Tự chủ tuyển sinh từ góc nhìn các hiệu trưởng đại học
Từ năm 2014, các trường đại học, cao đẳng sẽ được thực hiện giao quyền tự chủ tuyển sinh riêng.
Kỳ tuyển sinh tại Hội đồng thi trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 2013. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).
Yêu cầu đặt ra là khi tổ chức tuyển sinh riêng không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường trục lợi trong tổ chức luyện thi; tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Đa số các trường đại học, cao đẳng đều thể hiện sự nhất trí đối với chủ trương tự chủ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiệu trưởng trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh Mai Hồng Quỳ cho biết phương án tuyển sinh riêng là hợp lý, đặc biệt là đối với những trường đào tạo đặc thù như Đại học Luật.
Hiệu trưởng Đại học Nguyễn Tất Thành Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định Đề án tuyển sinh mới của Bộ là một trong những bước triển khai tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Đây cũng định hướng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường làm lâu nay nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Hùng nhấn mạnh việc triển khai Nghị quyết mới này có rất nhiều khâu phải làm, trong đó khâu đột phá là giao tự chủ cho các trường đại học vì đây là thuộc tính căn bản nhất của các trường đại học phát triển.
Đây cũng là điều đã được ghi trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.
Thật ra tự chủ tuyển sinh là việc không mới bởi từ năm 2013, Bộ đã cho phép các trường khối năng khiếu nghệ thuật được chọn phương thức tuyển sinh riêng mà không cần tham gia kỳ thi “3 chung.”
Video đang HOT
Năm 2013, có 10 trường khối nghệ thuật tuyển sinh riêng và đã có kết quả tích cực. Đại diện các trường khối văn hóa nghệ thuật này cho biết việc giao tự chủ này đã giúp họ có được nguồn tuyển sinh dồi dào hơn và có chất lượng hơn, các thí sinh dự thi đều tâm huyết và xác định phát triển năng khiếu là hướng đi của cuộc đời mình. Số thí sinh chỉ thi cho vui đã ít hơn hẳn. Việc thi cử cũng nhẹ nhàng hơn.
Việc tự chủ tuyển sinh riêng được coi là nhu cầu thực tế, phù hợp với yêu cầu của từng trường, đảm bảo chất lượng đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng đầu ra.
Hơn 10 năm thực hiện “3 chung” đã mang lại nhiều thành quả tích cực, đó là những kỳ thi được lãnh đạo các trường đánh giá là nghiêm túc nhất từ trước tới nay. Công tác tuyển sinh được bảo mật từ khâu ra đề, tổ chức thi cho tới chấm thi, phúc khảo.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm và quá trình phát triển của các trường không đồng đều và sự đa dạng của giáo dục đại học, trong giai đoạn quá độ (từ 2014 đến hết 2016), Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ các trường chưa đủ năng lực tự chủ tuyển sinh hoặc chưa chuẩn bị kịp phương án tự chủ tuyển sinh bằng hình thức “3 chung.”
Quãng thời gian ba năm này là để các trường chuẩn bị năng lực .
Một số trường hiện nay cũng đã lên phương án tự chủ tuyển sinh như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, một số trường ngoài công lập.
Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi Nguyễn Quang Kim cho biết đề án tuyển sinh đã được Bộ nghiên cứu kỹ và nhà trường hoàn toàn nhất trí.
Tự chủ tuyển sinh không phải là việc mới làm, những năm trước đây đã làm rồi nhưng cũng cần nhiều đổi mới phù hợp. Nhà trường cũng đã nghiên cứu và sẽ xây dựng phương án tuyển sinh thích hợp
Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đông Phong cũng cho biết, nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng cho tự chủ tuyển sinh. Trong quá trình tuyển sinh sẽ sử dụng những công cụ đánh giá tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là tiếng Anh và Toán để có thể sử dụng giáo trình tiếng Anh trong quá trình học tập.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc cho phép các trường tuyển sinh riêng là động thái tích cực của Bộ.
Tuy nhiên những quy định về phạm vi xét tuyển khiến các trường có cảm giác giảm khả năng thành công của một kỳ thi riêng nên ngại mạo hiểm, nhất là trong thời điểm khó khăn tuyển sinh kéo dài như nhiều năm nay.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, lo sợ về năng lực tổ chức một kỳ thi đảm bảo chất lượng cũng khiến các trường dè dặt trong quyết định này.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hội Nghĩa cũng cho rằng kỳ thi riêng phải khác xưa và mang tầm cao hơn để phù hợp với thực tế. Thay vì chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần như lâu nay, việc tuyển sinh và đào tạo cần phải đánh giá đúng năng lực và thái độ người học. Các trường cần phải có quan điểm rộng như vậy ngay từ khâu tuyển sinh.
Từ nay đến năm 2016, các trường cần chuẩn bị một phương thức tuyển sinh mới để đánh giá người học không chỉ kiến thức mà còn đánh giá được năng lực và thái độ của người dự tuyển.
Tự chủ tuyển sinh là một quá trình phát triển tất yếu để từng trường đại học và cả hệ thống đào tạo đại học mạnh lên. Nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận, tự làm (tự tuyển sinh) là một việc khó, song vì lợi ích của các cháu, vì sự phát triển chung và nói rộng ra là vì lợi ích dân tộc, mỗi nhà trường hãy vượt lên “cái phanh” và thói quen cố hữu để mạnh dạn tích cực chuẩn bị và thực hiện với hiệu quả tốt nhất.
Theo Vietnamplus
Các trường vẫn né tuyển sinh riêng
Theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ tuyển sinh và Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường lập phương án thi riêng, thế nhưng các trường đều e ngại việc này.
Tại cuộc họp bàn về tuyển sinh 2013 của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hồi giữa tháng 12-2012, lãnh đạo các trường ngoài công lập đều lên tiếng đề nghị cho phép được tự tổ chức tuyển sinh riêng để thu hút được thí sinh (TS).
Tất cả các trường đều có quyền
Trong hội nghị thi và tuyển sinh được Bộ GD-ĐT tổ chức sau đó, vấn đề tự chủ trong tuyển sinh tiếp tục được các trường đề cập. Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nói năm 2013, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) có hiệu lực, các trường có thêm nhiều quyền, nhất là quyền liên quan đến vấn đề tuyển sinh. Ông Sơn đề nghị Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng triển khai kế hoạch đổi mới tuyển sinh vì kỳ thi "ba chung" và kế hoạch đổi mới tuyển sinh vào năm 2015 so với hiệu lực của Luật GDĐH không còn phù hợp nữa.
Trường ĐH FPT nhiều năm qua đã tổ chức tuyển sinh riêng
Trước phản ứng của các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận theo Luật GDĐH, các trường ĐH, CĐ sẽ được tự chủ tuyển sinh. "Tôi xin thông báo công khai tất cả các trường có quyền làm việc này", Bộ trưởng Luận cho hay tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Các trường cứ lập phương án, nếu bảo đảm điều kiện chúng tôi sẽ phê duyệt để triển khai chứ không có chuyện tháo khoán, làm hỗn loạn công tác tuyển sinh. Ngay với các trường ngoài công lập, bộ cũng đã trao đổi với chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập, trường nào đủ điều kiện bộ sẽ phê duyệt".
Được trao nhưng không nhận
Tuy nhiên, đến chiều 19/2, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo các trường đều cho biết trường chưa có phương án tuyển sinh riêng. Đến nay vẫn chỉ có 10 trường thuộc khối văn hóa - nghệ thuật thí điểm tuyển sinh riêng. Với việc chỉ cần xét tuyển thay vì phải tổ chức thi môn văn, các trường khối nghệ thuật cho rằng Bộ GD-ĐT đã đi đúng chủ trương trao quyền đặc thù cho những cơ sở đào tạo đặc thù.
Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông, Hà Nội, cho biết 6-7 năm nay, trường đã quay trở lại với việc tổ chức thi chung và trường hoàn toàn không chủ trương tự tổ chức thi tuyển sinh.
Ông Lê Văn Một, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội, cũng cho biết một số nội dung của "ba chung" không phù hợp với trường ngoài công lập nên các trường muốn tổ chức thi riêng, việc tự tổ chức thi ĐH không đơn giản như kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, vì nó phụ thuộc vào cả một hệ thống phức tạp. "Việc ra đề thi tuyển sinh không phải dễ, trường có nhiều khối thi, trong khi nhân lực còn hạn chế thì việc làm đề sẽ như thế nào?"
Những trường lớn như ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương... còn ngại phải ra đề nữa là các trường trung bình, trường tốp dưới" - ông Một phân tích. "Điều quan trọng nhất là TS thi vào những trường thi riêng nếu không trúng tuyển thì có được xét tuyển ở đâu không? Liệu có trường nào nhận những TS này không? Đó chính là nỗi lo thường trực của các trường trong việc quyết định có thi riêng hay không"- ông Một nói.
Không chỉ các trường ngoài công lập mà cả những trường công lập có nhiều thế mạnh như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM cũng không tính đến việc tuyển sinh riêng trong năm nay, dù đã có phương án cho những năm tiếp theo. ĐH Quốc gia Hà Nội hiện đã xây dựng đề án tuyển sinh mới với phương án kiểm tra năng lực của TS. Với chung một "gói" câu hỏi, các khoa, các ngành đào tạo cần năng lực nào nhiều hơn sẽ tập trung chọn lựa những TS được điểm đánh giá cao về năng lực đó.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến TS thi 2 môn toán logic và tiếng Việt (gia tăng câu trắc nghiệm và chỉ kéo dài cao nhất 120 phút so với 180 phút như hiện nay). Tiếp theo đó, tùy theo khối thi, ngành thi mà TS chọn, các em sẽ dự thi thêm 1 môn đặc thù của khối, ngành. Tuy đề án đã xây dựng nhưng về thời điểm áp dụng, cả hai ĐH quốc gia cùng cho hay, sớm nhất phải đến năm 2015 mới có thể áp dụng.
Chỉ có 10 trường thuộc khối văn hóa - nghệ thuật tổ chức tuyển sinh riêng, còn lại chưa có trường nào muốn tuyển sinh riêng, kể cả những trường công lập tốp trên.
Theo Yến Anh (Người lao động)
"Tháo khoán" tự chủ tuyển sinh sẽ gây rối loạn cho xã hội "Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, các trường sẽ tự chủ tuyển sinh. Tất cả các trường có quyền tổ chức tuyển sinh nhưng phải lập phương án để bộ phê duyệt, không làm kiểu "tháo khoán" với tất cả các trường" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết. Tại hội nghị thi và tuyển sinh vừa qua,...