Giá cước 3G có thể tăng nữa
Trước lo lắng của người tiêu dùng về việc giá cước 3G có tiếp tục tăng hay không, cả cơ quan quản lý và nhà mạng chưa có câu trả lời rõ ràng. Tuy vậy, các ý kiến đều cho rằng giá cước hiện vẫn chỉ bằng 50-60% giá thành nên khả năng điều chỉnh là có thể.
Dịch vụ 3G được sử dụng nhiều trên điện thoại thông minh và máy tính. Ảnh: Vân Oanh
Theo các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel và cơ quan quản lý thì sau khi tăng cước vào giữa tháng 10 vừa qua, giá cước 3G cũng mới chỉ bằng 50-60% so với giá thành dịch vụ.
Với câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, “việc tăng giá 3G vừa qua gặp phản ứng lớn của dư luận liệu có ảnh hưởng đến các đợt tăng giá tiếp theo?”, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng, cho hay hiện nay theo quy định của pháp luật về viễn thông, về giá, về cạnh tranh cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết thì không được bán dịch vụ dưới giá thành, không được bù chéo dịch vụ để cạnh tranh không lành mạnh.
Cùng với thời gian khi sản lượng dịch vụ tăng lên, khấu hao giảm dần thì giá thành dịch vụ sẽ giảm. Lúc đó nếu giá bán đã được điều chỉnh cao hơn giá thành thì sẽ không tăng giá cước nữa, hoặc thậm chí giá bán sẽ được điều chỉnh giảm xuống để bảo đảm mức lợi nhuận hợp lý và quyền lợi của người sử dụng”.
Ông Thắng cũng cho biết bộ để các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ 3G dưới giá thành trong thời gian qua vì khi mới đưa dịch vụ vào cung cấp, thuê bao ít, sản lượng dịch vụ thấp, giá thành cao sẽ không tương xứng với thu nhập của người dân. Nếu yêu cầu doanh nghiệp bán dịch vụ cao hơn giá thành sẽ không phát triển được thuê bao, trong khi hạ tầng đã đầu tư rất lớn để đấy không sử dụng sẽ lãng phí. Nên giai đoạn đầu để phát triển thuê bao và sử dụng hiệu quả hạ tầng bộ đã không đưa dịch vụ dữ liệu 3G vào danh mục các dịch vụ cần quản lý theo hình thức đăng ký giá mà để doanh nghiệp tự điều tiết giá cho phù hợp với biến động của thị trường và năng lực hạ tầng mạng lưới.
“Song khi thuê bao, sản lượng tăng lên thì một mặt phải yêu cầu điều chỉnh giá lên với giá thành để bảo đảm thị trường cạnh tranh, phát triển bền vững như đã nói ở trên và doanh nghiệp có thể thu hồi vốn, tái đầu tư mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, mặt khác phải yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá để kiểm soát việc tăng giá là hợp lý không gây tác động lớn hoăc xấu đến người sử dụng dịch vụ”, ông Thắng nói.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc liệu giá cước 3G có tăng trong thời gian tới, bà Phạm Thanhh Vân, Phó giám đốc công ty viễn thông Viettel cho biết, hiện Viettel chưa thể trả lời được câu hỏi trong năm tới liệu có tăng cước 3G nữa không bởi động thái này còn phụ thuộc vào giá thành trên thực tế và bộ có cho phép được bán dưới giá thành hay không?
“Nếu doanh nghiệp không chịu sự quản lý của nhà nước, có thể tự định giá cước thì chắc chắn sẽ có giá bán khác để thu hút lượng người dùng nhiều nhất. Nhưng quy định lại không cho phép bù chéo từ dịch vụ này sang dịch vụ khác”, bà Vân nói.
Còn ông Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc MobiFone cho rằng có thể năm sau mạng di động này sẽ tính cách điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G sao cho ít ảnh hưởng đến người dùng. Tuy vậy, mức điều chỉnh sẽ vẫn thấp hơn giá thành. Việc điều chỉnh này có thể không phải là tăng giá mà là đưa thêm ra những gói cước tương ứng với chất lượng, tốc độ khác nhau thì giá khác nhau.
Video đang HOT
Cũng như MobiFone, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone cho biết thời gian tới mạng di động này cũng sẽ đưa ra những gói cước mới.
Theo ông Chiến, thông thường mạng viễn thông ban đêm không được sử dụng nhiều. Do đó rất có thể MobiFone sẽ ra gói cước 3G nhằm khuyến khích người dùng vào ban đêm với giá cước rẻ.
Bên cạnh đó nhà mạng cũng khuyến cáo người dùng 3G nên lựa chọn các gói cước 3G phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng.
Theo TBKTSG Online
Tăng cước 3G dẫn đầu 10 sự kiện ICT năm 2013
Việc tăng cước 3G của ba nhà mạng lớn dẫn đến phản ứng của đông đảo khách hàng là sự kiện CNTT-TT (ICT) lớn nhất trong năm 2013 tại Việt Nam.
10 sự kiện ICT Việt Nam 2013 - Ảnh minh họa: Internet
Ngày 30-12-2013, Câu lạc bộ các nhà báo Công nghệ thông tin đã công bố kết quả bình chọn các sự kiện Công nghệ Thông tin - Truyền thông (ICT) tiêu biểu năm 2013.
Việc bình chọn 10 sự kiện ICT hàng năm nhằm điểm lại những hoạt động, sự kiện nổi bật và tiêu biểu trong lĩnh vực này của Việt Nam trong năm qua dựa trên các tiêu chí gồm mức độ ảnh hưởng của sự kiện đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành ICT.
Khách hàng phản ứng "Tăng cước 3G"
Ngày 16-10-2013, VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G. Bộ TT&TT xác nhận đây là lần điều chỉnh cước có gói cước tăng, có gói cước giảm và có gói cước giữ nguyên nhưng tính tổng thể thì cước 3G sẽ tăng khoảng 20%.
Về phía các nhà mạng di động, lý do mà họ đề xuất tăng cước 3G là do dịch vụ này đang bán dưới giá thành quá nhiều. Vì vậy, nếu không tăng cước nhà mạng sẽ bị lỗ và rất khó khăn trong việc đầu tư mở rộng mạng 3G cũng như đảm bảo chất lượng của dịch vụ này.
Tuy nhiên, việc tăng cước 3G đã khiến nhiều khách hàng tỏ ra bất bình bởi đây là thời điểm kinh tế khó khăn và có một số gói cước bị tăng quá cao lên đến trên 200%. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ 3G khiến nhiều khách hàng phiền lòng. Thậm chí một số khách hàng đã phản ứng bằng cách hủy dịch vụ này sau khi nhà mạng tăng cước 3G.
Giới truyền thông cũng đặt ra nghi vấn có hay không khả năng nhà mạng bắt tay tăng cước 3G. Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc, nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật
OTT: người dùng "mê", nhà mạng "chê"
Sự kiện được xếp thứ hai là sự bùng nổ của thị trường ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí (OTT) trong năm 2013 với hàng chục triệu người Việt đăng ký sử dụng.
Bên cạnh phần mềm Viber đến từ Israel đang chiếm vị trí dẫn đầu với 8 triệu người dùng, sản phẩm nhắn tin Zalo của Việt Nam đang bám đuổi rất sát với hơn 7 triệu người dùng... Trong khi đó, các mạng di động lại than phiền doanh thu của họ bị giảm cả nghìn tỉ đồng do người dùng sử dụng OTT thay thế cho gọi điện và SMS truyền thống.
Nghị định 72: nhiều điều cư dân mạng cần biết
Chính phủ ban hành Nghị định số 72 về quản lý thông tin trên mạng được bầu chọn là sự kiện đứng thứ 3 vì tác dụng của Nghị định trong việc tạo hành lang minh bạch cho sự phát triển Internet tại Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển của các loại hình thông tin mới bên cạnh các phương thức truyền thống, phù hợp với thực tế phát triển Internet tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhiều cư dân mạng lại cho rằng, văn bản này là sự ngăn cấm hoạt động tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cũng như việc tổng hợp tin tức. Phía cơ quan quản lý khẳng định, Nghị định 72 không có ý nào cấm người dùng mạng xã hội tìm kiếm, chia sẻ tin tức.
Ngoài ra, văn bản này còn có các thông tin liên quan đến vấn đề bản quyền với các trang tin: các trang tin không được tùy tiện đăng tải, trích dẫn, tổng hợp thông tin từ các nguồn chính thống mà không được sự đồng ý của người sở hữu; trang tin tổng hợp theo mô hình nào phải chịu sự quản lý tương ứng...
Một trong những nội dung quan trọng khác của Nghị định số 72 là cấp phép trở lại cho Game online kể từ 1-9-2013. Trước đó, cơ quan quản lý đã có văn bản tạm ngừng cấp phép game mới trong 3 năm.
Tấn công DDoS: thảm họa an ninh mạng
Sự kiện thứ 4 là hàng loạt tờ báo điện tử lớn bị tấn công DDOS bắt đầu từ tháng 7-2013. Mức độ tấn công DDOS mạnh hơn cả những cuộc tấn công trước đây nhằm vào báo VietnamNet trong các năm 2010 và 2011.
Trong cuộc tấn công DDOS đồng thời nhằm vào nhiều báo điện tử này, Bộ TT&TT đã có sự chỉ đạo ứng cứu sát sao, tập trung mọi nguồn lực từ các ISP để mở rộng hạ tầng, phối hợp với các cơ quan an ninh, an toàn thông tin để truy tìm và chặn IP của máy chủ điều khiển, tuyên truyền phương pháp diệt virus botnet tham gia cuộc tấn công. Do đó, cuộc tấn công DDOS đã bị chặn và giảm dần cường độ trong thời gian ngắn, không thể tấn công kéo dài hàng tháng như các cuộc DDOS trước đây.
* Các sự kiện tiếp theo gồm:
Viettel, FPT, VNPT nhảy vào thị trường truyền hình cáp
Samsung và Nokia cùng đẩy mạnh đầu tư vào thị trường VN
Phóng thành công vệ tinh viễn thám của Việt Nam
Tổng giám đốc VNPT bất ngờ bị điều chuyển công tác
Bắt đầu thực hiện số hóa truyền hình
"Lùm xùm" kết nối giữa CMC, FPT, Viettel, VDC.
Theo TTO
DN viễn thông lãi chục nghìn tỷ vẫn tăng 3G,"luộc" tiền khách Năm 2013, doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước đạt 119.000 tỷ đồng, doanh thu của Vietel là 163.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận lần lượt là 9.270 tỷ đồng và 26.400 tỷ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận của VNPT. Mặc dù lãi lớn nhưng cả Vietel, MobiFone, Vinaphone năm vừa qua đều tăng cước 3G...