Từ câu chuyện đặc cách điểm thi IELTS 6.5 thành học sinh giỏi: Cần nhìn lại cách dạy và tổ chức thi học sinh giỏi “truyền thống”?
Từ chuyện Hà Tĩnh đặc cách cho học sinh đạt IELTS từ 6.5 môn tiếng Anh thành học sinh giỏi, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc nhìn lại cách thức thi học sinh giỏi của chúng ta?.
Việc dạy và học tiếng Anh thế nào là nỗi trăn trở của rất nhiều nhà giáo… Ảnh minh họa: Q.Anh
Từ 6.5 điểm IELTS được đặc cách học sinh giỏi
Mới đây, dư luận cả nước hết sức quan tâm đến câu chuyện Hà Tĩnh đã có quyết định đặc cách 70 học sinh giỏi tiếng Anh lớp 12 bằng điểm thi IELTS do ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ký. Cụ thể, theo danh sách này có 6 học sinh đoạt giải Nhất với điểm IELTS 8.0; 20 em giải Nhì đạt điểm 7.5; 44 em giải Ba đạt điểm 6.5 – 7.0.
Theo giải thích của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh, quy định đặc cách học sinh giỏi tiếng Anh được Sở ban hành vào năm 2018, áp dụng cho học sinh lớp 9 và 12. Sở dĩ căn cứ điểm thi IELTS để đặc cách vì đây là chứng chỉ tiếng Anh được công nhận trên toàn thế giới, phổ biến khi học sinh du học hoặc hội nhập quốc tế. Hơn nữa, chứng chỉ IELTS đánh giá 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đây là những quy định nhằm động viên, khuyến khích việc dạy và học tiếng Anh với đầy đủ 4 kỹ trên địa bàn tỉnh.
70 học sinh được xét đặc cách học sinh giỏi tỉnh tại Hà Tĩnh nhanh chóng tạo ra nhiều tranh cãi về quy định chỉ riêng Hà Tĩnh áp dụng, bên cạnh đó nhiều người đặt ra tính công bằng ở đâu khi học và ôn thi IELTS chủ yếu là những học sinh gia đình “có điều kiện”, chủ yếu là các trường chuyên, trường công lập nổi tiếng. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và IELTS cũng là khá khác biệt nhau, cũng khó có thể đưa ra được cách đánh giá tổng quát liệu học sinh đạt điểm cao IELTS thi học sinh giỏi có đạt điểm cao và ngược lại…
Là người ôn luyện cho học sinh THPT để dự thi vào đại học, IELTS tại các trung tâm Ngoại ngữ, cô Thanh Hương (ở Hà Nội) cho biết: “Xét đặc cách cho những học sinh đạt điểm cao được là học sinh giỏi cũng là cách làm mới, góp phần khuyến khích phong trào học và tự học tiếng Anh một cách toàn diện.
Tuy nhiên, để tạo công bằng (vì học sinh giỏi được thưởng, ưu tiên vào đại học…) nên đưa ra những tỷ lệ nhất định, ví dụ 50 – 50 giữa hai hình thức. Nếu thi cũng phải nghiêm túc, mà nếu đặc cách cũng phải xét chọn một cách kỹ lưỡng, xứng đáng”.
Đã đến lúc thay đổi về cách dạy và thi học sinh giỏi?
Từ thực tiễn quản lý nhà trường cũng như đánh giá về công tác dạy và học môn tiếng Anh hiện nay, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) cho rằng, chúng ta cần bình tâm suy xét cho tường tận. Việc tỉnh Hà Tĩnh công nhận học sinh đạt 6.5 IELTS là học sinh giỏi, trước tiên phải công nhận những em này “giỏi thật” vì sự danh giá của kì thi, còn nếu theo khung tham chiếu của Bộ GD&ĐT thì các em đạt chuẩn C1?. Nhân việc này chúng ta cũng cần nhìn lại cách thức thi học sinh giỏi của chúng ta, mấy chục năm chưa thấy Format, đề thi của chúng ta rất hàn lâm, đánh đố… trong khi IELTS lại tập trung tuyệt đối 4 kĩ năng, nếu đem lên cân thì rõ ràng IELTS mang giá trị toàn cầu.
“Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã công nhận và tặng điểm 10 môn tiếng Anh cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT có IELTS từ 4.0 trở lên, nhiều trường đại học cũng xét tuyển những thí sinh có điểm IELTS cao… vậy nên, cũng không nên khắt khe với cách làm của tỉnh Hà Tĩnh. Tôi cho rằng, với một tỉnh mà chỉ có chưa tới 80 học sinh đạt 6.5 IELTS như thế cần khuyến khích nhiều hơn, nhất là chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh ngoại ngữ tiếng Anh trong xã hội và số hóa trong giáo dục, nên nhớ ngoại ngữ “giỏi đúng chất” và công nghệ hay chính là “vũ khí” làm cho cuộc cách mạng 4.0 thành công”, thầy Phú chia sẻ.
Trước bối cảnh dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết, phải nhìn nhận sách giáo khoa tiếng Anh của chúng ta mang đậm chất “Việt Nam” không theo chuẩn quốc tế, nội dung cũng đủ 4 kĩ năng nhưng nặng kiến thức hàn lâm, trong khi ngôn ngữ cần kiến thức thực hành. Mỗi kĩ năng chỉ có 1 tiết. Nếu một học sinh chuyên tâm học chỉ sách giáo khoa thì không thể đạt điểm cao IELTS và chắc chắn một điều yếu hẳn 2 kĩ năng nghe và nói vì học ở trường chỉ có mục tiêu để thi.
Video đang HOT
Thầy Phú đề xuất, để học sinh thích ứng được với cộng đồng thì phải thay đổi giáo trình và phải có một đội ngũ giáo viên đủ chuẩn và đủ chất dạy hoặc đẩy mạnh giáo viên người nước ngoài nhưng tất cả phải có IELTS từ 8.0 trở lên. Mặt khác ngay trong đề thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh đại học chúng ta đã bỏ 2 kỹ năng nghe, nói. Nên giáo viên ôn tập như thế để phục vụ cho kì thi. Muốn đẩy mạnh cuộc cách mạng 4.0 hay số hóa trong giáo dục để mang tính thời sự, hơi thở của thời đại và sánh ngang tầm các nước trong khu vực chúng ta phải mạnh dạn thay đổi: Giáo trình, cách kiểm tra đánh giá, đầu tư mạnh cho đội ngũ giảng dạy.
IELTS (viết tắt của The International English Language Testing System – tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế) là một kỳ thi quốc tế nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của đối tượng có nhu cầu đi du học, định cư hay làm việc tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn nhữ chính. Bài thi IELTS đánh giá cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Bài thi IELTS được đồng thực hiện và điều hành bởi 3 tổ chức: của ESOL của Đại học Cambridge (Anh Quốc), Hội đồng Anh (British Council) và tổ chức giáo dục IDP của Úc.
Tại Việt Nam, ngoài cơ hội du học, những học sinh, sinh viên có điểm IELTS cao có lợi thế khi được ưu tiên, cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10, miễn thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT (điểm 4.0 trở lên) nhiều trường đại học tốp đầu cũng xét tuyển thẳng những thí sinh IELTS từ 6.5 trở lên.
Không nên đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh như Hà Tĩnh
Chuyện động viên, khích lệ học sinh học tiếng Anh để có chứng chỉ quốc tế có rất nhiều cách nhưng đừng nên đặc cách các em này là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Việc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định đặc cách công nhận cho 70 em học sinh lớp 12 là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2020 - 2021 vì đã đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Bởi, đây có thể là một trong số ít tỉnh đầu tiên có chính sách đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh như vậy. Và, theo lãnh đạo của Sở Giáo dục thì việc đặc cách này "nhằm mục đích khuyến khích và động viên tinh thần cho các em học sinh có các giải thưởng quốc tế về môn tiếng Anh".
Tuy nhiên, với cách làm này đã khiến cho dư luận băn khoăn bởi có thể nó sẽ dẫn đến sự mất công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi và tuyển sinh đại học sau này.
Bảng quy đổi điểm công nhận đặc cách học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh - (Ảnh chụp từ màn hình website: hatinh.edu.vn)
Có nên công nhận đặc cách học sinh giỏi khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế?
Ngày 24/9/2019 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 1641/SGDĐT-GDPT về việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh có chứng chỉ tiếng Anh do ông Nguyễn Quốc Anh- Phó Giám đốc Sở kí.
Trong văn bản này, Sở đã có hướng dẫn cụ thể về việc xét giải cho những thí sinh đăng kí dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh lớp 9,10,11, 12 có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương trình độ B2 trở lên.
Theo đó, học sinh lớp 9 đạt điểm IELTS 5,0 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 6,0 điểm là xếp giải Nhất; học sinh lớp 10 đạt điểm IELTS 5,5 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 6,5 điểm là xếp giải Nhất.
Học sinh lớp 11 đạt điểm IELTS 6,0 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 7,0 điểm là xếp giải Nhất; học sinh lớp 12 đạt điểm IELTS 6,5 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 7,5 điểm là xếp giải Nhất.
Với cách làm này, những học sinh có điểm IELTS cao theo quy định sẽ không phải tham dự kỳ thi học sinh giỏi.
Các em chỉ cần làm đơn có xác nhận của cha, mẹ và photocopy chứng chỉ tiếng Anh có xác nhận của hiệu trưởng rồi các trường, Phòng giáo dục tập hợp gửi về Sở thì sẽ được đặc cách và công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.
Dù biết rằng với cách làm này sẽ giúp cho học sinh có thêm động lực để học tập, trau dồi về ngoại ngữ, song nhìn vào danh sách 70 em học sinh được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh thì chúng tôi thấy có nhiều vấn đề phải suy nghĩ, nhìn nhận thấu đáo.
Bởi trong số 70 em học sinh lớp 12 được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh ở năm học 2020-2021 thì chủ yếu tập trung ở trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh và một số trường lớn.
Cụ thể, Trường trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh có 45 em đạt điểm IELTS từ 6.5- 8.0 điểm. Tiếp theo là Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng và Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông - đại học Hà Tĩnh (mỗi trường có 5 học sinh)...
Những học sinh này được miễn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh lớp 12 năm học 2020 - 2021 và được hưởng quyền lợi của học sinh giỏi tỉnh theo quy định.
Không đảm bảo công bằng cho kỳ thi học sinh giỏi và xét tuyển đại học
Từ lâu, Hà Tĩnh dù còn khó khăn nhưng lại là vùng đất hiếu học và có nhiều người đỗ đạt, thành danh. Truyền thống học tập, sự cố gắng vươn lên của ngành giáo dục nơi đây rất đáng trân trọng, tự hào.
Song, với việc đặc cách học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt từ 5,0 điểm (lớp 9) và 6,5 điểm (lớp 12) trở lên được quy đổi và đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh thì lại là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất: kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh là một "sân chơi" công bằng cho tất cả các thí sinh cùng tham dự, ở đó không có sự ưu tiên nào cả và từ trước đến nay thì bất cứ kỳ thi học sinh giỏi cấp nào tổ chức cũng vậy.
Thay vì công nhận đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh thì Sở, các nhà trường phổ thông có thể có một quỹ để thưởng riêng bằng tiền hoặc hiện vật cho các em đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì vẫn có thể "khuyến khích và động viên tinh thần cho các em học sinh".
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ nên công nhận cho những học sinh trực tiếp tham gia kỳ thi chứ không nên "đặc cách" như vậy được.
Thứ hai: việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ tạo ra một số lượng học sinh giỏi đông đảo cho địa phương vì chỉ quy đổi chứng chỉ cho học sinh lớp 12 thì tỉnh Hà Tĩnh đã có tới 70 học sinh đạt từ giải Ba trở lên.
Nếu là học sinh lớp 9 có thể không ảnh hưởng nhiều vì các em tham gia thi tuyển 10 thì cũng là học sinh trong địa bàn Hà Tĩnh.
Nhưng, với học sinh lớp 12 thì lại hoàn toàn khác vì các em tham gia kỳ thi quốc gia, xét tuyển đại học. Trong đó, nhiều trường đại học, cao đẳng có ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh.
Vì thế, nó sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng vì các tỉnh khác không có chính sách đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh như Hà Tĩnh đang làm.
Văn bản hướng dẫn công nhận đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh - (Ảnh chụp từ màn hình website: hatinh.edu.vn)
Thứ ba: hệ thống văn bản của ngành giáo dục hiện nay chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn đặc cách học sinh giỏi mà chỉ có thể đặc cách tốt nghiệp hoặc tuyển thẳng vào đại học mà thôi.
Cách làm của Hà Tĩnh rất mới và táo bạo nhưng rõ ràng khó nhận được sự đồng thuận trong ngành giáo dục, nhất là đối với các tỉnh khác.
Thứ tư: trong số 70 học sinh lớp 12 được đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh đã có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhất; 20 em đạt 7.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhì; 44 em đạt 6.5 IELTS được công nhận đạt giải Ba thì những em trực tiếp dự thi rất khó có thể cạnh tranh thứ hạng.
Hơn nữa, với việc công nhận đặc cách như vậy sẽ tạo ra một số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh quá nhiều vì riêng số lượng đặc cách đã là 70 em, cộng thêm số lượng học sinh tham dự kỳ thi đạt giải nữa thì Sở phải chi một khoản tiền rất lớn để khen thưởng.
Thiết nghĩ, chuyện động viên, khích lệ học sinh học tiếng Anh để có chứng chỉ quốc tế có rất nhiều cách nhưng đừng nên đặc cách các em này là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Làm như vậy sẽ khó nhận được sự đồng thuận của xã hội, nhất là với những thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh và những thí sinh tham gia xét tuyển đại học ở những trường có tiêu chí ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh!
Vì sao đạt IELTS 6.5 được đặc cách thành học sinh giỏi tiếng Anh? Học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh đạt điểm 6.5 IELTS sẽ được công nhận là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh. Hà Tĩnh cũng đang xem xét áp dụng quy định này cho các khối lớp khác. Quyết định đặc cách 70 học sinh giỏi tiếng Anh lớp 12 bằng điểm thi IELTS do ông Nguyễn Quốc Anh - Phó...