Từ bỏ vị trí quản lý, mức lương trăm triệu đồng… để làm giảng viên
Với nhiều thầy cô, nghề giáo không phải là lựa chọn đầu tiên trong hành trình nghề nghiệp của mình. Có người đã từ bỏ mức lương lên tới hơn 100 triệu đồng/tháng ở nước ngoài về nước làm giảng viên.
Những “ngã rẽ” bất ngờ
Bên cạnh những người tốt nghiệp sư phạm để theo nghề giáo thì không ít thầy cô bắt đầu công việc này bằng những “ngã rẽ” bất ngờ. Câu chuyện của tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là một ví dụ.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cô Phương Thùy nhận được học bổng học thạc sĩ, rồi tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học tại Hàn Quốc. Sau đó, nữ tiến sĩ tiếp tục chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại Singapore. Khi kết thúc hợp đồng nghiên cứu thời hạn 3 năm, Phương Thùy quyết định không ký hợp đồng mới dù mức lương được trả ở thời điểm này đang hơn 100 triệu đồng/tháng.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm – VĂN VŨ
“Sau 10 năm gắn bó với công việc nghiên cứu, mình muốn được thay đổi. Quan trọng hơn là thực hiện theo định hướng của các thầy cô hướng dẫn – trở về Việt Nam giảng dạy để có cơ hội chia sẻ với bạn trẻ trong nước những kiến thức mới và kinh nghiệm làm nghiên cứu tích lũy được ở nước ngoài”, tiến sĩ Phương Thùy bày tỏ.
Từ bỏ vị trí quản lý, thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Quốc Việt, giảng viên Khoa Mạng máy tính và truyền thông Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chọn lại nghề giáo khi đã bước sang tuổi 47. Dù bắt đầu đứng trên bục giảng khi đã trải qua hơn 20 năm làm những công việc khác, nhưng bước ngoặt này của thạc sĩ Việt cũng không hoàn toàn bỡ ngỡ khi mà trước đó ông đã có sự chuẩn bị từ rất sớm.
Trong suốt hơn 20 năm, ông Việt kinh qua nhiều công việc và vị trí khác nhau trong lĩnh vực viễn thông. Trong đó, có lúc ông đảm nhiệm vai trò phó quản lý chi nhánh với khoảng 300 người cấp dưới. Ngay ở thời điểm lựa chọn thay đổi công việc, ông vẫn đang giữ vị trí quản lý với mức thu nhập tốt.
Tiến sĩ Phạm Thị Hương (hàng sau, thứ 2 từ phải sang) – NVCC
Tiến sĩ Phạm Thị Hương, giảng viên Khoa Khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng chọn lại nghề sau 7 năm đi làm bên ngoài. Tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, tiến sĩ Hương đã làm nhiều công việc khác nhau từ thông dịch viên, phòng kinh doanh, phòng xuất nhập khẩu… Trong đó, có những giai đoạn tiến sĩ đã trải qua vị trí quản lý, rồi môi trường làm việc nước ngoài. “Nhưng sau 7 năm loay hoay làm nhiều công việc khác nhau bên ngoài, mình bắt đầu mong muốn được làm công việc mà mình đã chọn lựa từ khi vào ĐH – sư phạm”, tiến sĩ Hương chia sẻ.
Dù công việc giảng dạy không phải lựa chọn đầu tiên, nhưng các thầy cô này đều đang đón nhận niềm vui khi được truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm bản thân cho người trẻ.
Video đang HOT
Niềm vui nơi giảng đường
Chỉ sau hơn một năm từ ngày về nước, giảng viên trẻ Phạm Thị Phương Thùy đã trở thành 1 trong 10 nhà nghiên cứu được trao tặng danh hiệu Quả cầu vàng năm 2018.
Nói về công việc hiện tại, tiến sĩ Thùy nhìn nhận: “Đi dạy vui vì có cơ hội tiếp xúc nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Mình cảm thấy vui hơn khi luôn cảm thấy được tôn trọng trong vai trò người đi trước và có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu thực tế của bản thân mình, khơi gợi đam mê nghiên cứu ở sinh viên”.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Quốc Việt chia sẻ: “Với kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm đi làm bên ngoài, mình cảm thấy rất vui và thích công việc hiện tại. Trong môi trường này mình không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn được lan tỏa nhiều năng lượng tích cực từ những người trẻ. Mình cũng trẻ ra từ đó”.
Còn với tiến sĩ Phạm Thị Hương, chọn lựa nghề giáo một phần còn xuất phát từ ý nguyện của người cha. “Là một giáo viên, ba mình luôn mong muốn mình theo đuổi công việc giảng dạy. Đến hiện tại, mình thấy lựa chọn này là đúng. Nếu cho chọn bỏ dạy để làm công việc khác thì mình sẽ không chọn…”.
Vì sao trường đại học công lập tăng học phí năm học tới?
Trường đại học công lập chuyển đổi cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ sẽ là xu hướng trong thời gian tới.
Khi đó, đồng thời với việc cắt giảm chi từ ngân sách nhà nước là tăng học phí từ người học.
Theo lộ trình đang thực hiện, nhiều trường ĐH công lập tự chủ sẽ tăng mạnh học phí (HP) từ năm học 2022 - 2023.
Mức trần học phí tăng vọt
Nếu HP năm học 2021 - 2022 cơ bản không tăng so với năm trước đó, thì năm học 2022 - 2023 sẽ tăng vọt. Điều này được thấy rõ trước hết trong Nghị định 81/2021 của Chính phủ ban hành vừa qua (về cơ chế thu chi, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và miễn giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo).
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2020. Đây là một trong những trường đang thực hiện cơ chế tự chủ - ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo nghị định này, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần HP ĐH sẽ tăng đều mỗi năm.
Cụ thể, năm học 2022 - 2023 HP chương trình đại trà trường chưa tự chủ khối ngành y dược có mức tăng cao nhất so với năm trước đó (tới trên 71%); sẽ từ 14,3 triệu đồng/năm nay lên 24,5 triệu đồng/năm. Các khối ngành còn lại hầu hết tăng từ 20 - 30% so với năm học trước đó (trừ khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên mức tăng trên 15%).
Đáng chú ý, theo nghị định này, trường tự chủ được xác định HP tối đa bằng 2 - 2,5 lần so với mức trần các trường chưa tự chủ. Như vậy, năm học 2022 - 2023 các trường tự chủ HP khối ngành y dược HP sẽ từ 49 đến hơn 60 triệu đồng/năm. Khối ngành thấp nhất như nghệ thuật cũng từ 24 - 30 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, từ 23 trường ĐH được thí điểm đề án tự chủ giai đoạn 2014 - 2017, đến nay hàng loạt trường ĐH công lập khác cũng chuyển sang tự chủ theo tinh thần luật Giáo dục sửa đổi năm 2018.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng vừa tổ chức lấy ý kiến xây dựng đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ ĐH. PGS-TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đang hoàn thiện đề án để trình Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt cuối năm nay.
Theo kế hoạch, trường sẽ tự chủ chi thường xuyên từ năm 2022 và áp dụng mức HP dành cho trường theo nhóm 2 của Nghị định 81. Trong đó một số ngành HP theo mức trần áp dụng khối ngành khoa học sự sống và khoa học tự nhiên (27 triệu đồng/năm - PV), nhưng sẽ có những ngành HP thấp hơn khoảng 5 - 6 triệu đồng so với mức trần trên.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sẽ chuyển qua giai đoạn tự chủ từ năm sau - TRƯỜNG ĐHKHXH-NV TP.HCM
Mới đây nhất, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM công bố bắt đầu chuyển qua loại hình tự chủ áp dụng với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. HP của trường này sẽ bắt đầu tăng với sinh viên khóa mới từ năm học 2022 - 2023. Trong đó, chương trình chuẩn bậc ĐH HP sẽ có 2 mức thu theo nhóm ngành: khoa học xã hội từ 16 - 20 triệu đồng/năm, nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch 21 - 24 triệu đồng/năm. So với mức HP năm học 2021 - 2022, HP mới gấp khoảng 1,6 - 2 lần tùy ngành. Tuy nhiên, với chương trình chất lượng cao, HP cao gấp 3 lần chương trình chuẩn, dự kiến 60 triệu đồng/năm.
Trường đã tự chủ tăng theo mức nào?
Việc tăng HP không chỉ diễn ra ở trường chuyển đổi loại hình hoạt động mà còn tiếp tục tăng với các trường đã áp dụng trước đó.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2021. HP được công bố ngày 27.9 trên trang thông tin điện tử áp dụng với sinh viên trúng tuyển năm nay là 24 triệu đồng/năm cho chương trình chính quy đại trà. Theo lộ trình dự kiến, năm học 2022 -2 023 HP trường này tăng lên 27,5 triệu đồng/năm và tiếp tục tăng lên mức 30 triệu đồng/năm trong 2 năm sau đó. Với các chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế, chuyển tiếp quốc tế, tăng cường tiếng Nhật, HP lên tới 50 - 66 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh 2021, 55 - 72 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh 2022. Lộ trình dự kiến 2 năm sau đó HP các chương trình này trong khoảng 60 - 80 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng chính thức áp dụng HP mới từ năm học 2021 - 2022. Cụ thể, sinh viên chương trình chính quy đóng HP 25 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao
35 triệu đồng/năm và tiên tiến 45 triệu đồng/năm. Theo lộ trình dự kiến, HP cho sinh viên khóa tuyển sinh 2022 sẽ ở mức 30 triệu đồng/năm (chính quy), 40 triệu đồng/năm (chất lượng cao) và 50 triệu đồng/năm (tiên tiến). Hai năm học tiếp theo, HP dự kiến tăng từ 35 - 55 triệu đồng/năm tùy chương trình.
Năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM cũng bắt đầu thu HP theo đề án được duyệt, từ 18,5 - 20,5 triệu đồng/năm (đại trà) và 29,8 - 46,3 triệu đồng/năm (chất lượng cao). Theo lộ trình tăng HP theo đề án, năm 2022 tăng lên 22,6 triệu đồng/năm; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng.
Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thu HP các chương trình chất lượng cao từ 55 - 88 triệu đồng/năm tùy ngành.
Ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều trường ĐH khác ở TP.HCM đã thực hiện tự chủ từ nhiều năm trước như: Kinh tế, Công nghiệp, Công nghiệp thực phẩm, Tài chính - Marketing, Sư phạm kỹ thuật, Mở, Y dược.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường đã có 2 năm thực hiện đề án tự chủ từ năm 2020. Theo đề án được phê duyệt, HP năm học tới trường sẽ tăng 5%/năm với sinh viên khóa mới, dự kiến trên 19 triệu đồng/năm và không thay đổi trong toàn khóa học.
Học phí thạc sĩ, tiến sĩ và các hệ đào tạo khác
Theo Nghị định 81/2021, mức trần HP đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định bằng mức trần HP đào tạo ĐH với trường chưa tự chủ nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo thạc sĩ, nhân hệ số 2,5 đối với đào tạo tiến sĩ.
Mức HP đào tạo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức thu HP so với hệ đào tạo chính quy tương ứng.
Trường hợp học trực tuyến, cơ sở giáo dục ĐH xác định mức thu HP trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức HP của cơ sở giáo dục ĐH tương ứng từng khối ngành theo mức độ tự chủ.
Quý Hiên
Ngoài tăng học phí, trường ĐH tự chủ sẽ thay đổi ra sao?
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khi chuyển sang tự chủ, việc tăng HP một phần để duy trì hoạt động của trường, bù đắp các khoản chi thường xuyên trước đây được cấp từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học... Trường tiến tới có những lớp học được chia nhỏ, sinh viên được tiếp cận cơ sở vật chất tốt nhất, trong môi trường học thuật tốt hơn...
"Sau tự chủ, trường cần có một thời gian nhất định để nhìn thấy những thay đổi lớn. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu bước sang mô hình hoạt động mới này, các hoạt động của trường cũng phải vận hành theo. Người học được xem như "khách hàng", chất lượng dịch vụ hỗ trợ người học sẽ là sự thay đổi đầu tiên", TS Hạ chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết khi HP tăng, trường cũng tăng đầu tư vào các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Trong đó, trường đầu tư phát triển mạnh cơ sở vật chất, tăng cường chính sách thu hút và giữ chân thầy cô giáo giỏi, phát triển hơn trong nghiên cứu khoa học... Tất cả những thay đổi đó nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng người học khi ra trường.
Lớp học trực tuyến liên tục bị người lạ vào phá, chiếm quyền kiểm soát Một số lớp học online ở các trường đại học bị người lạ vào phá, vẽ bậy lên màn hình, đổi tên sinh viên, nói bậy, chửi nhau. Thậm chí họ còn đẩy giảng viên ra khỏi phòng, chiếm luôn vai trò chủ trì. Buổi học môn kinh tế chính trị Mác - Lênin của giảng viên H. - Trường ĐH Ngoại ngữ...