TS Đỗ Văn Giang: ‘Học sinh trường nghề phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến trong xã hội’
Trong những năm gần đây việc phân luồng, hướng nghiệp đang được đẩy mạnh ở các nhà trường nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho học sinh được phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh của cá nhân.
Tiến sỹ Đỗ Văn Giang – Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Ảnh: Đức Anh
Đây cũng là cơ sở để góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và xu hướng hội nhập trong giai đoạn mới.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đỗ Văn Giang – Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
P.V: Thưa ông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại Nghệ An. Là thành viên trong ban tổ chức, các ông kỳ vọng gì ở chương trình này?
Tiến sỹ Đỗ Văn Giang: Từ 2 năm trở lại đây, chuẩn bị cho mùa tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh và đây là lần đầu tiên chương trình tổ chức tại Nghệ An. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn đến gần hơn với các trường THCS, THPT để thúc đẩy nhanh việc phân luồng theo Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư và Quyết định 522 của Thủ tướng chính phủ về việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025″. Qua chương trình này, chúng tôi muốn tạo hiệu ứng tốt để làm thay đổi nhận thức của người dân về việc học nghề, trong đó có cả đối tượng học sinh lớp 9 và lớp 12.
Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại Nghệ An. Ảnh: Đức Anh
P.V: Hiện nay, Luật Giáo dục (sửa đổi) đã có những chính sách mới về việc phân luồng hướng nghiệp trong giáo dục. Ông có thể nói rõ hơn những ưu thế của việc học nghề hiện nay?
Tiến sỹ Đỗ Văn Giang: Thực ra, ưu thế học nghề đã có từ lâu chứ không phải sau khi được Luật hóa và Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019. Tuy nhiên, những quy định cũ đã được ban hành từ năm 2010 nên có nhiều nội dung không còn phù hợp với bối cảnh mới. Quy định mới sẽ phù hợp với hoàn cảnh mới nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục và cho các đối tượng học sinh. Trong Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng đã ghi rất rõ mục tiêu của việc hướng nghiệp ở các trường phổ thông, đó là tăng cường trải nghiệm, thay đổi phương pháp, phương thức đào tạo để học sinh được hình thành những kỹ năng ban đầu về nghề nghiệp theo đúng nguyện vọng của đông đảo phụ huynh, học sinh.
Cá nhân tôi cũng cho rằng, nếu học sinh THCS tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp lớp 9 thì các em được tiết kiệm về mặt thời gian. Vì thế, tối đa 5 năm các em vừa có bằng trung cấp, có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và có bằng cao đẳng và các em đã có thể hành nghề rất tốt.
Video đang HOT
P.V: Như ông đã phân tích, nếu hướng nghiệp hiệu quả thì học sinh học nghề sẽ có nhiều ưu thế. Tuy nhiên, cả nước nói chung và đặc biệt là người dân Nghệ An vẫn có xu hướng thích cho con vào đại học và từ đó dẫn tới những bất hợp lý trong cơ cấu lao động, đặc biệt là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”?
Tiến sỹ Đỗ Văn Giang: Đại học không phải là con đường duy nhất để học sinh trưởng thành, lập thân, lập nghiệp. Trong khi đó, để đáp ứng các kỹ năng trong tương lai của thế giới thì người lao động phải được trang bị đầy đủ các kỹ năng thiết yếu từ tay nghề, ngoại ngữ, tư duy sáng tạo. Hiểu một cách khác, học cái gì ở trình độ nào thì cũng phải thỏa mãn vị trí việc làm, theo đúng yêu cầu của các doanh nghiệp. Từ thực tế này, trong những năm tới, việc học nghề càng cần phải được chú trọng bởi 70% chương trình học nghề sẽ là thực hành. Vì thế, chúng tôi mong muốn thời gian tới các địa phương phải đẩy mạnh việc tuyên truyền tư vấn để người dân thấy được lợi ích của việc học nghề.
Nếu hướng nghiệp hiệu quả thì học sinh học nghề sẽ có nhiều ưu thế. Ảnh: Đức Anh
P.V: Trong những năm qua, Nghệ An đã làm khá tốt công tác phân luồng với tỷ lệ học sinh THCS là từ 20 – 25% và học sinh THPT là gần 40%. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện việc phân luồng đang có những nhận thức chưa đầy đủ như chỉ học sinh có học lực trung bình, yếu, kém mới đi học nghề thay vì học nghề là một cách tự nguyện. Vậy theo ông, việc phân luồng như vậy đã đúng với tính chất, mục đích mà Chính phủ đã đề ra và liệu nếu chúng ta cứ triển khai phân luồng theo hình thức này thì có thể có hay không một lực lượng lao động trình độ cao?
Tiến sỹ Đỗ Văn Giang: Hiện nay, Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu về thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp theo Đề án phân luồng của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là có những cơ sở thường hướng học sinh yếu, kém vào diện phân luồng và chúng ta phải có thời gian để làm thay đổi về quan điểm này.
Thời điểm này, trước khi học sinh lớp 9 bắt đầu đăng ký làm hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10, các trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm định hướng cho học sinh chọn trường, chọn nghề. Ảnh: Đức Anh
Thực tế, có những học sinh đuối về mặt tiếp thu kiến thức nhưng các em lại có những năng lực riêng để các em sáng tạo và đam mê trong học nghề. Vì thế, trong việc phân luồng chúng ta cần phân loại đối tượng để định hướng một cách đầy đủ và khách quan. Ví dụ như ở Nhật, học sinh thuộc diện phân luồng lại là “tinh hoa” trong đào tạo lao động chất lượng cao. Hiện ở Việt Nam chúng tôi cũng đang hướng việc đào tạo những học sinh phân luồng có trình độ tay nghề cao để các em có đủ năng lực có thể đáp ứng được yêu cầu cao của xã hội.
P.V: Vậy theo ông, để phân luồng học sinh hiệu quả, chúng ta cần có những giải pháp nào?
Tiến sỹ Đỗ Văn Giang: Trước tiên, để phân luồng thì chúng ta phải tuân thủ theo những quy định của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tăng cường công tác tuyên truyền và làm tốt công tác phân luồng từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, thì người dân mới hiểu và làm thay đổi trong nhận thức, tư duy và người học sẽ tự phân luồng để phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh.
Hiện nay, mô hình 9 đã được triển khai tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng tại Việt Nam và tôi hy vọng thành công của chương trình sẽ làm thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về công tác phân luồng. Ảnh: Đức Anh
Ngoài ra, trên vai trò của mình, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng phải phối hợp để có những chương trình tư vấn hướng nghiệp phù hợp, tăng cường đưa học sinh đi trải nghiệm nghề nghiệp ở các cơ sở dạy nghề. Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị và giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai thí điểm đề án mô hình 9 theo mô hình đào tạo Kosen của Nhật Bản. Đây là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Hiện nay, mô hình 9 đã được triển khai tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng tại Việt Nam và tôi hy vọng thành công của chương trình sẽ làm thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về công tác phân luồng.
P.V: Hiện nay học sinh ở 2 bậc THCS và THPT đang trong giai đoạn làm hồ sơ để tuyển sinh lớp 10 hoặc đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều năm tham gia công tác tư vấn, tuyển sinh, ông có lời khuyên nào cho phụ huynh, học sinh trước “ngưỡng cửa” quan trọng này?
Tiến sỹ Đỗ Văn Giang: Trước mỗi mùa thi, tôi hiểu tâm lý phụ huynh đều rất lo lắng cho các con em mình. Tuy vậy, thay vì đưa ra nhiều định hướng khác nhau thì phụ huynh hãy gần gũi và chia sẻ với con để hiểu được mong muốn của các cháu. Hãy hướng con mình theo đam mê, sở thích và hãy giúp con thấy được nếu có sự lựa chọn phù hợp thì các con sẽ thành công trong tương lai.
Tiến sỹ Đỗ Văn Giang. Ảnh: Đức Anh
Về phía học sinh các em cũng cần phải tích lũy những kiến thức cơ bản; chuẩn bị về sức khỏe, tạo một tâm thế tốt và có sự quyết tâm để dù trong hoàn cảnh nào thì các em cũng có thể thích ứng và thực hiện được tâm nguyện của mình.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp theo mô hình 9+
Hiện nay, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể lựa chọn học văn hóa song song với học nghề (mô hình 9 cộng) ở nhiều trình độ khác nhau.
Đây là cơ hội tốt để các trường nghề mở rộng đối tượng tuyển sinh; đồng thời là giải pháp đột phá, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển. Để tận dụng cơ hội này, các bên liên quan cần chủ động nhập cuộc.
Việc học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể lựa chọn học văn hóa song song với học nghề (mô hình 9 cộng) góp phần thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển.
Con đường ngắn nhất để làm nghề
Với mô hình 9 cộng, học sinh học hết lớp 9 có thể lựa chọn học các khóa đào tạo nghề ngắn hạn hoặc học chương trình 9 cộng 2, 9 cộng 3, 9 cộng 4, 9 cộng 5 theo quy định 8 bậc trình độ quốc gia. Thông qua các chương trình đào tạo linh hoạt, sau một vài năm học, người học được nhận bằng trung cấp, cao đẳng nghề để đi làm.
Trên thực tế, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thí điểm tuyển sinh, đào tạo nghề theo mô hình 9 cộng, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cho biết, trung bình mỗi năm, nhà trường đón 500-650 học sinh vào học theo mô hình này, đại đa số người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Về phía người học, cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Thiên Trường, hiện là cán bộ Phòng Tuyển dụng (Công ty Samsung Thái Nguyên) cho rằng: "Học theo mô hình 9 cộng là con đường ngắn nhất để làm nghề. Khi bạn bè cùng tuổi còn đi học hoặc chưa tìm được việc, tôi đã có bằng cao đẳng nghề, có việc làm, thu nhập".
Hiệu quả của mô hình 9 cộng được thể hiện rõ hơn qua số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp tăng từ 5% vào cuối năm 2014, lên 15% vào cuối năm 2019. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, thì cơ hội lựa chọn học nghề theo mô hình 9 cộng rộng mở hơn. Trong đó, luật cho phép người học có thể đăng ký học ở nhiều trình độ: Trung cấp, cao đẳng, đại học để có bằng kỹ sư thực hành, cử nhân thực hành.
Gỡ vướng để nâng cao chất lượng
Mô hình 9 cộng là hướng phát triển tất yếu của giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Nam Nguyễn
Tỷ lệ học sinh học nghề theo mô hình 9 cộng tuy tăng nhanh, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về "Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025", là đến cuối năm 2020, cả nước có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thực tế cho thấy, mục tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra là do quá trình phát triển mô hình này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Lê Minh Thảo, đối tượng tuyển sinh của chương trình 9 cộng là học sinh 15-16 tuổi - độ tuổi vẫn phụ thuộc nhiều vào định hướng của phụ huynh. Ngoài ra, công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vào hệ thống giáo
dục nghề nghiệp chưa được các ngành, địa phương quan tâm đúng mức. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị các cơ quan chức năng tăng chỉ tiêu phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề...
Còn theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường, hiện học sinh học hết lớp 9 cộng theo học trung cấp nghề và trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên, thì chương trình học nghề sẽ hoàn thành trước 1 năm so với học văn hóa. Trong khi đó, trường nghề lại không thể dạy chương trình cao đẳng ở 1 năm trễ như vậy. Đây là "nút thắt" cần tháo gỡ trong quá trình liên thông đào tạo theo mô hình 9 cộng.
Dưới góc độ phụ huynh, ông Nguyễn Văn Kha, tổ dân phố 1, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) mong muốn, Nhà nước có chính sách miễn học phí đối với người học nghề theo mô hình 9 cộng ở tất cả các trình độ (hiện mới áp dụng cho hệ trung cấp).
Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, các cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo quy định khối lượng kiến thức văn hóa theo Luật Giáo dục sửa đổi. Ngay trong năm 2020, mô hình 9 cộng trình độ cao đẳng sẽ được áp dụng ở nhiều trường nghề. Mối liên kết 3 "nhà" (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới", cũng được quan tâm xây dựng...
Học sinh Nghệ An có nhiều lựa chọn nghề nghiệp mới Những ngày này học sinh phổ thông toàn tỉnh đang gấp rút làm hồ sơ để chuẩn bị bước vào những kỳ thi quan trọng, đó là Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đây cũng là lúc học sinh sẽ đứng trước nhiều sự lựa chọn và không phải lúc nào đại học cũng là...