Từ chuyển giao dây chuyền – công nghệ đến thực hiện Chương trình giáo dục mới
Nhà tôi chỉ có chị gái thứ 2 là không công tác trong ngành Giáo dục. Công việc của chị khá khác biệt so với chúng tôi.
Chẳng hạn, có thời gian, chị sẽ ở công ty cả mấy ngày, thức đêm, rồi lo lắng. Chị bảo: ‘Nay có chuyên gia sang lắp dây chuyền mới, nên phải bám theo họ, vừa lo phục vụ chu đáo, vừa xem tình hình máy móc thế nào’.
Tiếp nhận chương trình mới đòi hỏi phải có đủ điều kiện con người và cơ sở vật chất. Ảnh minh họa
Nhưng thực ra trước đó, chị tôi đã phải ra nước ngoài, rồi đến thăm những xưởng dùng máy móc đó, mãi sau công ty mới quyết định mua. Lắp xong máy móc, chạy thử xong rồi, chị tôi vẫn còn vất vả một thời gian. Lúc này, quan sát thêm công việc của cậu em rể – là một người làm kĩ thuật cũng trong công ty nơi chị tôi được thuê làm quản lí. Lúc máy móc bắt đầu chạy, cậu em luôn bị chị tôi nhắc nhở, phải sát sao, tranh thủ chuyên gia ở đây để mà học, học cách dùng, rồi học cả cách sửa lỗi.
Tiếp nhận để đưa vào thực tế
Bố chồng tôi cũng là một công nhân. Ông rất lành nghề. Lúc tôi về làm dâu thì ông đã nghỉ mất sức rồi. Nhưng thỉnh thoảng, ông vẫn được mời đi lắp máy. Tôi cũng thi thoảng được nghe ông kể những tháng ngày biền biệt đi lắp máy ở trong Nam, ngoài Bắc.
Ông nói rằng, nhà máy mà mua một dây chuyền mới, thì phải thay đổi, từ người công nhân sử dụng máy đến thợ bảo dưỡng, bảo trì. Học lại hết. Rồi muốn tiết kiệm được thì phải thành thạo, phải lựa để ráp cái cũ với lại cái mới. Cái đó là thợ phải làm. Đôi khi máy móc trục trặc, thợ nhà cung cấp chưa chắc đã sửa được, mà phải thợ lành nghề, thợ sử dụng dây chuyền lại sửa được.
Trong công việc của tôi, được tiếp xúc với chuyển giao công nghệ. Từ một bộ công cụ khảo sát, đến một phần mềm, rồi cả quy trình… có những thứ tôi nghĩ nó không phải máy móc, dây chuyền sản xuất gì cả, nhưng họ chuyển giao cho chúng tôi rất công phu.
Vì sao công phu? Vì chúng tôi tiếp nhận nó không hề dễ dàng. Chuyện này tôi chứng kiến khi hỗ trợ một đơn vị thực hiện chuyển giao một chương trình giáo dục. Nhìn bề ngoài, cứ tưởng chương trình là một cuốn sách, và một hướng dẫn, kế hoạch thực hiện. Nhưng hóa ra không phải, đội ngũ chuyên gia của họ phải tập huấn, rồi đồng hành cùng giáo viên của trường. Năm này qua năm khác, chứ có đơn giản gì đâu.
Nhắc lại, để hình thành một nghề, cần đến 10.000 giờ luyện tập. Nếu để thay đổi, cải tiến một kĩ năng đã có thì sao? Chẳng hề dễ dàng. Nếu người thực hiện sẵn sàng thay đổi, thì chắc tập dượt đôi lần thì rồi cũng làm được, nhưng để thành thạo, thành thói quen thì cũng phải lâu lâu. Thế nên, nếu không được chuyển giao “một dây chuyền sản xuất” đầy đủ, chấp nhận sự thích nghi, luyện tập… thì làm sao mà làm tốt một chương trình mới. Hay đúng hơn, cần phải nghiêm túc làm mới khâu “chuyển giao công nghệ, dây chuyền, máy móc sản xuất” khi bắt tay sản xuất sản phẩm mới?!
Trường THPT có thể tự kiểm soát chất lượng
Tháng 7 vừa rồi, tôi và các cộng sự đã kết thúc giai đoạn đầu tiên Nghiên cứu về Năng lực tự chủ của nhà trường sau gần 3 năm thực hiện.
Video đang HOT
Trong thời gian này, ngoài việc thu thập dữ liệu để phân tích, chúng tôi có thực hiện một việc đó là thử nghiệm hướng dẫn các trường nâng cao năng lực tự chủ, trong đó có việc tự chủ kiểm soát chất lượng.
Một số công việc được chúng tôi đề nghị như sau:
Theo dõi biến chuyển của học sinh hàng năm:
(1) Số lượng học sinh tuyển mới hàng năm, đầu vào của số học sinh này (điểm chuẩn, phổ điểm, độ lệch chuẩn…); (2) Kết quả học tập của số học sinh này trong các kì đánh giá diện rộng (quy mô toàn trường hoặc sở), theo từng môn học, và các hoạt động giáo dục chung; (3) Kết quả của các kì thi chẳng hạn như tốt nghiệp THPT của các năm liền kề, và cũng phân tích các con số thống kê như đã nói ở trên.
Đánh giá các đề thi mà trường thực hiện: Để đối chiếu với mục tiêu mà trường đặt ra, bao gồm xem ý nghĩa của từng câu hỏi, và tác động của chúng đến việc học.
Nhà trường cần: Bảo đảm rằng giáo viên sử dụng một loạt phương pháp kiểm tra đánh giá chính thức và không chính thức để đo lường việc học và sự phát triển của học sinh, tạo ra những điều chỉnh cần thiết.
Sử dụng đa dạng các phương pháp kiểm tra đánh giá.
Điều chỉnh hoạt động giảng dạy.
Yêu cầu và theo dõi để giáo viên theo đuổi các mục tiêu phát triển chuyên môn và các mục tiêu học tập của học sinh có ý nghĩa, khả thi, có thể đo lường được.
Dự giờ không báo trước thường xuyên và đưa ra phản hồi hướng tới mục tiêu và có tính xây dựng đến giáo viên.
Đưa ra các nhận định hợp lí khi xếp loại thành tích của giáo viên.
Xem xét sự liên kết giữa nhận định về hoạt động thực hành và dữ liệu học tập của học sinh (đã nói ở trên) khi đánh giá hoặc xếp loại giáo viên…
Công nghệ thông tin với phần mềm quản lí và kết nối đã giúp các trường quản lí dễ dàng, để lấy ra những con số thống kê có ý nghĩa hơn là số trung bình. Người ta không nên so sánh một mẫu số liệu này với một mẫu số liệu khác chỉ dựa vào số trung bình, còn cần dựa vào mode (cách thức), vào độ lệch chuẩn… để hiểu hơn về mẫu số liệu đó, như thế mới có ý nghĩa để đối với chính mẫu đó.
Chất lượng không phải là thành tích. Thế nên không thể khoe dựa vào những “điểm cao”. Khoảng cách giữa điểm thấp nhất và cao nhất nói lên điều gì, và so chúng với điểm trung bình? Điểm phổ biến của các học sinh, phân bố chúng trong các lớp…
Chất lượng ít nhất là tổng hòa các yếu tố tham gia vào việc học: Giáo viên, chương trình nhà trường, thực học của học sinh, mối quan hệ giữa các bên tham gia vào giáo dục. Chúng ta sẽ nói gì khi trong cuộc phỏng vấn, không ít HS nói: Em đến trường chủ yếu để gặp các bạn, còn học để thi ở một chỗ khác. Hoặc, một kết quả thi lại được lấy làm minh chứng cho vô số lớp học thêm, và cả nhà trường?
Tại một số trường học mà tôi được làm việc trực tiếp, tôi đã cố gắng chỉ ra cho họ thấy, sự chênh lệch trong 1 trường học, 1 lớp học thật đáng lo hơn là “không có giải thưởng nào”. Thay vì đầu tư rất nhiều cho những giải thưởng, ta có thể làm gì để kéo gần sự chênh lệch của những người học. Rồi cả năng lực người thầy. Cứ người giáo viên giỏi hơn là dành cho HS giỏi và ngược lại. Tương tự như vậy là một địa phương. Cần có sự hành động mạnh mẽ, thay đổi chính sách, phương thức khi mà khoảng cách giữa các nhà trường còn rất xa (mà điều đó cứ diễn ra trong nhiều năm, chưa hề thay đổi).
Đó, chỉ một ý mà tôi muốn chia sẻ. Cũng là một lần nữa nói về những gì chúng ta có thể tự làm cho giáo dục ở chính trường của chúng ta tốt hơn.
Xuất bản sách phục vụ việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài
Bộ sách 'Chào Tiếng Việt' của TS Nguyễn Thụy Anh đã có cách tiếp cận từ khía cạnh tâm lý của người dạy và người học tiếng Việt ở những không gian địa lý, văn hóa khác nhau.
Buổi giới thiệu về bộ sách đã diễn ra trong khuôn khổ Tọa đàm "Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài" chiều 20/8 tại trụ sở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị tổ chức biên soạn và xuất bản bộ sách.
Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Như Ý, người cố vấn bộ sách đã nói về việc dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài từ trước đến nay. Ông cho rằng việc này diễn ra chưa có hệ thống.
Theo ông, cần đặt ra tính mục đích học tiếng Việt để làm gì. Không chỉ là để nói chuyện giao tiếp với ông bà, cha mẹ, với quê hương, giữ gìn nền văn hóa truyền thống Việt Nam mà cần coi việc này như một chiến lược của bản thân người học. Tiếp đó là câu hỏi, ai sẽ dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.
GS.TS Nguyễn Như Ý phát biểu tham luận tại tọa đàm.
Từ trước đến nay thường là bố mẹ dạy cho con theo nhu cầu của gia đình, cần phải xem đây như một chủ trương. Ở phía trong nước thì đã rõ với các chương trình của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhưng còn tại các nước thì các Đại sứ quán Việt Nam cần vào cuộc mạnh mẽ với các chương trình cụ thể, rõ rệt. Nói về tài liệu dùng cho việc dạy và học tiếng Việt tại nước ngoài, GS.TS Nguyễn Như Ý cũng cho rằng từ trước đến nay chưa có một tài liệu chính thức nào cho việc này.
Tuy vậy, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết trong những năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từng xuất bản, phát hành một số bộ sách dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài như: Tiếng Việt vui, Quê Việt và lần này lại đang bắt tay vào in và giới thiệu bộ sách 6 tập Chào Tiếng Việt. Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, trong phần phát biểu cho rằng đây sẽ là nguồn học liệu quý đối với việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, một tín hiệu vui cho những vấn đề GS.TS Nguyễn Như Ý đặt ra chính là sự kiện tọa đàm "Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài" với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ của khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 do Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp tổ chức.
Theo Ban tổ chức, với sự trợ giúp của Bộ Ngoại giao, đã có 80 giáo viên dạy tiếng Việt từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước tham gia khóa tập huấn này. Điều đó cho thấy đã có những động thái tích cực cùng các hoạt động thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài từ phía các bộ ngành liên quan.
Hai cuốn đầu của bộ sách Chào Tiếng Việt được trưng bày và giới thiệu.
Một sự kiện đáng kể khác, đó là ngày 3/8, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030". Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đáng chú ý là hàng năm sẽ tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 8/9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt; tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt để từ đó có những hoạt động khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam...
Bộ sách Chào Tiếng Việt của TS Nguyễn Thụy Anh đã có cách tiếp cận từ khía cạnh tâm lý của người dạy và người học tiếng Việt ở những không gian địa lý, văn hóa khác nhau. Với lợi thế là một tiến sĩ giáo dục nhưng đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ, một dịch giả nên Nguyễn Thụy Anh đã "tích hợp" những vai trò này khi thực hiện bộ sách, giúp các em có thể làm quen với tiếng Việt một cách vui vẻ, thoải mái và tự nguyện nhất.
Bộ ba nhân vật dẫn chuyện Dế, Bé và Miu Nguyễn sẽ giúp người đọc, người học làm quen từng bước với tiếng Việt một cách nhẹ nhàng qua những câu chuyện tình huống rất gần với văn học ở những cấp độ khác nhau, nâng cao dần theo từng tập sách.
Theo quan điểm của những người làm công tác giáo dục, có thể nói, trong quá trình học tiếng Việt, giai đoạn đầu tiên là giai đoạn khó khăn nhất đối với người học ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở những cấp độ đầu tiên, nếu người dạy quá chú trọng việc nhận mặt chữ, luyện âm, vần, ghép từ, tô chữ... mà không quan tâm tổ chức hoạt động sư phạm sẽ tạo tâm lý buồn chán cho người học ở lứa tuổi này.
Coi đây là điểm mấu chốt nên tọa đàm "Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài" cũng hướng tới việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thú vị giữa giáo viên dạy tiếng Việt ở trong và ngoài nước cùng tác giả biên soạn sách dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.
TS Nguyễn Thụy Anh, tác giả của bộ sách Chào Tiếng Việt giới thiệu về công trình của mình.
Trong Lời nói đầu của hai tập sách, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ chị coi bộ sách như một món quà trân trọng gửi tặng các bậc phụ huynh quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho con em mình, là sự chia sẻ và đồng hành cùng các thầy cô giáo tâm huyết với nhiệm vụ giữ gìn tiếng nước mình ở nơi xa xứ. Thông qua bộ sách, chị cũng kỳ vọng có thể chia sẻ được những điểm thú vị trong văn hóa Việt, con người và phong cảnh đất nước trong mối tương quan với văn hóa nước bản địa và văn hóa thế giới.
PGS.TS Natalia Kraevskaia, đang làm việc tại Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Nhân văn Nga tại Moscow đã có thư tham luận gửi đến tọa đàm. Bà cho rằng, bộ sách Chào Tiếng Việt đã kết hợp được các thành tựu của phương pháp hiện đại trong việc giảng dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ với các phương pháp sư phạm mới.
"Đáng lưu ý là các chủ đề, tình huống được lựa chọn cho các bài học đầu tiên đều rất quen thuộc với người học, nội dung chủ yếu liên quan đến môi trường sống, các hoạt động sống thường nhật của trẻ. Từng bước một, khi ở người học đã hình thành được vốn từ cần thiết, ngữ liệu liên quan đến đất nước học mới bắt đầu được đưa vào. Một điều thú vị là tác giả không những so sánh thực tế cuộc sống Việt Nam và phương Tây mà còn chỉ ra một số điểm khác biệt ở khía cạnh đất nước học và từ vựng giữa hai miền Nam Bắc...", tham luận của PGS.TS Natalia Kraevskaia viết.
Một điểm nữa mà bà ghi nhận, đó là bộ sách đã đưa ra nhiều bài tập ngữ âm được thiết kế đa dạng về nguyên tắc tiếp cận: phân biệt âm giống và khác nhau, các bài tập luyện thanh điệu trong tiếng Việt bằng thơ và âm nhạc.
Được biết, trong tương lai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp triển khai chuỗi hoạt động về việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài như tập huấn, chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hóa Việt Nam tại các nước...
Dạy THPT phải có bằng đại học, Hải Phòng gặp khó trong lựa chọn GV Nghệ thuật Sở GD&ĐT Hải Phòng đưa ra giải pháp, tùy theo điều kiện và số lượng học sinh đăng ký có thể liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy môn Nghệ thuật. Khó khăn trong tuyển dụng giáo viên môn Nghệ thuật Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với...