Tư vấn hướng nghiệp: Không chỉ chờ đến sát mùa thi
Kết quả của đợt 1 tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2020 theo phương thức dựa trên kết quả thi trung học phổ thông đã cho thấy có những ngành học thu hút nhiều thí sinh với mức điểm chuẩn rất cao và cũng có những ngành quá ít người đăng ký dù thị trường lao động có nhu cầu.
Thực trạng này đòi hỏi bên cạnh việc tính toán về chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu tuyển dụng, có thêm chính sách thu hút người học ở một số ngành đặc thù, một yếu tố rất quan trọng là cần chú ý nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh hiểu đúng và có lựa chọn vừa phù hợp với khả năng của bản thân vừa đáp ứng được sự đa dạng ngành nghề của thị trường lao động.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại gian hàng của các trường trong Ngày hội Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Thu Hoài/TTXVN
Tâm lý chuộng ngành “thời thượng”
Một số chuyên gia nhận định một bộ phận học sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng có tâm lý “chuộng” các ngành thường được cho là hấp dẫn, dễ tìm việc, thu nhập cao… và “né” những ngành bị mặc định là vất vả, khó tìm việc làm trong khi bản thân chưa thực sự tìm hiểu đầy đủ thông tin cũng như những yêu cầu hoặc lợi thế liên quan.
Theo thông tin từ Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trong vài năm trở lại đây, ngành Khoa học thủy sản của trường rất khó tuyển sinh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thí sinh “e ngại” ngành học mang tính đặc thù sẽ vất vả, môi trường làm việc thường ở vùng nông thôn.
Trong khi đó, thực tế là thị trường lao động trong nước, đặc biệt là tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long – nơi có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản luôn cần nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực này.
Video đang HOT
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Như Trí, Trưởng Khoa Thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Ngành Nông nghiệp Việt Nam coi thủy sản là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn và sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu về thủy sản cho Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu nhân lực đối với ngành này rất cao, nhà trường thường xuyên nhận được thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Trước thực trạng một số ngành “hút” lượng lớn thí sinh trong khi một số ngành lại rất khó tuyển sinh, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, mùa tuyển sinh năm 2020 và những năm gần đây rất nhiều thí sinh chọn đăng ký xét tuyển vào các nhóm ngành liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, thương mại…
Không thể phủ nhận, hệ thống đào tạo ở nước ta đang phát triển theo hướng thích nghi với thị trường lao động, do đó có những ngành sẽ cần nhiều lao động, có những ngành cần số lượng lao động ít hơn. Tuy nhiên, ngay cả với những ngành được coi là hấp dẫn” hút” lượng lớn lao động thì cùng với đó cũng đòi hỏi sự cọ xát, cạnh tranh rất lớn và có sự tương tác, kết hợp với những ngành như logistics, công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Nếu người học không thật sự say mê, không có ý thức học nghiêm túc, trang bị thêm cho mình kiến thức kỹ năng bổ trợ cần thiết vẫn rất dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Cần tăng cường hướng nghiệp
Để từng bước khắc phục tình trạng có những ngành đổ dồn lượng thí sinh lựa chọn trong khi có những ngành dù thị trường lao động vẫn có nhu cầu nhưng lại khó tuyển sinh, một số chuyên gia và giáo viên cho rằng, cần có giải pháp lâu dài từ cả cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục và bản thân người học.
Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo cần có nhiều hơn các chính sách khuyến khích người học như miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cam kết hỗ trợ việc làm… Nhưng, một trong những giải pháp mang tính quyết định vẫn là tăng cường tuyên truyền, tư vấn định hướng nghề cho cả học sinh và phụ huynh học sinh.
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục là rất cần thiết. Điều này thể hiện tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp cùng với những yêu cầu cụ thể đối với việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề hay tư vấn định hướng nghề cho học sinh ngay từ cấp tiểu học chứ không phải chỉ tập trung vào cuối bậc học trung học cơ sở, trung học học phổ thông hoặc thời điểm cận kề mỗi mùa tuyển sinh.
Cô Nguyễn Thụy Ái Nhân, giáo viên Trường Trung học phổ thông Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Nhiều năm trực tiếp làm công tác giáo viên chủ nhiệm, cô nhận thấy công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh là rất quan trọng, đòi hỏi cả quá trình chứ không chỉ dồn vào một thời điểm nhất định và cần sự phối hợp của phụ huynh, nhà trường cùng các cơ sở giáo dục bậc trung cấp, cao đẳng và đại học.
Ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, các em đã có những hiểu biết nhất định về một số ngành nghề. Nhưng những hình thức hướng nghiệp sinh động, dễ tiếp thu như những chuyến tham quan, trải nghiệm đến các nhà máy, trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… là rất cần thiết, giúp học sinh làm quen, tìm hiểu rõ hơn, từ đó có định hướng theo học về một số ngành, nghề mà có thể trong môi trường sống quen thuộc hàng ngày, các em chưa có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đến thời điểm này ở hệ thống giáo dục đại học ở nước ta đang đào tạo khoảng trên 370 nghề, bậc cao đẳng đào tạo 580 nghề và bậc trung cấp đào tạo khoảng 850 nghề thể hiện sự đa dạng, phong phú ngành nghề để học sinh lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp cho tương lai.
Ngoài ra thực tế cũng cho thấy, thị trường lao động có những ngành thu hút lượng lớn lao động, có ngành nghề thu hút ít nhưng không có nghĩa nếu chọn học những ngành này sẽ thất nghiệp. Nếu mỗi học sinh có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, tích cực tích lũy kiến thức và trang bị thêm các kiến thức liên quan, sẽ đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.
Học nghề 9+: Lối mở vào đời - Bài 3: Hướng nghiệp sát với nhu cầu xã hội
Làm sao để hút HS đến với các trường nghề, để mô hình 9 cộng hấp dẫn các em? Câu hỏi này đòi hỏi nỗ lực của không chỉ các tổ chức đoàn hội, nhà trường làm công tác tư vấn hướng nghiệp mà còn phụ thuộc vào sự chủ động của chính nhà trường và cơ chế hành lang pháp lý tạo điều kiện cho người học dễ dàng học liên thông lên khi có nhu cầu.
Để phân luồng sau THCS đạt hiệu quả cao hơn, cần tăng cường thông tin định hướng. Ảnh: Mạnh Dũng.
Xóa bỏ rào cản nhận thức về GDNN
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, phải đào tạo lại, hoặc đi làm những ngành nghề khác kiếm sống đang ở mức đáng báo động. Thậm chí, có một số trường hợp sinh viên ra trường cả hai, ba năm vẫn không tìm được việc làm...
GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định nguyên nhân của tình trạng này là do không có định hướng nghề nghiệp trước khi học. HS không biết mình thích gì và có thể làm gì sau này, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của bản thân? Không biết định hướng và lựa chọn cho mình ngành học phù hợp, sinh viên sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, kết quả học tập sút kèm, không có sự yêu thích và tâm huyết... Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho tương lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng một sự nghiệp thành công.
Ghi nhận thực tế những năm gần đây ngành giáo dục nói riêng và cả xã hội đã tích cực quan tâm đến công tác hướng nghiệp cho HS từ rất sớm. Không phải chờ đến những năm cuối cấp như lớp 9 hay lớp 12 mà trong nhiều bài học ở các cấp đã lồng ghép nội dung tư vấn, hướng nghiệp cho HS với những ví dụ thực tế, sinh động.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định song song với việc tư vấn cho HS, chúng ta cần phải đẩy mạnh hoạt động tư vấn cho phụ huynh, bởi phần lớn các em lựa chọn nghề nghiệp là do cha mẹ định hướng. Không có sự thấu hiểu và chia sẻ với từng hoàn cảnh và suy nghĩ của từng HS thì sẽ khó đưa ra được những định hướng phù hợp và thiết thực, sát với năng lực người học. Nhất là với chương trình 9 cộng, tư vấn làm sao để những cô bé, cậu bé 15 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp lớp 9 sẵn sàng cho việc rẽ sang con đường học nghề song song với học THPT sẽ là việc không hề dễ dàng. Làm sao đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức của không chỉ HS mà còn cả phụ huynh và xã hội về việc chọn nghề là thách thức đặt ra với công tác tư vấn hướng nghiệp hiện nay. Chỉ khi xóa bỏ được rào cản nhận thức này thì hoạt động tư vấn hướng nghiệp mới đạt được hiệu quả thiết thực và bền vững.
GS Phạm Tất Dong cũng lưu ý, việc tư vấn hướng nghiệp phải linh hoạt và thực chất, tránh áp đặt từ trên xuống. Đơn cử như đã có những trường hợp phụ huynh phản đối vì bị nhà trường áp tiêu chí phân luồng HS lớp 9 sau tốt nghiệp THCS với bao nhiêu % học lên THPT, bao nhiêu % tham gia đào tạo nghề ở bậc trung học nghề...
Hướng nghiệp gắn với nhu cầu thị trường
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) trong hơn 15 năm qua, tính trung bình mỗi năm có trên 480.000 HS tốt nghiệp THCS mà không vào học các trường THPT. Khoảng trên dưới 100.000 em trong số đó vào học ở các trung tâm GDTX và dưới 90.000 em vào học ở các cơ sở GDNN. Số còn lại, hoặc tham gia lao động phổ thông hoặc không làm gì. Đây là một sự lãng phí về nguồn lực do không đuợc đào tạo kỹ năng lao động và có thể đem lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Ông Vinh cũng cho rằng thời gian qua, dù đã được chú trọng nhưng kết quả phân luồng HS sau THCS vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân về nhận thức xã hội, chất lượng GDNN chưa cao, cách làm trên bình diện vĩ mô cả nước cũng như địa phương còn nhiều lúng túng. Chúng ta có cơ chế cho HS tốt nghiệp THCS vào học nghề miễn phí, nhưng chưa đủ để tạo ra động lực thu hút người vào học nghề. Đặc biệt, DN lẽ ra có vai trò rất lớn trong công tác phân luồng HS thì dường như đứng ngoài cuộc để mặc cho ngành giáo dục và lao động xoay xở.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, về phía các trường Trung cấp, CĐ nghề, khi đã xác định được đối tượng mình cần tư vấn, hướng nghiệp là lứa tuổi THCS thì cần có những tư vấn phù hợp với lứa tuổi này. Đơn cử như nhấn mạnh việc tham gia chương trình 9 cộng, các em vừa có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Lựa chọn khác là HS tham gia chương trình đào tạo 9 cộng 2, 9 cộng 3, 9 cộng 4, 9 cộng 5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp và có thể học liên thông lên CĐ, ĐH...Việc rộng mở các cơ hội phía trước mà vẫn rút ngắn thời gian đào tạo cho phép các em chủ động với tương lai của mình sau này là hướng đi có sức thuyết phục với bất kỳ HS nào còn đang băn khoăn việc học tiếp lên bậc THPT hay đi làm luôn. Muốn vậy, cần có cơ chế liên thông học văn hóa với hành lang pháp lý hướng đến mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho người học khi đảm bảo tiêu chuẩn trình độ, năng lực và có mong muốn học lên cao hơn.
Đồng thời, để khơi thông mô hình 9 cộng đòi hỏi không chỉ ở việc thay đổi hình thức tư vấn hướng nghiệp, cơ chế chính sách mà điều cốt lõi quan trọng không kém là vấn đề chất lượng đào tạo nghề của chính các trường nghề, các trung tâm GDNN hiện nay...
Bão lũ tiếp diễn, học ngành gì có ích? Chi trong nhưng ngay đâu thang Mười, các tỉnh miền Trung đã hứng chịu liên tiếp các đơt bão lu. Vây nhưng nganh hoc nao se giup con ngươi hiêu va giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu? Ngôi trường 4.0 trên đảo xaTỉnh Hà Nam phát động chương trình Sữa học đường năm học 2020-2021TP.HCM: Nhiêu trương giam hoc phi,...