Tự hào Phiên dịch 2 Đại học Ngoại giao
Tuy không thể so sánh được với điều kiện học tập, nghiên cứu như hiện nay, song chắc chắn những kiến thức mà lớp Phiên dịch 2 Đại học Ngoại giao thu hoạch được khi đó là vô cùng quý giá, đủ làm nền tảng để giúp mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình sau này…
Phân lớp tiếng Pháp của Lớp Phiên dịch 2 Đại học Ngoại giao năm 1970.
Nhân dịp Học viện Ngoại giao, tiền thân là Trường Đại học Ngoại giao long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, lớp Phiên dịch 2 (PD2) Đại học Ngoại giao không thể quên những chặng đường 50 năm của riêng mình. Lớp Phiên dịch 2 của Trường Đại học Ngoại giao được mở vào năm 1969, sau khi trường đã có lớp Phiên dịch 1 từ bốn năm trước. Khi các trường cấp 3 của miền Bắc (Việt Nam) sắp kết thúc năm học, một số cán bộ, giáo viên nhà trường đã về các tỉnh trực tiếp gặp các học sinh, xem xét học lực, hình thức và lý lịch để lựa chọn. Trên 40 học sinh đã được tuyển vào lớp PD2, chia thành 2 phân lớp: phân lớp tiếng Anh và phân lớp tiếng Pháp.
Trường khi đó đang đóng ở nơi sơ tán: xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (Bắc Thái). Xã có 3 thôn: Yên Trung, Cổ Pháp và Xuân Trù. Chúng tôi được gọi tập trung đến Yên Trung ngày 15/8/1969. Đa số anh em đi tàu vào ban đêm, sáng sớm hôm sau đến ga Phổ Yên, túi xách hoặc ba lô trên vai, đi bộ khoảng 9 km thì đến trường. Nơi đây là vùng trung du, đã được dựng lên những ngôi nhà tranh, bao quanh bằng các bức tường đất dày để tránh mảnh bom Mỹ. PD 2 được thế chỗ, cả lớp học và chỗ ở, trong nhà dân của các anh, chị lớp Phiên dịch 1, đã bắt đầu vào năm học thứ 5, nên được chuyển về trường chính tại Hà Nội để việc học và thực tập được thuận lợi. Vả lại, máy bay Mỹ đã tạm ngừng ném bom miền Bắc, nhờ có cuộc đàm phán Việt-Mỹ đang diễn ra tại Paris từ 1 năm trước đó.
Những ngày đầu, anh em trong lớp có phần hoang mang, thiếu phấn khởi vì được gọi là Khóa Phiên dịch 2. Cứ nghĩ mình được đào tạo để trở thành “thông ngôn” nên bị dao động và không yên tâm học tập. Thời đó, “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa” đang ngự trị trong ước mơ của tuổi trẻ. Một vài bạn bỏ về đi xin học ở trường khác, mặc dù nhà trường đã họp, làm công tác tư tưởng, động viên.
Ở Yên Trung, các lớp học và nhà ăn là những lán nhà tranh nằm rải rác trong thôn. Lớp có hai cấp dưỡng là vợ chồng anh Gợi, chị Kim nấu ăn hàng ngày. Anh chị nấu ăn giỏi, nhiệt tình, tận tâm và rất thương yêu anh em sinh viên. Có thời gian, nhà trường chỉ được cung cấp toàn bột mỳ, nên thứ bánh bao (không có bột nở) đã trở thành các bữa “cơm” sinh viên. Mỗi suất ăn thường có 1 bát canh rau nấu với lạc giã nhỏ và một chiếc bánh bao cỡ gần bằng chiếc bát ăn cơm. Ở tuổi 17, 18, chúng tôi không thể đủ no với những khẩu phần như vậy. Thành thử, tối tối (có khi cả trong đêm khuya), anh em thường mò đến những quán nhỏ trong làng mua khoai, sắn chống đói. Các bạn có điều kiện hơn thì mua bánh chưng. Hàng tuần, chúng tôi phân công nhau đi xe than, chở gạo, mì từ “thủ phủ” của trường về nhà ăn vì ô tô không có đường vào làng.
Sau khoảng nửa năm, lớp được trở về trường chính, gần Chùa Láng. Trường khi đó chỉ có mấy ngôi nhà gạch, mái ngói dành cho sinh viên ở, còn lại hội trường, nhà ăn, lớp học là nhà tranh vách nứa. Cả lớp đều phải ở nội trú, mặc dù nhiều bạn có gia đình ở ngay tại Hà Nội. Lớp học được rèn luyện theo nếp sinh hoạt của quân đội: sáng, 5h kẻng thể dục; 7h đến 11h30 lên lớp; chiều, 1h30 đến 4h30 lên lớp hoặc tự học; tối, 7h đến 10h, tự học.
Những ngày trong tuần (thứ 2 đến thứ 7), sinh viên chỉ được ra khỏi trường từ 17h đến 19h, trưa muốn ra ngoài phải có giấy phép của phòng giáo vụ. Chủ nhật được tự do từ 17h thứ 7 đến 19h hôm sau.
Về Hà Nội, khẩu phần ăn vẫn thế, không được cải thiện gì thêm. Cơm độn ngô vẫn không đủ no. Thức ăn mỗi bữa vẫn là canh rau loãng với: hoặc đậu phụ rán, hoặc vài ba miếng thịt lợn thái mỏng, hoặc 1 ít lạc chiên muối.
Cùng học với nhau đến hết năm thứ 2 và năm thứ ba thì lớp có nhiều biến động. Năm 1972, một số anh em được gọi nhập ngũ, chuẩn bị cho các chiến dịch lớn sau này. Một số khác đi học ngoại ngữ ở Pháp, Ấn Độ, Thụy Điển. Cái đó gây nên những âu tư, cảm xúc lẫn lộn…
Giữa năm 1972, miền Bắc có nguy cơ bị Mỹ ném bom trở lại. Trường lại phải sơ tán một lần nữa. Đầu tiên, PD2 về ở thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Tây; sau chuyển sang thôn Nghi Lộc cùng xã. Lần này, sinh viên cũng ở nhờ nhà dân, và mượn nhà dân làm lớp học. Trường không làm lán trại như hồi ở Thái Nguyên, do dự báo chiến tranh sẽ không còn kéo dài và sĩ số của lớp cũng đã giảm nhiều. Vốn đã quen với sơ tán, nên việc thích nghi với cuộc sống cũng nhanh chóng.
Vào thời điểm 12 ngày đêm Hà Nội tháng 12/1972, chúng tôi từ nơi sơ tán, lo lắng và lòng căm thù dâng trào khi thấy những chớp lửa và cột khói bom Mỹ trên bầu trời thủ đô. Mỹ đã thất bại sau 12 ngày đêm bởi trận “Điện Biên Phủ trên không”. Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/1/1973 tại Paris.
PD2 lại trở về Hà Nội để học hơn một năm nữa. Cuộc sống sinh viên nội trú lại bắt đầu trở lại. Trong hoàn cảnh chiến tranh, PD2 đã trải qua những thiếu thốn không thể nào quên về cơ sở vật chất, sinh hoạt cũng như về tài liệu phục vụ cho học tập như từ điển, giáo trình, sách tham khảo… Bù lại, anh em nhận được sự quan tâm, giúp đỡ đầy nhiệt huyết của các thầy cô giáo, các cán bộ nhân viên nhà trường. Chúng tôi cùng nhau thi đua, giúp đỡ nhau tận tình để học thật tốt, cố gắng để có kiến thức, trình độ đáp ứng công việc đang chờ đón khi đất nước hòa bình.
Video đang HOT
Tuy không thể so sánh được với điều kiện học tập, nghiên cứu như hiện nay, song chắc chắn những kiến thức mà PD2 thu hoạch được khi đó là vô cùng quý giá, đủ làm nền tảng để giúp mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi ra công tác và tiếp tục học nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong những giai đoạn về sau.
Rời ghế đại học năm 1974, với những kiến thức được trang bị trong suốt khoá học để trở thành những cán bộ đối ngoại, các thành viên PD2 khao khát đóng góp cho sự nghiệp của đất nước nhưng cũng ý thức được rằng phải tiếp tục rèn luyện và học tập không ngừng, đặng đáp ứng được yêu cầu công việc.
Các thành viên lớp Phiên dịch 2 Đại học Ngoại giao trong một cuộc họp lớp năm 2015.
Trong suốt 50 năm qua, các thành viên PD2 làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau (đại đa số tại Bộ Ngoại giao), vẫn gắn kết với nhau bằng cái tên chung “Phiên dịch 2″ Đại học Ngoại giao. Nhiều sinh viên của PD2 đã trở thành thành viên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Giám đốc Học viện, vụ trưởng, vụ phó, đại sứ, trưởng, phó các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cán bộ chủ chốt của nhiều đơn vị. Nhiều thành viên PD2 đã được Đảng, Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Ngoại giao và nhiều Bộ, ngành và các địa phương.
Sau 50 năm phấn đấu và trưởng thành, các sinh viên PD2 giờ đây đều sắp trở thành những “người xưa nay hiếm”, song tình bạn, tình người giữa họ vẫn sẽ tiếp tục gắn bó trong suốt chặng đường còn lại.
Theo baoquocte
60 năm Học viện Ngoại giao qua những bức ảnh
Trong hành trình 60 năm, Học viện Ngoại giao luôn đảm nhiệm xuất sắc sứ mệnh của mình, trở thành một trường đại học kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu - tham mưu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại hàng đầu của đất nước.
Báo TG&VN xin giới thiệu một số hình ảnh nhân dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này.
Lớp phiên dịch 1, Trường Đại học Ngoại giao năm 1971.
Tập thể giảng viên và sinh viên K10 Trường Đại học Ngoại giao.
Thầy giáo và sinh viên K13 Trường Đại học Ngoại giao.
Thầy giáo và sinh viên K15 Trường Đại học Ngoại giao.
Tập thể giảng viên trường những năm 1990.
Tập thể giảng viên và sinh viên trường tại Lễ khai giảng năm học 1993-1994.
Các giảng viên tại Lễ Kỷ niệm 45 năm thành lập Học viện Quan hệ Quốc tế năm 2004.
Lễ Kỷ niệm 45 năm thành lập Học viện Quan hệ Quốc tế năm 2004.
Lễ khai giảng Cao học khóa VI và phát bằng tốt nghiệp cao học khóa IV, tháng 10/2005.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với giảng viên và sinh viên Học viện trong ngày khai giảng năm học 2016-2017.
Lãnh đạo, giảng viên Học viên Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, tháng 8/2018.
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (2008-2018), ngày 12/10/2018.
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, ngày 18/10/2018.
Giảng viên và sinh viên Học viện kỷ niệm 60 năm Truyền thống Khoa Tiếng Anh (1959-2019), ngày 18/5/2019.
Giám đốc Học viện Nguyễn Vũ Tùng trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên, tháng 7/2019.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và sinh viên Học viện Ngoại giao, tháng 3/2019.
Theo baoquocte
Thêm môi trường rèn kỹ năng tiếng Pháp cho học sinh Sự kiện Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng vinh dự được gắn biển "Label France Education"(công nhận trường xuất sắc trong giảng dạy song ngữ tiếng Pháp) của Viên Phap tai Viêt Nam vào đầu tháng 11-2019, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của việc hợp tác đào tạo ngôn ngữ Pháp tại Cần Thơ. Đây còn là bước tiến mới trong dạy...