TS Nguyễn Tùng Lâm: Tiêu chí đánh giá, xếp loại học sinh chưa khách quan
Trao đổi về dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh của Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm nhận xét: Quy định cụ thể hơn nhưng chưa khách quan.
Ông có ý kiến gì về dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và THPT của Bộ GD&ĐT đang được lấy ý kiến đến hết ngày 16/7/2020?
- Dự thảo này đã được bổ sung những quy định cụ thể hơn so với Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐTvàtiếp cận được cách đánh giá hiện đại. Bên cạnh hình thức chấm điểm thì có đánh giá khuyến khích HS, chẳng hạn như: HS có tiến bộ, HS có cố gắng, HS thực hiện được những yêu cầu học tập…. Tuy nhiên, với cách đánh giá bằng nhận xét, giáo viên sẽ thêm phần vất vả vì phải mất thời gian làm công việc này.
Đọc hết bản dự thảo Thông tư, tôi nhận thấy Bộ GD&ĐT có quy định cụ thể về điểm kiểm tra đánh giá (KTĐG) thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ. Đặc biệt là, Bộ chấp nhận hình thức kiểm tra qua máy tính, bài tập hỏi đáp, chứ không phải chỉ một kiểu làm bài kiểm tra viết.
Bộ cũng chú ý đến việc đánh giá HS khuyết tật và đưa ra những quy định để động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của các em. Chẳng hạn như những môn HS khuyết tật được miễn sẽ không KTĐG. Nhưng, các môn học hoặc hoạt động giáo dục HS khuyết tật không có khả năng đáp ứng yêu cầu, thì đánh giá theo kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân. Như vậy là cụ thể và rất tốt.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, dự thảo tiêu chí đánh giá, xếp loại học sinh do Bộ GD&ĐT xây dựng chưa khách quan.
Nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá HS bằng nhận xét là nhân văn nhưng làm sao đảm bảo công bằng khách quan khi có yếu tố cảm tính?
- Việc đặt ra vấn đề không khách quan là có. Bất cứ một nhận xét nào cũng đều có cảm tính. Nhưng ở đây chúng ta đặt ra hai vấn đề khác nhau. Thứ nhất, giáo viên phải quan tâm đến sự phát triển của học trò cả phẩm chất và năng lực mới là quan trọng. Giáo viên có thể lúc đầu chưa làm quen với cách đánh giá bằng nhận xét nhưng sau đó sẽ thay đổi dần, chứ không phải chỉ ghi chung chung là HS có tiến bộ.
Nhưng để đảm bảo quyền lợi của HS, Bộ GD&ĐT nên cần đưa thêm quy định: HS được quyền khiếu nại với những nhận xét của thầy cô mà em đó cảm thấy chưa thật đúng, thỏa đáng. Như thế sẽ khách quan, đảm bảo quyền dân chủ của người học; tránh được tình trạng giáo viên trù úm, thành kiến với học trò.
Với quy định, KTĐG định kỳ gồm giữa kỳ và cuối kỳ có đủ? Việc không giới hạn KTĐG thường xuyên, có dẫn đến trường lạm dụng khiến HS bị áp lực?
- Quy định KTĐG định kỳ gồm giữa kỳ và cuối kỳ là đủ vì có tính hệ số. Còn kiểm tra thường xuyên, Bộ GD&ĐT quy định rõ, môn học có 35 tiết trở xuống/năm học có 2 điểm KTĐG thường xuyên, từ 35 tiết đến 70 tiết có 3 điểm KTĐG thường xuyên, môn học từ 70 tiết trở lên có 4 điểm KTĐG thường xuyên.
Video đang HOT
Ở đây Bộ GD&ĐT cũng đặt vấn đề khuyến khích HS nếu các em làm bài KTĐG thường xuyên chưa đạt yêu cầu được phép làm lại, để lấy điểm tốt nhất. Cho dù Bộ không quy định số lần nhưng chúng ta không lo HS bị áp lực vì giáo viên cũng không thích thú kiểm tra nhiều. KTĐG thêm chỉ áp dụng phần lớn cho HS học kém để các em có cơ hội cải thiện điểm số.
Với yêu cầu thêm cách đánh giá, xếp loại HS bằng điểm số, giáo viên phải thay đổi thế nào?
- Quy định KTĐG HS bằng điểm số và nhận xét có tiến bộ nhưng giáo viên phải được làm quen để thực hiện; và có hướng dẫn cho giáo viên cách nhận xét rất cụ thể theo từng học kỳ, chứ không chỉ ghi chung chung. Thực tế, có những trường hợp giáo viên rất ngại khi nhận xét vào học bạ, chỉ ghi chung chung vài chữ loằng ngoằng như: Tiến bộ, đạt yêu cầu…
Xin cảm ơn ông!
Giáo viên sẵn sàng nhận xét học sinh nhưng lo 'chê thế nào cho đúng'
Nhiều giáo viên đồng tình với việc cần phải có sự kết hợp giữa nhận xét và cho điểm mới đảm bảo đánh giá đúng phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ lo ngại "không biết chê thế nào cho đúng".
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT đang được Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý là việc sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết các môn học.
Theo Bộ GD-ĐT, sự đổi mới của hoạt động kiểm tra, đánh giá này sẽ giúp phát triển phẩm chất, năng lực và tạo động lực cho sự tiến bộ của người học.
Nhiều ưu điểm nếu "làm đúng"
Trước những thay đổi này, cô giáo Nguyễn Nguyệt Minh, Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình bởi theo cô, đây là cách giúp học trò nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
"Nếu giáo viên chỉ đánh giá học sinh bằng những con số thì học trò sẽ không biết mình đang đứng ở đâu. Nhưng nếu kết hợp song song giữa điểm số và nhận xét thì học sinh sẽ biết mình còn đang yếu điểm nào để cải thiện. Đó là chưa kể, trong những nhận xét ấy, giáo viên có thể đưa ra lời động viên giúp học sinh có tinh thần và động lực học tập. Đây là ưu điểm lớn nhất nếu áp dụng phương pháp đánh giá này", cô Minh nói.
Giáo viên sẵn sàng nhận xét học sinh nhưng lo "chê thế nào cho đúng" (Ảnh: Thúy Nga)
Cho rằng điều học sinh muốn nhận về chính là những nhận xét thay vì điểm số đơn thuần, thời gian qua, cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) đã áp dụng hình thức chấm điểm đi kèm với những lời nhận xét. Nhờ vậy học sinh của cô đã cảm nhận được giá trị của mỗi bài kiểm tra bởi sau đó, các em biết điều gì mình còn chưa đạt.
Mặc dù cho rằng giáo viên sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn nhưng theo cô Quỳnh Anh, xét về lâu dài, học sinh được lợi hơn rất nhiều. "Các em sẽ có những lời động viên, khích lệ khi làm tốt và phát hiện ra lỗi sai để không mắc lại lần sau".
Là giáo viên dạy môn Lịch sử và Giáo dục công dân trong trường THCS, thầy giáo Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa) cho rằng, việc kiểm tra đánh giá học sinh chỉ bằng điểm số không phản ánh được toàn diện năng lực và thiếu tính khích lệ học sinh.
"Với việc kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kì bằng bài viết, đa phần học sinh chỉ cần chăm học bài là có thể làm được. Điều này chỉ đánh giá dựa trên việc nhận biết, thông hiểu là chính, còn việc vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống rất hạn chế".
Qua thực tế giảng dạy môn Giáo dục công dân, tôi nhận thấy nhiều học sinh làm bài kiểm tra viết điểm số 9, 10 nhưng trong giao tiếp ứng xử, kỹ năng sống rất hạn chế.
Khi dạy bài Tự Chủ, Giáo dục công dân-9, học sinh đều trả lời tốt: "Tự chủ là làm chủ bản thân. Người biết tự chủ là làm chủ được suy nghĩ, tình cảm, hành vi của mình trong mọi tình huống...". Tuy nhiên khi tan học ra về lại tham gia đánh nhau... Như vậy giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng trống cần phải san lấp. Do đó, nên đánh giá học sinh căn cứ trên thái độ hành vi và điểm số mới đảm bảo được sự công bằng trong giáo dục nói chung và trong đánh giá học sinh nói riêng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lực
Thầy Lực đưa ra ví dụ về một tiết dạy của mình: "Khi tôi hỏi các em học sinh lớp 9: "Em cho biết sự kiện lịch sử nào đánh dấu thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đạt đến đỉnh cao?" thì không học sinh nào trả lời được. Tôi tiếp tục gợi ý, đó là ngày lễ Quốc khánh của nước ta, các em cũng lặng thinh. Tôi kết luận là học sinh không quan tâm chứ câu hỏi này không khó vì tôi mới dạy các em tiết học liền trước.
Nếu vận dụng đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét thì dễ dàng nhận xét thái độ học tập của học sinh là "chưa tập trung trong giờ học", còn chỉ bằng điểm số thì mới đánh giá về mặt nhận thức kiến thức (tái hiện, nhận biết)".
Thầy Lực cũng cho rằng, nếu kết hợp hai hình thức nhận xét và điểm số trong việc đánh giá học sinh thì tỉ lệ nên là 50/50. Ngoài ra, việc kiểm tra bằng điểm số không nên tập trung nhiều vào việc nhận biết, thông hiểu mà cần chú trọng việc vận dụng kiến thức bài học để giải quyết một tình huống, vấn đề cụ thể của cuộc sống.
Cần chê thế nào cho đúng?
Mặc dù nhận thấy những điểm được khi kết hợp giữa đánh giá bằng điểm số với nhận xét, nhưng nhiều giáo viên vẫn bày tỏ sự băn khoăn nếu áp dụng phương thức này.
Là giáo viên dạy Âm nhạc của một trường cấp 2, cô giáo Nguyễn Như Huyền (Thái Bình) lo lắng khi bản thân không chỉ dạy một lớp mà phải dạy hai khối lớp. "Với số lớp như vậy, nếu để nhận xét hàng trăm học sinh thì không thể nào đạt được hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, muốn nhận xét tỉ mỉ, giáo viên cũng phải theo dõi các em trong suốt cả buổi học".
Ngoài ra, theo cô Huyền, bản thân giáo viên cũng cảm thấy rất khó khi phải... chê học trò thế nào cho đúng. "Việc viết những lời lẽ khích lệ thì không quá phức tạp, nhưng khi học sinh làm chưa đạt yêu cầu, rất khó để nhận xét bằng lời sao cho lời lẽ ấy không làm các em mất động lực và hứng thú học tập. Do đó, giáo viên cũng không thể viết tùy tiện được".
Trong khi đó, thầy Nguyễn Thế Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội) lại cho rằng, việc viết những lời nhận xét ra sao không phải là điều quá khó khăn.
"Đôi khi, không phải cứ nhận xét dài dòng đã là hiệu quả. Nếu giáo viên thực sự hiểu học trò thì có thể nhận xét ngắn gọn mà vẫn trúng và hiệu quả. Ví dụ như môn Âm nhạc, thậm chí giáo viên có thể nhận xét, đánh giá trực tiếp qua lời nói mà không cần phải bằng chữ viết.
"Giọng con cần dứt khoát, mạnh mẽ hơn nữa", "Tốt lắm, đã tiến bộ hơn rất nhiều rồi"... Những lời nhận xét trực tiếp trước cả lớp như thế cũng sẽ tạo động lực cho học sinh. Đôi khi với những em không thực sự có năng khiếu, giáo viên có thể đặt ra yêu cầu thấp hơn. Nếu bản thân các em có sự cố gắng hơn so với chính mình trước đó thì cô giáo có thể nhận xét, tuyên dương. Đây là biện pháp nêu gương, kích thích, động viên. Điều này nếu chỉ bằng điểm số sẽ không thể làm được", thầy Hảo nói.
Ngoài ra, vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, nếu chỉ nhìn vào điểm số, phụ huynh cũng không thể đánh giá được con mình đang còn lỗ hổng nào. Như vậy, với cách đánh giá này, phụ huynh và giáo viên có thể cùng tương tác và tham gia vào việc giáo dục học trò. Phần nhận xét sẽ bổ sung vào những thứ mà điểm số không thể thể hiện được rõ ràng. Như vậy, phần xét sẽ thiên về định tính, còn đánh giá bằng điểm số sẽ định lượng hơn.
"Tôi cho rằng cách đánh giá bằng điểm số mới phản ánh đúng thực chất lực học của các con. Việc giáo viên phải nhận xét quá nhiều học sinh dẫn đến công việc quá tải, thầy cô chỉ nhận xét cảm tính, hời hợt, đôi khi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh".
(Chị Lê Thị Lý, phụ huynh học sinh lớp 7, Thái Bình)
"Nếu chỉ đánh giá bằng điểm số và vài ba dòng nhận xét trong học bạ thì rất chung chung. Tôi rất muốn biết con mình còn yếu ở chỗ nào, môn nào, như thế mới có thể hỗ trợ con được. Tôi đồng tình với việc nhận xét kết hợp với cho điểm".
(Anh Lê Ngọc Hải, phụ huynh học sinh lớp 9, Hà Nội)
"Tôi đồng tình với cách đánh giá này bởi bản thân con cũng sẽ không còn quá áp lực về điểm số. Ngoài ra, con cũng biết mình còn thiếu sót ở điểm nào để nỗ lực khắc phục".
(Chị Mai Hải Tình, phụ huynh học sinh lớp 6, Hà Nội)
Nở rộ dịch vụ học hộ, thi hộ trực tuyến tại Trung Quốc Học trực tuyến đem tới nhiều cái lợi trong mùa dịch nhưng nó cũng làm nảy sinh nhiều tiêu cực, ví dụ như học sinh không tập trung, vote ứng dụng học 1 sao hay nhiều học sinh thậm chí còn thuê người thi hộ trực tuyến. Đó là câu chuyện đang xảy ra tại nhiều lớp học trực tuyến ở Trung Quốc....