TS. Hoàng Ngọc Vinh: ‘Phải dạy và học ra những giá trị thật, để văn bằng thực sự là giấy thông hành suốt cuộc đời’
Đề cập đến vấn đề học thật, thi thật, nhân tài thật, TS. Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm, phải dạy ra những giá trị thật tương xứng với sự đầu tư về sức người, sức của, làm cho văn bằng thực sự là giấy thông hành suốt cuộc đời của người học…
TS. Hoàng Ngọc Vinh nhận định, phải dạy và học để ra những giá trị thật, để văn bằng là giấy thông hành suốt cuộc đời.
“Học thật, thi thật để có nhân tài thật” là từ khóa, cũng là bài toán mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc vào đầu tháng 5. Quan điểm của ông ra sao về một nền giáo dục thực chất, “học thật, thi thật” để ra những sản phẩm giáo dục thật?
Nền giáo dục thực chất là nền giáo dục ở đó con người được tiếp nhận những giá trị thực và mang những giá trị thực đó phục vụ cho cuộc sống trước hết của bản thân và sau là gia đình và xã hội một cách hiệu quả. Nói cách khác, giáo dục giúp con người hoàn thiện nhân cách, năng lực của mình theo những chuẩn mực chung của xã hội loài người như trung thực, nhân ái, dân chủ, bình đẳng, trách nhiệm với cộng đồng… và có khả năng độc lập, tự chủ, trách nhiệm với nghề nghiệp của mình và với tổ chức của mình.
Nói như vậy, những gì trong giáo dục không giúp cho con người hoàn thiện các giá trị đúng đắn mà lại cung cấp những giá trị lệch lạc là nền giáo dục giả. Việc học hay dạy trong nhà trường cũng thế, tức là cũng phải dạy ra những giá trị thật tương xứng với sự đầu tư về sức người, sức của. Từ đó, làm cho văn bằng thực sự là “giấy thông hành” suốt cuộc đời của mình, tạo niềm tin cho người sử dụng yên tâm với những giá trị kết tinh trong văn bằng khẳng định học vấn của mình.
Muốn học thật, dạy thật, có nhân tài thật thì phải bắt đầu từ đâu?
Câu hỏi thì đơn giản nhưng vấn đề lại khá phức tạp, phụ thuộc quá nhiều yếu tố từ bên trong môi trường học tập và bên ngoài từ thị trường lao động và xã hội.
Về bên trong môi trường học tập, là những yếu tố như học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, cán bộ quản lý (phẩm chất và năng lực), tài chính cho giáo dục (học phí, đầu tư tài chính…), chương trình giáo dục, thể chế giáo dục (các quy định và tổ chức hệ thống), hệ thống trợ giúp học sinh – sinh viên (HSSV), hệ thống đánh giá, văn hóa trường học…
Những yếu tố bên ngoài nhà trường, như thị trường lao động (tuyển dụng), đãi ngộ, thể chế thị trường, văn hóa đạo đức xã hội, phụ huynh…
Nói bắt đầu từ đâu, tôi nghĩ nên cân chọn các yếu tố, xem yếu tố nào tác động mạnh nhất đến việc học thật, dạy thật thì thấy rằng HSSV, đội ngũ giáo viên là những nhân tố rất quan trọng để có sản phẩm thật.
Nếu HSSV và giáo viên lại “hợp đồng” với nhau cùng tạo ra một sản phẩm giáo dục dễ dãi, dạy và học “được chăng hay chớ”, thi kiểm tra đánh giá thiếu các chuẩn mực sẽ chẳng bao giờ có học thật và dạy thật cả.
Ngoài ra, thị trường lao động là yếu tố đầu ra rất quan trọng để tác động trở lại việc dạy và học trong nhà trường. Ví dụ, dựa vào sự quen biết và chạy chọt để kiếm công ăn việc làm trong bộ máy công chức viên chức sẽ góp phần hủy hoại chính nền giáo dục.
Video đang HOT
Theo ông, việc học thật, thi thật trong nhà trường đang gặp những bất cập, rào cản nào?
Hãy xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến học thật thì sẽ thấy các rào cản nằm ở động cơ và mục đích học tập của HSSV. Nếu HSSV không tự giác học tập và rèn luyện thì có hô khẩu hiệu “học thực” mà không có giải pháp cũng chỉ ở khẩu hiệu thôi.
Cùng với đó, chương trình giáo dục (có những nội dung không mấy ý nghĩa trong việc làm gia tăng giá trị cho người học, hoặc quá tải khiến cho người học chán học). Tài chính giáo dục không đủ lập tức nhà trường sẽ tăng số hssv/gv, lấy quy mô bù vào chất lượng, cắt bớt thời lượng thực tập, máy móc thiết bị thiếu phải học “chay”, hoặc học phí quá thấp đừng mong có chất lượng thực như kỳ vọng.
Còn làm gì để dạy thật, trước hết phải là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, năng lực và trình độ sư phạm. Giáo viên mà phẩm chất kém, thiếu bản lĩnh trung thực trong đánh giá HSSV, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm yếu sẽ ảnh hưởng đến động cơ học tập của HSSV.
Đồng thời, nếu phẩm chất kém, dạy học “kiểu sống chết mặc bay” hoặc cứ có đút lót của người học là nhắm mắt làm ngơ sai phạm của HSSV trong quá trình dạy học hoặc thi kiểm tra đánh giá là làm hại họ hơn là giúp họ học thật. Nhất là, do lợi ích cục bộ thu được có thể do hạ thấp mức chất lượng giáo dục như các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang là nguồn thu khá lớn ở các trường nhờ tăng quy mô học viên, buông lỏng kiểm soát chất lượng. Đây cũng là những rào cản do cơn khát tài chính mang đến khiến dư luận không an tâm.
Ngoài ra, những vấn đề về quản lý giáo dục cũng là rào cản không nhỏ liên quan đến các bệnh thi đua hình thức, trường chuẩn… động cơ chính trị của người làm công tác quản lý trường học sợ bị cấp trên đánh giá năng lực yếu nên thả lỏng kiểm soát chất lượng, lo “mất ghế” rồi văn hóa ganh đua chạy theo các giá trị ảo (không giúp cải thiện giá trị người học) giữa lớp này với lớp khác, trường này với trường khác, giữa địa phương này với địa phương khác…
Thứ đến là thị trường tuyển dụng, những người học thật, có năng lực thật chưa chắc đã được tuyển dụng hoặc được bổ nhiệm. Ngược lại, con cái những gia đình giàu có hoặc có vai vế trong xã hội thì thường có sự ưu ái hơn, khiến động lực học tập của một bộ phận sinh viên giảm sút… Một thị trường tuyển dụng hoặc bổ nhiệm thiếu minh bạch chắn chắn sẽ khó tạo ra nhân tài và sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của rất nhiều bạn trẻ.
Để dạy thật, trước hết phải là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, năng lực và trình độ sư phạm.
Ông có hiến kế gì cho Bộ GD&ĐT trong việc đưa ra giải pháp để giải bài toán mà Thủ tướng đã đặt ra và kỳ vọng?
Tôi thấy Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời trên phương tiện truyền thông đại chúng như vậy khá là đủ rồi. Vấn đề bây giờ là làm sao để cả hệ thống giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung có được sự đồng thuận ủng hộ Bộ trưởng hành động quyết liệt, đừng ngại va chạm.
“Thuốc đắng dã tật”, có thể hệ thống sẽ bị đau đớn, có thể lãnh đạo vài địa phương nào đó cảm thấy “mất mặt” nếu thi, kiểm tra đánh giá thực chất. Nhưng nhờ có thi, kiểm tra đánh giá thực chất thì người ta mới biết “bệnh tật” có căn nguyên ở đâu. Nếu việc đo lượng và đánh giá không chuẩn, sẽ rất khó chẩn đoán bệnh cũng như nguyên nhân gì.
Bên cạnh đó, rất cần đổi mới thể chế giáo dục làm sao để nâng cao tự chủ cho nhà trường và trách nhiệm giải trình về việc học của HSSV không chỉ đối với nhà trường chung chung mà cả với mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý và kể cả lãnh đạo quản lý địa phương, bộ ngành.
Cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ giáo viên trước hết phải làm gương cho việc học thật, để chứng tỏ mình là nhân tài thật được xã hội tôn trọng. Ở đây, cần xác định và thực thi trách nhiệm của người đứng đầu với giáo dục. Như vậy, phải có sự sàng lọc những cán bộ giáo viên yếu kém ra khỏi ngành, kể cả ở cơ quan đầu não của ngành cho đến địa phương và các địa phương phải xắn tay cùng ngành giáo dục làm cho được.
Điểm cuối cùng, sự học có thể diễn ra học chính quy, không chính quy và phi chính quy. Nếu bản thân người học trung thực, khiêm tốn, ham học hỏi thì sự học thật không nhất thiết phải học trong nhà trường mới là học.
Học qua trải nghiệm, học lẫn nhau trong một cộng đồng, nhất là ngày nay công nghệ học tập rất phong phú cũng là cơ hội để học thật. Việc còn lại của cơ quan quản lý là thiết kế chính sách và kỹ thuật đo lường để công nhận quá trình học trước của người học trong một nền giáo dục mở.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.
Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học. Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học.
Để học thật trước hết là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại không “ngồi nhầm lớp”, luận án không chất lượng thì không cho qua…
Nhân tố nào quyết định "học thật, thi thật, có nhân tài thật"?
Từ những ngày đầu trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành quan tâm lớn cho giáo dục. Thông điệp "học thật, thi thật, có nhân tài thật" của ông đã tác động lớn tới suy nghĩ, hành động của các nhà giáo.
Thầy và trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: NVCC)
Là người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, với các vị trí từ giáo viên đến quản lý, Thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng chia sẻ: Với cương vị nhà quản lý giáo dục, tôi rất tâm đắc với 3 từ chìa khóa trong thông điệp của Thủ tướng và cũng kỳ vọng những điều này sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện còn khi những chìa khóa ấy trao tay các thầy cô thì không hề đơn giản.
"Theo tôi, muốn "tam thật" thành hiện thực thì phải có sự "đồng lòng, đồng sức, đồng lực" của cả xã hội. Trước hết phải dũng cảm nhìn thẳng vào những tồn tại yếu kém của cả ngành, phải cắt bỏ khối U ác tính "thành tích" đã tồn tại quá lâu trong cả xã hội", thầy Quý nói.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý.
Xác định, để giáo dục chuyển mình và phát triển bền vững, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bởi vậy, thầy Quý trăn trở trước câu hỏi: Ai sẽ tiên phong làm điều này , trong 4 thành tố quan trọng tham gia vào quá trình giáo dục học sinh?
Cha mẹ học sinh: Chắc chắn họ không thể tiên phong được, vì họ phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá, sử dụng con người của cả xã hội. Nếu có sự thay đổi thì họ sẽ thay đổi.
Học trò: Từ cấp học dưới, các trò cần được giáo dục để phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, kỹ năng, các em cần thấu hiểu - việc học là cho mình, học vì sự tiến bộ của bản thân các em chứ không phải học vì điểm, học vì sự ganh đua hay học để đối phó với các bài kiểm tra, học để thi vượt cấp...
Chúng ta cần một thế hệ học trò có động lực phấn đấu thực sự trong học tập để làm người. Thực tế lâu nay với dòng chảy êm đềm, miệt mài của dòng sông giáo dục, rất nhiều học trò của chúng ta đã trở thành những rô-bốt hiện đại, trở thành là những con số để báo cáo thành tích, do đó theo tôi, là sản phẩm của quá trình giáo dục nên không thể trông chờ các em thay đổi tiên phong được.
Thầy cô: Xét đơn thuần, thầy cô là người truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò, là những viên chức trong ngành giáo dục, thầy cô cũng phải mưu sinh để sống chứ không thể trông cậy vào đồng lương ít ỏi. Bản thân thầy cô cũng chịu áp lực thành tích bởi các bậc CMHS, bởi nhà trường và cả xã hội. Họ sẵn sàng thay đổi, nhưng họ chờ đợi sự thay đổi từ cấp trên, từ sự thay đổi của xã hội.
Các nhà cán bộ quản lý giáo dục: Là những người trước tiên nhìn thấy những hạn chế, tồn tại của công việc đang làm, nhưng họ không dám thay đổi vì họ sợ: Sợ thất bại, sợ mất chức, sợ cô độc, sợ sự dè bỉu... Họ chờ đợi sự thay đổi lớn, tổng thể để chuyển mình. Cán bộ quản lý (CBQL) cấp dưới nhìn CBQL cấp trên, CBQL cấp Trường nhìn cấp Phòng, cấp Phòng nhìn cấp Sở, cấp Sở nhìn cấp Bộ, cấp Bộ nhìn như thế nào: nhìn lên cấp cao hơn để chờ đợi một cơ chế, để giáo dục là quốc sách thực sự? Nhìn sang bên các bộ ngành, các UBND tỉnh, thành phố chờ đồng hành? Nhìn xuống dưới chờ đợi những chuyển động...?
Học trò, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo là những nhân tố quan trọng nằm trong guồng máy của giáo dục, nhưng họ không thể quyết định để guồng máy ấy chạy như thế nào cho đúng hướng.
"Người đứng đầu Chính phủ đã khơi nguồn cho 3 chìa khóa, nhưng:
Ai là người dũng cảm thay đổi những trì trệ, yếu kém?
Ai là người đứng ra bảo vệ những người dám thay đổi đó?
Ai là người tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho sự thay đổi sâu rộng trong các nhà trường, trong ngành GD, trong cả xã hội để "học thật, thi thật và có nhân tài thật"?
Để guồng máy ấy chạy đúng hướng, thiết nghĩ, những nhà quản lý giáo dục từ các nhà trường, cao hơn nữa là cấp Phòng, cấp Sở, cấp Bộ cần dũng cảm thay đổi, với sự tin tưởng, ủng hộ, trao quyền của lãnh đạo Đảng và Nhà nước và chính quyền các cấp. Khi đã rõ định hướng và tiên phong đổi mới theo mục tiêu, chắc chắn CBQL giáo dục sẽ không đơn độc. Và dù làm được một điều, hay hai điều từ tâm huyết và sự đồng lòng thì giáo dục sẽ thay đổi tích cực và mang lại những hi vọng mới về một Việt Nam sẽ hùng cường, phát triển" - Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý.
Hãy nhìn cách đối xử với người thầy Chỉ đạo "Học thật, thi thật, nhân tài thật" của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thu hút nhiều ý kiến tán đồng và bình luận. Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) tặng hoa cho cô giáo chúc mừng Ngày nhà giáo VN - Ảnh: NHƯ HÙNG Vài chục năm qua, mỗi khi chủ đề về thi cử...