Từ bỏ ước mơ vì học phí trường y dược tăng từ 13 lên 70 triệu/năm
Minh Khang dự định theo học ngành Y đa khoa, ĐH Y dược TP.HCM. Tuy nhiên do học phí của trường tăng 5 lần em dự định xét tuyển vào trường đại học khác.
ĐH Y Dược TP.HCM là một trong những địa chỉ đào tạo ngành y uy tín hàng đầu cả nước. Trở thành sinh viên của trường là hy vọng của nhiều học sinh giỏi.
Mới đây, trường công bố lộ trình tăng học phí áp dụng cho khóa 2020 từ 13 lên 70 triệu đồng/năm. Phần lớn học sinh đều bất ngờ, không ít trong số đó hoang mang vì mức học phí trở thành gánh nặng của gia đình.
Học phí năm học 2020-2021 dự kiến cho sinh viên khóa tuyển sinh 2020. Ảnh: Chụp màn hình.
Ước mơ trở thành gánh nặng
Nuôi ước mơ thi vào ngành Y đa khoa của ĐH Y dược TP.HCM từ thời cấp 2 nhưng khi biết thông tin học phí của trường tăng gấp nhiều lần, Thiện Đăng, học sinh lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) hụt hẫng và hoang mang.
“Học phí là một yếu tố quan trọng khi em cân nhắc chọn trường. Mẹ bị thoát vị đĩa đệm nặng nên em cố gắng đỗ vào trường có học phí thấp để giảm bớt chi phí đại học mong mẹ bớt lo mà chữa bệnh”, Thiên Đăng chia sẻ hoàn cảnh của mình.
Thời gian này, Đăng vẫn tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin học phí của các trường đào tạo ngành y và các chính sách học bổng, hỗ trợ của ĐH Y dược TP.HCM. Đăng cho hay em sẽ cân nhắc chọn trường có mức học phí thấp hơn để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ của mình.
Sau khi ĐH Y Dược TP.HCM công bố lộ trình tăng học phí, Nguyễn Minh Khang, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Yên) là một trong những thí sinh cân nhắc thay đổi nguyện vọng.
Minh Khang tâm sự em định theo học ngành Y đa khoa. Theo đề án tuyển sinh của ĐH Y Dược TP.HCM, ngành này có học phí năm học 2020-2021 lên đến 68 triệu đồng/năm. Mức thu này dự kiến tăng 10% mỗi năm.
Nhận thấy gia đình không đủ điều kiện để chi trả học phí cho cả khóa học, nam sinh tìm hiểu các chương trình hỗ trợ của trường như trích 8% học phí để cấp học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo, học giỏi hay liên kết vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, em lo lắng mình khó nhận được học bổng.
Video đang HOT
Vì thế, Khang xem xét đăng ký nguyện vọng vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hoặc ĐH Y Dược Huế.
“Em sẽ suy nghĩ để lựa chọn giải pháp vẹn toàn nhất. Gia đình em có thể đáp ứng mức học phí dao động trên dưới 30 triệu đồng/năm”, Minh Khang cho hay.
Hơn nửa tỷ học phí cho 6 năm học tại ĐH Y Dược TP.HCM là con số không hề nhỏ với những gia đình khó khăn. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.
Học phí cao phải đi cùng chất lượng tốt
Trong khi đó, Anh Thư, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc trường tăng học phí khi bước vào lộ trình tự chủ là hợp lý và chấp nhận được.
“Em tìm hiểu thông tin và biết rằng lâu nay chi phí đào tạo của trường không thấp. Tuy nhiên trường có ngân sách Nhà nước hỗ trợ nên mức đóng học phí của sinh viên thấp. Sau khi trường tự chủ, không nhận ngân sách nữa thì phải tăng học phí để hoạt động là điều dễ hiểu”, nữ sinh chuyên Trần Đại Nghĩa nói.
Không phủ nhận mức học phí mới từ khóa 2020 của trường khá cao nhưng Anh Thư nhận định chi phí để đào tạo bác sĩ không hề rẻ. Em và gia đình bất ngờ khi biết tin học phí sẽ tăng em nhưng thống nhất vẫn giữ vào ĐH Y Dược TP.HCM vì cho rằng số tiền học phí xứng đáng với chất lượng đào tạo của trường.
Tương tự, Mai Hoàng Thanh Trúc, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đã xác định chi phí khi theo đuổi ước mơ làm bác sĩ sẽ không hề thấp. Trúc kỳ vọng với mức học phí như vậy, sinh viên sẽ được học tập, thực hành với những trang thiết bị tiên tiến, chương trình học bắt kịp với các nước trên thế giới.
Huỳnh Minh Nhật, học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn (Phú Yên), cho biết khi đọc thông tin ĐH Y Dược TP.HCM tăng học phí, điều em băn khoăn nhất là khi so sánh với các trường cùng khối ngành đào tạo, ĐH Y Dược TP.HCM có gì nổi bật ở chương trình và chất lượng đào tạo.
Vì thế, sau khi trường công bố đề án tuyển sinh, ngoài thông tin học phí, Minh Nhật còn xem xét thông tin về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của trường. Cùng các thông tin khác mà em tìm hiểu được, nam sinh cảm thấy tin tưởng vào chất lượng đào tạo của trường và cho rằng mức học phí đó hợp lý.
Mức thu học phí của trường vẫn nằm trong khả năng tài chính của gia đình, do đó, Minh Nhật vẫn thi vào ngành Y đa khoa của ĐH Y Dược TP.HCM. Nam sinh cũng cho rằng khi phải bỏ ra số tiền lớn, một số bạn có thể có ý thức học tập, phấn đấu tốt hơn.
Tuy nhiên, nam sinh cho biết học phí cao lại là rào cản với một số bạn khác. Nhiều bạn bè của em đang cân nhắc chọn các trường khác vì không thể đáp ứng mức học phí mới của ĐH Y Dược TP.HCM. Bạn Nguyễn Thị Phương Uyên, học sinh trường THPT Tân Phú (Đồng Nai) cũng có chung suy nghĩ này.
“Em thấy mức tăng học phí khá cao, mỗi năm lại tăng thêm 10% so với năm trước thì đây là vấn đề không nhỏ với các bạn có ý định thi vào trường. Đã có bạn em chuyển hướng thi trường khác. Nhà trường cam kết trao học bổng cho các bạn khó khăn nhưng học bổng cũng chỉ chi trả được phần nào. Chưa kể 6 năm đại học có rất nhiều chi phí khác”, nữ sinh nói.
Riêng với Phương Uyên, khi biết thông tin lộ trình tăng học phí của ĐH Y dược TP.HCM, em đã trao đổi với gia đình và được ủng hộ. Do đó, Uyên vẫn yên tâm, cố gắng ôn tập để thi vào ngành Điều dưỡng trường.
Trước những thắc mắc của xã hội về mức tăng học phí, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM, giải thích mức học phí tính theo chi phí đào tạo một sinh viên. Các năm trước, trường thu khoảng 14-15 triệu đồng/năm. Phần còn lại Nhà nước bù lỗ, Bộ Y tế góp vào phần kinh phí này.
Từ ngày 1/1, trường thực hiện tự chủ, bộ không còn góp kinh phí đào tạo cho trường. Do đó, ĐH Y Dược TP.HCM phải tính đúng, đủ chi phí đào tạo. Thậm chí chi phí đào tạo ở nhiều ngành còn cao hơn với mức trường đã thông báo.
Nhà trường cũng khẳng định không để xảy ra trường hợp thí sinh nghèo, học giỏi thi đậu nhưng không thể học ở trường vì học phí cao. Theo quy định, trường trích 8% học phí cấp học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo, học giỏi.
Ngoài ra, trường liên kết với ngân hàng để làm chính sách vay, đồng thời có các mạnh thường quân, công ty đồng hành trong việc tìm kiếm những em khó khăn để hỗ trợ.
'Học giá' trường Y, người nghèo đành buông
Con nhà nghèo đã khó nay khó hơn nếu chọn theo học ngành Y. Về phía nhà trường, chắc chắn có những tính toán trước khi đưa ra... "học giá" đó!
Bạn đọc nói chung, học sinh 12 năm học này có nguyện vọng học Y tại Trường ĐH Y dược TP.HCM nói riêng, "choáng" với mức thu học phí của trường này từ năm học 2020 - 2021. Nỗi lo chung học phí cao, sinh hoạt phí tăng, 6 năm học tới đây làm sao xoay sở? Con nhà nghèo, học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vốn đã khó nay khó hơn nếu chọn theo học ngành Y. Về phía nhà trường, chắc chắn có những tính toán trước khi đưa ra... "học giá" đó! Tăng, đúng nhưng...
Sinh viên khoa Răng - Hàm - Mặt trường ĐH Y dược TP.HCM
Với người học
Từ xưa đến nay, học Y là chấp nhận thời gian theo học dài, tốn kém nhiều so với các ngành học khác. Tôi có anh bạn, thi đại học anh đỗ cùng lúc ĐH Y Huế và ĐH Sư phạm Huế (khoa Toán). Anh chọn sư phạm vì thời gian học 4 năm, ít tốn kém cho gia đình, với lại thời đó, ra trường làm giáo sư... coi như đổi đời! Cậu của anh (quê anh gọi ba là cậu), tức tốc từ Đà Nẵng ra Huế, đứng ngay cửa lớp gọi anh ra... "Về, học Y!". Anh không còn lựa chọn khác, con nhà nghèo nên ngoài giờ học anh tranh thủ dạy kèm, cô học trò "Tôn Nữ..." phải lòng, nhà cô bề thế ở đất cố đô, vậy là... cưới luôn để có tiền tiếp tục học Y. Hiện anh đã nghỉ hưu sau nhiều năm công tác tại một bệnh viện của phố núi. Gia đình anh đủ đầy, hạnh phúc.
Dẫn ra chuyện này, để thấy chọn học ngành Y, người học phải chấp nhận chi phí cao. Gia đình khấm khá thì không sao, gặp gia đình khó, ba mẹ biết chạy đâu lo học phí? Người học, tùy điều kiện mà tìm kiếm công việc, vừa làm, vừa học, đỡ đần cho gia đình.
Để có được học bổng của trường Y, phải học thật giỏi, đâu phải sinh viên nào cũng đạt được. Tất nhiên, không vì khó mà buông bỏ, bằng mọi cách tích cực để đạt được ước mơ... người mang áo blouse trắng.
Với nhà trường
Cần phân định, trước hết, kế hoạch đào tạo để đạt chỉ tiêu đến năm 2025 có 10 bác sĩ/vạn dân (Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 - Dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng). Số sinh viên theo học trong kế hoạch này, mức thu học phí như thế nào? Sau đó, tùy điều kiện cụ thể, trường mở rộng đến các đối tượng khác có nhu cầu, đủ điều kiện tuyển sinh vào trường. Mức thu học phí đối với số này, tính toán sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, các nguồn thu khác của nhà trường như từ nghiên cứu khoa học, từ dịch vụ, từ các hoạt động liên kết đào tạo..., và với ngân sách thường xuyên (có thể có thêm nguồn không thường xuyên) được cấp.
Từ năm thứ 4, thứ 5, sinh viên ngành Y có thể về các bệnh viện theo hợp đồng của trường với các cơ sở này, vừa thực tập, vừa làm việc tạo nguồn thu cho trường. Tiền thu được, trích một phần hỗ trợ sinh viên đóng học phí, thầy trò ấm áp biết bao, trường Y làm được không? Dự toán thu, trường công khai, minh bạch để mọi người biết, hiểu đúng; là sinh viên, các em đủ 18 tuổi trở lên, khi được cung cấp thông tin cần thiết, qua tổ chức hội sinh viên, Đoàn thanh niên, các em sẽ có ý kiến xác đáng, tạo bầu không khí tin cậy và đồng thuận trong trường, cách thức tốt để sinh viên cùng tham gia công tác quản trị với trường trong quá trình học tập.
Xác định mức thu học phí không cứng nhắc, sau mỗi năm học, học phí sẽ tăng thêm 10% - học phí đã cao, tiếp tục tăng cao sau mỗi năm học, sinh viên sao không khỏi bức xúc!? Để trạng thái này đi xa, khó đấy! Hơn nữa, là trường đại học, lại là đại học Y tốp đầu của cả nước, cần lấy nghiên cứu khoa học để tăng thu, quá chăm thu học phí, đại học chẳng khác nào trường phổ thông cấp 4.
Với ngành chủ quản
Tự chủ đại học, trong đó có tự chủ về tài chính, nhưng, không đồng nghĩa với việc thả cho các trường tự bơi. Cần tạo điều kiện về tài chính để các trường, trong đó có Trường ĐH Y dược TP.HCM đủ nguồn lực, tập trung đào tạo đội ngũ bác sĩ có chất lượng, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng tới đây.
Trước mắt, định hướng và tạo hành lang pháp lý giúp các trường thực hiện quyền tự chủ về học thuật, tổ chức để đại học phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua báo chí tôi được biết, từ 01-2020, Trường ĐH Y dược TP.HCM không nhận ngân sách nhà nước nữa, theo tôi, không ổn! Ngân sách có khó, nhưng đối với những ngành đặc thù như Y, Sư phạm... đòi hỏi chính sách đặc thù, hơn lúc nào hết, các ngành quán triệt đầy đủ và ưu tiên thực hiện "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Đại học công lập, người dân luôn gửi gắm niềm tin vào chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất được sự đầu tư của nhà nước, đội ngũ giảng viên chuẩn mực, và, mức thu học phí tạo điều kiện cho sinh viên theo học. Niềm tin này cần tiếp tục phát triển dù trong bối cảnh nào đi nữa, đó là ưu việt của xã hội ta.
Bài toán tăng học phí, không chỉ hướng đến hiện đại hóa nhà trường, sâu xa hơn đó còn là bài toán an dân.
Tăng học phí ngành y: Cần hỗ trợ học sinh giỏi nhà nghèo Năm học 2020 - 2021, học phí các trường đại học công lập khối sức khỏe dự kiến sẽ tăng mạnh và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Sự thay đổi này có là rào cản trong việc thu hút sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn? Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM trong giờ thực hành - ẢNH: PHẠM...