TS Giáp Văn Dương: Có sách giáo khoa mới, nhưng vẫn cần triết lý giáo dục tường minh
Tiến sĩ Giáp Văn Dương là cử nhân Đại học Bách Khoa Hà Nội sau đó lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo) năm 2013.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương có nhiều năm học tập, làm việc và nghiên cứu về các vấn đề giáo dục cả trong và ngoài nước. Hiện anh đang công tác tại một trường tư thục ở Hà Nội.
TS Giáp Văn Dương
Ngày Nay đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Giáp Văn Dương về 5 bộ sách giáo khoa lớp một mới của Việt Nam vừa được phát hành.
Phóng viên (PV): Năm nay, 5 bộ sách giáo khoa mới dành cho Lớp 1 chính thức đượ c đưa vào giảng dạy. Các địa phương có thể tuỳ chọn bộ sách phù hợp nhất. A nh nhìn nhận sự kiện đặc biệt này như thế nào?
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Là một người làm giáo dục, đang trực tiếp làm việc tại một trường tư thục tại Hà Nội, tôi rất vui vì năm nay có 5 bộ sách giáo khoa (SGK) được đưa vào sử dụng. Nói nôm na thì năm nay có năm món để các trường chọn, thay vì chỉ một món như mọi năm. Như thế là vui, là tốt hơn rất nhiều (cười).
Chất lượng các bộ SGK năm nay cũng hơn hẳn các năm trước. Không chỉ về nội dung, mà hình thức cũng đẹp hơn. Tuy còn xa mới được đẹp như SGK của các nước, nhưng như vậy cũng đã cải thiện rất nhiều. Xin lưu ý, sách đẹp rất quan trọng. Muốn trẻ thích học, thì sách phải đẹp. SGK của ta trước đây, và hiện vẫn tiếp tục sử dụng cho khối 2 trở lên, in ấn và minh họa quá xấu.
Trong thời đại cạnh tranh của đủ loại media và truyện tranh, thì SGK lại càng phải đẹp thì mới thu hút được trẻ học. Tôi phát hiện ra điều này khi thấy con mình trước đây rất thích mang sách ra tự học khi còn ở nước ngoài, nhưng về VN thì không thế nữa. Hỏi tại sao, thì con nói vì sách quá xấu.
Vì thế, khi cầm các bộ SGK của Lớp 1 năm nay trên tay, tôi rất vui, và hy vọng đó là một cú hích quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục trong những năm tới.
PV: Tôi cũng là một phụ huynh học sinh, thú thực khi nhìn vào số lượng đầu sách, tôi thấy có mừng nhưng cũng thấy băn khoăn. Sách nhiều quá, có 8 môn, 9 quyển. Năm nay có cả sách dạy thể chất, dạy Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức… Liệu với đầu sách như thế, khối lượng lý thuyết nhiều như thế, học sinh lớp một có kịp đọc hết không ?
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Nói chung, số lượng đầu sách cho mỗi bộ cũng không nhiều hơn các năm trước. Lý do là các bộ sách cần phải tải đủ chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành. Số lượng các môn là cố định.
Nội dung cơ bản cũng như vậy. Nếu có đầu sách nào trước đây không có, như đầu sách về hoạt động trải nghiệm hay giáo dục thể chất chẳng hạn, thì là do trước đây thiếu. Vì thế, năm nay có các đầu sách này sẽ có thêm lựa chọn cho giáo viên tham khảo. Không nên lo lắng, băn khoăn vì nhìn chung trẻ em thích học bằng cách xem hình vẽ, mà hình vẽ khá đẹp nên đây là một điều tốt cho trẻ.
Việc chọn sách năm nay cũng có một chi tiết thú vị, đó là: Với khối tư thục thì các trường có thể chọn sách cho riêng mình nên mỗi trường có thể chọn một bộ, hoặc kết hợp các đầu sách hay của các bộ khác nhau. Riêng với trường công thì việc chọn sách có thể chịu nhiều ràng buộc hơn nên không được tự do nhu trường tư. Nhưng về đại thể, nếu thực đơn có nhiều món để chọn thì tất nhiên vẫn vui hơn là chỉ có một món phải không nào?
PV: Được biết anh đang công tác tại một trường tư thục, hiện nay, trường c ủa anh sử dụng sách giáo khoa như thế nào, có sự khác nhau căn bản nào giữa SGK của trường tư thục so và SGK của trường công lập tại Việt Nam?
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Tôi hiện làm việc tại Trường Tiểu học Times School. Chúng tôi chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” làm SGK cho Lớp 1 năm học mới. Đây là bộ sách được chúng tôi đánh giá cao, và tin tưởng sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra chất lượng giáo dục trong năm học mới.
Trên nguyên tắc, trường tư thục và công lập đều có tự do như nhau trong việc thẩm định và lựa chọn SGK. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, thì mức độ tự do có thể có khác nhau. Với chúng tôi, mục tiêu chọn được một bộ sách tốt, phù hợp với triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi, phương pháp giáo dục của nhà trường là quan trọng nhất.
Tôi hy vọng cơ chế này sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm sau để tránh việc áp đặt chọn SGK từ các cơ quan chủ quản xuống, vì suy cho cùng, chỉ nhà trường và các thầy cô mới có thể đánh giá chính xác nhất đâu là bộ sách tốt nhất, phù hợp nhất với trường mình.
PV: Tại các quốc gia nước ngoài anh đã tới để học tập, nghiên cứu và cho con em mình theo học, anh thấy sách giáo khoa của họ có ưu, nhược điểm gì so với SGK Việt Nam?
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: SGK của nước ngoài, ít nhất là ở những nơi tôi đã sống và làm việc, nhìn chung đều vượt trội cả về nội dung và hình thức so với SGK của chúng ta. Lý do thật đơn giản, đó là các nước có nền kinh tế, khoa học, giáo dục… phát triển hơn chúng ta. Nói cách khác, mặt bằng chung của họ cao hơn, nên SGK cũng tốt hơn và đẹp hơn. Nhờ đó mà nội dung SGK cập nhật, hiện đại, khoa học. Minh họa và in ấn cũng đẹp hơn rất nhiều.
Tôi có thể minh họa điều này bằng một chi tiết rất nhỏ mà ít người để ý: Chúng ta hiện rất khó làm sách giáo khoa đẹp và tốt, vì kho ảnh chất lượng dùng để minh họa cho sách hầu như không có. Hình minh họa của ta chủ yếu là hình đồ họa, hoặc ảnh chất lượng thấp, nhiều khi chỉ ở mức minh họa cho có, chứ không phải là những hình ảnh sống động, chân thực. Nhiều lúc tôi nghĩ, không biết cho đến khi nào mình mới có được kho ảnh, kho tư liệu đủ để làm ra các bộ SGK đẹp như của họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là họ có tự do học thuật thực sự, có nhiều bộ SGK để nhà trường và giáo viên lựa chọn khi giảng dạy. Chính yếu tố này làm ra sự khác biệt về chất lượng các bộ SGK, và xa hơn là chất lượng giáo dục.
PV: Bộ GD-ĐT đã mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để cho ra đời những bộ SGK mới cho từng cấp học. Theo anh, việc ra đời SGK mới có thể thay đổi được thực trạng dạy và học tại Việt Nam hay không?
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: SGK chỉ là một phần nhỏ trong việc tạo ra chất lượng giáo dục. Phần quyết định nằm ở các nội dung còn quan trọng hơn cả SGK, triết lý giáo dục và hệ giá trị mà nhà trường theo đuổi, chất lượng của đội ngũ giáo viên, tinh thần và phương pháp giáo dục chủ đạo, hành chính giáo dục, mô hình tổ chức và quản trị trường học, cách thức thi cử…
Với tôi, tất cả các điều này đều quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả SGK trong việc tạo ra chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các nội dung này, cái thì vô hình, cái thì quá khó để thay đổi, hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành giáo dục, nên tất cả đổ dồn cho SGK.
Vì lẽ đó, tôi cho rằng, với sự ra đời của các SGK mới, chất lượng giáo dục có cải thiện nhưng không có đột phá khi các yếu tố còn lại hầu như không thay đổi. Đơn cử như nếu cách thức thi cử không thay đổi thì cách dạy, cách học sẽ vẫn giữ nguyên như cũ.
Chúng ta có truyền thống học để thi, nên thi gì học nấy. Nếu thi vẫn như cũ, thì học cũng sẽ vẫn như cũ. Mà quan sát của tôi cho thấy cách thức thi cử hiện nay không tốt hơn ngày xưa, nhiều khía cạnh còn thụt lùi khi tìm cách thi trắc nghiệm những nội dung không thể trắc nghiệm.
PV: Anh đã từng viết nhiều về sự bế tắc của giáo dục cũng như triết lý giáo dục dường như không tồn tại ở Việt Nam? Theo anh khi bộ SGK mới ra đời, nó có thay đổi được triết lý giáo dục hay không?
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Triết lý giáo dục rất quan trọng, vì nó trả lời thẳng thừng vào câu hỏi: Chúng ta định đào tạo con người nào? Chỉ khi nào có một triết lý giáo dục đúng đắn dẫn dắt, thì các hoạt động giáo dục mới trở nên có ý nghĩa và có tính hướng đích.
Khi đó, thầy sẽ biết rất rõ sản phẩm mình sẽ đào tạo ra cần có những phẩm tính gì, và làm thế nào để đạt được điều ấy. Trò cũng biết rất rõ học thế nào và học để làm gì. Nhà trường, và rộng hơn là cả hệ thống giáo dục, sẽ biết cách tổ chức và vận hành làm sao để hiện thực hóa được triết lý giáo dục mà mình đã lựa chọn.
Tuy nhiên, hiện giờ thì triết lý giáo dục là một sự bế tắc và một cơn đau đầu kinh niên của giáo dục Việt Nam. Đau đầu và bế tắc không phải vì không ai biết bệnh, mà vì không dám gọi tên một cách tường minh và tìm cách chữa trị nó. Vì thế, những cải cách trong mấy chục năm qua cứ quẩn quanh giậm chân tại chỗ.
Điều này cũng giống như một người không có triết lý và giá trị sống, nên không biết sống để làm gì và mất định hướng trong việc ra các quyết định quan trọng. Hệ quả là cứ chạy theo sự vụ và dư luận để đối phó và phản ứng.
Trong hoàn cảnh như thế, sự ra đời của các bộ SGK lớp một mới là một cố gắng cần ghi nhận, nhưng tạo ra những phát triển đột phá trong giáo dục thì cần nhiều nỗ lực hơn thế, mà xác lập một triết lý giáo dục tường minh và đúng đắn để dẫn dắt là một trong những công việc cần phải làm.
Chỉ e là do né tránh, không dám đối mặt với vấn đề căn cốt này, nên triết lý giáo dục sẽ còn tiếp tục bị bỏ ngỏ trong thời gian tới. Khi đó, các bộ SGK mới sẽ chỉ như một nỗ lực chắp vá trong cải cách giáo dục. Thậm chí, tự do lựa chọn bộ SGK mới cho các trường như hiện giờ cũng sẽ bị đe dọa.
PV: Xin trân trọng cám ơn anh!
Gánh nặng các khoản chi đầu năm học
Năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, ngoài sách giáo khoa mới, học sinh lớp 1 phải mua thêm dụng cụ học tập đi kèm, cùng nhiều khoản chi phí khác nên mới đầu năm học phụ huynh đã 'choáng' với tiền sách vở của con.
Học sinh xem sách tham khảo lớp 1 tại một nhà sách ở TP.HCM - ẢNH: NGUYỄN LOAN
"Nhà nghèo thì không cho con đi học nổi"
Có con học tại Trường tiểu học Hồ Văn Thanh (Q.12, TP.HCM), anh N.V.L cho biết dù gia đình đã biết trước năm nay học sinh (HS) lớp 1 sẽ học theo chương trình mới với bộ sách giáo khoa (SGK) mới nhưng không nghĩ giá sách lại cao đến vậy.
Từ khi làm hồ sơ nhập học cho con, anh L. đã được giáo viên hướng dẫn đăng ký mua SGK, bài tập và bộ dụng cụ học tập cho con. Khi con nhập học, anh và nhiều phụ huynh khác không khỏi bất ngờ vì tiền sách quá nhiều.
Cụ thể, ngay ngày làm hồ sơ nhập học, anh N.V.L đã được giáo viên hướng dẫn vào thư viện của trường mua nguyên bộ SGK, sách tiếng Anh và bộ dụng cụ học tập với giá 756.000 đồng. Anh còn mua thêm một số đồ dùng cần thiết khác như: phấn, bảng, 5 cuốn vở... với giá 101.000 đồng. Như vậy tổng tiền sách và đồ dùng học tập ban đầu đã là 857.000 đồng.
Các bộ dụng cụ, thiết bị dạy học khác phụ huynh không nhất thiết phải mua nếu không có điều kiện vì không bắt buộc. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường khi bán SGK cho phụ huynh thì liệt kê chi tiết giá, còn các tài liệu tham khảo khác thì không được bán kèm với SGK
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Cũng theo phụ huynh này, đây chỉ là chi phí cơ bản ban đầu. Con vào lớp 1 vợ chồng anh còn phải chi tiền mua sắm nhiều vật dụng khác như: cặp sách, áo quần đồng phục, trang bị bình nước riêng...
"Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, với con em công nhân thì chúng tôi cố gắng tiết kiệm tối đa, nhưng chi phí đầu năm học cũng đã đi đứt 2 - 3 triệu đồng, chưa kể vài tuần nữa khi con học ổn định, các trường bắt đầu họp phụ huynh và sẽ có thêm nhiều khoản thu khác nữa như tiền học thêm tiếng Anh, tiền bán trú, tiền điện...", anh N.V.L lo lắng về các khoản thu sắp tới.
Tương tự, có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.12), chị H.T.H cho biết khi làm thủ tục nhập học cho con chị cũng đã mua SGK, bộ dụng cụ học tập, bao bì bọc sách, nhãn... với giá 580.000 đồng. Tuy nhiên, giá này chưa bao gồm giá bộ sách tiếng Anh (khoảng 150.000 đồng).
"Trường chưa bán SGK tiếng Anh nên phụ huynh có thể phải mua ngoài. Tính tổng tiền sách vở đầu năm cũng dao động từ 700.000 - 900.000 đồng. Chưa kể tiền áo quần, cặp sách, giày dép... Mới đầu năm học đã tốn kém như thế này, thì con nhà nghèo không đi học nổi", chị H.T.H nói.
Vợ chồng chị đều là dân ngoại tỉnh vào TP.HCM lập nghiệp, chưa có công việc ổn định, tất cả mọi chi phí đều do một mình chồng gánh vác nên với chị H.T.H việc xoay xở cho con đi học không hề dễ dàng.
Chị Ngô Hồng Thúy, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Tân Bình, TP.HCM), cũng cho biết không khỏi "choáng váng" khi đóng tiền mua sách cho con đầu năm học. Riêng tiền SGK, sách bài tập và bộ dụng cụ đầu năm học cũng đã gần 700.000 đồng. Chị cũng mua đồng phục cho con với giá 567.000 đồng.
"SGK lớp 1 hiện tại đắt gấp 3 - 4 lần so với chương trình cũ, và đắt hơn rất nhiều so với các khối lớp khác", chị Thúy nói thêm.
Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao với bảng liệt kê giá SGK lớp 1 với 23 đầu sách giá 807.000 đồng của Trường tiểu học An Phong, Q.8. Theo bảng liệt kê này, ngoài SGK, vở bài tập, sách tiếng Anh... còn có 10 cuốn tập trắng, bảng viết.
Thở phào nhẹ nhõm vì hàng ngàn học sinh đã được vào lớp 1
Không được bán tài liệu tham khảo kèm sách giáo khoa
Năm nay, HS lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới theo một trong 5 bộ SGK đã được phát hành do trường của mình lựa chọn. Theo công bố trước đó của các nhà xuất bản (NXB), giá của 5 bộ sách này không quá 200.000 đồng/bộ, tuy nhiên khi phụ huynh đăng ký mua sách, nhiều trường đã bán kèm bộ dụng cụ học tập cùng các tài liệu tham khảo khiến tổng giá tiền mua SGK đầu năm học bị đẩy lên cao. Ngoài ra, mỗi trường chọn một bộ sách khác nhau nên giá tiền mua sách ở các trường cũng có sự chênh lệch.
Khổ vì các loại "đồng phục"
Đầu năm học, không chỉ lo tiền trường mà phụ huynh còn "xoay vần" để tìm mua cho đủ SGK, mua đúng kiểu ba lô, đúng màu bìa bao tập...
Như bao nhiêu phụ huynh khác, chị Nguyễn Ngọc Phương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng con gái năm nay vào học lớp 6 đi mua SGK và chuẩn bị đồ dùng học tập. Chị Phương chia sẻ: "Hai mẹ con vui vẻ khi cùng chọn ba lô có chút hoa văn nhẹ nhàng phù hợp với con gái. Thế nhưng đến ngày tập trung, cô giáo chủ nhiệm thông báo quy định nhà trường phải dùng cặp táp màu đen. Trong khi cơ thể của bé nhỏ hơn các bạn nhiều nên tính mua ba lô đeo cho nhẹ nhàng. Cuối cùng đành phải tìm mua cặp táp đúng quy định".
Còn chị H.B, phụ huynh HS một trường tiểu học tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM), cho hay: "Phải chạy đôn chạy đáo mua mấy ngày mới đủ giấy bao tập vở cho con vì kích cỡ lung tung, nhà sách hết hàng. Sao không quy định kích cỡ SGK giống nhau cho phụ huynh đỡ mệt".
Ngoài chuyện sách vở, thì anh T.A, phụ huynh HS một trường tiểu học tại quận trung tâm, than thở: "Một nhóm phụ huynh lớp 1 muốn trang bị màn hình tương tác, giá hơn 70 triệu, đã thu mỗi nhà 2 triệu nhưng chưa mua. Giờ cũng nhóm này muốn mua cái màn hình xịn hơn nữa, tăng lên 30 triệu và kêu gọi phụ huynh trong lớp đóng thêm".
Bích Thanh
Về giá sách, hiện giá của các bộ sách mới không chênh nhau nhiều. Giá cụ thể của 5 bộ SGK lớp 1 năm nay như sau: Bộ Cánh Diều của NXB ĐH Sư phạm TP.HCM phát hành với 8 cuốn có giá 199.000 đồng.
4 bộ còn lại của NXB Giáo dục Việt Nam gồm Kết nối tri thức với cuộc sống 10 cuốn giá 179.000 đồng, Chân trời sáng tạo gồm 9 cuốn giá 186.000, Cùng học để phát triển năng lực 10 cuốn giá 194.000, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục 9 cuốn giá 189.000 đồng.
Trong khi đó, giá của bộ SGK lớp 1 năm học 2019 - 2020 là 54.000 đồng, thấp hơn nhiều so với sách mới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết bộ dụng cụ và các tài liệu tham khảo là lựa chọn của phụ huynh, vì theo yêu cầu HS phải mua bộ SGK để học.
Cũng theo ông Hiếu, phụ huynh có thể tự do lựa chọn mua SGK ở trường hoặc bất kỳ nhà sách nào nhưng sách phải đúng loại do trường chọn. Các trường không được ép buộc phụ huynh mua sách tại trường cũng như giới thiệu các sách tham khảo.
"Còn các bộ dụng cụ, thiết bị dạy học khác phụ huynh không nhất thiết phải mua nếu không có điều kiện vì không bắt buộc. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường là khi bán SGK cho phụ huynh thì liệt kê chi tiết giá các cuốn trong bộ SGK mà trường đã chọn, còn các tài liệu tham khảo khác thì không được bán kèm với SGK mà phải tách riêng ra. Trường chỉ được giới thiệu với phụ huynh, ai có nhu cầu thì có thể mua thêm", ông Hiếu nói.
Trước đó, ngày 4.9, Bộ GD-ĐT ra văn bản yêu cầu không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, HS tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn.
Có cuốn sách giáo khoa tiếng Việt - Cánh diều chưa dùng đã bung lả tả Nếu phụ huynh yêu cầu đền sách mới, nhà trường, công ty phát hành sách hay nhà xuất bản sẽ chịu trách nhiệm vấn đề này? Tiết tiếng Việt đầu tiên của năm học mới đã bắt đầu nhưng vẫn có vài em trong cứ loay hoay với cuốn sách giáo khoa trên tay. Bước xuống lớp để nhắc nhở, cô giáo chợt...