Từ sáng chế của Hai học trò nghèo: Ước mong giúp nông dân thoát khổ
GiadinhNet – Nhìn cảnh bố mẹ và những người hàng xóm vất vả vận chuyển chiếc máy nổ cồng kềnh ra đồng để lấy nước tưới, hai cậu học trò nghèo Đậu Văn Thuận và Nguyễn Ngọc Chính ở tỉnh Nghệ An đã sáng tạo ra một thiết bị có khả năng thay thế hoàn toàn điều này. Và đây cũng là công trình khoa học giành được giải Ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2014 – 2015.
Hai em đang thuyết minh công trình tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2014 – 2015. Ảnh: P. Bình
Ý tưởng từ sự vất vả của những người làm nông
Đã học lớp 10, nhưng Đậu Văn Thuận và Nguyễn Ngọc Chính (đều SN 2000) đều nhỏ thó không khác những cậu bé mới học lớp 6, lớp 7 là mấy. Nhưng đằng sau thân hình nhỏ nhắn của hai cậu bé là sự nhanh nhẹn, nói chuyện thông minh và rất đam mê nghiên cứu khoa học.
Tìm đến nhà em Thuận không khó, bởi đến xã Diễn Hải này, hỏi về cậu bé có sáng kiến khoa học và “cái máy phát điện bằng năng lượng mặt trời” là người dân ân cần dẫn đến tận nhà. Nhà em Thuận ở xóm 1, còn nhà Chính ở xóm 3 của xã Diễn Hải, người dân nơi đây ấn tượng về hai cậu bé thông minh, học giỏi và rất ngoan ngoãn này. Hơn nữa, khi hai em giành được giải Ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2014 – 2015 toàn quốc thì lại càng… nổi tiếng hơn.
Video đang HOT
Trong căn nhà bề bộn gỗ, bố em Thuận, anh Đậu Bá tiếp chúng tôi trong sự niềm nở, đầy tự hào về cậu con trai: “Từ nhỏ cháu rất tự giác trong việc học tập. Cháu học nhiều quá có những lúc sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên phải nhắc cháu nghỉ ngơi. Ngoài những lúc học văn hóa, cháu còn ngồi mày mò làm đủ thứ, từ máy bay đến tàu thuyền mô hình. Cái gì không có ở nhà thì cháu xin tiền bố mẹ đến các cửa hàng đồng nát để mua vật liệu, rồi về tự làm theo sở thích”.
Chỉ lên bảng thành tích học tập của con dán kín trên tường nhà, anh Bá tiếp chuyện: “Cả 9 năm học cháu Thuận đều được học sinh giỏi. Nhiều năm cháu đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh lĩnh và cũng giành được giải. Mặc dù cháu đã lên lớp 10, nhưng việc học gần như bố mẹ không phải nhắc nhở, chỉ mong con có sức khỏe là được. Tôi thì làm nghề mộc, thu nhập cũng không được nhiều, còn vợ tôi thì vẫn trung thành với mấy sào ruộng thuê và mượn lại của người khác”.
Nói về mô hình động cơ đốt ngoài chạy bằng năng lượng mặt trời, Đậu Văn Thuận cho biết: “Ở quê em, đa số người dân vẫn trông chờ vào nông nghiệp. Năm đang học lớp 9 Trường THCS Diễn Hải (nay Thuận học lớp 10, THPT Diễn Châu 4), những ngày đi học về giữa trưa nắng, hoặc theo mẹ ra đồng, em thấy mọi người phải kéo dây điện, khiêng vác máy nổ phát điện để đưa nước vào đồng quá vất vả. Không những vậy, việc chạy máy nổ phát điện hoặc bơm nước bằng xăng dầu rất ồn ào và ô nhiễm môi trường. Từ những kiến thức đã học trên lớp, em mới nghĩ ra ý tưởng biến năng lượng mặt trời thành điện năng để phục vụ tưới tiêu, giúp người dân đỡ vất vả, tốn kém và không ô nhiễm môi trường”.
Nghĩ là làm, từ ý tưởng đến hiện thực là một câu chuyện dài mà đến Thuận cũng không thể kể lại một cách chi tiết được. Chỉ biết rằng, để làm được cái mô hình đầu tiên, Thuận phải lên mạng Internet tìm đủ các thông tin và đọc lại những kiến thức đã học để vẽ sơ đồ hoạt động của chiếc máy.
Vừa nói, Thuận vừa vào nhà lấy lại cái mô hình đầu tiên đã cũ ra trình bày về ý tưởng của mình: Về cách thức hoạt động của chiếc máy, đầu tiên em dùng hệ thống gương cầu lõm hứng ánh sáng mặt trời chiếu đến gương. Gương cầu lõm có tác dụng biến đổi chùm sáng song song thành chùm sáng hội tụ và cung cấp nhiệt cho động cơ đốt ngoài hoạt động, sau đó có thể sử dụng động cơ đốt ngoài này tác động đến và làm cho máy phát điện hoạt động hoặc có thể tác động đến các động cơ khác.
Mong ứng dụng được áp dụng trong thực tiễn
Bằng khen của Bộ trưởng GĐ&ĐT tặng hai em.
Em Đậu Văn Thuận cho biết, do một mình thực hiện không xuể khối công việc rất lớn, nên đã chia sẻ ý tưởng của mình và rủ thêm bạn học cùng lớp là Nguyễn Ngọc Chính tham gia. Nghe đến ý tưởng rất thú vị này, người bạn rất giỏi Vật lý của Thuận đã đồng ý.
“Chúng em ở gần nhà nhau, học cùng lớp, cùng đam mê sáng tạo nên rất hợp ý nhau. Việc của Thuận là thiết kế sơ đồ, cấu tạo của chiếc máy, còn em là ngồi nghĩ ra các vật liệu, dụng cụ để chế tạo. Để làm được mô hình, chúng em phải đi khắp các cửa hàng mua bán vật liệu đồng nát để tìm các chi tiết phù hợp. Sau đó nhờ sự giúp sức của thầy Nguyễn Minh Đồng là giáo viên bộ môn Tin học chúng em mới đi đến hoàn thiện được”, em Chính nhớ lại.
Cũng như gia đình em Thuận, gia đình Chính cả bố mẹ đều làm nông nghiệp. Nhưng vượt lên sự khó khăn, Chính đã cố gắng học và năm nào cũng là học sinh giỏi của trường. “Khi nghe bạn Thuận trình bày ý tưởng, em thấy rất thú vị nên đã cùng tham gia. Mặc dù mới đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau một thời gian ngắn tìm hiểu, chúng em đã hoàn thiện và thiết bị đã hoạt động rất tốt ngoài sự mong đợi”, em Chính chia sẻ.
Thuận và Chính cho biết, trong thời gian này, nhà trường phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nên đã hào hứng đăng ký tham gia với đề tài “Khai thác năng lượng mặt trời bằng động cơ đốt ngoài” dựa trên nguyên lý hội tụ ánh sáng. Kể lại thời gian hoàn thiện “công trình khoa học”, cả Thuận và Chính cho biết, sau những giờ học hai em lại tranh thủ thời gian tìm kiếm các loại vật dụng tái chế như: Lon bia, hộp sữa, ni lông, thanh sắt… để cắt, gọt thành những bộ phận của động cơ như: Pít tông, xi lanh, bánh đà. Với những bộ phận yêu cầu sự chính xác với thông số kỹ thuật cao như bánh đà, các bộ phận chuyển động, truyền động… hai em mất rất nhiều thời gian. Các em phải đi hỏi nhiều người cách hàn thiếc, hàn nhựa, khoan sắt… để tự làm theo ý tưởng của mình. Khi công trình sáng tạo khoa học của các em giành giải nhất của trường, được sự giúp sức của thầy Nguyễn Minh Đồng, thì cả thầy và trò lại tiếp tục nghiên cứu làm với mô hình lớn hơn để dự thi cấp tỉnh và quốc gia.
Thầy Nguyễn Minh Đồng kể lại, để hoàn thiện cho “chiếc máy” hoạt động trơn tru và chính xác, cả 3 thầy trò phải dành thời gian 6 tháng ròng rã. “Một phần vì các khâu mình tự làm bằng thủ công, một phần vì chưa quen với việc hàn, xì và thiếu chuyên nghiệp nên sự chính xác không cao. Cứ mỗi lần hỏng, thầy trò lại rút ra kinh nghiệm để bổ sung cho thí nghiệm sau. Điều mà tôi ấn tượng nhất về hai em Thuận và Chính là sự chịu khó, chăm chỉ, không ngừng học hỏi và sáng tạo. Sau mỗi lần thất bại, các em lại rất quyết tâm và tự giác học hỏi, tìm tài liệu để tự đưa ra hướng giải quyết mà không hề nản chí. Nếu Thuận nổi trội ở tố chất thông minh và giỏi phát hiện vấn đề thì Chính lại luôn kiên trì và tỷ mẩn, chính xác đến từng chi tiết nhờ vậy mà các em đã bổ trợ cho nhau để xây dựng đề tài thành công”, thầy Đồng chia sẻ.
Một buổi đi học, thời gian còn lại cả thầy trò tập trung hết sức lực vào mô hình, sau 6 tháng miệt mài, cuối cùng thành công cũng đã đến: Mô hình động cơ đốt ngoài khai thác năng lượng mặt trời hoàn thiện. Với những ưu điểm vượt trội như: khai thác được nguồn năng lượng sạch, hoạt động nhẹ nhàng, tiết kiệm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sống; sử dụng động cơ đốt ngoài có thể đạt được hiệu suất cao nhất so với các loại động cơ nhiệt khác; thiết bị được gắn với một bộ tích lưu để tích điện năng phòng khi thiếu ánh sáng mặt trời…
Với sáng chế mang ứng dụng thực tiễn và hữu ích, công trình của các nhà “khoa học nhí” đã giành được giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2014 – 2015, giải Nhì khu vực phía Bắc và giải Ba cấp Quốc gia. Đồng thời cả Thuận và Chính được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc này.
Mặc dù sản phẩm của Đậu Văn Thuận và Nguyễn Ngọc Chính mang tính ứng dụng thực tế rất cao, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần được nghiên cứu lại. Theo thầy Nguyễn Minh Đồng, nếu sản phẩm của các em được các nhà khoa học xem xét thêm, đưa vào ứng dụng ở những nơi còn chưa có nguồn điện để làm máy bơm, máy phát điện thì rất tốt. Thầy Đồng cũng mong rằng, sản phẩm khoa học của hai em sẽ được ứng dụng rộng rãi nhằm tiết kiệm chi phí và công sức, giúp ích cho người nông dân hoặc các vùng hải đảo, vùng sâu, vùng xa…
Theo GiadinhNet