Truyền thông để lan tỏa trường học hạnh phúc
Sáng nay (18/6), Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) tổ chức hội thảo “Chia sẻ kỹ năng truyền thông để xây dựng trường học hạnh phúc”.
Giáo viên sôi nổi thảo luận nhóm
Phát biểu khai mạc hội thảo, cô Hiệu trưởng Lưu Thị Lập nhấn mạnh: Truyền thông không chỉ đơn thuần là một kênh cung cấp thông tin, mà còn là con đường để trường THPT Hoàng Cầu thực hiện triết lý giáo dục và sứ mệnh “Ngôi trường hạnh phúc cho mỗi học sinh thân yêu”.
Cô Lưu Thị Lập – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại hội thảo
Cô Lập cho biết: Trong thời gian qua, công tác truyền thông của nhà trường đã được triển khai với nhiều hình thức và nội dung đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên, hiệu quả chưa thực sự tương xứng với những giá trị truyền thông có thể đem lại. Đây cũng là lý do để nhà trường tổ chức hội thảo “Chia sẻ kỹ năng truyền thông để xây dựng trường học hạnh phúc”.
Thông qua hội thảo, cán bộ, giáo viên nhân viên và các bậc phụ huynh được giải đáp những băn khoăn, trăn trở khi thực hiện công tác truyền thông;
Đồng thời trang bị thêm cho mình những kĩ năng truyền thông bổ ích. Từ đó, lan tỏa giá trị truyền thông đến học sinh trong toàn trường.
Đại diện các nhóm trình bày kết quả của mình
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Thủy – Giáo viên Lịch Sử chia sẻ: Trong thời đại công nghệ 4.0, việc xây dựng “Lớp học hạnh phúc – trường học hạnh phúc” được cả xã hội đặc biệt quan tâm.
Làm sao để học sinh “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”? Làm sao để ngoài những kiến thức thì học sinh còn được rèn luyện các kĩ năng và phát huy bản thân?
Làm sao để những việc tốt, hành động đẹp lan tỏa một cách nhanh nhất đến tất cả mọi người?… Để làm được điều đó thì vai trò của công tác truyền thông là đặc biệt quan trọng.
Cô Nguyễn Thị Thủy phát biểu tham luận tại hội thảo
Theo cô Thủy, thế giới đang bước vào kỉ nguyên mới – kỉ nguyên của thời đại công nghệ với tốc độ lan tỏa thông tin chóng mặt. Dù có những mặt trái nhưng chúng ta vẫn phải khẳng định rằng, làm truyền thông trong thời đại này là vô cùng phù hợp và giá trị.
Cho rằng, nhà trường cần tự xây dựng thương hiệu, đừng chờ “Hữu xạ tự nhiên hương”, cô Bùi Thị Ngọc Lan – giáo viên Ngữ văn nhấn mạnh: Cần thúc đẩy hoạt động quan hệ công chúng (Public Relations – PR).
Đối với đặc thù ngành Giáo dục, sự uy tín là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Và PR là phương cách tốt nhất giúp nhà trường của chúng ta chuẩn bị và tạo uy tín. Thậm chí quảng cáo cũng không có được khả năng này. PR giúp nhà trường tạo dư luận tốt thông qua sự ủng hộ của giới truyền thông và các chuyên gia phân tích thương mại.
Cô Lập tặng hoa và quà cho nhóm giáo viên có nội dung thảo luận xuất sắc nhất
Trong xu thế hiện tại, hoạt động PR có thể nói là giải pháp vàng cho nhà trường vì nó tạo ảnh hưởng tốt, hữu hình, với chi phí thấp, tạo được tiếng vang khi chuyển tải hình ảnh nhà trường đến công chúng.
Nhân dịp này, giáo viên phụ huynh của nhà trường đã nghe chuyên gia chia sẻ về kỹ năng truyền thông trong lĩnh vực nói chung và xây dựng trường học học phúc nói riêng.
Cô thay đổi - trò hạnh phúc
"Làm cho học sinh hạnh phúc khi đến trường là sứ mệnh của người làm thầy. Nếu học sinh hạnh phúc, vui vẻ thì nhân cách chắc chắn sẽ phát triển theo thiên hướng tốt. Như vậy, sứ mệnh của người thầy thật cao cả, ý nghĩa. Chúng ta hãy cùng thay đổi, cùng cố gắng để tạo ra một sản phẩm lớp học hạnh phúc". Đó là chia sẻ về trường học hạnh phúc của cô Hoàng Thu Trang, GV Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa - Hà Nội).
Cô giáo Hoàng Thu Trang cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu
Giữ vững kỷ luật thép - Hạnh phúc mỏng manh
Chia sẻ về công tác chủ nhiệm, cô Hoàng Thu Trang tâm sự: Sau hơn 2 năm giảng dạy và công tác Đoàn thanh niên, cô được phân công công tác chủ nhiệm. Với ít nhiều kinh nghiệm học hỏi được từ đồng nghiệp, cộng với khát khao mãnh liệt muốn khẳng định mình, cô nhanh chóng bắt nhịp và thành công trong vai trò chủ nhiệm lớp ở một mô hình trường học với đặc thù tự chủ tài chính (công tác chủ nhiệm không dễ dàng như nhiều trường học khác). Chỉ sau 2 năm chủ nhiệm, cô được tin tưởng giao chủ nhiệm 2 lớp. Thời điểm đó, cô là giáo viên trẻ nhất trong đội ngũ chủ nhiệm lớp đôi.
Để siết chặt mọi quy định, cô Trang "thiết kế" lớp học với những kỷ luật nghiêm. Với khẩu hiệu "kỷ luật là sức mạnh của tập thể lớp", côTrang rất nghiêm túc và khách quan trong việc xử lý kỷ luật HS khi mắc lỗi.
Cô Trang luôn có ý thức xây hàng rào phân định rạch ròi để "thầy ra thầy, trò ra trò". Cô chỉ chăm chăm chú ý vào việc học, vào điểm số của HS. Việc HS đi sớm hay muộn, đúng đồng phục hay sai, có tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ... cô cũng sát sao. Đội ngũ cán bộ lớp dưới sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp của cô cũng sắt đá, vững vàng như cô chủ nhiệm, thậm chí là bản sao của cô chủ nhiệm.
Kết quả cuối năm, tỷ lệ tốt nghiệp các lớp 12 đều đạt 100%, lớp nào cũng nhận giấy khen "tập thể lớp xuất sắc".
Nhưng mặt trái của việc đó là phần lớn HS sợ cô thái quá. HS luôn nhìn cô giáo chủ nhiệm của mình với ánh mắt rất e dè. HS làm gì cũng len lén xem có cô chủ nhiệm ở đó không, làm thế này đã đúng ý cô ấy chưa?... Dường như HS cũng xây hàng rào thái độ với cô.
Trong những giờ hoạt động tập thể, HS cũng ngại cô giáo nên chưa dám thể hiện hết sự cuồng nhiệt vô tư của tuổi trẻ. Đặc biệt, các em đặt cho cô biệt danh "Trang Este". Nhìn bên ngoài tập thể lớp vẫn yên bình, chan hòa, tiến bộ, nhưng dường như cô Trang cảm nhận rõ cả cô và trò đều thiếu cảm giác hạnh phúc thực sự, thiếu cảm giác ấm áp ngập tràn...
Thay đổi để hạnh phúc ngập tràn
Khi dần nhận ra không khí lớp do mình chủ nhiệm như vậy, đặc biệt khi có con đi học, được làm phụ huynh thì cô Trang bắt đầu thay đổi.
Cô Trang nhận ra rằng, tạo ra một lớp học hạnh phúc thì cả cô trò đều cảm thấy ấm áp yêu thương, luôn muốn gắn bó, luôn tràn ngập tiếng cười. HS trong lớp cũng gắn kết, vì nhau hơn, phấn đấu học tập hơn. Vậy thì tại sao cứ phải hà khắc, tại sao phải trách mắng đến cay nghiệt? Tại sao cứ vội vàng nổi giận đùng đùng? Cô dần biết chấp nhận những sai lầm, yếu kém của con trẻ, coi đó là đối tượng, là nhiệm vụ giáo dục của mình.
Cô giáo Hoàng Thu Trang
Nói như vậy không có nghĩa là cô thỏa hiệp, bỏ qua vi phạm của HS. Cô vẫn xử lý triệt để vi phạm của HS nhưng khác ở chỗ cô biết bao dung hơn, yêu thương hơn khi nhìn vào lỗi lầm của các em. Cô biết kiên nhẫn hơn trong việc uốn nắn HS từ sai thành đúng, từ yếu kém dần trở nên khá hơn. Cách nhìn đó đã chi phối cách ứng xử với học trò của cô để cô xử lý mềm mỏng, nhân văn và có tình hơn.
Tình yêu thương, sự bao dung, sự kiên nhẫn tỏa ra từ một cô giáo có tiếng nghiêm khắc khiến trò ngầm hiểu rằng, lần này cô đã quá ưu ái với mình thì lần sau đừng vi phạm.
Tiếng cười ấy sẽ xóa tan cái mệt mỏi, mang lại lớp học hạnh phúc
Theo cô Trang, lứa tuổi THPT là lúc HS đã hình thành ý thức về lòng tự trọng, đã bước đầu có chính kiến và muốn thể hiện mình. Đây cũng là lứa tuổi có nhiều tâm lý diễn biến phức tạp. Do đó, thay vì tuyên phạt một chiều, trách mắng xối xả như trước kia, cô đã lắng nghe học sinh trình bày sau đó chắt lọc thông tin, để hiểu HS hơn.
Cái gì không đúng, cô sẽ truy vấn lại để HS nói đúng sự thật, uốn nắn một cách dứt khoát pha lẫn hài hước để học sinh sửa đổi. Cái gì đúng cô sẽ cảm thông, thấu hiểu rồi tùy đối tượng học sinh trên cơ sở của nội quy chung để xử lý. Cách làm như vậy giúp HS cảm thấy thỏa lòng, có bị phạt vẫn vui vẻ chấp nhận. Cô cố gắng xây dựng hình ảnh một cô giáo tâm lý, một chị Thanh Tâm để HS trao gửi tâm sự cho cô trò gần gũi.
Cô chủ động, tích cực cùng HS tổ chức các hoạt động như Vui Tết Trung thu, Chào xuân mới, The Girl's Day, The Boy Day... cùng học sinh ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ, đáng yêu đó để chia sẻ trên nhóm riêng của lớp, gắn kết cô trò lại với nhau. Đôi khi, cô cũng không còn quá khắt khe mà hào phóng cho một vài HS được nghỉ tiết học môn phụ để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ để HS có cảm giác thoải mái trong khuôn khổ, có cơ hội trau dồi, thể hiện tài năng của mình.
Cô quan tâm để ý học sinh từ mái tóc các em mới cắt, từ đồ ăn thức uống các em ăn trong giờ ra chơi cho đến tình trạng sức khỏe của các em... Ngày sinh nhật của HS cũng được cô nhớ và gửi lời chúc mừng khiến nhiều em bất ngờ cảm động. Sự quan tâm vừa là cách để cô kiểm tra các em việc thực hiện nề nếp nhưng quan trọng là cô tạo ra mối quan hệ ấm áp giữa cô với trò.
Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Trang hiểu rằng, biểu hiện rõ ràng nhất của niềm hạnh phúc là tiếng cười. Ý thức được điều đó, bản thân cô luôn tạo ra tiếng cười trong lớp học, trong giờ dạy bằng chính câu chuyện hài hước của mình. Chính tiếng cười ấy sẽ xóa tan cái mệt mỏi, giúp cho HS hào hứng để tiếp thu bài tốt hơn.
Lê Đăng
Theo giaoducthoidai
Xây ngôi nhà thứ hai Năm học 2019 - 2020, với chủ đề "Xây dựng trường học an toàn, thân thiện - Học sinh thi đua rèn đức, luyện tài", ngành GD-ĐT Thanh Xuân (Hà Nội) chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng trường học hạnh phúc với 3 tiêu chí: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ngày khai giảng tại Trường THCS Việt...