Từ câu động viên kịp thời này của mẹ, con gái đã đậu Harvard và sự nghiệp rạng rỡ
Dù giáo viên chủ nhiệm chê bai, coi thường nhưng mẹ của Thanh Vân không nghĩ như thế, bà liên tục động viên con gái. Cuối cùng, cô đã được nhận vào đại học Harvard, có sự nghiệp rạng rỡ.
Phần lớn mọi người cho rằng học dốt là đáng xấu hổ. Tuy nhiên, đôi khi kết quả học tập đó chỉ thể hiện sự xung đột giữa bản sắc cá nhân của học sinh và chương trình đào tạo của nhà trường.
Doãn Thanh Vân – 1 cựu sinh viên đại học Harvard – người giành hàng loạt giải thưởng lớn bé về hùng biện quốc tế là minh chứng cho điều đó.
Thanh Vân có bằng cử nhân kinh tế và bằng tiến sĩ Khoa học – Chính trị tại Đại học Hồng Kông – Trung Quốc. Cô cũng giành học bổng và theo học tiến sĩ Luật ở đại học Harvard.
Cô từng đạt danh hiệu “Người tranh luận hay nhất” trong Giải đấu hùng biện quốc tế diễn ra tại Trung Quốc năm 2014, 2018 và là nhà vô địch của chương trình “Tiếng nói Trung Quốc tuyệt vời” năm 2015.
Thanh Vân – cô gái có sự nghiệp rạng rỡ nhưng từng “lạc lối ở vạch xuất phát”.
Nhìn vào những thành tích này, chắc không ai ngờ được Thanh Vân từng có những năm đầu đi học đáng… sợ. Hơn 20 năm trước, cô là một đứa trẻ thực sự “lạc lối ở vạch xuất phát”, học dốt nhất, bị giáo viên mắng nhiều nhất.
Mỗi lần đến lớp của Thanh Vân đều rất chán nản, chính cô bé khi ấy cũng đau khổ vì thành tích tệ hại của mình.
Tuy nhiên, mẹ của cô lại vẫn cười, ôm con gái vào và an ủi: “Đừng lo lắng, chỉ là điểm số thôi mà. Con sẽ làm tốt hơn khi thích nghi với trường học và sẽ trở thành 1 học sinh giỏi khi lên lớp 4″.
Video đang HOT
Thế nhưng cả năm lớp 4, thành tích của Thanh Vân cũng không được cải thiện. Mẹ cô vẫn động viên: “Đừng lo lắng, mẹ đã tính toán lại, thời điểm con trở nên xuất sắc sẽ không còn xa, khi con lên cấp 2 chăng?”.
Thanh Vân và mẹ.
Cả tiểu học và trung học, Thanh Vân lại chứng minh ngược những dự đoán của mẹ. Cô trải qua 6 lần chuyển trường và mỗi lần chuyển vẫn đều là 1 học sinh đứng cuối bảng xếp hạng. Nhớ có lần Thanh Vân bị một giáo viên mắng thẳng thừng trước cả lớp: “ Con heo ngu ngốc”.
Một cô giáo khác lại sử dụng ngôn từ ẩn dụ hơn để chê trách Thanh Vân: “Đầu óc bã đậu”.
Và không dưới 1 lần, giáo viên chủ nhiệm trung học của Thanh Vân từng nói với mẹ cô rằng: “Đứa trẻ này sẽ không thể vào trường cấp 3 trong tương lai. Chị hãy cho nó vào trường nghề càng sớm càng tốt”.
Thanh Vân và bố của mình khi đi du lịch, vui vẻ tham gia một trò chơi.
Tuy nhiên, trước những chỉ trích và nghi ngờ của giáo viên, cha mẹ của Thanh Vân không bao giờ trách mắng cô. Ngược lại, họ luôn dành cho con gái đủ niềm tin và sự khích lệ.
Người mẹ tuyệt vời ấy còn kể cho Thanh Vân nghe 1 câu chuyện: Củi to nhóm lâu hơn, cần phải có thời gian chờ đợi bắt lửa, thế nhưng khi đã cháy rồi thì sẽ rất đượm và rất lâu. “Có thể họ là củi nhỏ nên nhanh bắt lửa, con là cành củi to nên phải có thời gian. Con hiện giờ chưa bằng họ, nhưng sau này con nhất định sẽ hơn họ. Điều đó chỉ con có thể quyết định được” - mẹ của Thanh Vân động viên con.
Cô gái luôn đứng cuối lớp ấy dần lấy lại niềm tin và cố gắng. Rồi tới tận khi lên cấp 3, những dự đoán của mẹ cô mới bắt đầu thành hiện thực.
Hãy tự hỏi, có bao nhiêu cha mẹ có thể làm điều này? Chỉ cần nhìn thấy điểm số trong những bài kiểm tra của con không cao, họ đã quay sang trách mắng đứa trẻ. Nhiều cha mẹ thì đau đầu tìm giải pháp như cho con học phụ đạo, ép bé tự học thật nhiều, cắt hết các chương trình giải trí… Nhưng điều mà đứa trẻ cần nhất lúc này là sự thông cảm, khích lệ thì cha mẹ lại không làm được.
Còn cha mẹ của Thanh Vân đã đối xử với con gái như 1 cá thể độc lập, tôn trọng nhu cầu, không áp đặt mong muốn của mình lên con từ đầu tới cuối. Bên cạnh đó, họ còn luôn ở bên, động viên và khích lệ con gái kịp thời. Nhưng sau tất cả sự hỗ trợ tinh thần to lớn ấy, họ vẫn khẳng định rằng: Chỉ con, chính con mới là người quyết định mình sẽ như thế nào trong tương lai.
Theo Helino
Học sinh tự tử vì áp lực học tập: "Chết trong kỳ vọng của bố mẹ"
Trẻ bị trầm cảm hay gặp các vấn đề về tâm lý thậm chí chọn tự tử như một cách để giải thoát khi bị áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chính bản thân các em - câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng vẫn là vấn đề cảnh báo bởi hệ lụy mà nó để lại.
Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên câu chuyện của nữ sinh lớp 7 trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để lại thư tuyệt mệnh rồi tử tự trong lớp học. Trong thư, nữ sinh này xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô nên quyết định quyên sinh.
Áp lực học đường là nguyên nhân khiến nhiều học sinh trầm cảm, tự tử
Lý giải về tỷ lệ học sinh tìm đến cái chết ngày càng tăng, thạc sĩ Nguyễn Thị Loan - nguyên phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết: "Một thực tế đang diễn ra nhất là ở các thành phố lớn là các con thường bị cha mẹ bị ép học tập, bị định hướng nghề nghiệp không theo ước mơ của chúng mà theo ước mơ của bố mẹ.
Một điều rất vô lý là những gì bố mẹ chưa thực hiện được thời trẻ, bố mẹ lại áp đặt và bắt các con thực hiện thay mình mà quên rằng đứa trẻ có quyền được sống với ước mơ của bản thân chúng.
Và điều tất lẽ dĩ ngẫu là khi chịu áp lực học tập đến từ phía bố mẹ, nhà trường trong một thời gian dài, nhiều học sinh đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết là điều có thể lý giải được. Đó chính là chết trong kỳ vọng của bố mẹ
Tôi cho rằng, để giảm tình trạng học sinh trầm cảm, tự vẫn, quan trọng là cha mẹ cần thay đổi, không gây sức ép lên việc học tập và chúng được sống, tận hưởng tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp chứ không phải bị ám ảnh về chuyện học tập.
Chắc hẳn, trên đường phố chúng ta thường xuyên bắt gặp cảnh những đứa trẻ vừa tan trường nhưng vội vàng cắn miếng xúc xích hay nhanh chóng ăn cái bánh mì mà bố mẹ mua vội bên lề đường để đi học them ca 2 tại các lò dạy thêm. Tôi chắc chắn rằng, không một đứa trẻ nào muốn có tuổi thơ là chuỗi ngày vội vàng đi học như thế cả. Chúng đang sống thay ước mơ của cha mẹ".
Trên thực tế, hiện nay, nhiều trẻ phải đối mặt với nhịp độ học căng thẳng, chạy đua với thời gian mỗi ngày, từ học ở trường, học thêm, học ở nhà. Bản thân các em luôn phải "căng mình" để có thể đáp ứng với nhịp độ ấy. Thêm nữa, độ tuổi này bắt đầu bị phân tâm với nhiều vấn đề xung quanh như: thay đổi tâm sinh lý, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gia đình.... Trong khi, tâm lý chung của cha mẹ luôn mong muốn con cái tập trung và có thành tích tốt trong học tập.
Sự "lệch pha" trong tâm lý, lứa tuổi và mối quan tâm dẫn tới việc không thấu hiểu nhau, dẫn tới việc đôi lúc cha mẹ có động thái áp đặt, so sánh hay chì chiết khi con không được như mong đợi. Và kết quả là nhiều trẻ bị trầm cảm, thậm chí chọn tự tử.
PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục) cho hay: "Trong nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi về lo âu học đường thì có đến 80% học sinh đều có lo lắng liên quan đến trường học: Lo lắng về mối quan hệ cha mẹ, về kỳ vọng của bố mẹ, gặp khó khăn trong áp lực về bạn bè cùng trang lứa như bị bắt nạt, định hướng nghề nghiệp, lo lắng trong quan hệ với thầy cô, bị ám ảnh vì thầy cô không công bằng với họ, bị trù úm...
Stress với hoạt động học tập liên tục và không cân bằng được với những hoạt động yêu thích của bản thân, có những người cảm thấy mình không giỏi vấn đề gì nên luôn sợ hãi. Đến 80% các bạn học sinh nói là tôi không biết mình thích gì và nên chọn nghề gì...Nó là áp lực tạo nên lo âu về học đường thông qua nghiên cứu của chúng tôi từ năm 2016.
Những con số báo động ở trên, suy cho cùng cũng xuất phát từ kỳ vọng quá lớn và sự không thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái. Theo các chuyên gia, dù không dễ dàng nhưng để có thể phá vỡ được "bức tường thành" vô hình kia, cha mẹ nên chủ động tìm hiểu tâm lý lứa tuổi và luôn đặt mình vào con cái để hiểu suy nghĩ của chúng cũng như đưa ra những định hướng cho con.
Nhiều cha mẹ không hiểu được rằng, đôi khi chỉ là vài lời so sánh, là ánh mắt thất vọng hay một tiếng thở dài cũng có thể khiến trẻ cảm thấy nặng nề mà cố gắng quá sức hoặc ngày càng trở nên tự ti, khép kín. Nguy hiểm ở chỗ, nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ dễ gặp phải những vấn đề tâm lý và có những hành xử tiêu cực.
Thay vì đứng ngoài và kỳ vọng, cha mẹ hãy đồng hành cùng con không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà đồng hành cả trong học tập.
Quan trọng nhất là việc phá bỏ được những quan niệm về thành tích, về cách giáo dục áp đặt, khắt khe tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái là việc không thể ngày một ngày hai có thể thay đổi. Cản trở lớn nhất là liệu cha mẹ có thật sự dành thời gian và mong muốn làm bạn của con ở bất kỳ lĩnh vực nào hay không?
Tuy nhiên, chỉ cần các bậc cha mẹ nỗ lực, nhìn nhận rõ những nguy cơ của việc hình thành khoảng cách này cùng với tình yêu vô hạn mà cha mẹ nào cũng có thì vấn đề này sẽ không còn là nan giải nữa.
Theo infonet
Thi THPT quốc gia năm 2020: Tiếp tục giữ ổn định, nghiêm túc lựa chọn nhân sự Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019. Đây là một trong những nội dung được Bộ GD&ĐT nêu trong 'Hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020' với các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác thi và đánh giá...