Từ bãi rác thẳng tiến đến Harvard
Tờ New York Times vừa có bài viết về một học sinh đặc biệt nhận học bổng toàn phần của ĐH Havard. Đó là một thanh niên mồ côi, lớn lên từ bãi rác, đến từ Rwanda.
9 tuổi, mồ côi vì nạn diệt chủng, cậu sống trong một chiếc xe hơi bị đốt cháy nham nhở ở môt bãi rác tại Rwanda – nơi hàng ngày bới tìm để lấy thức ăn và quần áo mặc. Ban ngày, ăn xin trên đường phố, cậu đã không tắm hơn một năm nay.
Khi Clare Effiong, một nhân viên từ thiện người Mỹ tìm tới bãi rác một ngày chủ nhật, những đứa trẻ khác đã tản đi chơi. Lôi thôi và đói khát, Justus Uwayesu vẫn cố ở lại, Clare cố hỏi tại sao. “Cháu muốn tới trường”, cậu trả lời.
Và, cậu đã đạt được mơ ước của mình.
Justus Uwayesu: mồ côi, ăn xin trên đường phố Rwanda, sống ở bãi rác đã trở thành một sinh viên Harvard.
Mùa thu này, Uwayesu đã trở thành sinh viên năm thứ nhất đại học Harvard với học bổng toàn phần, chuyên ngành toán, kinh tế và nhân quyền. Giờ đây, ở tuổi 22, không rõ ngày sinh, cậu bé bãi rác năm nào trong trang phục jeans chẳng khác nào 1.667 sinh viên năm đầu của ngôi trường danh giá.
Lẽ dĩ nhiên, cậu có điều khác với mọi người. Cậu là minh chứng cho thấy ngay cả khi tiềm năng bị chôn sâu trong nỗi tuyệt vọng và ám ảnh nhất, khi được khai thác sẽ tỏa sáng.
Hơn 13 năm kể từ khi thoát khỏi bãi rác luôn âm ỉ khói, Uwayesu không đơn giản là trưởng thành qua những trường học hàng đầu của Rwanda, cậu còn học nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, Pháp, Swahili và Lingala. Cậu là người giám sát chương trình dạy kèm học sinh trung học. Cậu góp phần thành lập một quỹ từ thiện trẻ đang phát triển trong toàn bộ hệ thống trường trung học trong nước. Qũy này mua bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo, cung cấp thuốc men và và hỗ trợ học tập cho học sinh.
Video đang HOT
Và như các thanh niên khác, cậu vẫn ngạc nhiên và thích thú khám phá văn hóa ở mảnh đất lạ.
Những người bạn cùng phòng đã giúp cậu thích nghi với cuộc sống ở Boston. “Mọi người ở đây rất chăm chỉ làm việc”, cậu nói. “Họ làm mọi thứ rất nhanh, di chuyển cũng nhanh, họ nói với bạn sự thực, về những trải nghiệm và suy nghĩ của họ. Ở Rwanda, chúng tôi nói chuyện với người lớn theo cách khác. Chúng tôi không ồn ào. Ở đây, bạn có suy nghĩ độc lập”.
Sinh ra ở vùng nông thôn phía đông Rwanda, mới 3 tuổi, Uwayesu đã mất cha mẹ vì nạn diệt chủng. Các nhân viên Chữ thập đỏ đã cứu cậu cùng một anh trai và hai chị gái. Họ được chăm sóc đến năm 1998, khi ngày càng có nhiều trẻ mồ côi khiến các nhân viên phải đưa họ trở lại làng. Giữa lúc đó xảy ra nạn hạn hán, sau đó là đói kém. “Tôi bị suy dinh dưỡng”, Uwayesu nói. “Anh tôi nói phải ra ngoài tìm kiếm thức ăn, nhưng không thể, có nhiều lúc chúng tôi nhịn đói cả ngày”.
Năm 2000, cậu và người anh tìm đến Kigali, Thủ đô của Rwanda để tìm kiếm thức ăn. Và rồi bãi rác Ruviri ở ngoại ô thành phố, nơi ẩn trú của hàng trăm trẻ mồ côi, là đích đến của họ. Justus tìm ra “ngôi nhà” cùng với hai đứa trẻ khác là chiếc xe bỏ hoang không cửa sổ. “Không có nước, tất cả đều không tắm. Thứ duy nhất là tìm cách giữ ấm trong đêm”, cậu kể lại.
Uwayesu đã phải đi khập khiễng vì bị ngã từ một chiếc xe chở rác đang di chuyển. Một lần cậu suýt bị chôn sống khi xe ủi đẩy rác xuống hố. Những lúc ăn xin trên đường phố, cậu đã chứng kiến một thế giới hoàn toàn khác hẳn. “Buổi chiều, những đứa trẻ tan trường trong bộ đồng phục, chạy nhảy và vui chơi trên đường. Đó là thực là lúc đen tôi, vì tôi không thể hướng về một tương lai. Tôi không thể thấy cuộc sống có thể tốt hơn thế nào, hay làm cách nào thoát khỏi cảnh hiện tại”.
Và Effiong đã trở thành vị cứu tinh của cậu. Qũy từ thiện mà bà thiết lập tại New Rochelle, New York mang tên Esther’s Aid, vào năm 2000 đã quyết định tập trung mọi nỗ lực giúp đỡ trẻ mồ côi Rwanda. Một ngày chủ nhật năm 2001, sau khi phân phát cả một container quần áo và thực phẩm, bà đi taxi tới bãi rác, thấy trẻ mồ côi đang gây lộn với nhau, rồi trò chuyện và thuyết phục đưa các em tới một nơi an toàn.
Justus được tắm gội, thay quần áo, chữa trị vết thương và cuối cùng là tới trường tiểu học. Ngay ở cấp một, cậu đã đứng đầu lớp rồi đạt bậc A trung học cơ sở và tiếp theo là học bổng tại một trường trung học có tiếng. Trong suốt thời gian đi học, cậu đã tích cực làm việc cho quỹ từ thiện. “Cuộc sống của tôi đã thay đổi nhờ có Effiong”.
Tốt nghiệp trung học, cậu nộp hồ sơ và giành được chương trình học bổng một năm mang tên Bridge2Rwanda từ một quỹ từ thiện chuyên giúp đỡ các học sinh tài năng. Suốt cả thập kỷ qua, vị giám đốc tuyển sinh quốc tế của Harvard đã bỏ tâm sức tìm kiếm các ứng viên tài năng của châu Phi mỗi năm. Và cánh cửa trường đại học danh giá nhất nước Mỹ đã rộng mở chào đón cậu.
Theo Minh Tâm/Vietnamnet
Giấc mơ đến trường bên gánh khoai lang
Mất cha mẹ từ nhỏ, làm đủ việc để kiếm sống chỉ với một lý do: sợ phải nghỉ học. Đó là câu chuyện về Trần Minh Phụng, (lớp 8 trường THCS Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP.HCM).
Thợ đụng từ tuổi niên thiếu
Cứ đúng 6h sáng mỗi ngày, Phụng phụ bà ngoại xếp những củ khoai lang còn nghi ngút khói lên chiếc mâm nhôm, bỏ thêm cái cân, cẩn thận nhét xấp bịch nilông bên dưới cho bà đi bán buổi chợ sớm. Xong xuôi đâu đó, cậu bé mới thay đồ chuẩn bị đến trường.
Phụng rửa khoai giúp ngoại để chuẩn bị luộc vào sáng sớm mỗi ngày.
Năm học này, Phụng học lớp 8, trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ngay từ năm lớp 4, Phụng đã có "thâm niên" đi làm thêm đủ thứ nghề. Đầu tiên là bán vé số dạo. Học buổi chiều thì sáng Phụng cầm tập vé số đi bộ lòng vòng trong xóm, bán không hết thì đi miết ra mấy trục đường lớn.
Buổi chiều đi học về, Phụng lại chạy ra đại lý lấy tiếp vé mới bán tới 9-10 giờ đêm. Nhà gần chợ, những ngày chợ đông, Phụng ra xin mấy cô mấy dì bán gà vịt cho phụ nhổ lông. Thấy trong xóm có người bỏ mối hàng gia công găng tay đấm bốc, Phụng cũng lãnh về làm.
Nhưng đâu phải ngày nào cũng có hàng, có việc để làm. Những lúc "thất nghiệp", cậu bé theo chân bà ngoại đi bán khoai lang, khoai mì dạo.
Hè vừa rồi, nhờ người hàng xóm giới thiệu, Phụng vào làm cho một quán nhậu về đêm.
Ông Trần Văn Triều, ông ngoại của Phụng, kể: "Nó đi làm từ 5h30 chiều tới hơn 12h đêm mới về tới nhà. Công việc là rửa chén, bưng bia. Một bữa đi làm về nó sốt li bì, tui chở ra phòng khám mà nó ngồi xe không nổi. Bác sĩ cho chụp hình mới biết nó bị cong cột sống do khuân vác nặng. Tội nghiệp, mấy bữa nay tui bắt ở nhà uống thuốc, ăn uống mới khá khá chút chứ hồi trước thằng nhỏ ốm nhom có chừng 29 kg chứ mấy"...
"Em sợ phải nghỉ học"
Hỏi Phụng vì sao đang tuổi ăn tuổi chơi mà suốt ngày tẩn mẩn đi kiếm việc làm như người lớn thì có ngay câu trả lời: "Em sợ phải nghỉ học, ông bà ngoại sức khỏe ngày một yếu mà..."
Hơn 1 tuổi, Phụng mồ côi cha vì tai nạn giao thông. Tấm hình duy nhất cả nhà chụp chung là tấm bé Phụng mặc áo tang được mẹ bồng cạnh quan tài cha. Những tháng ngày sau đó, mẹ em đi làm ăn xa, để em lại cho ông bà ngoại. Khi mẹ con được sống gần nhau chẳng bao lâu thì mẹ cũng qua đời.
Để có tiền nuôi cháu ngoại, ông ngoại ngày ngày đi làm phụ hồ, bà ngoại đi bán khoai dạo. Những ngày không ai thuê, ông ngoại chỉ còn cách loanh quanh ở nhà phụ bà ngoại gom phế liệu, củi khô để luộc khoai.
Phụng kể từ năm lớp 7, thấy mình bắt đầu gặp khó với môn tiếng Anh nhưng khó mấy Phụng cũng chỉ biết ôm sách qua nhà bạn hỏi chứ không dám xin tiền ngoại đi học thêm. Phụng nói mình rất thích hai môn văn và sử, nên nếu bây giờ có tiền "em sẽ chạy ào ra nhà sách mua những cuốn em thích, trong đó nhất định phải có cuốn 171 bài văn hay lớp 8".
Bằng cái giọng già trước tuổi, Phụng tính: "Em ráng đi làm phụ ngoại để có tiền ăn học được chừng nào hay chừng đó. Nếu không học được tới cấp III, em sẽ đi học nghề. Ông bà ngoại và dì Út "khờ" (dì Út của Phụng bị bệnh tâm thần) mai này chỉ có mình em lo thôi".
Cô Thiều Thị Phượng, giáo viên dạy sử năm lớp 7 đồng thời là hàng xóm của Phụng, cho biết: "Phụng là học trò ngoan, ham học, chịu khó. Nhưng trường ở vùng ven toàn học trò nghèo, thầy cô, bạn bè có thương cũng không giúp được gì nhiều. Bà con lối xóm cũng chỉ giúp được chút đỉnh. Nếu vì khó khăn mà em phải bỏ ngang việc học thì đáng tiếc vô cùng".
Theo Mai Hương/Báo Tuổi trẻ
Gập ghềnh đường đến trường Để vào ĐH, những học sinh nơi vùng sâu vùng xa tỉnh Tiền Giang phải vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai, thử thách. 41 tân sinh viên ấy tuy xuất thân từ những gia đình khác nhau nhưng các bạn lại giống nhau bởi một lý lịch chung: nhà thuộc diện nghèo, thiếu cha hoặc vắng mẹ, tự thân bươn...