Từ cô bé đánh giày đến Phó giám đốc NASA
Từ nữ sinh đánh giày kiếm tiền ăn học, bà Dava Newman trở thành giáo sư tại đại học hàng đầu thế giới và Phó giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Tên tuổi Tiến sĩ Dava Newman, Giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), bắt đầu gắn liền NASA từ tháng 4/2015 khi bà chính thức được bổ nhiệm làm Phó giám đốc cơ quan này, theo KRTV.
Trước đó, tháng 10/2014, Tổng thống Barack Obama đề cử bà vào vị trí quan trọng này nhưng Thượng viện Mỹ phủ quyết. Tháng 1/2015, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đề cử Newman. Đến tháng 4, Thượng viện chính thức thông qua quyết định bổ nhiệm.
Dava Newman phải đi qua chặng đường dài để đến vị trí quan trọng tại cơ quan khoa học hàng đầu thế giới.
Newman làm thuê khi mới 12 tuổi. Mùa hè trước khi lên trung học, để chuẩn bị tiền cho những năm học tiếp theo, bà đi đánh giày. Đây cũng là công việc gắn liền với bà trong thời gian học tại trường Trung học Capital ở thành phố Helena, bang Montana, Mỹ.
Ngoài đam mê kinh doanh, Newman dành thời gian để học tập và chơi bóng rổ. Trong cuộc phỏng vấn trên tờ The Verge, nữ giáo sư cho biết, thời còn đi học, bà ưa tìm tòi và khám phá.
“Tôi thích Toán, Khoa học, các môn kỹ thuật, Khoa học Xã hội, tiếng Anh và viết lách. Tôi thích học chứ không phải chỉ thích đến trường”, bà nói.
Tháng 4/2015, Dava Newman chính thức được bổ nhiệm làm Phó giám đốc NASA. Ảnh: MIT.
Video đang HOT
Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học, Dava Newman theo học ngành Luật tại Đại học Notre Dame ở thành phố South Bend, bang Indiana. Thời điểm đó, bà không có ý tưởng về việc trở thành kỹ sư ngành hàng không, thậm chí không biết gì đến công việc của một kỹ sư.
Tuy nhiên, khi gần kết thúc năm nhất, nữ sinh đến từ Helena chuyển sang học Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ. Đây là quyết định lớn, ảnh hưởng đến cuộc đời bà. Newman buộc phải nỗ lực để bắt kịp những khóa học kỹ thuật đã bỏ lỡ.
Năm 1986, bà nhận bằng cử nhân Khoa học tự nhiên ngành Kỹ thuật Hàng không.
Giáo sư Dava Newman tham gia một cuộc thí nghiệm trên chiếc máy bay không trọng lực của NASA năm 2007. Ảnh: MIT Technology Review.
Sau đó, bà muốn tiếp tục học lên và đặt mục tiêu trở thành sinh viên tại một trong 3 trường Stanford, MIT hoặc Đại học Texas tại Austin. Cuối cùng, bà lựa chọn MIT.
Năm 1989, bà nhận bằng thạc sĩ khoa học ngành Kỹ thuật Hàng không cùng ngành Công nghệ và Chính sách. Năm 1992, Newman trở thành tiến sĩ ngành Kỹ thuật Y sinh Hàng không, theo Nasa.gov.
Sau đó, năm 1993, Dava Newman được bổ nhiệm làm giảng viên và tiếp tục chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ. Bà là Giám đốc chương trình Công nghệ và Chính sách từ năm 2000. Năm 2004, Newman được phong hàm giáo sư.
Theo nữ tiến sĩ, khoảng thời gian học tập và công tác tại MIT ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp hiện tại của bà.
“Tại đây, tôi bị cuốn hút vào những nghiên cứu về tác động của môi trường lên phi hành gia, cụ thể là môi trường trọng lực thấp trên Mặt Trăng hay sao Hỏa”, Phó Giám đốc NASA nói.
Theo Zing
Chàng sinh viên đi học bằng máy bay
Để tiết kiệm tiền, một sinh viên thuê nhà trọ tại Ba Lan và đến trường đại học ở Anh bằng máy bay.
Jonathan Davey, 23 tuổi, học ngành Nhân chủng học tại Đại học London, Anh, đã tìm ra cách đặc biệt để tiết kiệm tiền khi hàng nghìn sinh viên khác đang lao đao vì nợ.
Sau khi biết giá thuê một phòng gần trường lên đến 220 bảng mỗi tuần (khoảng 7,5 triệu đồng), Jonathan quyết định chuyển đến sống tại thành phố Gdansk, Ba Lan. Nơi ở hiện tại của chàng sinh viên này cách trường hơn 1.600 km, theo RT.
Điều này giúp anh tiết kiệm số tiền đáng kể, mặc dù quá trình đi học khá phức tạp và vất vả.
6h thứ tư hàng tuần, Jonathan bắt tàu hoặc xe buýt đến sân bay. Sau hai giờ bay, cậu sinh viên 23 tuổi có mặt tại sân bay Luton và lên tàu đến trường.
"Vì chênh lệch múi giờ, tôi bắt đầu tiết học đầu lúc 10h. Tôi học từ thứ tư đến thứ sáu, sau đó trở lại Ba Lan và lại lên máy bay đến trường vào tuần sau", anh cho biết.
Trong khoảng thời gian ở tại London, Jonathan thuê phòng trọ giá rẻ hoặc qua đêm trên ghế sô pha nhà bạn. Anh chỉ mang theo hành lý đơn giản, thỉnh thoảng về thăm bố mẹ ở Hampshire.
Với cách này, Jonathan chỉ mất khoảng 2.100 bảng (khoảng 71,5 triệu đồng) chi phí phòng ở và đi lại mỗi năm, tiết kiệm gần 7.000 bảng (hơn 238,6 triệu đồng) so với việc thuê nhà trọ gần trường.
Jonathan Davey thuê nhà trọ tại Ba Lan và đi học bằng máy bay để tiết kiệm tiền. Ảnh: Mirror.
"Hàng tuần, tôi chi 37 bảng tiền vé máy bay và 25 bảng tiền thuê phòng. Số tiền này ít hơn rất nhiều so với mức giá 220 bảng tiền thuê phòng trong một tuần tại London", Jonathan giải thích.
Cậu sinh viên ngành Nhân chủng học chọn thành phố Gdansk để sống sau chuyến du lịch châu Âu năm 2014. Trước khi đưa ra quyết định táo bạo này, anh đã dành hàng giờ để khảo sát giá vé máy bay, cũng như giờ khởi hành đến London.
Jonathan từng định sống ở Vilnius, thủ đô Litva, nhưng không được vì không có chuyến bay phù hợp từ đó đến London cho kịp giờ học.
"Gdansk cũng đẹp hơn. Ở đây, tôi gặp nhiều bạn mới, cuộc sống tuyệt vời, thoải mái và tự do. Mọi người có thể nghĩ rằng nó thật điên rồ nhưng tôi thích vậy", anh nói.
Jonathan thừa nhận, bố mẹ cũng nghĩ anh điên nhưng họ chấp nhận vì hiểu con trai là người yêu tự do và có chính kiến, đặc biệt sau khi biết mức chênh lệch chi phí tại hai nơi.
"Việc bay tới mỗi tuần giúp tôi cảm thấy những ngày tháng học đại học giống như những kỳ nghỉ", anh nói.
Theo Zing
Vì sao cậu bé 13 tuổi mất oan học vị tiến sĩ? Thông minh đĩnh ngộ, học rộng, đỗ cao nhưng vì sơ suất nhỏ mà cậu bé 13 tuổi đã không được chấm đỗ, mất học vị tiến sĩ. Kể từ khoa thi đầu tiên được tổ chức năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông, qua các triều đại, quy chế thi cử ngày một được xây dựng quy củ, hoàn thiện hơn....