Truyền thông Trung Quốc đồng loạt công kích Pompeo
Các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng bài chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ vì những phát ngôn “điên cuồng, lươn lẹo và dối trá” về nguồn gốc nCoV.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm qua đăng bài bình luận gây gắt với tiêu đề “Kẻ xấu xa Pompeo khạc nhổ bừa bãi chất độc và lan truyền những lời dối trá”. Bài viết dẫn lời Giám đốc khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan và nhà virus học Đại học Columbia W. Ian Lipkin, cho rằng nCoV có nguồn gốc tự nhiên và không phải do con người tạo ra hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
“Những bình luận thiếu sót và vô lý của các chính trị gia Mỹ cho thấy ngày càng nhiều người biết không có bằng chứng nào tồn tại”, bài bình luận cho hay, thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu “điên cuồng và lươn lẹo” khi nhiều lần nói nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
“Cái gọi là ‘virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán’ hoàn toàn là dối trá. Các chính trị gia Mỹ đang gấp rút đổ lỗi, lừa bịp và đàn áp Trung Quốc khi nỗ lực chống dịch trong nước của họ là một mớ hỗn độn”, bài luận nêu thêm.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy mạnh mẽ giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm và liên tục chỉ trích cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh ở giai đoạn đầu. Ngoại trưởng Pompeo hôm 3/5 nói “có bằng chứng to lớn” cho thấy nCoV bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, trong khi WHO và các chuyên gia y tế nói rằng virus có nguồn gốc từ chợ động vật tươi sống.
Ngoại trưởng Pompeo tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/4. Ảnh: AFP.
People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đăng hai bài bình luận công kích Pompeo và cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon là “cặp hề dối trá”, nói rằng Bannon như “một hóa thạch sống trong Chiến tranh Lạnh”.
Bannon tuần trước nói rằng Trung Quốc đã tiến hành một vụ “nhà máy Chernobyl sinh học” nhằm vào Mỹ và ủng hộ giả thuyết nCoV có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán.
Video đang HOT
CCTV tuần qua nhiều lần chỉ trích Pompeo là “kẻ thù chung của nhân loại”, cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ “lan truyền virus chính trị” khi cho rằng đại dịch bắt nguồn từ phòng thí nghiệm.
Trung Quốc và Mỹ liên tục đấu khẩu về nguồn gốc nCoV sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hồi tháng 3 nêu giả thuyết quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán. Hai nước thường xuyên cáo buộc nhau lan truyền thông tin sai lệch, trong khi Trump cũng công kích Trung Quốc thiếu minh bạch về dịch bệnh.
Trump tuần trước tuyên bố có bằng chứng Viện Virus học Vũ Hán là nơi để rò rỉ nCoV. Một số hãng tin Mỹ cho biết ông chủ Nhà Trắng đã giao nhiệm vụ cho các điệp viên điều tra thông tin này.
Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc “giấu dịch”, khẳng định đã cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về dịch bệnh cho WHO cũng như các nước khác, đồng thời cho rằng giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “phi thực tế và vô căn cứ”.
Thách thức với cố vấn Covid-19 dưới thời Trump
Deborah Birx, chuyên gia chống Covid-19 hàng đầu của Nhà Trắng, lâm vào thế khó khi phải cân bằng giữa xử lý dịch bệnh và giữ tín nhiệm cho Trump.
Tiến sĩ Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách chống Covid-19 của Nhà Trắng, gây chú ý với động tác cúi mặt xuống trong cuộc họp báo hôm 23/4, dường như cố nén một tiếng thở dài, trong lúc Tổng thống Donald Trump bày tỏ mong muốn bà và các cộng sự nghiên cứu việc chiếu tia cực tím hay tiêm thuốc khử trùng cho người nhiễm nCoV.
Tuy nhiên, Birx, một bác sĩ kiêm nhà ngoại giao, sau đó tiếp tục bảo vệ Trump khi chỉ trích truyền thông "làm quá" ý kiến của Tổng thống. "Tôi đã nói rõ và ông ấy cũng hiểu rằng đấy không phải biện pháp chữa trị. Tôi cảm thấy phiền khi chuyện đó vẫn xuất hiện trên bản tin, bởi chúng ta cần phải làm những việc lớn lao hơn, với tư cách công dân Mỹ, để tiếp tục bảo vệ lẫn nhau", Birx trả lời phỏng vấn.
Theo bình luận viên Stephen Collinson và Maeve Reston của CNN, động thái của bà Birx đặt ra câu hỏi về mức độ các quan chức y tế hàng đầu Nhà Trắng có thể mạo hiểm uy tín của mình nhằm dung hòa với Tổng thống, người đang hứng chỉ trích vì những phát ngôn thiếu khoa học. Bên cạnh đó, tiến sĩ Birx còn đối mặt với thử thách khó khăn hơn trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt xét nghiệm của Mỹ, yếu tố then chốt để mở cửa lại nền kinh tế.
Birx, chuyên gia y tế nổi tiếng thế giới từng dẫn dắt cuộc chiến chống HIV/AIDS, được đánh giá cao nhờ khả năng lãnh đạo của mình. Theo các nguồn tin, bà là người tác động để Trump phản đối kế hoạch tái mở cửa đầy táo bạo của Thống đốc Georgia Brian Kemp. Tuy nhiên, các bình luận viên của CNN cho rằng Trump đang khiến nhiệm vụ vốn đầy thử thách của Birx trở nên khó khăn hơn.
Birx và Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa lúc giới chức cảnh báo hệ thống xét nghiệm yếu kém ở nhiều bang có thể dẫn đến thảm họa nếu tái mở cửa. Trong khi đó, chính phủ chưa thể đưa ra phương án hướng dẫn và cơ sở xét nghiệm khả thi.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 26/4, Birx cho biết nhiệm vụ quan trọng của Mỹ hiện nay là phát hiện nCoV trước khi virus "hiển hiện trong cộng đồng", dù nước này hiện chưa có khả năng xét nghiệm hết cho cả những người có triệu chứng.
Bà đề cập đến sự tham gia rộng rãi của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tại các bang, sự phối hợp giữa các thống đốc, đồng thời cho biết các phòng thí nghiệm đang học cách làm việc trên nhiều nền tảng xét nghiệm khác nhau, nhưng không giải thích cụ thể. Điều phối viên nhóm chuyên trách Covid-19 Nhà Trắng cũng không trả lời rõ ràng rằng liệu các bang có tăng cường xét nghiệm theo hướng dẫn của chính phủ trước khi xem xét tái mở cửa hay không.
Một số chuyên gia cho rằng Mỹ có thể phải xét nghiệm cho hàng triệu người mỗi ngày để đảm bảo mở cửa nền kinh tế trở lại một cách an toàn. Dù Nhà Trắng nhiều lần tuyên bố công tác này sắp được cải thiện, tổng số xét nghiệm của Mỹ hiện chỉ đạt hơn 5 triệu. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC, Birx dường như ám chỉ con số này còn quá khiêm tốn.
"Phải thừa nhận rằng chúng tôi cần một đổi mới đột phá trong việc xét nghiệm, có khả năng phát hiện được kháng nguyên thay vì liên tục cố gắng tìm ra sự tồn tại của virus", bà cho hay. Xét nghiệm kháng nguyên, nhằm tìm kiếm những cấu trúc đặc trưng của virus, thường được sử dụng để xét nghiệm nhanh với bệnh cúm.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Fauci hôm 25/4 nói Mỹ "có lẽ" nên tăng gấp đôi số lượng xét nghiệm hiện nay trong vòng vài tuần tới. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo trước đó, khi Trump cho biết ông không đồng tình rằng Mỹ đang không thực hiện đủ xét nghiệm, Fauci nói họ "không muốn đặt nặng số lượng xét nghiệm cần thiết".
Jeffrey Shaman, giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng Mailman thuộc Đại học Columbia, cũng cho rằng rất khó xác định xét nghiệm ở mức độ nào là đủ, đặc biệt khi nCoV lan quá rộng. "Tăng gấp đôi xét nghiệm là một bước khởi đầu, nhưng có lẽ không đủ", ông đánh giá, nói thêm rằng nỗ lực này còn đòi hỏi đội ngũ nhân viên được đào tạo để truy vết tiếp xúc hiệu quả.
Shaman còn lưu ý nhu cầu xét nghiệm sẽ thay đổi khi nền kinh tế tái mở cửa. "Các đầu bếp và bồi bàn tại nhà hàng có nên được xét nghiệm mỗi ngày hoặc mỗi tuần hay không? Thế còn nha sĩ và tài xế xe buýt?", giáo sư nêu vấn đề. Tuy nhiên, không xuất hiện dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Trump đã lên kế hoạch giải quyết vấn đề phức tạp này. Trump cũng từng nói rằng các bang nên tự giải quyết phần lớn vấn đề xét nghiệm, bất chấp kêu gọi hỗ trợ từ nhiều thống đốc.
Tiến sĩ Deborah Birx (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 23/4. Ảnh: Reuters.
Các thống đốc Mỹ đang đặt ra những mục tiêu khác nhau về mức độ xét nghiệm nCoV cần thiết. Thống đốc California Gavin Newsom hy vọng đến cuối tháng 4 họ có thể xét nghiệm cho 25.000 người mỗi ngày, dù con số này tuần trước mới chỉ đạt 16.000.
Với cách tiếp cận bảo thủ, Newsom nói thêm rằng California, nơi 40 triệu dân sinh sống, có thể kéo dài lệnh ở nhà vốn dự kiến áp dụng tới ngày 15/5. Ông thậm chí cho rằng họ cần "một đội quân" để theo dõi những trường hợp nhiễm nCoV.
Ngược lại, Thống đốc Colorado Jared Polis cho phép kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 3/5, mặc dù số ca nhiễm tại bang này vẫn tăng lên và họ chưa đạt được chuỗi 14 ngày giảm số ca nhiễm mới như chỉ thị của Nhà Trắng. Tính đến chiều 26/4, bang Colorado đã xét nghiệm 63.274 người trong số khoảng 5,7 triệu dân, phát hiện 13.441 ca nhiễm nCoV.
Trong cuộc họp báo hôm 22/4, Thống đốc Polis cho biết xét nghiệm chỉ là một yếu tố trong quá trình ra quyết định của bang. "Điều đó không giúp giải quyết tất cả vấn đề. Chúng tôi không thể chỉ xét nghiệm rồi vạch ra lộ trình thoát khỏi tình trạng hiện nay", ông nói.
Tại bang Georgia, nơi Thống đốc Kemp tuần trước quyết định mở cửa lại một số cửa hàng, bao gồm tiệm làm móng, xăm và cắt tóc, những người chỉ trích cho rằng bang này chưa thực hiện đủ xét nghiệm để nối lại hoạt động một cách an toàn.
Theo các bình luận viên của CNN, đó là những vấn đề nan giải với nước Mỹ, đồng thời quyết định vai trò của Birx, các đồng nghiệp của bà, cũng như Tổng thống Trump, trong lịch sử.
Ánh Ngọc
Ba trường ĐH bị kiện ra tòa vì không hoàn trả học phí trong mùa dịch Các trường đại học bị kiện tập thể vì không hoàn trả tiền học và các khoản phí liên quan khác khi dạy qua mạng trong đợt dịch Covid-19. Các trường bị kiện đều là những trường tư, bao gồm Đại học Columbia, Đại học Pace và Đại học Long Island. Các sinh viên cho rằng những khoản phí họ đã đóng vốn...