tin và tín hiệu, dịch vụ mạng.
Nắm vững và có khả năng áp dụng các kiến thức chuyên ngành, tiếp cận các định hướng ứng dụng về Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu, An toàn thông tin, Máy tính và hệ thống nhúng trong xây dựng và phát triển các hệ thống, dịch vụ, giải pháp kỹ thuật Kỹ thuật máy tính.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên làm việc: Lập trình viên phát triển phần mềm cho các hệ thống tính toán, đặc biệt là hệ thống có kết nối mạng.
Kỹ sư hệ thống mạng máy tính, mạng Internet vạn vật, kỹ sư an toàn an ninh cho mạng truyền thông số liệu.
Kỹ sư thiết kế và xây dựng phần mềm cho hệ thống nhúng, đặc biệt là các hệ thống tiên tiến như ô tô tự lái, robot thông minh, hệ phân tán thời gian thực.
Nhật Hồng
Theo Dân trí
Tư vấn tuyển sinh: Giải đáp "nóng" vào ngành Kỹ thuật Công nghệ
Chưa biết lập trình có học được ngành Khoa học máy tính? Ngành Hàng không vũ trụ là gì? ngành Cơ học và Cơ học kỹ thuật, Cơ học điện tử thì con gái theo học sợ có nặng quá không và có phù hợp không? ngành Công nghệ Cơ điện tử học như thế nào?...
Đó là hàng loạt các câu hỏi mà thí sinh đặt ra với khối ngành Kỹ thuật công nghệ. Dưới đây là trả lời của Ban Tuyển sinh trường ĐH Công nghệ - ĐH QGHN.
Em rất thích ngành Khoa học Máy tính CLC của Trường Đ H Công nghệ nhưng cấp 3 của em chưa biết lập trình thì em có thể theo học ngành này tại trường hay không?
Trả lời : Cảm ơn em quan tâm đến ngành Khoa học Máy tính chất lượng cao theo thông tư 23 của Nhà trường. Ngành Khoa học Máy tính sẽ đào tạo những kiến thức cơ bản, hiện đại trong các lĩnh vực truyền thống cũng như các lĩnh vực mới, lý thú liên quan đến máy tính và lập trình.
Nếu em say mê, có năng lực học tập về môn Toán và môn Ngoại ngữ tốt thì hoàn toàn có đủ khả năng vào học chương trình này. Khi vào chương trình Khoa học máy tính CLC của Trường ĐH Công nghệ, em sẽ có nhiều cơ hội học bổ sung những mảng kiến thức để hỗ trợ cho định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Với sự đam mê và quyết tâm thì em hoàn toàn có thể theo học và đạt được kết quả tốt.
Cho em hỏi ngành Cơ kỹ thuật và Cơ điện tử có gì khác nhau và khác nhau như thế nào? Em thấy một cái là Kĩ sư còn một cái là Cử nhân. Có thể học từ Cử nhân lên Kĩ sư được không ạ? Cơ hội việc làm của những ngành này là như thế nào?
Trả lời: Đây là hai ngành trong cùng khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, tôi cũng muốn chia sẻ về kiến thức nền tảng chung cho hai ngành. Ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử đào tạo các kiến thức với mục tiêu sinh viên có thể chế tạo ra các thiết bị ứng dụng trong tự động hóa sử dụng các kiến thức nền tảng về cơ khí, điện tử, tin học công nghiệp.
Ngành Cơ kỹ thuật dùng các kiến thức về cơ học, toán học để ứng dụng trong thiết kế, tính toán kết cấu của các công trình; nghiên cứu, phát triển, vận hành thiết bị, hệ thống trong công nghiệp và môi trường. Đó những điểm khác biệt về vị trí việc làm và đầu ra của chương trình đào tạo.
Cùng với xu hướng phát triển của các nền công nghiệp và xây dựng thì nhu cầu việc làm của hai ngành này rất cao, không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Những kiến thức nền tảng của hai ngành đều liên quan đến cơ và cơ khí, có nhiều điểm tương đồng, liên thông nên các em học ngành này có thể học thêm các kiến thức của ngành kia. Khi vào trường, các em sẽ được tư vấn, hỗ trợ có được kết quả học tập tốt nhất.
Cho em hỏi Trường Đ H Công nghệ có cho phép sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo sớm không ạ? Ví dụ em học ngành CNTT sau 3 năm em có khả năng tốt nghiệp hay không?
Trả lời : Trường ĐH Công nghệ cũng như ĐHQGHN tổ chức đào tạo theo phương thức đào tạo tín chỉ. Em sẽ chủ động lựa chọn môn học trong chương trình đào tạo để hoàn thành sớm.
Như vậy, nếu có năng lực học tập tốt thì em hoàn toàn có thể hoàn thành chương trình đào tạo 4 năm trong vòng 3 năm và tốt nghiệp sớm trước thời hạn. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, cố gắng của em để có thể
Cho em hỏi Trường Đ H Công nghệ có giới hạn chỉ tiêu tuyển thẳng không, vì em thấy một vài trường chuyên đều tuyển thẳng vào Trường Đ H Công nghệ?
Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của em, trong chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ có phân bổ chỉ tiêu về xét tuyển thẳng. Tuy nhiên, với các em có năng lực, kết quả học tập tốt, có đầy đủ các điều kiện xét tuyển thẳng và có sự đam mê vào các ngành học của Trường ĐH Công nghệ thì Nhà trường luôn luôn tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho các em nộp hồ sơ dự tuyển.
Ngành Hàng không Vũ trụ là gì ? và thầy cô cho em hỏi thông tin kĩ hơn về ngành này được ko ạ ?
Trả lời : Ngành Hàng không Vũ trụ đào tạo ra các kỹ sư đam mê chinh phục không gian. Chương trình đào tạo của ngành sẽ trang bị những kiến thức nền tảng để khi ra trường các em có thể tham gia vào chế tạo, thiết kế các thiết bị bay như máy bay không người lái hay các thiết bị liên quan đến tên lửa, vệ tinh cũng như tham gia vào việc quản lý, vận hành các thiết bị đó.
Ngành Hàng không Vũ trụ có hai định hướng chuyên sâu là định hướng Công nghệ thông tin và Điện tử Hàng không và định hướng Động lực học, Điều khiển và Cơ khí Hàng không. Các em sẽ nghiên cứu thiết kế các thiết bị về điện tử để điều khiển các thiết bị bay hoặc chuyên sâu về động lực học cơ khí hàng không liên quan đến chế tạo thiết kế động cơ của các thiết bị bay.
Đây là ngành công nghệ cao nên cơ hội việc làm của các bạn sinh viên ra trường rất lớn trong các tập đoàn về hàng không, thiết kế chế tạo, bảo trì bảo dưỡng thiết bị bay cũng như các tập đoàn, công nghiệp liên quan. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ của Trường ĐH Công nghệ được đặt hàng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel nên các em sẽ có được cơ hội nghiên cứu và thực tập tại các Viện nghiên cứu hàng đầu của Tập đoàn Viettel, có được cơ hội nhận học bổng cũng như làm việc tại các đơn vị của Tập đoàn nếu có kết quả học tập tốt.
Anh/chị cho em hỏi ngành Cơ học và Cơ học kỹ thuật, Cơ học điện tử thì con gái theo học sợ có nặng quá không và có phù hợp không? Em là con gái nhưng rất thích ngành kỹ thuật.
Trả lời : Cảm ơn em đã quan tâm đến ngành Cơ kỹ thuật và Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của trường. Hiện nay, Trường ĐH Công nghệ đào tạo các ngành trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ nhưng cũng có rất nhiều các bạn nữ đang theo học.
Với xu hướng ứng dụng công nghệ cao hiện nay thì rất cần các bạn có đam mê, có tư duy sáng tạo không phân biệt là nam hay nữ, chỉ cần yêu thích thì Trường ĐH Công nghệ luôn rộng mở đón chào các bạn. Nếu có đam mê thì em hoàn toàn có thể học được tốt các ngành kỹ thuật của Nhà trường. Cảm ơn em!
Em muốn thi vào Trường Đ H Công nghệ ngành Công nghệ Cơ điện tử mà không biết nhiều thông tin về ngành này. Em muốn nhờ thầy cô tư vấn cho em.
Trả lời : Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử của Nhà trường đào tạo các kiến thức chuyên sâu mang tính chuyên ngành về cơ khí, điện tử, tin học công nghiệp để có thể khai thác, vận hành các hệ thống điều khiển trong công nghiệp cũng như dân dụng.
Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể làm việc trong các tập đoàn công nghiệp, đơn vị chế tạo máy móc tự động. Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Trường ĐH Công nghệ có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam hiện nay là Tập đoàn máy và dụng cụ công nghiệp (IMI) nên bên cạnh việc được thực hành tại các phòng thí nghiệm hiện đại của Nhà trường, các em còn có cơ hội được thực tập tại Tập đoàn IMI và khi ra trường, các em sẽ có cơ hội việc làm cao về vận hành các dây chuyền sản xuất, tham gia quá trình chế tạo các thiết bị công nghiệp.
Đây là các thông tin khái quát về ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Nhà trường. Thực tế, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Nhà trường sau khi tốt nghiệp đã được tuyển dụng tại các tập đoàn lớn như: Samsung, Viettel, ... và các tập đoàn ở nước ngoài.
Hồng Hạnh (ghi)
Theo Dân trí
Tư vấn mùa thi 2019: Ngành sư phạm, kinh tế vẫn 'nóng' Phần lớn những băn khoăn của học sinh huyện Cần Giờ, TP.HCM về tuyển sinh và lựa chọn ngành học liên quan đến các ngành sư phạm, kinh tế. Học sinh H.Cần Giờ đặt câu hỏi trong buổi khởi động chương trình Tư vấn mùa thi 2019 - KHẢ HÒA Những băn khoăn này được nêu ra trong chương trình Tư vấn mùa...