Từ đề thi học sinh giỏi môn Văn…
Mấy hôm nay, nhiều người bàn luận rôm rả về đề thi môn Ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022.
Môn Ngữ văn được tổ chức thi vào sáng 4/3. Năm nay, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc g ia có hơn 4.600 học sinh tham gia, diễn ra trong 2 ngày với 12 môn thi, gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc.
Ảnh minh họa
Môn Ngữ văn có 2 câu về Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học trong thời gian 180 phút làm bài. Tuy nhiên, ngay sau khi đề thi được chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến từ học sinh và giáo viên trên các diễn đàn.
Đa số mọi người cho rằng đề thi này không mới, thậm chí quá lạc hậu. PGS.TS Ngô Văn Giá, viết trên trang cá nhân của mình: “Tôi chỉ nói rằng đề thi này không có lỗi gì, trừ một lỗi duy nhất thôi, là… nhạt!”. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống tán thành với nhận xét trên, đồng thời buông lời cảm thán “thấy buồn”. Trong khi đó, TS Nguyễn Trọng Đức, giáo viên môn Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nhận xét: “Nhìn chung, đề Văn năm nay cũ từ nội dung đến hình thức, quá lạc hậu, đi ngược lại với xu hướng đổi mới”.
Câu chuyện đề thi môn Ngữ văn lâu nay luôn được dư luận quan tâm, mổ xẻ. Và nó cũng phần nào phản ánh chất lượng dạy và học môn Văn ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, về câu chuyện các cuộc thi học sinh giỏi, nhiều ý kiến đã thẳng thắn bày tỏ, không nên tiếp tục. Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều nơi chạy theo thành tích trong thi cử, trong đó chạy đua theo kỳ thi học sinh giỏi là minh chứng điển hình. Do vậy, họ nỗ lực đào tạo, huấn luyện những cô cậu “gà nòi” để đi thi đấu. Rồi sao? Rồi thôi! “Thi xong xuôi tất cả lại về!”.
Video đang HOT
Theo GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cách thi đơn môn, học lệch, học tủ sẽ không đánh giá được con người toàn diện, trong khi đó mục tiêu giáo dục phổ thông mới là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.
Vị chuyên gia này cho rằng, học sinh phổ thông học thực chất giỏi là tốt, nhưng phải gắn giỏi với thực tiễn, gắn vào lao động sản xuất chứ không dừng lại học để thi. Việc thi cử đã thành nếp nên khó sửa. Báo cáo hằng năm có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh, bao nhiêu cấp huyện nhưng thực chất những giải thưởng đó không giải quyết được vấn đề gì. Thi học sinh giỏi chính là một tác nhân gây bệnh thành tích, đang “gặm nhấm” giáo dục.
Từ lâu, câu nói “học phải đi đôi với hành” đã được nêu ra. Tuy nhiên, những kỳ thi học sinh giỏi đã cho thấy việc nỗ lực đi thi lấy giải có phần là “hư danh, không giải quyết được vấn đề gì”. Sự thật ấy đã khiến bản thân những người trực tiếp làm công tác giáo dục cũng cảm thấy băn khoăn.
Ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ: “Nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp càng sớm càng tốt”. Sự bỏ ấy, theo ông Khang, để khỏi “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay. Đặc biệt, ở thời điểm này, học sinh học trực tuyến đến 2/3 năm học, việc thi học sinh giỏi chắc chắn không đạt chất lượng cao, gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Vì thế, từ câu chuyện “nhạt” của đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn năm nay, ngành giáo dục cần có sự thay đổi mạnh mẽ. Mà đổi mới tư duy, theo kịp chương trình giáo dục phổ thông mới, là yếu tố quan trọng. Những gì cũ kỹ, lạc hậu, đi ngược lại với chương trình giáo dục mới, cần mạnh mẽ thay đổi, để tìm ra những hướng mới…
Học thật, thi thật: 'Học để thi cũng giống như người chỉ lo trang điểm để chụp ra bức ảnh đẹp'
Học thật, thi thật sẽ gặp khó nếu bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích để thi. Và việc học chỉ để đi thi sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó, học thiếu thực chất.
Học thật, thi thật sẽ gặp khó nếu bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích để thi. (Nguồn: Thanhnien)
Thực học tức là học thật, có kiến thức thật. Hư học là lối học ứng phó với thi cử, học chỉ cốt thi đỗ.
Người "thực học" thì lo học trước, khi học đủ kiến thức mới đi thi. Người "hư học" thì ham danh, thích hư danh nên chỉ lo thi để cầu danh. Để chống "hư học", Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Mục tiêu của đổi mới là để thay việc học nhồi nhét kiến thức bằng việc học để phát triển phẩm chất và năng lực người học. Nhà nước đã lần lượt bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học, rồi bỏ thi tốt nghiệp THCS. Mấy năm gần đây lại tiếp tục bỏ thi học sinh giỏi Tiểu học.
Như vậy, các em học sinh từ lớp 1 tới lớp 9 không còn phải lo thi. Các em được học trong tâm thế thoải mái. Do đó, các thầy cô cùng cha mẹ học sinh phải động viên, khơi gợi, tạo hứng thú để các em học.
"Có nhiều bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích học để thi. Và việc học chỉ để đi thi sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó"
Kiến thức ở hai bậc học này là kiến thức rất nền tảng. Các em cần phải học đều để tiếp thu được kiến thức các môn. Đó là kiến thức văn hóa phổ thông, tức là những kiến thức ai cũng phải biết và ai cũng có thể biết.
Nếu các bậc cha mẹ đều hiểu rằng học là cái có trước, cần trước; thi là cái có sau, nghĩ đến sau thì hằng ngày hãy chăm lo việc học của con. Thay vì hỏi con "được mấy điểm" hãy hỏi "con đã học chăm chú chưa? Con có hiểu bài không?", "trên lớp có gì vui không?"...
Hãy vui mừng khi con có ý thức tốt trong học tập, có phương pháp học tập khoa học, có tình cảm yêu mến tri thức, muốn chiếm lĩnh tri thức, muốn được thử thách bản thân cũng như khám phá chính mình.
Khi con gặp khó khăn trong học tập (kém hứng thú khi học, ham chơi hơn học, hay quên chuẩn bị đồ dùng học tập, hay nói chuyện riêng trong giờ học, thiếu nỗ lực ý chí trong học tập...) hãy cùng con tìm hiểu vấn đề. Hãy đồng hành cùng con để chia sẻ những khó khăn.
Nguyên nhân của thực trạng trẻ gặp khó trong chuyện học thường bắt đầu từ việc học hằng ngày, tiếp thu kiến thức và rèn luyện kiến thức, tham gia hoạt động học của các con. Do đó, cha mẹ cần nhắc nhở, lặng lẽ dõi theo con, giúp con khắc phục khó khăn đó.
Có thể nói, những khả năng của con như sức khỏe, trí thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo là cái vốn của con. Tất cả những yếu tố đó sẽ làm nên kết quả là sự phát triển phẩm chất và năng lực của con.
"Cha mẹ hãy vui mừng khi con có ý thức tốt trong học tập, có phương pháp học tập khoa học, có tình cảm yêu mến tri thức, muốn chiếm lĩnh tri thức, muốn được thử thách bản thân cũng như khám phá chính mình"
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại chỉ thích nhìn hình vẽ, ảnh chụp để vui buồn, để tự hào hay thất vọng, để khích lệ hay gây sức ép. Có nhiều bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích học để thi. Và việc học "chỉ để đi thi" sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó.
Việc học chỉ để đi thi cũng giống như người chỉ lo trang điểm để ra chụp ảnh để có bức ảnh đẹp. Học chỉ để đi thi dẫn đến học rất nhiều, tốn nhiều thời gian công sức mà không có kiến thức thật. Ví dụ, các em học thuộc văn mẫu, học tiếng Anh rất nhiều mà không giao tiếp được...
Vì tương lai, hạnh phúc của con, phụ huynh hãy chú ý vun bồi, chăm lo việc học cho con. Hãy đồng hành cùng con để có học thật, thi thật, kết quả thật.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn 2021 Hà Nội: Tác phẩm Đồng chí Sáng ngày 12/6, học sinh cuối cấp ở TP Hà Nội đã chính thức hoàn thành xong môn thi Ngữ văn. Sáng ngày 12/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2021 đã chính thức được diễn ra. Khác với mọi năm, trong một buổi thi sẽ diễn ra 2 môn thi và môn đầu tiên là Ngữ văn....