Truyền cảm hứng đến trường cho học sinh
Bằng lòng nhiệt huyết với nghề, nhiều thầy cô giáo trẻ đã có cách làm hay, sáng tạo, mang đến cho HS những trải nghiệm thú vị mỗi ngày đến trường.
Thầy Phạm Văn Phúc cùng các em HS Trường TH Võ Thị Sáu (TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) tham gia mô hình “Gây quỹ giúp HS nghèo”.
Tư duy theo hướng tích cực
Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nga-Anh (Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) năm 2007, cô Nguyễn Lê Thúy Hà về giảng dạy môn tiếng Anh tại Trường TH Trường Sơn (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa). Để khơi nguồn cảm hứng và truyền ngọn lửa đam mê học tiếng Anh cho HS, cô Hà luôn tìm tòi sáng tạo. Theo đó, trong mỗi tiết học, HS tích cực phát biểu xây dựng bài sẽ được tặng sticker ngộ nghĩnh. Khi thu thập đủ 10 sticker, các em được đổi lấy cây bút hoặc truyện tranh song ngữ.
“Trong quá trình giảng dạy, tôi đã chia sẻ với HS rằng, con có thể làm điều đó, kể cả khi những người khác nói không thể. Con hãy tư duy theo hướng tích cực. Từ đó, HS đã có tiến bộ rõ rệt từng ngày, yêu thích việc học tiếng Anh hơn và kèm cặp các bạn học yếu”, cô Hà chia sẻ.
Điển hình là em Phạm Lý Hải Hà (HS lớp 5A5). Đầu năm học 2022-2023, Hải Hà theo ba mẹ chuyển từ tỉnh Cao Bằng đến học tại Trường TH Trường Sơn. Thời gian đầu, Hà rất rụt rè và thường không trả lời được các câu hỏi của GV. Qua thời gian học tập, làm quen với các bạn, đến nay, Hà là thành viên năng nổ, tích cực và thường xuyên giúp đỡ những bạn yếu hơn trong tiết học tiếng Anh.
Từ việc truyền cảm hứng của cô Hà, nhiều HS có năng khiếu môn tiếng Anh được phát hiện, bồi dưỡng để tham gia các kỳ thi quốc gia và đạt nhiều thành tích vượt bậc. Bản thân cô Hà là GV dạy giỏi, điển hình tiên tiến và được nhận Bằng khen của tỉnh, Bộ GD-ĐT.
Cô Nguyễn Lê Thúy Hà, GV bộ môn Tiếng Anh Trường TH Trường Sơn (TP. Bà Rịa) vừa vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ.
Trau dồi kỹ năng cho học sinh
Trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát của Trường TH Võ Thị Sáu (TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ), thư viện xanh của trường nhiều năm qua trở thành không gian giải trí lý tưởng cho HS. Đây là nơi các em đọc sách, vui chơi, làm bài tập…
Video đang HOT
Thư viện xanh là công trình do thầy Phạm Văn Phúc, Tổng phụ trách Đội khởi xướng cùng các GV trong Chi Đoàn trường và HS thực hiện. Khuôn viên thư viện rộng khoảng 100m2, trên tường vẽ những bức tranh mang thông điệp ý nghĩa của việc đọc sách. Xung quanh thư viện trang trí bằng những cây xanh, chai nhựa vẽ hình ảnh ngộ nghĩnh.
“Trường có hơn 1.000 HS. Để các em hiểu, đồng tình và hưởng ứng các phong trào, hoạt động thu hút sự tò mò, hứng khởi của HS, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về nhu cầu của các em từ đó nảy sinh ra những ý tưởng có tính thực tiễn. Mô hình thư viện xanh, thu gom rác thải nhựa… đã ra đời, được HS hưởng ứng. Mỗi năm, tôi cố gắng tìm ra 1 mô hình mới để thu hút các em”, thầy Phúc chia sẻ.
Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà may mắn” được thực hiện bằng hình thức đổi 10 vỏ chai nhựa hoặc vỏ lon lấy phiếu rút thăm may mắn. Phiếu bỏ vào thùng và sau khi bốc thăm, HS may mắn sẽ được chọn 1 món quà là: hộp màu, gấu bông, tập vở hoặc bánh kẹo. Toàn bộ chai nhựa, vỏ lon thu gom sẽ được mang đi bán ve chai. Cùng với số tiền HS ủng hộ trong phong trào “Gây quỹ giúp HS nghèo”, nhà trường dùng để tặng học bổng, đồng phục, gạo, nhu yếu phẩm cho HS nghèo tại địa phương. Những món quà tuy nhỏ, nhưng thiết thực và ý nghĩa, góp phần động viên các em HS vươn lên.
Bên cạnh đó, thầy Phúc còn tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều hoạt động bổ ích khác. Trong đó, nổi bật là phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt” được triển khai trong trường. Từ khi triển khai phong trào, HS không còn nói tục, chửi thề. Các em phấn đấu học tập, giành nhiều hoa điểm 10.
7 năm gắn bó với công tác Đội, thầy Phúc đã nhận nhiều khen thưởng của Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn, Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Bộ GD-ĐT.
Bà Lê Thị Thu Sương, Phó hiệu trưởng Trường TH Võ Thị Sáu nhận xét: “Thầy Phúc luôn nhiệt tình, gần gũi, hòa đồng và dành trọn đam mê, tâm huyết với nghề. Thầy có nhiều ý tưởng sáng tạo, thu hút HS, tạo sự đoàn kết và góp phần cùng nhà trường giáo dục kiến thức, kỹ năng cho các em, truyền cảm hứng cho HS”.
Người truyền cảm hứng cho học sinh Sín Chải
Cô Lò Thị Thẩm, Trường PTDTBT - THCS Sín Chải luôn mong muốn học sinh của mình dù khó khăn, gian khổ nhưng vẫn được đến trường học hành.
Cô Lò Thị Thẩm, sinh năm 1992, giáo viên môn Địa lí, Trường PTDTBT - THCS Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Đó là chia sẻ của cô Lò Thị Thẩm, sinh năm 1992, giáo viên môn Địa lí, Trường PTDTBT - THCS Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Muốn là cô giáo để truyền cảm hứng cho học sinh
Cô Thẩm là người dân tộc Thái, từ bé cô đã chứng kiến cảnh vất vả của bố mẹ mưu sinh, chính vì vậy trong bản thân cô luôn ý thức phải chăm chỉ học hành để thay đổi cuộc đời.
Cô Thẩm chia sẻ: "Tôi rất thích học môn Ngữ văn, chính vì vậy khi học ở THCS, cô giáo dạy Ngữ văn dạy rất hay, mỗi lần đến giờ học môn đó em cảm thấy thời gian trôi rất nhanh.
Cô là người truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn bè tôi lúc đó. Và cô cũng giúp tôi xây dựng ước mơ trở thành một cô giáo để truyền những cảm hứng, kiến thức mình cho các em học sinh".
Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Thẩm quyết định thi vào Trường Đại học Tây Bắc ngành sư phạm Địa lí. Bốn năm miệt mài trên giảng đường đại học, cô Thẩm cầm trên tay tấm bằng cử nhân sư phạm ngành Địa lí và nộp đơn vào kỳ thi tuyển viên chức của huyện Tủa Chùa (Điện Biên).
Sau khi có kết quả trúng tuyển, cô Thẩm được phân về công tác tại Trường PTDTBT - THCS Sín Chải (Điện Biên).
"Trường học nơi tôi công tác cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường của các em học sinh gian nan. 100% học sinh là con em người dân tộc Mông, gia đình còn nhiều khó khăn. Nhiều em vào học đến bậc THCS đã là lao động chính trong gia đình", cô Thẩm kể.
Vì thế để học sinh đi học đúng độ tuổi, cô Thẩm và nhiều đồng nghiệp của mình trước mỗi năm học lại đi vào từng bản, làng gõ từng nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh cho học sinh đến trường. Phân tích cho họ hiểu giá trị của con chữ, con chữ sẽ giúp thay đổi cuộc đời ra sao? ...
"Có những lần đi bản, xe bị thủng săm giữa đường, phải gửi xe ở nhà dân. Những học sinh, phụ huynh nào đến nhà không gặp chúng tôi lại lên tận nương để tìm bằng được. Đối với chúng tôi, những vất vả, cực nhọc không thấm gì khi học sinh được đến trường đó là hạnh phúc nhất của chúng tôi", cô Thẩm nhớ lại.
Cô Thẩm luôn muốn truyền những năng lượng tích cực cho học sinh của mình.
Thầy cô chính là cha mẹ thứ hai
"Tôi vẫn nhờ một học trò của tôi tên là Sùng A Trường, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Địa lý năm học 2021-2022. Em ấy trên lớp rất chăm chú nghe giảng, ham học hỏi. Có những buổi ôn do trời quá rét, phải nhóm bếp để vừa sưởi ấm và học nhưng A Trường vẫn miệt mài học, tôi cảm tưởng như cái rét buốt của miền sơn cước cũng không thể tác động đến sự ham học của em ấy. Càng chứng kiến, tôi càng thương học trò của mình hơn", cô Lò Thị Thẩm, giáo viên môn Địa lí, Trường PTDTBT - THCS Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Dẫu là dạy học sinh nội trú, thế nhưng hàng năm cô Thẩm vẫn cố gắng dành thời gian để đến nhà thăm hỏi, động viên và nắm bắt được hoàn cảnh của mỗi học sinh mình chủ nhiệm.
Cô Thẩm chia sẻ: "Tôi muốn gần gũi với học sinh để hiểu được tâm lý của các em. Học sinh của tôi khá nhút nhát, do đó người giáo viên phải chủ động tìm đến các em, chia sẻ cùng các em hiểu và mở lòng với cô giáo khi gặp khó khăn.
Học sinh nội trú có tính tự lập rất cao, các em tự ý thức học tập. Ngoài những giờ học, tôi cùng học trò trồng rau tăng để cải thiện bữa ăn.
Đối với những học sinh học tốt, tôi sẽ mua tặng đồ dùng học tập, các cuốn sách hạt giống tâm hồn.... dẫu món quà giá trị nhỏ nhưng nó động viên, khích lệ tinh thần phấn đấu của các em rất lớn.
Đối với những học sinh còn ham chơi, tôi sẽ sát sao, chủ động quan tâm, hỏi han về gia đình, những khó khăn các em gặp phải rồi qua đó lồng ghép cách dạy bảo thì các em sẽ sửa đổi và chú tâm vào học".
Học sinh học nội trú, thầy cô chính là cha mẹ thứ hai. Chính vì vậy, mỗi câu hỏi của học trò, tôi cố gắng giải đáp hết cho các em. Đối với những vấn đề tôi chưa nắm rõ tôi sẽ nghiên cứu, tìm tài liệu để có câu trả lời thỏa đáng cho các em.
Thành tích nổi bật cô Lò Thị Thẩm đạt được:
Năm học 2020 - 2021, đội tuyển của cô giáo Lò Thị Thầm ôn luyện thi học sinh giỏi Địa lý, có một học sinh đạt giải Ba cấp tỉnh.
Năm học 2021 - 2022, một học sinh đạt giải Nhì cấp tỉnh.
Sau 6 năm giảng dạy, cô giáo Lò Thị Thầm nhận được 2 giấy khen của Đoàn xã Sín Chải.
1 giấy khen của Chủ tịch UBND xã Sín Chải.
4 giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa.
2 năm được Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Năm 2022, cô giáo Lò Thị Thầm là một trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" tổ chức dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Ước vọng trong dịp 20/11 của thầy giáo mầm non duy nhất nơi cực Tây Tổ quốc 'Dịp 20/11, tôi không mong gì cho bản thân, chỉ ước có một con đường đẹp cho học sinh đến trường, và các em có đủ áo ấm khi mùa đông lạnh về'. Thầy giáo Bàn Văn Đức (Dân tộc Dao, sinh năm 1990, điểm trường Chuyên Gia 3, Trường Mầm non Nậm Kè, huyện Mường Nhé, Điện Biên) bắt đầu câu chuyện...