Từ câu nói của con trai 4 tuổi, người mẹ giúp… bé nào cũng có danh hiệu
Bé nào cũng có danh hiệu, giấy khen cho thế mạnh của bé, bé vẽ tranh đẹp nhất, bé hát hay nhất, bé viết chữ đẹp nhất… Đó là cách một bà mẹ giúp con và tất cả bạn của con mình thêm tự tin về bản thân.
Niềm vui và niềm tin của con trẻ, quan trọng hơn những danh hiệu, giấy khen – ẢNH MINH HỌA: BÙI THƯ
Tại sao lại tạo bầu không khí đáng thương cho trẻ?
Mỗi dịp cuối năm học, mạng xã hội lại xôn xao với những bảng điểm ai đó khoe thành tích của con, và những trăn trở về giấy khen, thứ hạng mà con đã có. Nhiều đứa trẻ tội nghiệp bị mang ra so sánh, chì chiết khi không đạt được danh hiệu như mẹ cha kỳ vọng. Có một người mẹ, luôn mong con mình, và những người bạn của con không bao giờ phải chịu những nỗi buồn vô lý như vậy. Chị nói với phóng viên Thanh Niên: “Tại sao lại tạo bầu không khí đáng thương cho những đứa trẻ, chúng đều là những thiên tài, đâu có thể bắt con cá leo cây, con khỉ lội nước. Không cần cứ phải giỏi toán, giỏi tiếng Việt hay tiếng Anh mới là giỏi. Bất cứ đứa trẻ nào cũng xứng đáng nhận tất cả những yêu thương, món quà cho sự cố gắng của con”.
Người mẹ đó tên là Thiệp Ngần, trú ở quận 8, TP.HCM, hai con của chị một bé 10 tuổi, bé thứ hai 7 tuổi và đang học ở một miền quê tỉnh Bình Phước. Động lực giúp chị làm được điều này, đó là một câu nói của con trai, khi đang học mẫu giáo.
Đã nhiều năm trôi qua, chị Thiệp Ngần chưa thể quên được ánh mắt buồn vô hạn của con trai chị, khi con mới 4 tuổi. Đến tổng kết năm học các bạn được nhận quà khen thưởng, có danh hiệu, còn con trai chị, tên là Điền không được nhận.
Video đang HOT
“Con không khóc mà chỉ buồn bã nói: “Mẹ ơi Điền không ngoan nên không được nhận quà phải không mẹ?” Tôi có cảm giác đau thắt trong lòng khi nghe con nói. Người mẹ như tôi không biết nói gì hơn ngoài việc phủ nhận điều đó, tôi mua rất nhiều quà cho con. Nhưng con trai tôi bảo, “con chỉ cần quà của cô cho như các bạn thôi”. Một đứa bé mới 4 tuổi đâu có thể hiểu được các tiêu chuẩn, tiêu chí khen thưởng của nhà trường. Con cứ khăng khăng là do con không ngoan nên không được thưởng. Tôi rất buồn khi nhìn khung cảnh buổi trao thưởng hôm đó, nhiều bé khóc, hụt hẫng khi nhìn các bạn lên nhận phần thưởng, còn mình thì không.
Việc làm nhỏ, hạnh phúc lớn
Năm sau, con học lớp 5 tuổi, lần này con được khen thưởng, có danh hiệu, nhưng tôi không thể nào quên nổi ánh mắt buồn bã của con và của các bạn không được nhận quà năm trước. Cuối năm học, trong buổi họp phụ huynh, tôi đề nghị cô giáo tặng quà cho cả lớp, bất cứ bạn nào cũng có quà và được khen thưởng, với những thế mạnh của mỗi con. Bé viết chữ đẹp nhất, bé làm toán giỏi nhất, bé hát hay nhất, bé tóc dài nhất, bé múa dẻo nhất… Tôi ủng hộ thêm một số tiền vào quỹ, để cô giáo mua quà. Việc làm nhỏ, hạnh phúc lớn, các bé ai cũng vui cười vì được cô giáo tặng quà”.
Cho đến nay, khi con lớn đã 10 tuổi, con út đã 7 tuổi, chị Thiệp Ngần luôn vận động phụ huynh và các cô giáo ủng hộ cách khen thưởng cho tất cả học sinh như vậy. “Tôi chỉ là một người mẹ, ham học, luôn đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường con đến”, chị Ngần khiêm tốn giới thiệu về bản thân mình.
Theo chị Thiệp Ngần, chúng ta đừng nặng nề về khái niệm khen thưởng giấy khen, danh hiệu đối với trẻ mầm non và tiểu học. Các món quà cho mỗi em rất đơn giản, có thể là bức hình của lớp để trong khung, có thể là cây bút, có thể là cuốn tập…, giá trị món quà tặng không quan trọng bằng lý do các con được tặng, các con sẽ có thêm niềm tin, sự tự tin về bản thân mình.
Theo Thanh niên
Món quà quý nhất cho trẻ em
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đến gần, các em nhỏ được quan tâm nhiều hơn, nhận được nhiều quà và những lời chúc mừng... Nhưng câu hỏi đặt ra là trẻ em cần gì nhất ở người lớn, món quà nào quý nhất đối với trẻ em?
Ảnh minh họa. (Nguồn: baotintuc.vn)
Sẽ có nhiều đáp án cho câu hỏi đặt ra, vì trẻ em là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Đáp án nào phù hợp nhất cũng không dễ xác định. Hình như hầu hết các bậc cha mẹ lâu nay đều nghĩ rằng đã dành những gì tốt nhất cho con?
Chỉ nhìn riêng nhu cầu học tập của trẻ em hiện nay có thể thấy rằng, để con có thành tích tốt, ngoài học ở trường, nhiều cha mẹ không ngần ngại đầu tư tiền bạc cho con học thêm, không nề hà đưa đón nhọc nhằn. Các cháu được học thêm suốt cả hơn 10 năm phổ thông, được học chữ ngay từ mẫu giáo. Ngoài những môn học chính, nhiều gia đình cho con học thêm các môn khác như học đàn, học múa, học vẽ, học võ... để phát huy năng khiếu.
Khi các cháu có thành tích, đạt danh hiệu học sinh giỏi là bố mẹ thưởng (thưởng quà, thưởng tiền, cho đi du lịch), rồi dòng họ thưởng, cơ quan, doanh nghiệp bố mẹ thưởng... Thành tích được bố mẹ đưa lên Facebook thật hãnh diện, vui sướng.
Nhưng mấy ai nghĩ rằng chính sự quan tâm quá mức đó, kỳ vọng quá lớn vào trẻ và đòi hỏi trẻ phải đạt thành tích cao trong học tập lại tạo thêm cho trẻ những áp lực nặng nề. Hiện nay, stress không phải là căn bệnh của riêng người lớn với biết bao lo toan, mà nó còn là căn bệnh của trẻ em, thậm chí khi trẻ còn rất nhỏ.
Tâm lý của trẻ rất khó nắm bắt và điều trị nên trẻ em bị stress rất nguy hiểm. Một số chuyên gia cho rằng, khi stress nặng, trẻ có thể bị trầm cảm hoặc tự kỷ, trẻ ngại tiếp xúc, ngại giao tiếp vì bất cứ chuyện gì. Ngoài ra, trẻ có vẻ hiếu động, nói nhiều nhưng ít đúng mục đích; học sa sút; kém tập trung; có hành vi chống đối lại người khác như hỗn hào, trộm cắp; thiếu tự tin...
Để trẻ em sống đúng tuổi thần tiên, hồn nhiên, cha mẹ nói riêng, người lớn nói chung, hãy giảm áp lực học hành, giảm đòi hỏi về thành tích đối với trẻ, không bắt trẻ phải gánh những nghĩa vụ, bổn phận nhằm thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ, của người lớn.
Để trả lại tuổi thơ cho các em, trước hết là trách nhiệm của phụ huynh học sinh, sau đó là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục nên tham khảo chương trình giáo dục từ các nước tiên tiến, giảm tải chương trình học, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đối với trẻ "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Một thực trạng đáng lo ngại khác là sự bình an, an toàn cho trẻ em từ môi trường gia đình, nhà trường đến xã hội. Thời gian qua, rất nhiều vụ xâm hại trẻ em diễn ra, thậm chí có những vụ án đau lòng, khiến trẻ em thiệt mạng.
Sự an toàn trong trường học ở không ít nơi cũng chưa được bảo đảm. Trẻ bị bạo hành, bị xâm hại mà thủ phạm lại là chính nhân viên, giáo viên trong trường; rồi trẻ bị chính bạn học hành hung, quay clip tung lên mạng. An toàn trong nhà trường còn đáng lo ngại ở công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đã có những vụ nhập thực phẩm bẩn, thực phẩm không bảo đảm chất lượng vào nhà trường, đã có những vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn của nhà trường và thực phẩm bán ngoài cổng trường gây lo ngại cho phụ huynh.
Món quà dành cho con em chúng ta trong từng ngày chứ không chỉ trong dịp 1/6 chính là mỗi phụ huynh, mỗi thầy cô giáo hãy trò chuyện, vui chơi với con, với trò nhiều hơn, quan tâm đến con, đến trò nhiều hơn để kịp thời phát hiện những vấn đề các con đang gặp phải để cùng tháo gỡ; khích lệ nếu con, nếu trò có thành tích nhưng nên thể hiện cho các con hiểu rằng thành tích không phải là điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất là các con mạnh khỏe, bình an và vui vẻ, các con được sống đúng khả năng và sở thích của mình./.
Thái Vũ
Theo cpv.org.vn
Muốn con hoạt ngôn và biết thêm nhiều từ vựng phong phú hơn? Các nhà khoa học khuyên cha mẹ hãy làm việc cực kỳ đơn giản này Hóa ra việc giúp con mở rộng vốn từ lại đơn giản đến không ngờ như vậy. Trẻ độ tuổi sơ sinh học từ mới tốt nhất từ những trẻ khác - một nghiên cứu khoa học đã xác nhận điều này. Thực tế trẻ học hỏi ngôn ngữ từ gia đình là điều mà hầu như ai cũng biết và mới đây,...