Từ “lễ khai giảng không bóng bay”: Trường học hạn chế bọc vở bằng nilon
Sau ý tưởng “ Lễ khai giảng không bóng bay” của em Nguyễn Nguyệt Linh – học sinh sắp lên lớp 6 của Trường Marie Curie (Hà Nội), một số trường ở Thủ đô tiếp tục hưởng ứng viêc bảo vệ môi trường qua hành động hạn chế bọc vở bằng nilon.
Một số phụ huynh đang lan truyền thông báo của một giáo viên gửi phụ huynh học sinh về việc không sử dụng nilon đề bọc vở trong năm học mới.
“Năm học này, để chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng nilon, nhựa, nhà trường quy định giáo viên và học sinh không sử dụng nilon để bọc vở.
Cô giáo nhờ các bố mẹ cùng nhắc nhở con thực hiện tốt điều này vì một cuộc sống xanh, sạch, đẹp”, trích thông báo.
Cũng theo thông báo này, thay vì bọc vở bằng nilon, bố mẹ nhắc các con dán nhãn vở và ghi tên vào bộ sách giáo khoa các con đã mua.
Ý tưởng trên đây được khá nhiều người ủng hộ. Giống như ý tưởng “ Lễ khai giảng không bóng bay”, việc không bọc vở bằng nilon cũng có ý nghĩa to lớn và thiết thực.
Nhiều trường ở Hà Nội “nói không với bọc vở bằng nilon”.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm học tới, cả 3 cấp học ở ngôi trường này đều khuyến khích học sinh không bọc vở bằng nilon để bảo vệ môi trường.
Ông Bình cho hay, nhà trường đã có ý tưởng về việc không sử dụng rác thải nhựa và chung tay bảo vệ môi trường từ năm học trước.
Sang năm học 2019 – 2020, trường đang tích cực xây dựng kế hoạch cụ thể cho ý tưởng này. Theo đó, toàn bộ gần 90 cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường học tập, sau đó lan tỏa và kêu gọi tới các bậc phụ huynh và học sinh của trường về không sử dụng rác thải nhựa.
Cụ thể, thầy cô không sử dụng túi nilon và các chai lọ nhựa dùng một lần. Nhà trường cũng vận động các em học sinh khi đi học nên mang theo bình đựng nước bằng inox.
Nếu các em mua đồ uống, thì nên mang những bình đựng nước đó đến chứ không sử dụng rác thải nhựa dùng một lần.
Video đang HOT
Thống kê của học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị ĐIểm về bọc vở học sinh bằng nilon. (Ảnh: VietNamNet)
“Nếu có sự đồng lòng, chung tay từ nhiều trường sẽ tạo nên sự thay đổi rất lớn từ việc không sử dụng rác thải nhựa dùng một lần.
Giới trẻ hiện nay đang lạm dụng đồ nhựa dùng một lần. Nhiều học sinh vẫn dùng nilon để bọc sách vở. Đấy là thực trạng khá phổ biến”, ông Bình cho hay.
Do vậy, theo hiệu trưởng này, năm học tới đây, nhà trường sẽ gửi một thông điệp tới các em học sinh và phụ huynh về bảo vệ môi trường cũng như không sử dụng rác thải nhựa, không dùng nilon để bọc sách vở mà nên bọc bằng giấy, có dán nhãn vở.
“Nếu kiên trì thực hiện qua nhiều năm, tôi tin rằng hiệu quả sẽ rất tích cực”, thầy Bình chia sẻ.
Ngoài trường Lê Quý Đôn, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng thống kê số lượng nilon khổng lồ dùng để bọc vở. Do vậy, đơn vị này cũng “nói không với bọc vở bằng nilon” và thay bằng giấy, họa báo, tờ lịch…
Cũng như “lễ khai giảng không bóng bay”, việc hạn chế bọc vở bằng nilon nhằm hướng tới môi trường thân thiện – điều mà nhiều trường học đang hướng đến.
Nói không với rác thải nhựa dùng một lần
Theo thầy Nguyễn Đức Quang – người sáng lập và điều hành Trường Spring Hill, đơn vị này cũng hạn chế sử dụng túi nylon, tổ chức để học sinh thực hiện các dự án môi trường, đi nhặt rác trong làng, thậm chí “cấm” phụ huynh tặng hoa nhà trường trong các dịp lễ vì sẽ có nhiều rác thải, túi nilon.
“Trường không có truyền thống thả bóng bay vào các ngày lễ. Nhà trường không khuyến khích học sinh bọc vở và nhãn vở lí do là trang bìa nó đã đẹp lắm rồi và cũng để rèn học sinh ý thức giữ gìn tài sản một cách nhẹ nhàng và tỉnh thức”, thầy Quang cho biết.
Tại Trường Phổ thông Liên cấp Olympia cũng nói không với rác thải nhựa. “Phát triển bền vững – Hạn chế sử dụng rác thải nhựa là mục tiêu, nhiệm vụ mà Olympia theo đuổi từ rất lâu với nhiều hoạt động thiết thực.
Nội dung này được đưa vào trong các bài học chính khóa và ngoại khóa, trước hết là giáo dục về ý thức và trách nhiệm của mỗi học sinh đối với môi trường, khuyến khích các bạn có những ý tưởng sáng tạo để bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa thông qua các hoạt động, sự kiện nhà trường tổ chức như: đi bộ vì môi trường với khẩu hiệu “Giảm chai nhựa, lựa sống xanh”, Cuộc thi báo cáo đề tài khoa học về bảo vệ môi trường “Vì bạn, vì tôi” với sản phẩm thu được như: máy lọc không khí, cứu sống những dòng sông chết…
Ngoài ra còn có những dự án học tập nổi bật như: làm gạch sinh thái ecobrick, một số đồ dùng học tập được sử dụng bằng đồ tái chế từ các sản phẩm từ nhựa, bìa carton”, đại diện nhà trường cho biết…
Mỹ Hà
Theo Dân trí
'Xin đừng thả bóng bay ngày khai giảng' Bức thư đầy xúc động của học sinh lớp 5 khiến 2 trường học cam kết thực hiện
Mới đây, Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5 của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã mạnh dạn viết bức thư gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội để kêu gọi các trường ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng gây xúc động mạnh.
Mong muốn lễ khai giảng không thả bóng bay - rác thải nhựa lên trời, em Nguyệt Linh đã lên ý tưởng viết một bức thư, tự tìm kiếm địa chỉ email và gửi thư cho hơn 40 trường học ở Hà Nội về lời đề nghị này.
Trong bức thư, em viết:
'Hà Nội, ngày 24 tháng 7, năm 2019.
Kính thưa Thầy/Cô hiệu trưởng,
Con là Nguyễn Nguyệt Linh, chuẩn bị năm nay là con lên 6. Năm lớp 5 con là học sinh 5M2, trường Marie Curie, Hà Nội.
Con được biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời... Nhưng khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác sẽ bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển.
Con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?
Con chỉ muốn gửi thông điệp:
Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển.
Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường.
Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ.
Con xin chân thành cảm ơn'.
Bức thư của em Nguyệt Linh gửi đến các 40 trường học.
Lá thư với nội dung ngắn gọn, súc tích nhưng đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa của cô bé Hà Nội về vấn đề đang nhức nhối được mọi người quan tâm không chỉ ở thế giới mà đang nóng lên ngay tại Việt Nam.
Sau khi bức email được gửi đi đến các trường học, 2 trường trên địa bàn Hà Nội đã phản hồi và cam kết không thả bóng bay mỗi dịp khai giảng hay lễ hội. Trước đó, trường THPT Anhxtanh đã ra quyết định không cho phép học sinh thả bóng bay trong lễ khai giảng.
Việc thả bóng bay sẽ gây ra những tác hại nguy hiểm đến môi trường.
Có thể bạn chưa từng nhận ra, nhưng việc thả bóng bay lên trời là nguy hại tới môi trường, đặc biệt là động vật, những sinh linh không có khả năng tự vệ trước tác động của con người.
Nguy cơ lớn nhất của các quả bóng khi rơi xuống đất là gây ô nhiễm môi trường. Các động vật ở trên cạn và dưới nước có thể tưởng nhầm là thức ăn và ăn chúng, gây nguy hại cho các động vật tự nhiên. Ngoài ra, việc thả bóng bay có thể gây mất an toàn với ngành hàng không hay bóng bay bay vào các đường dây điện có thể gây cháy nổ, chập điện.
Ngoài ra, việc thả một lượng lớn bóng bay cũng gây lãng phí và tốn kém, đặc biệt là khí Hê li bị thất thoát một cách rất lãng phí. Chính vì vậy chúng ta nên cân nhắc việc sử dụng bóng bay trong các lễ hội.
Theo baodatviet
Tên của em bé kêu gọi 'không thả bóng bay' được đặt cho lễ khai giảng năm học mới trường Marie Curie Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết, lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của trường Marie Curie sẽ có tên là 'Lễ khai giảng Nguyệt Linh' để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của cô bé.. Bức thư kêu gọi 'khai giảng không thả bóng bay' của bé gái Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5 (năm nay lên lớp 6)...