Truyền hình di động – cửa ra vẫn hẹp
Smartphone hay tablet ngày càng phổ dụng cùng với sự phổ biến của dịch vụ 3G, Wi-Fi đã tạo nên xu thế xem truyền hình trên thiết bị di động. Truyền hình di động ngày càng phổ biến, thịnh hành hơn đã thay đổi thói quen của người xem, nhất là giới trẻ từ ngồi trước màn hình TV sang xem các nội dung số trên smartphone, tablet. Đó có thể là một trong những tác nhân gây nên sự sụt giảm của thị trường TV trong hai năm 2012-2013.
Xem truyền hình trên tablet
Truyền hình di động không phải là khái niệm quá mới. Tuy nhiên, trong 2-3 năm trước, loại hình dịch vụ chỉ được biết đến qua gói Mobile TV của các nhà mạng và phải trả phí, nhưng nay mọi chuyện đã trở nên tiện lợi hơn khi người dùng có thể sử dụng miễn phí loại hình dịch vụ này.
Đầu xuôi
Với một chiếc smartphone hay tablet, người dùng chỉ cần gõ từ khóa “TV” hoặc “TV Free” là kho ứng dụng của Android hay iOS sẽ cho ra hàng nghìn ứng dụng xem tivi trực tuyến như: Tivi Việt HD, iTivi, Tivi Việt Pro, Xem bóng đá, iTivi Plus, Xem Tivi… Khi đó, người xem sẽ dễ dàng tải miễn phí và cài đặt chúng. Nhờ đó, chúng ta cũng có thể xem tivi trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, chỉ với điều kiện có sóng 3G hoặc Wi-Fi.
Video đang HOT
Xem thể thao trên smartphone
Chính sự tiện lợi ấy mà truyền hình di động phổ dụng rất nhanh. Tìm kiếm trên Google với từ khóa “xem tivi trên điện thoại” là có 67,1 triệu kết quả sau 0,24 giây, trong đó có hàng chục website cho phép tải về phần mềm xem tivi miễn phí. Trên trang download.com.vn, ứng dụng Mobile TV có gần 25 nghìn lượt tải, VTV Plus có gần 20 nghìn lượt tải, SopCast có hơn 11 nghìn lượt tải.
Sở dĩ thị trường truyền hình di động trở nên sôi động chính là nhờ sự tăng trưởng khá bất ngờ của smartphone, tablet. Theo khảo sát của GfK, riêng khu vực Đông Nam Á, người dùng đang quan tâm nhiều hơn đến smartphone, nhất là dòng thiết bị màn hình lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng smartphone nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng 156% so với cùng kỳ năm 2012. Song thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại vì theo thống kê của GfK vẫn còn 2/3 người Việt chưa chuyển sang dùng smartphone. Điều này cũng tương tự với thị trường tablet.
Nắm bắt nhu cầu tương tác nhiều ứng dụng trên thiết bị của người dùng mà các nhà sản xuất đã đua nhau ra mắt nhiều smartphone lõi tứ giá mềm, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ ở phân khúc trung cấp. Điều đó đã giúp cho smartphone và tablet đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt, bất chấp kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Lượng người dùng smartphone và tablet ở Việt Nam ngày càng tăng đã kéo theo cơn sóng 3G cùng với Wi-Fi giúp người dùng có thể thoải mái sử dụng các dịch vụ. Tháng 12/2012, Việt Nam có 131,6 triệu thuê bao di động, trong đó có 15,7 triệu thuê bao 3G. Đến hết tháng 9/2013, con số này đã tăng lên 18,9 triệu thuê bao 3G. Hơn thế, Hãng Nghiên cứu Thị trường Pyramid Research còn dự báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ vượt mốc một tỷ thuê bao 3G vào nửa đầu năm 2014. Riêng tại thị trường Việt, bất chấp việc giá cước 3G sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, trong khi chất lượng vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, nhưng vẫn có thể đạt 51,2 triệu thuê bao, chiếm 42% dân số.
Người dùng hào hứng với hàng nghìn phần mềm xem tivi miễn phí
Nếu mỗi thuê bao 3G có sử dụng dịch vụ truyền hình di động, thì lượng người xem truyền hình trên smartphone hay tablet chẳng mấy chốc vượt qua lượng người xem truyền hình trên tivi. Hiện nay, tính sơ bộ Việt Nam có hơn 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trong tổng số hơn 22 triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, con số này sẽ còn thay đổi và có thể sụt giảm khi các dịch vụ truyền hình di động cũng có thể xem được một số kênh truyền hình trả tiền mà chẳng cần đóng phí, nhất là khi phí sử dụng truyền hình theo yêu cầu còn khá cao. Trung bình mỗi tháng, thuê bao phải trả 80-200 nghìn đồng để xem khoảng 70 kênh phổ biến (bao gồm cả độ nét cao hoặc analog). Mỗi năm, người dùng lại phải thay đổi cách thức tiếp nhận sóng truyền hình như: cáp rồi đến KTS, từ SD lên HD… Bên cạnh đó, vấn đề chi phí bản quyền truyền hình tăng quá nhanh khiến cước thuê bao cũng tăng mạnh trong khi nội dung không có nhiều thay đổi so với trước.
Vậy nên, với hàng chục kênh truyền hình trong nước và quốc tế đang được chiếu miễn phí (thực tế nằm trong chi phí trọn gói của cước 3G) truyền hình di động đang trở thành lựa chọn của người dùng. Đơn cử: Vietsmart TV cung cấp hơn 140 kênh truyền hình và 50 kênh radio, nhiều hơn cả số kênh mà VTC cung cấp (105 kênh), SCTV (120 kênh) và K chỉ có khoảng 70 kênh…
Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường comScore, 11% người dùng xem các nội dung truyền hình trên thiết bị di động. Trong khi đó, báo cáo “Truyền hình di động toàn cầu đến năm 2013″ của satellitemarkets cho biết: Số lượng thuê bao truyền hình di động trên thế giới sẽ tăng khoảng 43% trong giai đoạn 2011-2014, đạt khoảng 792,5 triệu người dùng vào cuối năm 2014.
Đuôi có lọt?
Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê, thì quả thực thị trường truyền hình di động đầy tiềm năng. Tuy nhiên, sự hào hứng của người dùng dường như đang vướng phải vấn đề pháp lý. Bởi hầu hết ứng dụng cho xem tivi trực tuyến đang “vi phạm bản quyền truyền hình”.
Đơn cử VTC – một trong những nhà đài đi tiên phong trên thị trường Mobile TV – mới hợp tác cung cấp nội dung các kênh truyền hình do VTC sản xuất với VNPT, Viettel, HTV TP.HCM… Còn lại các ứng dụng có các kênh của nhà đài đều do tự thu tín hiệu và cung cấp lên kho ứng dụng.
Vậy nhưng, các nhà đài kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền lại không phản ứng quá gay gắt. Bởi theo nhận định của VTC hay K , Mobile TV vẫn chỉ là thị trường mới nổi, đang trong quá trình định hình. Thực tế, việc xem tivi trên smartphone, tablet là xu thế, nhưng trước mắt chưa thể gây hại đến lợi ích kinh tế của các nhà đài.
Thêm nữa, công nghệ và rào cản kỹ thuật cũng là một trong những lý do khiến các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền khá bàng quang trước sự xâm lấn của Mobile TV. Người dùng có thêm nhiều chọn lựa với chi phí thấp. Nhưng đúng với câu “tiền nào của nấy”, chất lượng sóng của những dịch vụ này không cao. Người xem phải chấp nhận sự chập chờn, tốc độ load chậm… Bởi chất lượng sóng 3G hay Wi-Fi tại Việt chưa có độ ổn định tối thiểu. Bên cạnh đó, với nhiều người dùng, việc xem tivi trên smartphone màn hình lớn, thậm chí là tablet cỡ 10inch vẫn “không sướng” bằng xem trên tivi LCD, LED hay công nghệ mới nhất OLED kích cỡ 42-50 inch. Đó là chưa kể hạn chế về thời lượng pin do việc xem video qua kết nối 3G, Wi- Fi sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng của máy hơn bình thường.
Thế nên các nhà đài chẳng việc gì phải vội. Sự phát triển của Internet và kỹ thuật số (công nghệ mới) đã tạo ra nhiều nền tảng có khả năng chia sẻ nội dung khiến truyền hình đến với người dùng trở nên đa dạng hơn. Người dùng, nhất là giới trẻ đã dần thay đổi thói quen xem các nội dung số trên smartphone, tablet thay vì dành thời gian ngồi trước tivi. Điều đó sẽ khiến cho quy mô của thị trường này sẽ dần phình to hơn, phát triển lớn hơn, đến lúc ấy”miễn phí” sẽ lại là câu chuyện mới.
Theo Songmoi/NNVN